Bảo tồn Nghệ thuật truyền thống: Cùng nhau tìm một lối đi...

Thứ Năm, 04/10/2018, 09:49
Trong thời đại diễn ra sôi động của công nghệ số kéo theo sự phát triển của nhiều loại hình vui chơi giải trí bắt mắt trên không gian mạng, Rất ít khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ chọn việc mua vé để đi xem những loại hình sân khấu như tuồng, chèo, cải lương, múa rối... Tuy nhiên, không phải vì thế mà sân khấu của các bộ môn nghệ thuật này... tối đèn.

Hằng đêm, theo lịch, các chương trình vẫn diễn ra đầy sự hăng say trên sân khấu, hoặc những chuyến lưu diễn khắp các tỉnh thành trên cả nước. Dù biết rằng, còn nhiều khó khăn trong thời buổi đương đại, song, họ, các lãnh đạo, diễn viên, những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống vẫn đang cùng nhau tìm một lối đi...

Niềm đam mê vẫy gọi

Trung tuần tháng 9 vừa qua đã diễn ra Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2018 tại cái nôi cải lương Nam Bộ là thành phố Tân An, tỉnh Long An với chủ đề "Danh tài hội tụ". Liên hoan này do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh phía nam tổ chức. Liên hoan có sự tham gia của 25 đoàn, nhà hát với 32 vở diễn (8 vở của các đơn vị ngoài công lập). 

Ban Tổ chức đã trao 49 Huy chương Vàng, 66 Huy chương Bạc cho cá nhân các nghệ sĩ; 06 vở diễn đã được trao Huy chương Vàng, 07 vở diễn đạt Huy chương Bạc. Liên hoan cũng vinh danh các cá nhân đạt giải xuất sắc dành cho các thành phần sáng tạo. Cuộc liên hoan này, đã thu hút được nhiều công chúng đến rạp cũng như thu hút được nhiều danh tài trong loại hình cải lương hội tụ, mặc dù, thực tế cho thấy, cải lương cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác đang gặp không ít khó khăn trong việc thu hút khán giả. 

Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam.

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, chia sẻ, thực ra, đã làm người nghệ sĩ thì phải hiểu rằng khó khăn là quy luật, và trước khó khăn thì không được buông xuôi, mà thay đổi, cách tân, dàn dựng tiết mục sáng tạo. Mỗi đêm diễn phải như một lễ hội để quyến rũ khán giả, giữ chân người xem, để khán giả trở lại với mình ngày càng đông, mặc dù điều này là một thử thách rất lớn. 

Anh cũng cho biết, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang nỗ lực trong từng thời kỳ phải có sự thay đổi, phải có nét mới để thu hút khán giả, để có những đêm diễn thực sự có ý nghĩa. 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tác giả kịch bản văn học vở cải lương "Thầy Ba Đợi".

Mới tháng 5 vừa qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có ý tưởng diễn vở "Thầy Ba Đợi" (Tác giả kịch bản: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương) đã có sự kết hợp nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng và ưu tú của hai miền Nam - Bắc và đã nhận được nhiều sự quan tâm theo dõi của khán giả. 

NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ thật lòng rằng, thực ra ban đầu khi đưa ý tưởng này vào miền Nam anh cũng có chút lo lắng bởi sợ các nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh không tin tưởng ở khả năng sáng tạo của ê-kíp miền Bắc, nên cải lương hai miền khó tìm được sự đồng điệu trên cùng một sân khấu. 

Nhưng điều rất bất ngờ là khi biết dự án này, các nghệ sĩ được coi là “ngôi sao” của sân khấu cải lương phía Nam như: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hồng Minh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Trọng Nghĩa, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc... đã tham gia nhiệt tình và hào hứng. Tại miền Bắc, các NSND Vương Hà, nghệ sĩ Quang Khải, Thu Trang... cũng đã nhận được nhiều sự tán dương của đồng nghiệp và những tràng vỗ tay của khán giả.

