Người họa sĩ già và lớp dạy vẽ ở làng

Thứ Ba, 18/10/2016, 11:25
Hội họa là một môn nghệ thuật cổ điển, và dường như đang bị lấn át bởi những thứ màu mè của xã hội hiện đại. Ở một làng quê thuần nông (thôn Quan Đình, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có một họa sỹ già mở lớp chuyên dạy vẽ cho những học sinh là con của nhữäng người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn.

Học trò của ông thi đỗ các trường đại học, cao đẳng lên đến cả trăm. Nhiều người trong số đó giờ đã trở thành họa sỹ, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thiết kế, giám đốc doanh nghiệp... nổi tiếng và thành đạt.

Lớp học vẽ đơn sơ

Sáng Chủ nhật một ngày đầu thu, chúng tôi về làng Quan Đình tìm đến nhà họa sỹ Trần Phóng. Hỏi người dân trong làng, ai cũng biết ông và chỉ bảo tận tình. Một bác nông dân đang xát gạo ven đường làng bảo: “Có phải ông Phóng họa sỹ chuyên dạy vẽ không? Chú cứ đi đến ngã ba rồi rẽ trái đi qua 6 nhà là tới thôi. Nhà mà có nhiều xe đạp để ngoài cổng ấy. Học sinh đến học vẽ đông lắm. Bây giờ ông ấy già rồi nên lớp học ít đi nhiều chứ trước đây mỗi lớp học đông đền vài chục học sinh”.

Theo sự chỉ dẫn của bác nông dân đó, chúng tôi tìm nhà họa sỹ Trần Phóng không mấy khó khăn. Đến cổng ngôi nhà thứ 6 từ ngã ba theo lời chỉ dẫn của bác nông dân, chúng tôi thấy hơn chục chiếc xe đạp, xe máy để kín sân.

Biết ông đang ở lớp học nên chúng tôi không vào nhà chính mà theo một đường ngách xuống nhà sau. Phải lách người qua hàng xe đạp, xe máy của các cháu học sinh, tôi mới vào được đến sân. Trong sân, có một tốp 4 học sinh nữ và một tốp 5 học sinh nam đang hí hoáy vẽ. Lớp học ngoài sân khá giản dị.

Sân được lát bằng những viên gạch đỏ nhiều chỗ đã loang rêu, tường xung quanh được xây bằng gạch xỉ đã cũ mèm, bên trên tường nối với mái được che chắn bằng các vật dụng hỗn tạp từ chiếu cõi cũ, tôn, ván gỗ, vỏ bao... còn trên mái được lợp bằng tấm fibro xi măng.

Lớp học rất giản dị, đơn sơ nhưng lại khá thoáng mát. Trong nhà, một tốp 3 học sinh đang ngồi vẽ ở gian chính và một tốp 4 học sinh đang ngồi ở gian buồng. Ngôi nhà được xây lâu năm nên tất cả đều toát lên màu thời gian phủ bóng. Tường nhà được quét ve màu vàng đã cũ và những chỗ thấm nước loang ố, trên tường treo những bức tranh cũng có tuổi đời vài chục năm.

Họa sỹ Trần Phóng giảng bài cho học sinh.

Tôi quan sát, các nhóm ngồi vẽ khá trật tự. Ai có gì thắc mắc cần giải đáp lại vào nhà hỏi thầy. Giáo cụ trực quan để phục vụ dạy và học cũng giản dị không kém. Vỏn vẹn mấy bức tượng chân dung bằng thạch cao, rồi có khi chỉ là chai rượu, chai nước, đèn dầu, đèn bão, có khi là bộ ấm chén, ca cốc, rổ rá, giần sàng, mũ nón, xoong chảo, nồi niêu... được bày lên bàn để học sinh nhìn vào đó vẽ bài tượng, bài tĩnh vật.

Thầy Phóng đang hướng dẫn cho một học sinh ở gian chính ngôi nhà. Ông gọi học trò bằng con, xưng ông. Chúng tôi thấy ông chỉ bảo, hướng dẫn rất tỉ mỉ. Ông vừa cầm thanh tre, vừa đưa ra khoảng không trước mặt để ngắm về bức tượng cách đó hơn một mét.

