Ba ngón tay và ý chí của tâm hồn

Thứ Tư, 12/06/2019, 07:21
Lần nào gặp Lĩnh, tôi cũng luôn tự hỏi, bằng cách nào mà chàng trai khuyết tật ấy lại có thể có được bản lĩnh và sự nỗ lực đến tận cùng với hội họa? Không một ngày nào, Lĩnh không gửi cho tôi xem những phác thảo của mình về một ý tưởng nào đó hoặc một ý nghĩ nào đó về những bức tranh.

Dường như những bức tranh, hình khối, màu sắc là bạn đồng hành trong cả một chặng đường đã sống của em. Và tôi lý giải được một điều thật giản đơn rằng, hóa ra trong tận cùng của nỗi khổ, của sự mất mát, của sự bất lực tưởng ghìm chân con người ta lại, đó chính là sự vươn lên của một tâm hồn và trái tim ấm nóng.

Không đầu hàng số phận

Lê Quang Lĩnh sinh năm 1985 tại Hà Tĩnh trong một gia đình làm nông dân. Tuy nghèo nhưng sự ra đời của Lĩnh là niềm vui vô bờ bến của cả gia đình. Tên Quang Lĩnh được đặt như một sự kỳ vọng về sự bản lĩnh, sáng ngời của tương lai. Nhưng số phận run rủi lại không cho gia đình Lĩnh hưởng niềm vui trọn vẹn.

Lê Quang Lĩnh đi thực tế sáng tác.

Càng nuôi cậu bé Lĩnh lớn khôn, gia đình càng lo lắng vô cùng bởi cậu bé càng lớn thì tay chân càng bị teo lại, cậu cũng không như con nhà người ta "ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò" mà chân tay thì không cứng cáp, không biết ngồi, không thể đi lại. Cậu chỉ nằm như vậy dưới sự chăm sóc của gia đình.

Bố mẹ Lĩnh đưa con đi khám thì mới biết rằng, con trai mình bị bệnh bại não. Những tháng ngày tiếp theo đó là cả một sự nhọc nhằn đối với một gia đình theo nghề nông.

Bán được gì thì bán, vay mượn được ở đâu thì vay mượn, bố mẹ Lĩnh tìm thầy tìm thuốc, tìm bệnh viện chữa chạy cho con, hy vọng một phép màu nào đó sẽ xuất hiện để cứu cậu bé thoát khỏi căn bệnh quái ác này. Từ khi bị bệnh bại não, chân tay của Lĩnh co quắp lại. Hai bài tay cử động khó khăn. Đặc biệt, bàn tay trái thì không còn hoạt động theo sự chỉ dẫn của não, bàn tay phải chỉ còn cử động được 3 ngón.

Đến tuổi đi học, bố mẹ Lĩnh cõng con đến lớp trước sự ngạc nhiên và tò mò của bạn bè cùng trang lứa, của tất cả mọi người. Để nuôi giấc mơ đèn sách và con chữ, Lĩnh đối diện với đủ thứ nhọc nhằn của sự trêu ghẹo, sự khích bác, sự đổ vấy của những đứa trẻ muốn trút sự bực tức lên đầu người khác.

Ngày ngày, bố mẹ Lĩnh cõng con đi học về, dù biết thực sự rất khó khăn nhưng họ vẫn muốn con trai mình được sống hòa nhập với cộng đồng. Bạn bè đồng trang lứa dần dần quen với sự có mặt của Lĩnh, họ không còn trêu ghẹo cậu nữa mà ngược lại động viên, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ Lĩnh trong học tập.

Những lúc ngồi buồn, vì không được chạy nhảy như bạn bè, Lĩnh ngồi bên cạnh tập vở vẽ vời cho khuây khỏa. Chỉ là những nét vẽ ngây ngô, nhưng lâu dần, tập vở dày kín những đường nét bút mực.

Bố mẹ Lĩnh biết con thích học vẽ nên song song với học văn hóa, đã cho cậu đi học vẽ thêm tại Cung văn hóa tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng cho đến năm học lớp 5, bệnh tình ngày càng nặng thêm, Lĩnh không thể nói tròn vành rõ chữ, mồm méo, tay chân ngày càng co quắp khiến cho việc học trở nên tồi tệ hơn, Lĩnh đành phải nghỉ học để chống chọi với bệnh tật…

Song hành với việc đi chữa bệnh, Lĩnh được bố mẹ mua họa phẩm về nhà để tự học vẽ và sáng tác tranh, như là một sự giải khuây cho cậu con khuyết tật. Lĩnh chỉ còn 3 ngón tay để sáng tác, để vẽ. Và cậu cứ mò mẫm như vậy cho hết tuổi thơ nhọc nhằn của mình...

