Bali, nơi các thánh thần “vào” du lịch

Thứ Tư, 17/08/2016, 15:45
Có ai đó đã từng viết về Bali (Indonesia) “đến Bali là một trải nghiệm và một sự chạy trốn hoàn hảo khỏi những tất bật của đời thường”. Chưa hết, Bali được mệnh danh là “Đảo thần”, “Vùng đất của một ngàn ngôi đền”, “Bình minh của thế giới” hay “Thiên đường nhiệt đới”, “Thiên đường nghỉ dưỡng”... Hòn đảo này đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở châu Á.

Không phải là người làm du lịch, nhưng nghề báo, lần đầu tiên được đến Bali, khiến tôi cố gắng tìm hiểu và giải nghĩa để trả lời một phần câu hỏi tôi tự đặt ra là: Vì sao Bali thu hút khách du lịch như vậy?

Thánh thần “níu chân” du khách

Đã được đi khá nhiều nơi, nhưng những vùng đất tôi có dịp đến có lẽ không đâu có nhiều đền đài như ở Bali. Được mệnh danh là “Vùng đất của một ngàn ngôi đền” nhưng thực tế trên đảo Bali có tới hơn 20.000 ngôi đền lớn nhỏ. Đâu đâu cũng có đền.

Đền thờ ở đây được chia làm 4 loại, hay là 4 cấp độ. Đền thờ ở gia đình (theo dòng họ), đền thờ của làng xã, đền cùng chung công việc và đền cộng đồng (thờ các thánh thần đạo Hindu). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của thế giới tâm linh đối với người dân Bali.

Trên các đường phố thủ phủ Denpasar hay các làng mạc của Bali đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ngôi đền, các cơ sở sản xuất vật liệu phục vụ xây dựng đền đài, thờ tự. Và rất nhiều tượng, cây xanh, cột đá... được cuốn vải hoặc tấm nylon có hình caro đen trắng, mà người dân địa phương quan niệm nơi đó có thần thánh trú ngụ cần bảo vệ.

Đền Tanalot thờ Thần Biển nằm bên Ấn Độ Dương luôn tấp nập du khách.

Anh Ta Won, hướng dẫn viên du lịch địa phương, người theo đạo Hindu đưa chúng tôi đi thăm một số ngôi đền chính ở Bali, nói rằng, một khi có dấu hiệu của thánh thần trên bất cứ nơi nào thì không bao giờ người dân xâm phạm. Ngược lại họ luôn tìm cách bảo vệ nếu có ai đó vô tình xâm hại, vì vậy hầu hết những di tích dù rất cổ ở Bali đều được lưu giữ khá tốt, trừ những nơi do thiên tai như lũ lụt, núi lửa tàn phá.

Chúng tôi khá vất vả vượt qua quãng đường dài để đến khu vực núi Gunung Agung, nơi được xem là linh thiêng nhất ở Bali. Theo truyền thuyết, thần Pasupati phân chia núi Meru (tức trung tâm của thế giới Ấn Độ giáo) thành hai ngọn núi là Gunung Agung và Gunung Batur.

Với độ cao 3.014 mét, Gunung Agung là ngọn núi cao nhất Indonesia, một núi lửa vẫn còn hoạt động. Người dân Bali cho rằng các vị thần cũng như linh hồn tổ tiên họ ngụ ở núi Gunung Agung, do đó nhiều người khi ngủ đã quay đầu về phía ngọn núi này.

Vũ công dân gian của Bali.

Dưới chân núi Gunung Agung là đền Pura Besakih - ngôi đền cổ nhất, lớn nhất và quan trọng nhất của người dân Bali. Mỗi ngày có hàng ngàn người hành hương đến ngôi đền này. Trước kia, các vị vua chúa cũng đi hành hương hằng năm ở đây. Đền Pura Besakih là một khu đền gồm 22 ngôi đền riêng lẻ, trải dài hơn 3km. Quang cảnh xung quanh đền rất đẹp và bình lặng.

Khi núi lửa Gunung Agung phun vào năm 1963, đền Pura Besakih bị tàn phá nặng nề nhưng sau đó đã được xây dựng lại. Pura Besakih còn có tên gọi là “Đền thờ mẹ” của Ấn Độ giáo ở Bali. Ngôi đền có chiều cao 20 mét, nằm trên khu đất cao, thoáng. Theo anh Ta Won tất cả những ngôi đền hay các công trình ở đây không được phép xây cao hơn đền Mẹ.

Sau công việc ở một cuộc hội thảo khoa học do Ngân hàng Techcombank tổ chức, nội dung trong hành trình tham quan Bali của chúng tôi hầu hết được thiết kế gắn với sản phẩm du lịch tâm linh, một thế mạnh của Bali. Ngoài núi Gunung Agung, đền Pura Besakih, chúng tôi còn được đưa đến đền Meng Guy, được công nhận di sản thế giới năm 2008, thăm đền Ununda thờ thần Nông, đền Tanalot thờ thần Biển...

Những nơi đây có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, tiệm ăn nhưng tất cả được tổ chức cho khách tham quan rất chu đáo, trật tự, vệ sinh sạch sẽ và không hề có người bán hàng đeo bám du khách. Bách bộ trong khu vực các ngôi đền rộng rãi dù có thấm mệt nhưng hầu như du khách đều cảm nhận và trân trọng giá trị văn hóa ở những điểm đến, bởi tất cả đều hiển hiện yếu tố tâm linh trong hoạt động du lịch ở đây.

