Ông chủ của Uber – Tỉ phú không sở hữu chiếc xe nào

Thứ Hai, 23/03/2015, 08:10
Từng được Tạp chí Business Insider bình chọn là một trong 10 Giám đốc điều hành (CEO) quyến rũ nhất, Travis Kalanick, ông chủ của Uber vừa được tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ lần đầu tiên đưa vào danh sách 400 người giàu nhất thế giới năm 2015 với số tài sản 5,3 tỉ USD. Tuy vậy, không phải ai cũng biết rằng Travis Kalanick từng suýt ngồi tù do thất bại trong kinh doanh và hiện không sở hữu chiếc xe nào ngoài sử dụng dịch vụ taxi Uber để đi kể từ khi sáng lập ra nó năm 2009.

Khởi nghiệp gian nan

Travis Kalanick sinh năm 1976,  trong một gia đình không mấy khá giả, cha là kỹ sư, mẹ bán quảng cáo cho tờ Los Angeles Daily News, nuôi gia đình 6 miệng ăn.

Khi còn nhỏ, Travis từng mơ ước trở thành điệp viên. Nhưng với bản chất tự tin, khả năng thuyết phục và tính không biết thỏa hiệp đã hướng cho cậu theo nghiệp mẹ.

10 tuổi, Travis đã “khởi nghiệp” bằng nghề bán hàng gõ cửa từng nhà cho hãng buôn dao Cutco. Bạn bè cũ kể rằng Travis là một tay buôn con thoi "nhí" có hạng, lúc nào cũng lăm le bán cho bạn cùng lớp một thứ gì đó. Kalanick có biệt tài kể chuyện hấp dẫn, có "động cơ đốt trong" là kiếm tìm lợi nhuận bằng mọi kiểu.

18 tuổi, nhân lúc phải qua sát hạch khi đăng ký nhập trường đại học, Kalanick mở thương vụ đầu tiên: lập dịch vụ luyện thi SAT, gọi là New Way Academy. SAT bao gồm ba nội dung: toán, đọc hiểu và viết. Lập ra khóa học "hơn 1.500 điểm" (thi SAT), Kalanick tuyên bố, người đầu tiên anh ta kèm đã tăng được điểm số SAT của mình lên 400 điểm. Ấy vậy mà bản thân “thầy” thì chỉ được 1.580 (tổng số của 3 môn SAT là 2.400) cho cả 3 môn.

Theo tờ Business Insider, anh ta bị trượt vỏ chuối vì hai câu trong phần ngữ văn. May mà tính cách yêu các con số đã giúp anh ta giải toán chỉ sau 8 phút (thời gian quy định là 70 phút). Kết quả này mở đường cho Kalanick vào Đại học California UCLA.

Khi đang theo học ngành máy tính, Travis Kalanick đã cùng Michael Todd và Vince Busam sáng lập dịch vụ tìm kiếm và chia sẻ dữ liệu ngang hàng - Scour. Năm 1998, Kalanick bỏ học để tập trung vào công việc và Scour nhanh chóng phất lên.

Travis Kalanick - ông chủ Uber.

Tuy nhiên, khi dịch vụ này thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng, cũng là lúc nó khiến các đại gia trong ngành giải trí để mắt đến.

Do Scour giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và có được nội dung mà không phải trả tiền, các công ty này đã cùng nhau kiện dịch vụ và đòi bồi thường 250 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa với việc Scour phải dừng hoạt động.

Khi số đơn kiện ngày một nhiều lên, nguy cơ thất bại của Scour càng cận kề. Những ngày cuối cùng khiến Kalanick thực sự căng thẳng.

Nhưng bản lĩnh bán hàng trong con người này không chịu khuất phục. Vì vậy, Kalanick vẫn ôm điện thoại hàng giờ để nói chuyện với đối tác, cứu vãn việc kinh doanh.

