Ấn Độ sẽ thay Trung Quốc thành “công xưởng thế giới”?

Thứ Bảy, 17/10/2020, 13:16
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy hàng loạt nhà sản xuất đa dạng hóa mô hình hoạt động, trong đó có xu hướng chuyển nhà máy ra bên ngoài Trung Quốc.

Xu thế này càng tăng tốc hơn nữa khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bất ngờ bùng phát vào đầu năm nay, khiến vị thế “công xưởng thế giới” mà Trung Quốc nắm giữ lâu nay đang bị lung lay và quốc gia láng giềng Ấn Độ dường như đã nhận ra được cơ hội của mình, nóng lòng muốn chớp lấy thời cơ. Nhưng, liệu điều này có dễ dàng?

Trở ngại từ việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc

Cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc trong những năm gần đây đã tạo ra lực đẩy mới cho Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn được biết đến với tên gọi “Bộ tứ” - một tổ chức đa phương gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia. Đối thoại An ninh Bộ tứ được 4 quốc gia nói trên nối lại sau một thập niên bị gián đoạn vào tháng 11-2017, với mục tiêu nhằm tăng cường nỗ lực chống lại sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khả năng Bộ tứ có thể tạo ra một sự lựa chọn khác thay thế cho Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại còn khá hạn chế.

Trung Quốc hiện vẫn là trung tâm quan trọng nhất của các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhật Bản, Mỹ, Australia đều phụ thuộc vào các nguồn cung đến từ Trung Quốc để có thể sản xuất các sản phẩm xuất khẩu.

Bản thân Ấn Độ cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Hơn 1/4 giá trị gia tăng của trong các sản phẩm xuất khẩu của Ấn Độ là do Trung Quốc đóng góp. Hồi đầu thế kỷ XIX, điều này vẫn chưa xảy ra. Song, sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc đã tăng lên nhiều lần trong suốt 2 thập niên qua.

Sự phụ thuộc này thậm chí cũng không hề giảm đi trong những tháng gần đây. Ngay cả khi quân đội Ấn Độ đối đầu căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực biên giới kể từ hồi tháng 4, tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Ấn Độ vẫn tăng lên, bất chấp việc New Delhi liên tục nói về vấn đề “tự lực”. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 14% tổng hàng hóa nhập khẩu của Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2020. Tính tới nay, con số này đã tăng lên 19%.

Việc phải phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung cấp dược liệu và các thiết bị bảo hộ y tế để chống dịch đã phơi bày thực tế rằng các thành viên khác trong Bộ tứ cũng phải lệ thuộc rất nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Happymon Jacob, phó giáo sư làm việc tại Đại học Jawaharlal Nehru (JNU), nói với tờ tin tức kinh doanh Mint của Ấn Độ: “Cho đến nay, Bộ tứ vẫn chưa thể trở thành một lựa chọn thay thế nền kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc. Những nước này sẽ phải tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong khi vẫn phải tìm cách cân bằng sức mạnh quân sự với Bắc Kinh và đây sẽ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn”.

Ấn Độ nỗ lực thu hút các công ty đa quốc gia chuyển hoạt động sản xuất sang nước này.

Cơ hội nào cho Ấn Độ?

Khi COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều công ty đa quốc gia đã cân nhắc chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù việc đa dạng hóa như vậy rất có lợi, song đây không phải là điều dễ dàng và chi phí cũng không hề rẻ. Suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 gây ra đã khiến các công ty cạn kiệt tài chính và không nhiều công ty có thể ngay lập tức đầu tư vào các quốc gia khác.

Theo Amita Batra - nhà kinh tế học của JNU, chúng ta đã chứng kiến một số công ty bắt đầu quá trình chuyển đổi địa điểm sản xuất nhưng những hoạt động này không phải là trên quy mô lớn. Với việc mức lương trả cho người lao động ở Trung Quốc ngày một tăng, một số công ty đã bắt đầu tìm kiếm những lựa chọn thay thế ở các thị trường khác, thậm chí trước cả khi đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Batra chỉ ra rằng những công ty này lại chuyển hoạt động sản suất sang những nơi khác, không phải là Ấn Độ. Để tận dụng cơ hội, Ấn Độ cần cải thiện điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp, thực hiện các cải cách liên quan tới đất đai, luật lao động và thuế khóa.

