Bản quyền và ứng xử

Thứ Tư, 03/05/2017, 10:45
Sự ứng xử văn hóa về bản quyền vẫn cứ tiếp tục tái diễn trong đời sống âm nhạc trong nhiều năm nay, và mới đây nhất vào tháng 4 vừa qua là sự lình xình đôi co qua lại giữa một bên gia đình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Ánh Tuyết gây nên những màn tranh cãi nảy lửa.

Ứng xử văn hóa trong vấn đề bản quyền âm nhạc đang là sự nhức nhối đối với xã hội. Tranh cãi, hậm hực, hục hặc giữa người sử dụng bản quyền và người quản lý bản quyền tưởng chỉ xảy ra với những người xa lạ, nhưng nó lại xảy ra ngay trong môi trường văn hóa, môi trường âm nhạc giữa những con người trước đây đã là chỗ thân tình, hay chí ít cả xã hội đều nghĩ vậy.

Nhưng tiếc thay, sự ứng xử văn hóa về bản quyền vẫn cứ tiếp tục tái diễn trong đời sống âm nhạc trong nhiều năm nay, và mới đây nhất vào tháng 4 vừa qua là sự lình xình đôi co qua lại giữa một bên gia đình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Ánh Tuyết gây nên những màn tranh cãi nảy lửa.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm đàn cho ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện ca khúc.

Ngày 14 tháng 4 năm nay là kỉ niệm tròn 1 năm mất của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ông được biết đến là một nhạc sĩ có đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam với những bản tình ca trữ tình lãng mạn, kiêm chơi đàn dương cầm, và có những bài hát đi vào lòng người như "Ai đưa em về", "Buồn ơi chào mi", "Cô đơn",  "Không", "Tình khúc chiều mưa", "Tình yêu đến trong giã từ"...

Ông mất là một tổn thất và để lại sự thương tiếc hụt hẫng trong lòng người yêu nhạc. Để tri ân với người nhạc sĩ tài năng đã mất, gia đình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà đại diện là nhạc sĩ Nguyễn Quang tổ chức đêm nhạc cho cha anh vào đúng 1 năm sau khi cha anh qua đời - ngày 14-4-2017.

Ca sĩ Ánh Tuyết được biết đến là một ca sĩ hát thành công ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Chị cũng muốn tổ chức đêm nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vào ngày 15-4-2017. Được biết, trước khi đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 do ca sĩ Ánh Tuyết đứng ra tổ chức diễn ra, chị đã hỏi gia đình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhưng không được gia đình đồng ý.

Gia đình cũng đã gọi điện thông báo điều này với ca sĩ Ánh Tuyết. Sau đấy, Hồng Anh là vợ nhạc sĩ Nguyễn Quang có link một đường link đến ca sĩ Ánh Tuyết với nội dung không muốn ca sĩ Ánh Tuyết làm chương trình riêng về nhạc sĩ nhưng có thể hát 3, 4 bài của nhạc sĩ.

Ngày 30-3, ca sĩ Ánh Tuyết tuyên bố hủy bỏ đêm nhạc vì bất đồng với một số thành viên trong gia đình cố nhạc sĩ.

Ngày 3-4, nhạc sĩ Nguyễn Quang đã có những lời lẽ đầy bức xúc trên trang cá nhân. Và sau đó cả 2 bên đã có lời qua tiếng lại, ồn ào nhộn nhạo như không phải cả 2 bên đều là những người của công chúng. Bây giờ nói ai có lỗi cũng chẳng đành. Chỉ là "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại", chẳng thể nói ai lợi hơn ở đây.

Sự việc ồn ào giữa hai bên, một bên ca sĩ Ánh Tuyết và gia đình nhạc sĩ không phải là mới, trước đây cũng đã có những bất đồng về chủ sở hữu bản quyền âm nhạc và ca sĩ trước đó rồi. Có thể là bất đồng giữa nhạc sĩ sáng tác bài hát với ca sĩ thể hiện ca khúc của nhạc sĩ đó sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Hoặc sau khi nhạc sĩ sáng tác ca khúc qua đời thì bất đồng giữa ca sĩ người sử dụng bài hát với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN do đã được nhạc sĩ khi sống ủy thác, hoặc bất đồng giữa ca sĩ và gia đình của cố nhạc sĩ. Còn nhớ trước đây vụ lình xình giữa ca sĩ Khánh Ly với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, và em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Trinh đã lời qua tiếng lại khi ca sĩ Khánh Ly tổ chức show diễn của mình khi hát nhạc Trịnh.

Ca sĩ Khánh Ly được coi như là ca sĩ gắn bó thành công với nhạc Trịnh, và là chỗ rất thân tình, tri âm tri kỉ với nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Vậy nhưng, khi ca sĩ Khánh Ly tổ chức show diễn cũng đã dấy lên phản ứng gay gắt với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN với việc bản quyền âm nhạc với ca sĩ Khánh Ly, sự việc lùm xùm vẫn gây ồn ào trong giới truyền thông suốt một thời gian dài.