Vừa ngắm, ông vừa giảng: “Con phải tính đến các điểm cho cân xứng thì hình vẽ mới chuẩn”. Ngắm lấy điểm chuẩn, điểm cân xứng xong, ông lại cúi xuống cầm bút vẽ thị phạm cho cô học trò nhỏ xem. Tay ông thoăn thoắt trên giấy vẽ.

Tranh thủ lúc thầy Phóng đang hướng dẫn cho nhóm học sinh trong nhà, tôi ra ngoài sân trò chuyện, chụp ảnh hai nhóm học ngoài này. Trò chuyện với các cháu, chúng tôi được biết, trong lớp vẽ này ngoài học sinh ở trong huyện, trong tỉnh, còn có 2 học sinh ở tỉnh Quảng Ninh cũng về học.

Trong đó, em Vương Quốc Toản nhà ở Đông Triều. Em theo học thầy Phóng từ hồi đầu hè đến giờ. Em học vẽ để năm tới thi vào Đại học Xây dựng. Hồi hè, ngày nào Toản cũng đi xe buýt từ Quảng Ninh qua Nam Sách để học. Còn từ khi vào năm học mới, do phải học chính khóa ở trường nên em chỉ sang học vẽ vào Chủ nhật.

Tôi hỏi: “Cháu ở Quảng Ninh sao biết thầy Phóng dạy vẽ mà đến xin học?”. Toản trả lời: “Cháu được một người quen giới thiệu, đưa đến gặp ông. Ngoài ra, ở chỗ cháu có mấy anh chị trước cũng học ông đều đỗ đại học cả. Các anh chị bảo ông dạy hay lắm nên cháu cũng tin tưởng để theo học ông”.

Toản cho biết thêm: “Ở Đông Triều chỗ cháu cũng có thầy dạy vẽ nhưng không có mấy người theo học. Học ông, cháu thấy ông dạy, chỉ bảo tận tình, dễ hiểu. Trước đây cháu không thích vẽ và không biết vẽ, từ hồi học ông cháu vẽ khá tốt và cháu đam mê vẽ lúc nào không biết”. Nói xong Toản lại cúi xuống tập trung hí hoáy vẽ.

Lúc này, thầy Phóng bước ra sân, thấy tôi đang trò chuyện cùng các cháu học sinh, ông bảo: “Chú thấy lớp học của tôi có giản dị, đơn sơ không? Ấy vậy mà đã hơn 20 năm các lứa học trò ngồi học vẽ ở cái sân này đấy. Sau này, tôi xây nhà mới nhích lên gần đường làng thì ngôi nhà cũ được sử dụng làm lớp học. Vừa trong nhà, vừa ngoài sân tha hồ rộng. Cùng một lúc có thể dạy vài chục học sinh”.

Tôi hỏi: “Bác chia các tốp như vậy có phải để các cháu dễ tiếp thu không?”. Thầy Phóng trả lời: “Do các cháu ở đây thi nhiều trường khác nhau và mỗi trường lại yêu cầu, đòi hỏi khác nhau. Vì vậy, chia nhóm cũng để thuận lợi cho việc hướng dẫn, chỉ bảo cho từng nhóm học sinh và cũng để các cháu dễ tiếp thu”.

Người thầy... bất đắc dĩ

Cùng ông uống nước nói chuyện ở gian nhà trên, tôi mới được ngắm ông kỹ hơn. Họa sỹ Phóng có dáng người cao, gầy, nước da nâu sậm, mái tóc bạc dài được vuốt ngược ra sau đặc trưng nghệ sỹ. Năm nay, ông đã ngoài thất thập, nhưng trông còn gân cốt lắm.