Theo các nhà kinh tế, trong ngắn hạn, sẽ rất khó đối với Ấn Độ, hay bất kỳ nền kinh tế lớn nào, để có thể “tách rời” khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, trong dài hạn, Ấn Độ vẫn có tiềm năng trở thành đối thủ của Trung Quốc. Có một nhận thức ngày càng được công nhận rộng rãi, ít nhất là trong các nước thành viên của Bộ tứ, về nhu cầu cần “tách rời” khỏi Trung Quốc về mặt kinh tế và Ấn Độ có thể được lợi từ việc này.

Biswajit Dhar, một nhà kinh tế khác của JNU, phát biểu với báo Mint: “Trung Quốc có khả năng sản xuất ở quy mô lớn với chi phí thấp. Quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có khả năng sản xuất ở quy mô như vậy với mức giá tương tự đó là Ấn Độ. Chúng ta vẫn là một trung tâm sản xuất có chi phí thấp”.

Ngoài việc môi trường kinh doanh chưa được thuận lợi, cơ sở hạ tầng còn yếu kém của Ấn Độ cũng là một thách thức lớn đối với việc thực hiện tham vọng trở thành “công xưởng tiếp theo của thế giới”.

Theo một báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, Nam Á có thể trở thành động lực tiếp theo thúc đẩy sản xuất của thế giới nếu khu vực này cải thiện được môi trường kinh doanh, kết nối các công ty nội địa với các chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao tay nghề của công nhân cũng như cải thiện kỹ năng của những người quản lý.

Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu có hai khía cạnh: một quốc gia có thể đóng góp được bao nhiêu trong việc tạo ra các sản phẩm xuất khẩu của nước ngoài và một quốc gia phải phụ thuộc bao nhiêu vào đầu vào của nước ngoài để sản xuất ra các sản phẩm dùng để xuất khẩu. Tuy nhiên, Ấn Độ không chỉ giảm bớt việc tham gia vào hoạt động sản xuất toàn cầu kể từ năm 2008, mà những gì nước này nhận được từ việc hội nhập cũng suy giảm. Ấn Độ hiện đang sử dụng nhiều hơn các sản phẩm đầu vào giá trị cao nhập từ nước ngoài để sản xuất hàng hóa dùng cho xuất khẩu và đóng góp ngày càng ít giá trị vào các hàng hóa xuất khẩu của những nước khác.

Những nỗ lực nhằm giảm bớt rào cản thương mại, củng cố cơ sở hạ tầng và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính có thể hỗ trợ Ấn Độ hội nhập hơn nữa với các chuỗi giá trị. Một số chính sách gần đây, ví dụ như các hành lang công nghiệp, xóa bỏ bớt yêu cầu xin giấy phép và sáng kiến “Make in India”, là những bước đi đúng đắn nhưng chưa tạo ra được nhiều ảnh hưởng. Những chính sách khác, ví dụ như tăng rào cản thuế quan, có thể sẽ phản tác dụng vì cuối cùng chính những biện pháp này sẽ gây tổn hại tới các ngành công nghiệp của Ấn Độ khi làm gia tăng chi phí đầu vào.

Trong một nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ (ICRIER), Saon Ray và Smita Miglani đã viết rằng một thách thức khác đối với Ấn Độ đó là việc nước này thiếu các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Các công ty hàng đầu, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, xây dựng các mạng lưới bằng cách chia chuỗi sản xuất thành các chức năng riêng biệt và đặt chúng ở bất kể đâu mà chúng có thể được triển khai một cách hiệu quả nhất.

Ray và Miglani lấy ví dụ là tập đoàn Tata Motors trong lĩnh vực sản xuất ô tô và Reliance trong lĩnh vực hóa dầu đóng vai trò then chốt trong việc chuyển giao công nghệ, thiết lập các chuỗi cung ứng, và thu hút đầu tư nước ngoài. Thực trạng lao động thiếu tay nghề, khả năng tiếp cận tài chính bị hạn chế và những quy định pháp lý liên quan tới hoạt động kinh doanh chưa thực sự ổn định đã ngăn cản các công ty hàng đầu phát triển ở Ấn Độ.

Những thay đổi chính sách sâu rộng hơn ở trong nước, với việc tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, công tác hậu cần và xây dựng cơ sở hạ tầng được hiệu quả hơn, là điều rất cần thiết để giúp các công ty của Ấn Độ nâng cao sức cạnh tranh trước khi họ có thể bắt đầu sản xuất hàng hóa cho thế giới.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.