ASEAN và những thách thức

Thứ Hai, 08/07/2019, 13:23
ASEAN đang phải trải qua một giai đoạn nhiều biến động trong khu vực do cuộc cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Sự kình địch giữa hai nước lớn này hiện vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và chưa biết sẽ kéo dài bao lâu.

Cùng với đó là những khó khăn thách thức khác như đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử để quản lý hành vi trên Biển Đông; sự sụp đổ của hệ thống thương mại tự do; những sự không chắc chắn về tương lai của hệ thống thương mại đa phương và toàn cầu hóa, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng; sự xuất hiện của chính trị bản sắc và nhu cầu cấp thiết phải điều chỉnh theo những thực tế mới của nền kinh tế kỹ thuật số.

Những thách thức sâu sắc này cần được xử lý ngay khi các nước thành viên ASEAN tiếp tục đối phó với các thách thức phi truyền thống xuyên quốc gia hiện đang gây ra những nguy cơ thực sự hiện hữu, như chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, ma túy, buôn người, an ninh hàng hải và các thách thức trên không gian mạng.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok.

Mỗi nước thành viên ASEAN đều có những ưu tiên riêng ở trong và ngoài nước cũng như các mối quan ngại quốc gia khác có thể làm suy yếu khả năng hoặc sự sẵn sàng dốc sức vì một phản ứng được phối hợp của khu vực trước các thách thức đang ngày càng tăng này.

Hướng tới mục tiêu chung

Việc thành lập thị trường và cơ sở sản xuất chung là một khát vọng then chốt và sẽ làm được nhiều điều cho các nước trong khối ASEAN, nếu được hiện thực hóa trong Văn kiện tầm nhìn 2025 vừa mới được thông qua dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 vừa qua tại Bangkok. Đó là một tham vọng lớn nhưng mang tính khả thi cao. Khi xét tới tính độc đáo về mặt cấu trúc, nhất là hoạt động ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, việc ASEAN tiến bộ suốt 52 năm từ khi thành lập đến nay là một thành công không hề nhỏ.

Sự tiến bộ trong những lĩnh vực trọng yếu như an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội là điểm nhấn của khối. ASEAN đã đạt được những tiến bộ thực sự trong việc tạo ra các cách tiếp cận khu vực để chống lại các mối đe dọa và thách thức chung mà trong đó phải kể đến chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, các vấn đề an ninh phi truyền thống như buôn người, sự hỗ trợ nhân đạo cũng như chuẩn bị cứu trợ thảm họa mà một vài trong số này là những nhiệm vụ liên quan đến nhiều trụ cột.

Sự hợp tác kinh tế ASEAN đã tiến xa kể từ khi ký kết Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN vào năm 1992. Các nước thành viên đã có những tiến bộ về kinh tế trong nước một phần nhờ tư cách thành viên ASEAN, được hưởng lợi từ hòa bình và sự ổn định mà nhóm này đã đem lại cho khu vực, cũng như các thỏa thuận nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài được thiết lập trong những năm qua.

Hồ sơ tập thể của ASEAN đã được hoàn thiện đáng kể, chẳng hạn như quy mô thị trường đạt mức 640 triệu người. Thương mại với thế giới đang tăng (ở mức 2.570 tỷ USD năm 2017) trong đó phần lớn là nhờ sự hỗ trợ từ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do của khối này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gia tăng hàng năm (mức 2.800 tỷ USD trong năm 2017) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng ở mức 137 tỷ USD trong năm 2017. Tất cả những con số này cho thấy ASEAN đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới tính đến năm 2030, và làm nên hình ảnh tốt đẹp về thành công của khối.

Trên thực tế, những số liệu này chỉ ra rằng nếu ASEAN chỉ là một quốc gia, thì chắc chắn đây sẽ là một chủ thể kinh tế toàn cầu đáng gờm. Tuy nhiên, nếu chia nhỏ các số liệu này theo thành tích của từng nước thành viên thì có thể thấy sự chênh lệch lớn tồn tại ngay trong nhóm. Niên giám thống kê ASEAN năm 2018 do Ban thư ký ASEAN công bố cho hay sự chênh lệch này dựa trên số liệu thống kê của từng nước thành viên.

Chẳng hạn GDP bình quân đầu người của Singapore và Brunei gồm 5 con số trong khi các nước thành viên ASEAN còn lại vẫn dừng ở mức 4 con số. Dòng vốn FDI hàng năm chảy vào khu vực này cũng không phân bổ đều. Một số nước thành viên hàng năm thu hút dòng vốn lớn trong khi các nước khác thì không.

Đương đầu với những tồn tại

Giai đoạn hội nhập kinh tế đầu tiên của ASEAN đã kết thúc vào năm 2015, và hiện khối này đang trong giai đoạn tiếp theo như được vạch ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN giai đoạn 2015 – 2025. Hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề quan trọng khác. Thương mại nội khối ASEAN chỉ chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, điều này có nghĩa là bất kỳ thay đổi nào trong môi trường thương mại bên ngoài cũng sẽ tác động đến tình trạng ngoại thương của ASEAN.

ASEAN phải vượt qua những vấn đề nội tại để phát triển.

ASEAN đã đặt cho mình mục tiêu tăng gấp đôi thương mại nội khối tính đến năm 2025 như là một bước đệm chống lại sự phụ thuộc quá mức của khối này vào thương mại toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh và cam kết của mỗi nước thành viên, bao gồm việc cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng bên trong ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất nhập khẩu xuyên biên giới cũng như các hoạt động sản xuất bổ trợ.