Ông vừa pha trà, vừa kể: “Tôi mê vẽ tranh từ bé. Hồi nhỏ, cứ đánh độc cái quần đùi, nằm trên tàu lá chuối trải ở đầu nhà rồi cứ thế nằm tô tô, vẽ vẽ. Niềm đam mê đó, theo suốt tuổi thơ cho đến khi vào bộ đội. Hằng ngày, sau thời gian trực chiến đấu, lúc rảnh rỗi tôi lại mang giấy, bút ra hí hoáy vẽ. Đề tài về đời sống, chiến đấu của bộ đội. Chẳng mấy chốc, tôi đã có cho mình những tác phẩm hội họa đầu tiên. Từ đó, đồng đội gọi tôi là họa sỹ”.

Chiêu một ngụm trà, họa sỹ Trần Phóng kể tiếp: “Cuối năm 1962, Tổng cục Chính trị tổ chức lớp bồi dưỡng hội họa cho cán bộ, chiến sỹ có năng khiếu mỹ thuật ở các đơn vị quân đội để phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động, tôi được chọn đi học. Tôi được các thầy là họa sỹ nổi tiếng như: họa sỹ Mai Văn Hiến, Văn Đa, Quang Thọ giảng dạy. Sau khi học xong tôi lại trở về đơn vị cũ vừa chiến đấu, vừa vẽ tranh về đề tài người lính”.

Trong suốt những năm chiến tranh chống Mỹ, họa sỹ Trần Phóng đã có một số bức tranh gắn với dấu ấn về Bác Hồ, về Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đó là, năm 1967 đơn vị ông bắn rơi 2 máy bay Mỹ bằng 1 quả tên lửa. Nhờ thành tích này, đơn vị được Bác Hồ gửi lẵng hoa khen tặng.

Đánh dấu sự kiện này, họa sỹ Trần Phóng có ngay bức tranh “Đón hoa Bác Hồ bên bệ phóng”. Cả đơn vị vui mừng hân hoan. Sau này bức tranh được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng bằng khen. Hay sự kiện Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm đơn vị, động viên cán bộ, chiến sỹ vững vàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh. Trần Phóng có ngay bức tranh “Tổng Bí thư Lê Duẩn trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ đơn vị”. Trải qua nhiều đơn vị công tác, đến năm 1989, họa sỹ Trần Phóng nghỉ hưu với quân hàm trung tá.

Lớp dạy vẽ của họa sỹ Trần Phóng.

Nhận quyết định về hưu hôm trước, hôm sau họa sỹ Trần Phóng lên đường về quê ngay. Nơi đó có người vợ đảm đang và 4 người con đang tuổi ăn tuổi lớn. Vợ ông trước đây là giáo viên nhưng vì đồng lương hồi ấy còm cõi quá, chẳng đủ nuôi 4 người con. Bà xin nghỉ dạy về làm ruộng, buôn bán chạy chợ, rau cháo nuôi con.

“Mình xa nhà chiến đấu suốt, lương, phụ cấp ít ỏi nên chẳng giúp đỡ gì được vợ con. Vì vậy, tôi muốn nghỉ hưu sớm, về cùng bà ấy gây dựng kinh tế để nuôi dạy các con. Một mình bà ấy vất vả quá nhiều rồi”, họa sỹ Trần Phóng tâm sự.

Những ngày đầu về nhà, ông cứ tưởng mình sẽ lao vào làm việc hăng say để giúp đỡ vợ. Nhưng ông đã kịp nhận ra mình chẳng biết làm gì cả. Bởi vì lớn lên ông vào bộ đội, rồi biền biệt cho đến lúc về nghỉ hưu. Mấy chục năm chỉ cầm súng, cầm cọ vẽ chứ ông có mó vào cái cày, cái cuốc bao giờ đâu mà biết việc đồng ruộng.

Đang chưa biết làm gì ra tiền để giúp vợ con. Một hôm có anh em từ đơn vị cũ dưới Hải Phòng về nhờ ông vẽ hộ mấy bức tranh cổ động cho đơn vị. Thế là ông lại xách ba lô lên đường về đơn vị cũ để vẽ. Hồi còn là lính của đơn vị, lúc đó vẽ tranh là một nhiệm vụ, không có công cán gì cả. Nay được mời về vẽ, là khách của đơn vị cũ nên ông được đãi đằng chu đáo, được trả công hậu hĩnh. Vừa được đi chơi, vừa được thỏa đam mê vẽ, vừa có tiền đưa cho vợ nuôi con khiến họa sỹ vui lắm.

