Bảo tồn di sản: “Con gà đẻ trứng vàng” và những hành xử sai lệch

Chủ Nhật, 26/05/2019, 07:36
Việt Nam có 8 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Đây là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, việc khai thác các di sản này trong hoạt động du lịch đâu đó vẫn thiếu tầm nhìn, để xảy ra xung đột, tranh cãi, làm dấy lên nhiều băn khoăn lo ngại về vấn đề ứng xử với di sản văn hoá và thiên nhiên.

Khi di sản đối mặt nguy cơ bị xâm hại

Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Cao nguyên đá Đồng Văn, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ là 8 địa danh nổi tiếng của nước ta đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Đây không chỉ là báu vật di sản quốc gia mà còn được coi như địa danh có một không hai của thế giới.

Một điểm trong quần thể Vịnh Hạ Long bị khai thác đá trước khi bị ngăn chặn.

Khi làm hồ sơ để được UNESCO công nhận, Hội đồng các nhà nghiên cứu và khoa học lịch sử đã đưa ra được bằng chứng đầy thuyết phục về giá trị văn hoá tinh thần và chứng tích về kì quan của cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây, và kết quả đã đạt như kì vọng.

Tuy nhiên, việc UNESCO công nhận các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh đất nước được quảng bá ra thế giới, các di sản văn hoá và thiên nhiên này là điểm đến lý tưởng cho nhiều người muốn trải nghiệm.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, những năm gần đây du lịch đến các di sản của Việt Nam phát triển rất mạnh, với số lượng người đến tham quan các di tích thắng cảnh luôn dẫn đầu các khu du lịch. Nhiều di tích thắng cảnh bán vé và thu về một nguồn lợi lớn.

Quá trình khai thác di sản để trở thành khu du lịch ở một số địa phương còn có những điểm chưa hợp lí gây phản ứng trong dư luận, như Khu lăng mộ triều Nguyễn bị san ủi làm bãi đỗ xe để phục vụ khách thăm quan lăng Tự Đức, và lăng Đồng Khánh thành phố Huế.

Mới đây nhất vào tháng 4 vừa qua, Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế bị tu bổ thô bạo. Người ta nhận thấy sau gần 200 năm tồn tại, bờ kè của di tích bậc nhất xứ Huế lại đang được đào bới, xây mới, không bảo tồn đúng nguyên trạng di tích gốc.

Còn nhớ vào mùa hè năm 2017, một công trường khai thác đá với quy mô “khủng” ngang nhiên “xẻ thịt” những núi đá nằm trong quần thể di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long đem bán làm vật liệu xây dựng. Sau khi báo chí vào cuộc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã cho chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác đá tại một số núi ở vùng đệm vịnh Hạ Long.

Cũng từ năm 2017, một ý tưởng xây dựng tuyến cáp treo vào vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình đã dấy lên nhiều nghi ngại về vấn đề bảo tồn di sản. Sự việc này ồn ào và nóng đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu di sản cùng các nhà khoa học đã liên tục lên tiếng cảnh báo về công tác bảo tồn di sản ở địa danh này.

Ngày 9-4 vừa qua tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả khảo sát hang Sơn Đoòng.

Phố cổ Hội An - điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng cho biết: “Đây là vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nên chúng tôi hết sức cân nhắc với bất cứ tác động nào đến khu vực này. Nguyên tắc là vùng lõi của vườn quốc gia thì không được xây dựng bất cứ công trình gì”.  Vị lãnh đạo này cũng khẳng định: “Chuyện xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng chỉ là ý tưởng của doanh nghiệp. Quảng Bình không chấp nhận cho doanh nghiệp xây dựng dự án cáp treo này”.

Trước đây, Động Thiên Đường được chọn làm một trong ba địa điểm tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Thế giới 2017 cũng đã làm dấy lên nhiều băn khoăn, lo ngại chung quanh vấn đề ứng xử với di sản văn hoá. Một địa danh rất nổi tiếng khác thu hút lượng lớn khách tham quan trong nước và quốc tế là thành phố cổ Hội An. Cách đây 20 năm về trước, người ta nhắc đến Hội An là nhắc đến sự yên bình, thơ mộng với gần 1.000 ngôi nhà cổ và gần 200 di tích đình chùa đền miếu. Thành phố cổ này trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch và vì thế cũng bị tác động không nhỏ.

Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Quảng Nam khi tiếp xúc với báo chí đã thừa nhận: “Bên cạnh những yếu tố về môi trường, thiên tai, lũ lụt thì sự tăng trưởng mạnh mẽ lượng khách du lịch và tình trạng người dân bán nhà phố cổ để kinh doanh đang là thách thức lớn đối với đô thị cổ Hội An”.

Quả thật, lượng lớn người đến du lịch khám khá thành phố nhỏ, xinh đẹp này khiến cho không khí ở đây trở nên ngột ngạt. Nhu cầu ăn, ở, phục vụ khách đến lưu trú khiến người ta thi nhau xây dựng mô hình nghỉ dưỡng hommestay, villa. Một thành phố cổ kính êm đềm nên thơ có những ngôi nhà nghỉ dưỡng theo mô hình hiện đại liệu có quá lệch tone và phá vỡ cảnh quan hay không? Đó là điều đáng suy ngẫm.

Những sản phẩm du lịch “ăn theo” ở khu phố cổ Hội An phải nói đến là loại hình chụp ảnh cưới. Đã có nhiều đôi bạn trẻ để có được sản phẩm độc và lạ, đã không ngần ngại nằm sõng xoài lên mái nhà cổ Hội An gây nên làn sóng bất bình về sự thiếu ý thức, gây phản cảm.

Có người đã bình luận về vấn đề này: “Phố cổ không chỉ đẹp mà còn thâm trầm… cảm giác linh thiêng trầm tích mấy trăm năm... Hãy đừng để những hình ảnh này xảy ra nữa. Mỗi người phải tự cảm thức cái hồn thiêng của phố từ mái ngói âm dương, thảm rêu, đầu hồi, bờ cháy... đến mắt cửa, hiên nha, giàn hoa, tiếng chim, cánh bướm...

Đừng làm tổn thương phố vì nó sẽ chạm vào nỗi đau không chỉ riêng ai. Hệ mái ngói âm dương của nhà cổ là di sản có giá trị đặc biệt của Di sản văn hoá thế giới Đô thị cổ Hội An. Các bạn lên mái để chụp ảnh sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị di sản về nhiều mặt, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo tồn di sản”.

Chỉ nhăm nhăm lợi nhuận thì chắc chắn sai sót

Chủ trương đưa di sản vào khai thác du lịch, sau đó sử dụng nguồn kinh phí đó để bảo tồn di sản là một chủ trương đúng và được nhiều địa phương khai thác khá hiệu quả như khu Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế.. Tuy nhiên ở một số địa phương khi áp dụng phương pháp này vẫn xảy ra xung đột với các bên liên quan.

Thánh địa Mỹ Sơn đang bị xuống cấp và cần được trùng tu tôn tạo.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, thành viên Ủy ban Di sản thế giới cho biết: “Đã trở thành Di sản thế giới có nghĩa là di sản của chung của cả thế giới chứ không chỉ riêng của Việt Nam. Có nghĩa Việt Nam đại diện cho nhân loại giữ lấy tài sản văn hoá của nhân loại, trách nhiệm bảo vệ không chỉ còn là của riêng Việt Nam mà còn là của các nước khác nữa. UNESCO có một cơ chế quản lý rất chặt là phải có báo cáo từng năm. Họ sẽ thông qua những người đi du lịch để nắm tình hình về những di sản đã được công nhận, hoặc đưa người vào kiểm tra đánh giá, khi họ thấy sai phạm, họ cảnh báo mà không sửa thì sẽ có biện pháp xử lý, vì vậy chúng ta hãy thận trọng ứng xử với di sản mà cha ông ta để lại”.

Ông nhấn mạnh: “Ở giai đoạn phát triển kinh tế và đô thị hoá nhanh như hiện nay thì đôi khi người ta bị chi phối về lợi nhuận, về đồng tiền. Nếu làm bất kì khía cạnh nào mà quên mất văn hoá, chỉ nhăm nhăm lợi nhuận và tiền thì chắc chắn sẽ sai sót. Những sai sót trong tình trạng vừa qua có thể hoàn toàn khắc phục được nếu chúng ta biết tôn trọng văn hoá”. 