Một vấn đề khác, đó là mặc dù các nước thành viên ASEAN đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu xóa hoặc giảm thuế được nhất trí trong AFTA và danh sách loại trừ đã được rút ngắn, nhưng vẫn có sự gia tăng đồng thời các biện pháp phi thuế quan bên trong ASEAN, từ 1.634 lên đến 3.975 biện pháp. Các biện pháp phi thuế quan làm suy yếu môi trường miễn thuế mà AFTA đang tìm cách thúc đẩy.

Khoảng cách phát triển cũng là một trong những vấn đề của các quốc gia nội khối ASEAN hiện nay. Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) được tạo ra với mục tiêu cụ thể là thu hẹp khoảng cách phát triển bên trong khối, tuy nhiên khoảng cách này vẫn còn rất rộng. Ngoài ra, vấn đề rào cản pháp lý của từng quốc gia cũng cản trở sự thực hiện một thỏa thuận ASEAN nhất quán. Mỗi nước có những hạn chế, thách thức và áp lực khác nhau về nội dung này khiến cho việc thực hiện các thỏa thuận ASEAN ở cấp quốc gia chưa phải là ưu tiên.

Ngoài ra, đối với một số nước thành viên, một số thỏa thuận có thể khó thực hiện cho dù họ đã nhất trí về nguyên tắc. Chẳng hạn như việc chuyển dịch lao động trong ASEAN. Các quốc gia như Singapore hay Malaysia sẽ thận trọng khi cân nhắc cho phép chuyển dịch lao động tự do vì điều này có thể dẫn đến một cơn lũ người lao động trình độ thấp từ các nước kém phát triển tràn sang.

Sự gắn kết về kinh tế của ASEAN vẫn đang được củng cố, nhưng vẫn cần phải có quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn. Có những thách thức mới cần phải giải quyết như các xu hướng hiện nay phản đối các thỏa thuận thương mại đa phương, thái độ chống lại toàn cầu hóa và các xu hướng bảo hộ đang gia tăng. Những thách thức này sẽ trở nên phức tạp hơn nữa do sự không chắc chắn phát sinh từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng.

Mặc dù mỗi nước thành viên sẽ phải tự điều chỉnh và thay đổi chính sách để điều hướng và giảm thiểu tác động của các xu hướng toàn cầu này, thì ASEAN – với tư cách là một khối – cần phải tiếp tục lên tiếng chống lại những xu hướng trên và mạnh mẽ ủng hộ việc bảo toàn một hệ thống thương mại đa phương tự do, do các quy tắc và chuẩn mực quốc tế chi phối.

Thương mại nội khối ASEAN được đánh giá là chưa đủ mạnh.

Giữa các nước lớn

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã đẩy ASEAN vào một tình huống khó khăn. Tình trạng sẽ thêm phức tạp hơn nếu mỗi nước thành viên phải ngả về phía cường quốc này hay cường quốc kia, dẫn tới ASEAN không thể hướng tới một lập trường chung trong cuộc cạnh tranh này. Trên thực tế, ASEAN không làm được điều gì để giúp cả hai bên giải quyết những khác biệt. Đây là cuộc đối đầu giữa các ông lớn và ASEAN không có sức nặng để tác động đến kết quả.

Nhiều đánh giá cho rằng cuộc cạnh tranh nước lớn này có thể là phép thử cho tinh thần đoàn kết của ASEAN. Và mặc dù ASEAN có thể phải chịu những hậu quả bất lợi do cuộc thương chiến Mỹ - Trung gây ra, nhưng giống như phần còn lại của thế giới, họ chỉ là khán giả. Điều thực sự khiến các nước thành viên ASEAN lo lắng là một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông có khả năng dẫn tới một cuộc xung đột thực sự hay không?

Mỹ đã nói rõ rằng họ không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và quyết tâm thách thức các hoạt động của Trung Quốc tại đây, được thể hiện qua việc các tàu Hải quân Mỹ tăng cường hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại khu vực này gần đây.

Rõ ràng là nếu tình hình Mỹ - Trung trở nên tồi tệ hơn nữa, thì ASEAN sẽ phải điều chỉnh để đối phó với những thực tế và thách thức mới, và đảm bảo rằng phản ứng của ASEAN trước hoàn cảnh đã thay đổi sẽ không đẩy họ đứng về phe này hay phe kia. Đó là một tình huống khó khăn đối với ASEAN, khi 2 trong số các đối tác quan trọng nhất của khối này có những vấn đề nghiêm trọng với nhau, và hồi kết vẫn còn chưa rõ ràng.

Thương mại nội khối ASEAN được đánh giá là chưa đủ mạnh.

ASEAN cũng sẽ phải đề cập đến khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở khi Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đã làm rõ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ thông qua một báo cáo được công bố trong thời gian diễn ra Đối thoại Shangri-La. Người Mỹ cho rằng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở sẽ thúc đẩy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong cơ cấu an ninh khu vực.

Không rõ điều này có nghĩa là gì mặc dù nó ám chỉ kỳ vọng rằng ASEAN sẽ tính đến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ trong khái niệm vai trò trung tâm của ASEAN.

Và trọng tâm hàng đầu của ASEAN là phải đảm bảo rằng các mục tiêu phát triển và hội nhập của mình sẽ không suy giảm, duy trì cam kết của khối đối với các quy tắc và chuẩn mực dựa trên luật pháp quốc tế, và tiếp tục lên tiếng bảo vệ thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và các thị trường mở.

Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ còn phải thảo luận nhiều điều trước khi đi đến một hiểu biết chung về các thách thức kinh tế và an ninh mà khu vực này phải đối mặt, cũng như những bước đi mà ASEAN phải thực hiện để ứng phó với những thách thức này. Và sự đoàn kết trong ASEAN chính là chìa khóa.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.