Những nấc thang vượt bậc và niềm hứng khởi từ hội họa

Họa sĩ Van Gogh nói rằng, những bức tranh luôn có linh hồn và linh hồn đó được lấy từ người họa sĩ. Lê Quang Lĩnh đã vẽ chỉ bằng 3 ngón tay nhưng lại chứa đựng cả linh hồn. Cho nên, dù những bức tranh non nớt đầu tay hay những bức tranh bây giờ, đều mang dáng vóc tâm hồn đầy vết thương nhưng cũng đầy tình yêu của cậu.

Lê Quang Lĩnh bên tác phẩm triển lãm của mình.

Lĩnh tìm cảm xúc, sống với cảm xúc từ toan, màu. Những nét vẽ khờ khạo đầu tiên đã như một phép màu giúp Lĩnh vượt qua được nỗi buồn tủi, mặc cảm về thân phận.

Dường như chưa bao giờ tâm hồn và cảm xúc của cậu bé khuyết tật Lê Quang Lĩnh lại được giải tỏa một cách mãnh liệt đến thế, dù chưa ra hình hài một bức tranh, nhưng trong không gian buồn bã của bốn bức tường, đã giúp Lĩnh tìm được niềm vui trong những nét vẽ. Lĩnh đã tìm thấy được chính mình đồng thời truyền cảm xúc đó vào những bức tranh. Dù một bức tranh đơn giản với người bình thường chỉ mất một ngày, thì Lĩnh phải mất cả tháng, vì Lĩnh chỉ vẽ bằng ba ngón tay còn lại.

Lĩnh bảo, cuộc đời cậu biết ơn nhiều người, nhưng người nhận Lĩnh làm học trò đầu tiên chính là thầy Lê Anh Hải - một ân nhân trong đời Lĩnh. Thầy Hải đã truyền cho Lĩnh không chỉ kiến thức mà là niềm đam mê với hội họa đích thực, truyền cho Lĩnh những cảm hứng, những lý luận bước đầu về hội họa. Hơn 3 năm trời ròng rã sau khi nghỉ học các nơi, Lĩnh đến nhà thầy để học vẽ.

Thầy Hải cũng đã giới thiệu Lĩnh với nhiều thầy cô ở Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh, nơi thầy công tác, để Lĩnh hiểu thêm được nhiều phong cách. Nhờ được nhiều người chỉ bảo và càng say sưa nên có những đêm Lĩnh thức suốt đêm để vẽ.

Bức tranh đầu tiên Lĩnh hoàn thành với tư cách là một tác phẩm hội họa dù những nét vẽ giản đơn, nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất là Lĩnh đã nhận được sự khen ngợi từ thầy giáo và nhiều người xem tranh. Đó là sự động viên vô bờ bến giúp Lĩnh có thêm được nhiều nghị lực trong cuộc sống.

Trong một thời gian ngắn, vừa vẽ vừa học hỏi, Lĩnh đã đạt được những giải thưởng về hội họa: Giải Nhất cuộc thi vẽ tranh "Alaxan - Chiến thắng nỗi đau" năm 2006. Giải đặc biệt cuộc thi tranh, ảnh về người khuyết tật do Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) năm 2011.

Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào "Người tàn tật và trẻ mồ côi vượt khó" giai đoạn 2005 - 2010. Năm 2001, Lĩnh dự thi Mỹ thuật thiếu nhi châu Á "Nhật ký bằng tranh" ENIKKI. Năm 2003, 2006, 2011, 2012, 2013, cậu tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực IV bắc miền Trung với các tác phẩm "Một góc thị xã", "Lễ hội", "Vui mùa", "Lễ cầu mùa", "Mùa nắng hạ".