Tôi hỏi: “Cơ duyên nào đưa bác đến với công việc dạy vẽ cho các cháu học sinh?”. Ông trả lời: “Năm 1995, tôi được một vài người bạn trên TP Hải Dương nhờ dạy vẽ cho con trai họ để thi Đại học Mỹ thuật, Đại học Kiến trúc. Nể bạn, tôi cũng nhận lời dạy. Tôi dồn hết tâm huyết, kinh nghiệm để dạy vẽ cho các cháu. Năm đó, các cháu đỗ đại học, tôi vui lắm”. Bao công sức, tâm huyết của ông đã được đền đáp.

Tiếng lành đồn xa, rồi các cháu trong làng, xã, huyện, tỉnh tới tấp đến xin ông học vẽ. “Những năm sau đó, lớp học cứ đông lên đến vài ba chục cháu. Lớp năm sau lại đông hơn lớp năm trước. Có năm đông tôi phải mở nhiều lớp, tổng số học sinh các lớp lên đến hơn 100 cháu”, họa sỹ Trần Phóng cho biết.

Không chỉ học sinh trong tỉnh, vào dịp hè, học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Gia Lai, Kon Tum... cũng về xin học.

Ngoài những kiến thức, kinh nghiệm đã có, họa sỹ Trần Phóng còn nhờ học sinh cũ đang là sinh viên đại học kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật sưu tầm cho ông những bộ giáo trình của các trường này để ông tìm hiểu, nghiên cứu cách dạy, đặc trưng hình vẽ của từng trường. Chẳng hạn đối với các trường như Kiến trúc, Xây dựng... bài thi vẽ hình đòi hỏi yếu tố kỹ thuật nhiều hơn, các hình vẽ phải toát lên được “điểm, tuyến, diện, khối, không gian”.

Thầy Phóng cho biết: “Nhờ có các bộ giáo trình đó, tôi trau dồi kiến thức về kiến trúc, xây dựng nên việc dạy và phán đoán xu hướng thi của các trường khá chính xác. Một bí quyết nữa là trong quá trình giảng dạy, tôi hỏi từng học sinh về nguyện vọng thi trường nào, ngành nào để tôi tư vấn, phân nhóm học vẽ theo từng ngành, từng trường để dạy nên học sinh đi thi rất vững tâm”.

Bao nhiêu công sức, tâm huyết của người họa sỹ già đã được các thế hệ học sinh đền đáp xứng đáng bằng những tin vui đỗ các trường đại học, cao đẳng. Ông cho biết, sau 21 năm dạy vẽ, ông đã góp phần giúp khoảng 700 cháu đỗ đại học, cao đẳng, trong đó đỗ đại học cỡ hơn 500 em, còn lại đỗ cao đẳng. Riêng năm 2015, có 28 cháu học vẽ thì đỗ cả 28 cháu. Năm nay có 37 cháu học thì đều đỗ cả. Trong gia đình của lão họa sỹ Trần Phóng có 11 cháu ngoại, cháu họ theo học vẽ cũng đều đỗ đại học. Nhiều cháu đã ra trường đi làm.

Bên cạnh đó, ông còn là hội viên kỳ cựu của Ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Tranh ông tham gia rất nhiều cuộc triển lãm trong tỉnh và ngoài tỉnh và đoạt nhiều giải thưởng, trong đó năm 2002, ông đạt giải nhất tỉnh về triển lãm tranh cổ động, ngoài ra còn nhiều giải thưởng, giấy khen khác.

Nhiều học sinh cũ của ông sau khi học đại học, cao đẳng, ra công tác cũng đã trở thành những họa sỹ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, giám đốc doanh nghiệp nổi tiếng và thành đạt. Hằng năm, nhiều người trong số họ về thăm hỏi, chúc sức khỏe ông. Họ đến chật kín nhà. Nghe học trò cũ “báo công” những thành tích kết quả học tập, công tác khiến ông rất vui và hạnh phúc. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của người họa sỹ già đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Việt Cường
.
.