Ngay cả việc em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Trinh cũng lên tiếng khẳng định: "Trong hai chuyến trở về Việt Nam đầu tiên của chị Khánh Ly khi anh tôi còn sống, anh tôi từng đề nghị tổ chức một buổi hát trên sân cỏ không bán vé để cho người Việt Nam thuộc mọi tầng lớp có cơ hội nghe lại những bài hát yêu thích. Nhưng rất tiếc chị Khánh Ly không đồng ý".

Trao đổi với báo giới, bà Trịnh Vĩnh Trinh cũng từng nói về đêm nhạc của ca sĩ Khánh Ly khi thể hiện các ca khúc nhạc Trịnh: "Tôi nghĩ, nếu chuyến trở về quê hương của chị Khánh Ly sau bao nhiêu năm xa cách có thêm những chương trình gần gũi hơn với cộng đồng, không thương mại quá thì anh tôi sẽ rất vui".

Như vậy là ở cả hai sự việc trên  đều cho thấy rõ, gia đình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đại diện là em gái Trịnh Vinh Trinh  và gia đình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà đại diện là con trai Nguyễn Quang đều cho rằng ca sĩ sử dụng bài hát của cố nhạc sĩ đều vì mục đích thương mại. Chính vì điều đó, cũng khiến cho gia đình không mấy thiện cảm với chương trình.

Người ta đặt dấu hỏi, khi nhạc sĩ còn sống, ca sĩ quen biết được coi là chỗ thân tình nên khi hát bài hát của nhạc sĩ không cần xin phép mà cứ tùy nhiên hát, nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho ca sĩ hát bài hát ấy cũng không lấy gì làm buồn lòng, nhưng một khi nhạc sĩ mất đi, chủ sở hữu bài hát của nhạc sĩ đã thay đổi, có thể sẽ thuộc về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc nơi lúc còn tại thế nhạc sĩ đã đề nghị giao những tác quyền của mình cho Trung tâm để Trung tâm làm chủ sở hữu.

Hoặc gia đình nhạc sĩ đã quá cố là nơi chủ sở hữu, quản lý bài hát của nhạc sĩ và có quyền đứng ra quyết định về bản quyền của ca khúc đó. Sự thay đổi ấy đòi hỏi người nghệ sĩ, cụ thể là người sử dụng, thể hiện những tác quyền ấy buộc phải có những ứng xử phù hợp nếu không muốn nổ ra những tranh cãi không đáng có, thiếu đi cái tính văn hóa mà vốn bản chất sự việc cần phải có.

Trao đổi với nhà văn Trần Thị Trường, đại diện cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam về việc ai đúng ai sai trong vấn đề bản quyền. Nếu lúc còn sống, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, thì sau đó ai muốn hát ca khúc của ông, muốn tổ chức sự kiện nào mang ca khúc của ông đều phải có nghĩa vụ đóng phí đầy đủ về quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì mới có thể sử dụng được những ca khúc.

Theo nhà văn Trần Thị Trường thì ngay cả Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không thể can thiệp vào việc có để cho tổ chức biểu diễn hay không, trừ khi là bài hát mang tư tưởng xấu, có nội dung chính trị xuyên tạc hay ca từ không lành mạnh. Còn ca khúc không gặp những vấn đề đó thì việc tổ chức biểu diễn sẽ thuộc về hai bên đàm phán gồm người tổ chức biểu diễn hát ca khúc của nhạc sĩ đấy và bên kia gồm người được ủy quyền quản lý bản quyền của tác giả.

Về việc ca sĩ đã thực hiện đầy đủ việc đóng tiền bản quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả nhưng gia đình nhạc sĩ vẫn không đồng ý ca sĩ hát, tổ chức chương trình của người cố nhạc sĩ thì sao?

Nhà văn Trần Thị Trường cho hay: Luật bản quyền đã quy định: Sau khi người nhạc sĩ mất đi thì người con là chủ sở hữu ở hàng thứ nhất, là tối thượng, có quyền quyết định đồng ý ca sĩ sử dụng bài hát của người nhạc sĩ hay không. Ngay kể cả việc nhạc sĩ trước khi mất đã ủy quyền bài hát của mình cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc quản lý và thu tiền bản quyền thì Trung tâm Bản quyền vẫn phải trân trọng ý kiến của gia đình nhạc sĩ.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc có nghĩa vụ và trách nhiệm là cầu nối để kết nối hai bên giữa người tổ chức đêm nhạc và gia đình nhạc sĩ để trao đổi, thông cảm, hiểu biết lẫn nhau. Trong khi không tìm được tiếng nói chung thì hoàn toàn không nên cố để biểu diễn đêm nhạc, càng không nên có những hành động nói nhau nặng lời qua lại gây bức xúc trong dư luận.

Dù sao chăng nữa, qua những sự việc đáng tiếc trên, khán giả cũng phần nào hiểu được câu chuyện, chỉ đáng tiếc nhất dù chương trình được tổ chức dưới hình thức nào đi nữa, việc tôn trọng tác giả, tôn trọng ca khúc, ứng xử văn hóa, văn minh là điều cần thiết trong xã hội.

Trần Mỹ Hiền
.
.