Yahoo từng bị chính quyền Mỹ đe dọa do từ chối tiết lộ dữ liệu người dùng

Thứ Hai, 06/10/2014, 21:30

Năm 2008, chính quyền Mỹ từng đe dọa phạt Yahoo số tiền 250.000 USD mỗi ngày do công ty này từ chối chuyển giao dữ liệu giao tiếp của người dùng cho Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong chương trình gián điệp PRISM gây tranh cãi của cơ quan tình báo. Sự đe dọa này được công bố hôm 11/9 sau khi 1.500 trang tài liệu mật tiết lộ giới chức liên bang đã ép buộc các công ty công nghệ hợp tác với NSA như thế nào.

Tài liệu mật mô tả cuộc chiến pháp lý diễn ra trong bí mật và cuối cùng không thành công của Yahoo chống lại yêu cầu hợp tác của chính quyền. Chính vì bị thua kiện mà Yahoo buộc phải trở thành một trong những công ty công nghệ đầu tiên bắt đầu cung cấp thông tin người dùng cho PRISM - chương trình gián điệp  giúp NSA thu thập dữ liệu giao tiếp trực tuyến từ những người dùng Yahoo và các công ty công nghệ khác tại Mỹ. Quyết định của Tòa án Giám sát Tình báo nước ngoài (FISC, cũng được gọi là Tòa án FISA) là chìa khóa thành công cho PRISM, giúp chính quyền yêu cầu các công ty lớn ở Thung lũng Silicon - như Google, Apple và AOL - cung cấp nguồn dữ liệu khổng lồ cho cộng đồng tình báo Mỹ.

Theo Stephen Vladeck, giáo sư luật đại học ở Mỹ, một phiên bản tài liệu tòa án được tiết lộ năm 2009 nhưng đã được biên tập quá nhiều đến mức giới quan sát không thể biết rõ công ty nào liên quan đến chương trình PRISM.

PRISM được tiết lộ đầu tiên bởi người tố giác Edward Snowden năm 2013 làm dấy lên cuộc tranh cãi về guồng máy gián điệp của chính quyền Mỹ. Từ đó, các công ty công nghệ cố gắng đấu tranh tự vệ chống lại những buộc tội cho rằng, họ sẵn sàng tham gia mọi chương trình gián điệp của chính quyền - sự buộc tội đặc biệt gây tổn hại cho tiếng tăm của các công ty hải ngoại bao gồm những thị trường béo bở ở châu Âu.

Yahoo bị chỉ trích nặng nề sau khi tờ Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh tiết lộ chương trình PRISM của NSA. Tờ New York Times đưa tin lần đầu tiên về vai trò của Yahoo trong chương trình PRISM vào tháng 6/2013, tức một tuần sau khi chương trình bị tiết lộ gây giận dữ ở Mỹ và cả thế giới. Thẩm phán William C. Bryson của FISC ra lệnh các tài liệu tòa án trong cuộc chiến pháp lý giữa Yahoo và chính quyền phải được giải mật hôm 11/9.

Ron Bell, tổng cố vấn của Yahoo, viết trên trang tiểu blog Tumblr: "Những tài liệu được tiết lộ cho thấy chúng tôi đã chiến đấu từng bước như thế nào để chống lại các nỗ lực gián điệp của chính quyền". Ngay sau đó, Bộ Tư pháp và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) cũng đưa lên Internet một vài tài liệu liên quan đến FISC, trong đó cho biết các tòa án đặc biệt như thế này luôn song hành với chính quyền về hoạt động gián điệp.

Các công ty công nghệ càng bị o ép hơn nữa khi Luật Bảo vệ nước Mỹ (PAA) thông qua năm 2007 cho phép chính quyền thu thập dữ liệu đối với các mục tiêu tình báo ở bên ngoài nước Mỹ. Tiếp sau đó, Luật Sửa đổi của FISC năm 2008 tạo ra thêm quyền hạn pháp lý cho một số chương trình gián điệp của NSA mà sau này được Edward Snowden tiết lộ với báo chí. Chính quyền Mỹ buộc Yahoo cung cấp dữ liệu người dùng vào năm 2007, tức sau khi PAA được thông qua!

Trụ sở chính Yahoo! Inc. ở Sunnyvale, bang California (Mỹ).

Một tài liệu vào tháng 2/2008 mô tả lệnh buộc Yahoo cung cấp dữ liệu bao gồm "một số loại giao tiếp khi chúng được truyền đi". Điều đó cho thấy rõ là trong khi các mục tiêu ở bên ngoài nước Mỹ song khó tránh khỏi sự thu thập thông tin "ngẫu nhiên" các giao tiếp của công dân Mỹ. Nhưng, thay vì tuân theo lệnh của chính quyền, Yahoo kiện vụ việc ra tòa án. Trung tâm của vụ án là liệu rằng PAA có vượt qua giới hạn của hiến pháp hay không, đặc biệt là Tu chính án thứ 4 cấm những cuộc khám xét không có lý do và sự tịch thu không có lệnh của tòa án.

Một tài liệu của Yahoo mô tả vụ án "mang tầm quan trọng quốc gia rất lớn. Các vấn đề nghiêm trọng mà quốc gia phải đối mặt hôm nay - đó là quyền riêng tư vốn được Hiến pháp Mỹ bảo đảm sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào để bảo vệ an ninh quốc gia". Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm ra phán quyết rằng chính quyền đã có những biện pháp bảo vệ để tránh những vi phạm hiến pháp! Ngay khi Yahoo thua kiện trong vòng xét xử đầu tiên và trước khi vụ việc chuyển đến FISC, chính quyền Mỹ đã đi trước một bước - đó là đe dọa phạt công ty này 250.000 USD/ngày, trong khi vụ án còn chưa kết thúc! Đối mặt với số tiền phạt khổng lồ, Yahoo đành phải tuân theo lệnh nhưng vẫn tiếp tục vụ kiện nhưng vài tháng sau cũng chịu thất bại cay đắng.

Ron Bell viết trên Tumblr: "Cuộc chiến đấu của chúng tôi vẫn còn tiếp tục. Chúng tôi đang thúc bách FISC tiết lộ các tài liệu vụ án kéo dài trong hai năm 2007 - 2008 ở tòa án cấp dưới". Như vậy, cho đến nay, Yahoo đã dám "thách thức chương trình nghe lén không có lệnh tòa án hơn bất cứ công ty cạnh tranh nào khác"

Duy Ân (tổng hợp)
.
.