Anh Kiên khẳng định, tuy nằm trong tình trạng chung là khán giả mua vé rất ít, song có thể khẳng định, mặc dù phải khắc phục những khó khăn trước mắt, nhưng các diễn viên có niềm đam mê, có bản lĩnh nghề nghiệp vẫn chờ ngày tươi sáng, hoàng kim trở lại. Hằng năm, Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn có gần 200 đêm diễn hợp đồng với các địa phương. Mỗi hợp đồng diễn tại các địa phương đa phần chỉ khoảng 20 triệu đồng. Với số tiền ấy, sau khi Nhà hát trang trải chi phí mọi thứ, mỗi nghệ sĩ chính có thể hưởng 300.000 đồng/đêm diễn.

Tiếp nối thế hệ

Nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn, một diễn viên xiếc đã có cả đời hoạt động trong nghề. Ông sống cùng gia đình ở căn hộ tầng 5 khu tập thể Bách khoa cũ. Mọi thứ khá đơn sơ, giản dị và ấm áp. Gia đình ông có 3 đời làm nghề xiếc, từ cụ thân sinh ra ông, NSND Tạ Duy Hiển được coi là người sáng lập ngành xiếc Việt Nam. Đến thế hệ các con của ông, cũng theo chân bố mẹ. Nghệ sĩ xiếc Tạ Thụy Phương, con gái ông, sinh năm 1979 vốn là một tài năng trẻ đã được mời biểu diễn trong Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 23. 

Nhưng một tai nạn hy hữu đã xảy ra trong lúc chị biểu diễn tiết mục “dù bay” trên không, do hôm ấy trời gió nên sức gió đã tác động khiến chị bị tuột tay rơi xuống đất ngã bất tỉnh, chấn thương đốt sống cổ. Tai nạn đó cũng đã khiến chị bị thương tật cong xương cổ và vĩnh viễn mất đi khả năng biểu diễn. 

Hồi ấy, chị giải nghệ để chữa bệnh. Cuộc sống của chị cũng khá chật vật, nhưng nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn vẫn luôn động viên con gái vì chị đã được sống trong thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật và biểu diễn. Con trai nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn hiện cũng theo nghề của bố, anh là nghệ sĩ huấn luyện khỉ cho Liên đoàn Xiếc Việc Nam. Tuy nhiên, nghề xiếc có những khó khăn nên ngoài làm việc tại Liên đoàn, anh phải mở thêm cửa hàng điện thoại để kiếm thêm thu nhập.

Nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn chia sẻ rằng, trong nghề xiếc thú này, sự kiên nhẫn phải được đặt lên hàng đầu. Bản thân ông suốt cả chặng đường đã qua cống hiến hết mình cho nghệ thuật, đến tuổi nghỉ hưu, ông vẫn đến thăm lũ khỉ hàng ngày. Những thời gian còn lại, ông chạy taxi grab để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Ông bảo, thời buổi khó khăn, đồng lương về hưu ít ỏi, những năm tháng làm việc chẳng có đồng nào dành dụm được, nên đời sống của những nghệ sĩ già như ông ắt hẳn gặp khó khăn. 

Đặc thù nghề xiếc, đặc thù của xã hội bây giờ trẻ con người lớn đều bận rộn nên ít người đến rạp, mà phương tiện nghe nhìn bây giờ cũng phổ biến, vào mạng internet thì xem được mọi thứ hay ho của cả thế giới, nên nghề xiếc giống các loại hình nghệ thuật truyền thống khác cũng trở nên điêu đứng.

Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: Có một thực tế đáng buồn là nghề xiếc đang bị lấn sân bởi nhiều loại hình giải trí khác, chính vì thế mà rạp vắng bóng. Đã qua rồi cái thời huy hoàng của ông và những người cùng thế hệ, mỗi lần ra sân khấu là người người chào đón với tiếng vỗ tay tán thưởng và những ánh mắt hân hoan dõi theo. Sân khấu bây giờ nhiều ghế trống và thưa thớt tiếng vỗ tay động viên. Đó là nỗi buồn chung mà bất cứ diễn viên xiếc truyền thống cũng phải xót xa, tiếc nuối và thậm chí tủi thân, nhớ lại những giây phút vui tưng bừng trên sân khấu tròn rạp xiếc... 