Nhà nghiên cứu di sản thẳng thắn: “Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là câu chuyện muôn thủa của nhân loại chứ không chỉ riêng của Việt Nam. Các nước khác cũng có câu chuyện như thế. Trên thế giới có nhiều di tích đã bị loại ra khỏi di tích văn hoá thế giới thì Việt Nam cũng không loại trừ nếu chúng ta không thận trọng. Đừng để xảy ra điều đó”.

“Tôi mong muốn Cục Di sản quản lý di tích quốc gia đặc biệt như cách của UNESSCO, 5 năm kiểm tra một lần, nếu nơi nào không đáp ứng được thì loại di tích quốc gia đặc biệt đi. Di tích Quốc gia đặc biệt loại xuống di tích quốc gia cấp tỉnh để cho các cấp, chính quyền bảo vệ có ý thức tốt hơn. Hành lang pháp lý của chúng ta chưa thật đầy đủ hoàn chỉnh. Thứ hai là tích hợp các luật có liên quan đến một đối tượng quản lý là ta tích hợp chưa tốt. Làm về văn hóa cũng phải nghĩ cho du lịch, giao thông…

Ngược lại, trong lĩnh vực giao thông, xây dựng cũng phải có sự kết nối với di sản văn hoá. Hiện các lĩnh vực trên hơi tách biệt nên cần có sự kết nối và tích hợp các luật ấy với nhau để tạo ra một dự án có hiệu quả xã hội, đấy là tương lai ta phải khắc phục. Thế giới đánh giá cao nỗ lực của chúng ta nhưng làm sao triển khai quy định có hiệu quả thực tiễn, là bước tiến trong đời sống xã hội mới là quan trọng” - nhà nghiên cứu Đặng Văn Bài bày tỏ.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch giải đáp: “Từ trước đến nay, việc quản lý di tích, di sản được áp dụng các văn bản từ năm 2009 nhưng chưa quy định chi tiết. Từ năm 1993 đến nay UNESCO đã vinh danh 8 di sản của chúng ta thì tại thời điểm bây giờ chúng ta mới có quy định, nghị định hoàn chỉnh để nâng cấp hoàn thiện bộ máy quản lý trực tiếp các di sản của chúng ta.

Xung đột giữa bảo tồn di sản thiên nhiên - văn hoá thế giới ở Việt Nam với phát triển kinh tế thời gian qua cho thấy, kinh tế phát triển quá mạnh trong khi chúng ta chưa có đủ cơ sở hạ tầng, cũng như căn cứ pháp lý để bảo vệ di sản văn hoá thế giới. Cho nên nảy sinh bất cập giữa bảo tồn và phát triển”. 

Ông Trần Đình Thành nói, muốn cân đối được thì chúng ta phải có công cụ pháp lý, nâng cao trình độ quản lý để đáp ứng được điều kiện phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Năm 2001 chúng ta đã có Luật Di sản văn hoá. Năm 2009 thì Luật Di sản văn hoá sửa đổi đã được ban hành và dưới hai luật này có nhiều nghị định, thông tư quy định bảo vệ di sản văn hoá.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về bảo vệ di sản văn hoá thiên nhiên thế giới của Việt Nam vẫn còn thiếu. Bởi vậy, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khá đầy đủ và chi tiết. Điều đó có nghĩa, hành lang pháp lý đã đầy đủ, vấn đề là áp dụng vào thực tế để quản lý tốt di sản là điều vô cùng quan trọng.

Người đại diện Cục Di sản đưa ra ý kiến: “Trước guồng quay phát triển kinh tế xã hội như hiện nay, làm sao nâng cao được nhận thức của các cấp, các ngành trong việc gìn giữ di sản văn hoá đất nước nói chung và 8 di sản văn hoá thiên nhiên của nước ta được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới nói riêng?

Cần phải xác định và nhận thức tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản không chỉ là gìn giữ tài sản văn hoá cha ông ta đã để lại, mà di sản còn đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các cấp các ngành sẽ có hành động đúng vừa bảo vệ di sản lại vừa phát huy được giá trị di sản”.

Trần Mỹ Hiền
.
.