Mới đây nhất, Lĩnh tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực 2018, triểm lãm nhóm "Ngày mới" ở Huế, tham gia triển lãm Mỹ thuật Biennale trẻ 2019 tại TP Hồ Chí Minh, Lê Quang Lĩnh cũng đã đoạt những giải thưởng trong hội họa như đoạt giải Nhì vẽ tranh trừu tượng với đề tài "Mở cửa bước ra thế giới" của Tổ chức Education First (EF), một tổ chức được thành lập năm 1965 tại Thụy Điển với sứ mệnh "Mở cửa thế giới thông qua giáo dục". Lĩnh cũng đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Hà Tĩnh (từ năm 2003).

Muốn bay xa trong giấc mơ hội họa

Thỉnh thoảng Lĩnh bắt xe đò ra Hà Nội, đôi khi ra có việc nhưng đôi khi, chỉ là Lĩnh muốn thay đổi không khí hoặc đi để lấy niềm cảm hứng. Lĩnh bảo, Lĩnh đã cố giấu những giọt nước mắt buồn tủi, tuyệt vọng để có thể tìm được cho mình một chân trời khát vọng, để nuôi nấng những ước mơ nhỏ trong làng quê nhỏ, rồi có cơ hội để bay ra biển lớn. Chính hội họa đã nâng giấc cho Lĩnh, giúp Lĩnh có những cảm nhận về cái đẹp, để sống với chân trời mộng ảo, để vượt ra ngoài những nỗi mặc cảm.

Tác phẩm "Ngày hội" của Lê Quang Lĩnh.

Lĩnh tìm cảm xúc, sống với cảm xúc từ toan, màu. Những nét vẽ khờ khạo đầu tiên đã như một phép màu giúp Lĩnh vượt qua được nỗi buồn tủi, mặc cảm về thân phận. Và bây giờ, nó đã cho Lĩnh một cái nghề kiếm sống. Lĩnh bán những bức tranh để có tiền lo cho riêng mình.

Đôi khi Lĩnh đưa tiền cho mẹ đi chợ, không phải vì bà không có tiền, mà vì Lĩnh muốn mẹ thấy được sự lao động và sự có ích của đứa con có lúc đã tưởng như không thể sống sót trong những năm tháng éo le của cuộc đời.

Hiện tại, Lĩnh chia sẻ rằng, đã tìm thấy được chính mình đồng thời truyền cảm xúc đó vào những bức tranh. Trải lòng mình vào sắc màu, gửi tâm tư vào nét cọ như được trò chuyện với người bạn tri kỷ, Lê Quang Lĩnh có nhiều đêm thức trắng để vẽ, say sưa đối thoại cùng những tâm tư và ước nguyện thời tuổi trẻ của mình.

Nhiều lần đang ở quán nước cùng bè bạn, ý tưởng ập đến, Lĩnh tất tả về nhà ngồi xuống bên giá vẽ. Trước tấm toan trắng, Lĩnh hân hoan đối diện với nỗi đam mê và sự quyết liệt. Khi vẽ, Lĩnh quên tất thảy mọi thứ xung quanh. Chỉ còn đó, bên giá vẽ một "tôi với cuộc đời đang được bắt đầu của mình".

Ngoài vẽ cho riêng mình, Lĩnh dạy các em nhỏ trong xóm học vẽ. Lĩnh muốn đem niềm đam mê và kiến thức đã có trong suốt những năm tháng đã qua truyền lại cho các em nhỏ, như một sự sẻ chia. Lĩnh vui vì các em gọi mình là thầy, một người thầy khuyết tật về thể xác nhưng tâm hồn thì lành lặn, đẹp đẽ và nhạy cảm.

Lĩnh cũng đang có dự định tổ chức một triển lãm cá nhân để tự khẳng định rằng, không có điều gì có thể ngăn cản bước chân của một người có khát vọng, dù bước chân của Lĩnh đi lại thập thễnh và đầy khó khăn. Cũng để khẳng định một điều nữa, cho dù bạn là ai, cho dù bạn có bị mất mát điều gì, thì ông trời luôn có một cánh cửa khác, đủ rộng để cho bạn bước đi trong niềm đam mê và những dự định của cuộc đời mình.

Bởi vì, như họa sĩ Pablo Picasso nói, để vẽ, bạn phải nhắm mắt lại và hát...". Tôi tin, Lê Quang Lĩnh đã tìm được những khúc hát của riêng mình, vì Lĩnh đang đi trên con đường mà nhiều người dõi theo và tin tưởng vào hành trình ấy...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.