Bản thân anh, vừa là một nghệ sĩ, vừa là một người quản lý, nhưng quả thật, để theo nghề nhiều người phải chấp nhận một cuộc sống không dư giả. Nghề xiếc có đặc thù riêng, khác với các loại hình nghệ thuật khác, đôi khi chỉ cần sơ sểnh, chỉ cần không cẩn trọng là có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng, cho nên, mọi thứ không phải nhanh hay cố mà được, nó phải có lộ trình. 

Chính bởi vậy mà sẽ khó khăn hơn cho người nghệ sĩ biểu diễn. Mặc dù có nhiều khó khăn trong thời buổi hiện nay, nhưng tất cả họ vẫn đang nỗ lực từng ngày từng giờ. Ngoài biểu diễn tại Hà Nội, thì còn đi các tỉnh, đi đến các vùng sâu, vùng xa để biểu diễn phục vụ bà con, tăng thêm thu nhập cho các diễn viên. 

Ngoài việc Liên đoàn có chính sách hỗ trợ thì tự mỗi cá nhân cũng phải nỗ lực đi làm thêm ngoài giờ. Ngày lễ Trung thu đi múa lân, đi biểu diễn cho các em nhỏ, hoặc phục vụ các sự kiện. Cái khó bó cái khôn, mọi thứ đều phải nỗ lực từ nhiều phía. Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng cũng mong rằng, cùng với sự đổi mới từ các tiết mục biểu diễn và hình thức tiếp cận, tới đây, khán giả sẽ có nhiều người quay trở lại với sân khấu truyền thống.

Đồng hành cùng nghệ sĩ

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, người đã có nhiều năm đam mê theo đuổi nghệ thuật tuồng. Trong căn phòng làm việc hiện tại của ông tại 51 Trần Hưng Đạo, vẫn treo ảnh ông hóa thân vào các vai diễn ngày xưa. 

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ.

NSND Tiến Thọ chia sẻ: Tháng 7 vừa rồi, tại TP Quy Nhơn, Bình Định, đã diễn ra Hội diễn nghệ thuật Tuồng toàn quốc năm 2018 trong 2 ngày với sự tham gia của 400 nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 15 câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên của 7 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định. 

Kết thúc Hội diễn, Ban tổ chức đã trao 21 Huy chương Vàng cho 21 cá nhân và 16 Huy chương Bạc cho 16 cá nhân xuất sắc; đồng thời trao 10 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc cho các đoàn nghệ thuật có trích đoạn xuất sắc. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở tặng giấy khen cho 10 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hội diễn. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng tặng bằng khen cho 15 câu lạc bộ, đoàn tuồng không chuyên tham dự hội diễn. Tuy nhiên, kết quả cho dù thế nào cũng đều đáng ghi nhận về sự nỗ lực của các nghệ sĩ vì sự yêu nghề của họ, trong bối cảnh dường như khán giả đang quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng. 

Một trích đoạn tuồng trong Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc tháng 7-2018.

Như chúng ta thấy, những năm trở lại đây, các sân khấu dành cho nghệ thuật truyền thống đều thưa vắng khách. Lớp trẻ dường như không mấy mặn mà với những bộ môn nghệ thuật một thời được coi là "hoàng kim" của sân khấu, còn những người yêu thích thì đã ở tuổi "xưa nay hiếm". Bởi vậy mà con đường mưu sinh của các nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống cũng đầy vất vả. Có lẽ phải thừa nhận rằng, trong thời buổi này, chỉ đam mê nghề thôi... thì chưa đủ, mà cần sự đồng hành từ nhiều phía.

Chưa bao giờ, sự vận hành tìm lối đi của nghệ thuật truyền thống lại khó khăn như bây giờ. Các nghệ sĩ luôn sẵn niềm đam mê nghề, và các cấp quản lý trong các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn đang nỗ lực hàng ngày để duy trì và phát triển. Chúng ta hy vọng rằng, sự khó khăn sẽ sớm qua đi, những điều tốt đẹp đang chờ người nghệ sĩ ở con đường phía trước... phía thánh đường ánh sáng và âm nhạc vẫn vang lên trên sân khấu của những đêm diễn...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.