Phát biểu trong Hội thảo Failcon, Kalanick kể lại rằng: "Khi đó, ngày nào tôi cũng gọi điện thoại, cố gắng tạo ra doanh thu. Vì chúng tôi có hàng triệu khách truy cập website. Tôi nói với các đối tác về bước đi chiến lược. Những cuộc nói chuyện dài đến mức sáng hôm sau tôi không muốn dậy. Tôi phải tự thuyết phục bản thân rằng mình rất tự tin, vì nếu để tâm trạng thất bại lấn át, nó sẽ nghiền nát mình".

Năm 2000, khi không thể cứu vãn được nữa, nhóm sáng lập quyết định nộp đơn phá sản. Gần như ngay lập tức, Todd và Kalanick lại thành lập một công ty chia sẻ dữ liệu mới - Red Swoosh với đội kỹ sư cũ của Scour. Kalanick gọi đây là "sự kinh doanh trả thù".

Ông muốn tất cả các hãng giải trí từng kiện Scour biến thành khách hàng, và phải trả tiền cho mình. Thay vì tìm kiếm những nội dung họ không có bản quyền, Red Swoosh tập trung vào việc cung cấp nội dung cho người dùng theo cách rẻ hơn, khi cho phép họ chia sẻ băng thông.

Dịch vụ lần này của họ hợp pháp, nhưng một số hoạt động thì không. Sở Thuế Mỹ (IRS) phát hiện ra Red Swoosh gian lận trong nộp thuế thu nhập cho nhân viên. Kalanick bao biện rằng, Todd đã làm việc này mà không hề cho mình biết.

Các nhà sáng lập sau đó đã phải trả 110.000 USD cho IRS để tránh ngồi tù. Sự việc này đã khiến Kalanick và Todd xảy ra mâu thuẫn. Kalanick sau đó tiếp quản công ty cho đến khi gã khổng lồ máy chủ - Akamai mua lại năm 2007 với giá 19 triệu USD.

Thành công và thăng trầm

Sự sụp đổ của 2 dự án đầu đời đã khiến Travis Kalanick mất niềm tin vào thương trường. Ông có thể đã không đến với ý tưởng Uber nếu không gặp Garrett Camp tại Hội thảo công nghệ ở châu Âu năm 2008.

Và ông chủ công nghệ trẻ tuổi Garrett Camp, người vừa bán "đứa con tinh thần" StumbleUpon cho eBay với giá 75 triệu USD đã có duyên với Travis Kalanick trong lần gặp gỡ ấy.

Ý tưởng thành lập Uber cũng xuất hiện ngay trong đêm đầu tiên tại Paris khi hai người không bắt được xe taxi trở về do mưa tuyết quá dày.

Kể từ đây, Garrett Camp và Travis Kalanick đã quyết tâm tạo ra một ứng dụng mới với những tác vụ đơn giản: bật điện thoại lên, bấm nút và đặt hàng chiếc xe taxi bạn cần.

Được sáng lập từ năm 2009, song Ubercab ra mắt lần đầu tiên tại San Francisco vào mùa hè năm 2010, điều hành vài ba chiếc xe, tuyển dụng khoảng 10 nhân viên và có một ít tiền tài trợ. UberCab đã hoàn thành mục tiêu của hai doanh nhân trẻ: Thu gọn thị trường taxi trong một nút bấm.

Uber cách mạng hóa ngành kinh doanh taxi trong một nút bấm.

UberCab tận dụng xu hướng thanh toán bằng điện thoại đang thịnh hành thời bấy giờ. Sau khi điền thông tin thẻ tín dụng vào app, ai cũng có thể gọi taxi, đơn giản chỉ cần ấn nút. GPS sẽ lo phần định vị, chi phí sau đó sẽ được trừ thẳng vào tài khoản của khách. Nói cách khác, với UberCab, ai cũng được đi taxi như một triệu phú, Camp khẳng định.

Danh tiếng của công ty dần bay xa, nhưng chỉ thực sự thu hút được sự chú ý vào tháng 10 năm đó, khi bị Ủy ban Giao thông công cộng California đình chỉ hoạt động. Một lý do là vì chữ Cab trong cái tên UberCab có nghĩa là taxi, còn công ty thì không đăng ký giấy phép taxi.