Tổ chức tốt, quảng bá giỏi

Khi chưa đến Bali, tôi tưởng tượng nơi đây là một hòn đảo với những khu nhà cao tầng, khách sạn đồ sộ, những con phố thênh thang đông đúc... Nhưng không phải như vậy. Bali có ít đường rộng. Chúng tôi nghỉ tại tỉnh lị của Bali là Denpasar nằm phía nam đảo. Nơi đây cũng không có các khách sạn cao tầng, bởi các công trình bị khống chế không được vượt quá chiều cao của đền Mẹ.

Những con đường từ trung tâm Denpasar tỏa đi các nơi trên đảo chạy vòng các triền núi hoặc bám theo ven biển, không thênh thang nhưng mặt đường tốt và có hệ thống vạch kẻ, biển chỉ dẫn rõ ràng. Song điều khiến tôi ghi nhận khi đi trên đường là rất ít gặp cảnh sát và người dân thực hiện quy định giao thông với ý thức rất cao, không lấn đường, vượt ẩu, không còi inh ỏi dù đường nhiều lúc rất đông.

Tác giả tại ngôi “Đền mẹ” Pura Besakih.

Là một trong 33 tỉnh của Indonesia, Bali có dân số hơn 3 triệu người, trên diện tích 5.632 km². Bali còn nổi tiếng vì có nền nghệ thuật phát triển cao, bao gồm vũ, điêu khắc, hội họa, hàng da thuộc, luyện kim và ca nhạc truyền thống.

Từ thủ phủ Denpasar đi khoảng hơn 6km, chúng tôi đến Sanur - một bãi biển nổi tiếng. Vào đầu thế kỷ XX, Sanur là một ngôi làng nhỏ với những vạt dừa um tùm. Trong những năm 30, nhiều họa sĩ nước ngoài bị cảnh đẹp ở đây cuốn hút nên đã đến an cư lập nghiệp.

Một trong những họa sĩ ấy là Le Mayeur, người Bỉ. Ông đã sống ở Sanur 26 năm, từ năm 1932 cho tới khi qua đời vào năm 1958. Trên đường đến bãi biển, xe đưa chúng tôi qua những ngôi làng cổ với các con đường lượn vòng dưới tán những hàng dừa, khá thú vị. Bãi biển sạch và rất đông người đến tắm. Nước biển tại đây trong một cách đặc biệt. Du khách có khá nhiều lựa chọn cho giải trí như lướt xuồng máy, bay dù, lặn biển ngắm san hô...

Trong số chúng tôi, nhiều người đã có dịp thưởng thức những trò này ở Nha Trang (Khánh Hòa), cù lao Chàm (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang)... Và chúng tôi đều cho rằng biển ở những nơi này của Việt Nam chắc chắn đẹp hơn nhiều ở Sanur. Vậy điều gì khiến rất nhiều du khách đến với Sanur? Có lẽ phải khẳng định rằng Bali thu hút du khách bằng sự tổng hợp của nhiều giải pháp được bồi đắp từ lâu mà không thể một sớm một chiều Việt Nam có thể làm được.

Ở Bali trong thời gian không dài nhưng chúng tôi được đến thăm các làng nghề, nghe giới thiệu cách làm các sản phẩm thủ công của địa phương; được giao lưu nhóm vũ nữ với vũ điệu truyền thống; thưởng thức màn kinh kịch cổ với tên Barong và Răngda tại trung tâm văn hóa dân gian Ba rông, nói về cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác...

Tác giả giao lưu với các vũ công người bản địa.

Đêm đến, du khách thập phương có một khu vui chơi giải trí tại phố Legean. Ở đây tập trung hàng chục sàn nhảy, quán bar, chắc chắn không dành cho những người ưa sự yên tĩnh. Để thu hút khách, các ông chủ cho phát âm thanh inh ỏi, chát chúa do nhạc công thực hiện cùng các vũ nữ ăn mặc nghèo nàn nhảy mồi ngay cửa ra vào.

Khách ngoại quốc ùn ùn kéo đến lúc nửa đêm. Giá vào cửa rất rẻ. Chỉ khoảng 300 nghìn đồng Việt Nam một vé. Vào cửa, khách đã có một thứ đồ uống và có thể chơi thâu đêm suốt sáng. Trên đường phố Denpasar khách có thể dễ dàng đổi ngoại tệ ở bất cứ quầy hàng nào với giá quy đổi được niêm yết công khai, thống nhất.

Những điều tôi nhìn thấy và viết ra đây chắc chắn là một phần rất nhỏ về những gì nguời Bali đầu tư để hút khách du lịch. Tôi được biết Chính phủ Indonesia dành cho Bali những chính sách riêng mà không phải địa phương nào cũng có. Từ việc làm thủ tục nhập cảnh thông thoáng cho người nước ngoài tại sân bay quốc tế, đến quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường, nơi bán hàng... đều làm hài lòng du khách.

Chính quyền trung ương Indonesia và Bali thông qua nhiều tổ chức, các tạp chí nổi tiếng thế giới để giới thiệu và quảng bá về du lịch nơi đây. Những điểm thu hút du khách luôn được đầu tư bảo tồn và tôn tạo. Việc đảm bảo an ninh và an toàn cho du khách được đặt lên hàng đầu, vì vậy du khách đến đây luôn có được cảm giác an toàn và thoải mái...

Nhưng có lẽ, điều mà phải hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có thể tạo dựng được, đó là văn hóa trong du lịch, văn hóa ứng xử của cả cộng đồng và mỗi người dân nơi đây. Các yếu tố đó tạo nên bản sắc riêng có của Bali, với một ngành du lịch biết khai thác các yếu tố thần thánh, tâm linh ở một hòn đảo đầy quyến rũ và thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng cho Bali.

Phạm Miên
.
.