Nhưng Kalanick không coi đây là vận đen, ngược lại, ông cho đây là cơ hội để bước vào trận đối đầu đầu tiên. Ông đã tảng lờ lệnh cấm, chỉ đổi tên UberCab thành Uber, và chuyển website về tên miền Uber.com. Từ đó trở đi, tiền đầu tư ồ ạt chảy về. Uber thu hút sự chú ý của những quỹ đầu tư hàng đầu làng công nghệ.

Trải qua những thăng trầm với hàng tỉ USD huy động được qua các vòng tăng vốn, bị cấm ở nhiều thành phố trên thế giới và tốc độ mở rộng đáng kinh ngạc ở các thành phố khác, Uber - ứng dụng cung cấp dịch vụ gọi taxi, đã trở thành hình mẫu của sự sáng tạo tại Thung lũng Silicon.

Công ty non trẻ với chỉ 5 năm tuổi đời đã cách mạng hóa thị trường taxi tại hơn 230 thành phố trên 51 quốc gia mà không hề sở hữu một chiếc xe nào. Bản thân Uber chính là một thị trường kết nối các lái xe độc lập và các tài xế taxi với hành khách thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, được sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ phân tích dữ liệu, Uber đảm bảo hành khách chỉ cần ngồi trên xe cho đoạn đường cần đi không quá 5 phút.

Được dẫn dắt bởi CEO và cũng là đồng sáng lập Travis Kalanick, Uber đã nghiền nát các công ty khởi nghiệp cạnh tranh trong thị trường "chia sẻ chuyến đi" cũng như các nghiệp đoàn taxi. Uber được định giá ở mức 41 tỉ USD sau khi huy động được nguồn vốn 1,2 tỉ USD trong vòng gọi vốn mới nhất hồi tháng 12/2014.

Bộ ba cùng lọt vào danh sách Forbes

Ngoài hai nhà đồng sáng lập cùng lọt vào danh sách xếp hạng của Forbes, câu chuyện về cậu nhân viên tài năng góp phần làm nên thành công của Uber cũng như sự nghiệp của Travis Kalanick và Garrett Camp không thể bỏ qua.

Vào tháng 1/2010, thời điểm Uber mới đi vào hoạt động, CEO Travis Kalanick đã từng chia sẻ một cảm nghĩ trên twitter: "Đang cần tìm kiếm người quản lý/phát triển kinh doanh giỏi cho một sản phẩm sử dụng dịch vụ định vị toàn cầu sắp được ra mắt - có gợi ý gì không?".

Một người có tên Ryan Graves đã nhìn thấy đoạn tweet của Kalanick và phản hồi kèm theo thông tin liên lạc: "Tôi có lời giải cho câu hỏi của anh. Hãy email cho tôi". Lúc đó, Graves vẫn là một chàng trai bình thường với kinh nghiệm làm quản trị cơ sở dữ liệu tại General Electric và có thời gian làm phát triển kinh doanh tại Foursquare.

Graves cũng không ngờ rằng chỉ 5 năm sau, đoạn tweet định mệnh đó đã biến anh trở thành tỉ phú. Graves làm CEO của Uber một thời gian ngắn trước khi Kalanick thay thế vào năm 2010. Sau đó Graves đảm nhiệm vị trí CEO toàn cầu của Uber.

Cả Kalanick, Graves và người đồng sáng lập Uber Garrett Camp đã lọt vào danh sách tỉ phú thế giới của tạp chí Forbes trong năm nay. Hai đồng sáng lập Kalanick và Camp nắm cổ phần lớn hơn trong công ty có trị giá tới 5,3 tỉã USD, Graves khiêm tốn hơn nắm cổ phần có giá trị 1,4 tỉ USD.

Mặc dù được ủng hộ tại nhiều nước, song cho đến nay mô hình taxi Uber vẫn đang bị cấm tại một số nước

Tại Singapore, các chủ xe tư nhân cung cấp dịch vụ taxi Uber tại quốc đảo này có thể phải đối mặt với án tù 6 tháng hoặc bị phạt tiền lên tới 3.000 SGD (khoảng 2.300 USD) hoặc cả hai hình phạt trên.

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Singapore (LTA) ngày 3/3 nêu rõ: Việc chủ xe riêng không đăng ký dịch vụ taxi mà vẫn chở khách là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và Luật Phương tiện cơ giới.

Ngoài việc bị phạt tiền từ 1.000-3.000 SGD và hình phạt tù giam từ 3-6 tháng, chủ xe có thể bị tước giấy phép lái xe trong thời gian 12 tháng hoặc bị tịch thu và tiêu hủy xe.

Bộ trưởng Bộ GTVT Singapore Josephine Teo cho biết, mặc dù những ứng dụng này giúp hành khách tiếp cận và thuê taxi dễ dàng hơn, nhưng về cơ bản không làm tăng nguồn cung xe taxi.

Bên cạnh đó, hiện Singapore chưa có quy định ràng buộc nào đối với các ứng dụng thuê taxi do bên thứ ba cung cấp. Vì vậy, các quy định mới được đưa ra là nhằm bảo vệ an toàn và lợi ích của khách hàng.

Từ tháng 12/2014, Tây Ban Nha đã ban hành lệnh cấm Uber hoạt động ở nước này tạm thời sau khi nhận được khiếu nại từ Hiệp hội Taxi ở thủ đô Madrid. Bộ GTVT Tây Ban Nha cũng đưa ra một báo cáo "gây sốc" về dịch vụ này có tên là "Uber taxi và những cảnh báo về hoạt động vận tải trá hình".

Báo cáo cho biết, Uber bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp taxi của nước này vì Uber cạnh tranh không lành mạnh và không có giấy phép phù hợp để kinh doanh hoạt động.

Tại Thái Lan, Cục trưởng Cục GTVT đường bộ Thái Lan Thiraphong Rodprasert hồi tháng 12/2014 cũng tuyên bố Uber "phải ngừng hoạt động ngay lập tức" do vi phạm pháp luật.

Theo Bangkok Post, dịch vụ của Uber Thái Lan không sử dụng đúng mục đích đăng ký, không tính phí theo đúng luật quy định trong Luật xe cộ, tài xế không có giấy phép giao thông công cộng và xuất hiện nạn phân biệt đối xử đối với khách hàng.

Tại thành phố Portland của Mỹ, ngày 8/12/2014 yêu cầu các tòa án đình chỉ hoạt động của Uber cho đến khi dịch vụ này phải "tuân thủ các quy tắc an toàn, sức khỏe và bảo vệ" người tiêu dùng của thành phố.

Chính phủ liên bang Ấn Độ cũng cảnh báo các cơ quan chức năng nước này ngừng cấp phép hoạt động cho dịch vụ taxi Uber, sau khi một lái xe không có giấy phép của hãng này bị buộc tội cưỡng bức một nữ hành khách ở New Delhi.

Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh cho biết, Bộ đã cố vấn cho chính quyền liên bang để đảm bảo rằng, hoạt động của Uber phải dừng lại và bị cấm cho đến khi đăng ký đầy đủ với các cơ quan chức năng Ấn Độ.

Theo nguồn tin riêng của PV Chuyên đề ANTG, trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tự động tại các tụ điểm công cộng, các đầu mối giao thông. Đồng thời, báo chí Nhật cũng công bố thông tin, vào năm 2016, hệ thống mã số cá nhân gồm 12 ký tự sẽ được áp dụng cho cả người nước ngoài, thay vì chỉ cho công dân Nhật.

Đây được xem là một lời cảnh báo, thông qua những biện pháp trực diện tác động tới vấn đề quản lý an ninh, thuế cá nhân và bảo hiểm… nhằm đối phó với tình trạng trốn thuế cá nhân, làm quá giờ cho phép, trốn ra ngoài làm lao động bất hợp pháp… của các lao động nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó có một bộ phận du học sinh tự túc Việt Nam.
Bảo Trân (tổng hợp)
.
.