Bất ngờ Ấn Độ rút khỏi RCEP

Thứ Hai, 11/11/2019, 16:30
Ngày 4-11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do được cho là lớn nhất thế giới, với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên Hiệp hội Các cuốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 quốc gia đối tác là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - đã bị giáng một "đòn" mạnh khi vào phút chót, Ấn Độ quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán kéo dài suốt 7 năm qua về hiệp định này.

Quyết định đã được tính toán

Những hy vọng trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 11, rằng thỏa thuận này có thể được hoàn tất - hoặc gần như vậy - đã tiêu tan bởi quyết định vào phút chót của Ấn Độ: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối cùng đã khuất phục trước làn sóng phản đối ở trong nước, khi các đảng đối lập và những người nông dân đe dọa sẽ biểu tình nếu ông ký tham gia RCEP.

Quyết định “quay ngoắt 180 độ” của Ấn Độ được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Thương mại nước này Piyush Goyal tuyên bố hôm giữa tuần rằng Ấn Độ sẽ ký thông qua RCEP. Tuy nhiên, những người vốn tỏ lo ngại rằng Ấn Độ sẽ buộc phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu nông nghiệp và những mặt hàng khác từ Trung Quốc, cũng như hàng nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển hơn, chẳng hạn như Australia và Nhật Bản, rõ ràng đã thắng thế trong ngày 4-11.

Phát biểu trước báo giới tại Bangkok (Thái Lan), người phát ngôn của Chính phủ Ấn Độ Vijay Thakur Singh đã nhắc đến “lợi ích quốc gia” trong việc bảo vệ người nông dân và các công nhân làm trong ngành dịch vụ. Ấn Độ cũng từng lo ngại rằng những yêu cầu của họ về việc tiếp cận thị trường dịch vụ sẽ bị các nước ký RCEP bác bỏ.

Người dân Ấn Độ không mặn mà với RCEP. Ảnh: india today.

Tuyên bố của các nước tham gia đàm phán RCEP cho biết 15 thành viên còn lại “đã hoàn tất các cuộc đàm phán dựa trên văn bản về toàn bộ 20 chương và các vấn đề tiếp cận thị trường nói chung”. Vấn đề duy nhất được để lại là “pháp lý”, sẽ được hoàn thiện trước khi RCEP được ký kết vào năm tới.

Mặc dù việc Ấn Độ rút khỏi RECP chắc chắn sẽ khiến nhiều nước khác lo ngại về tiến trình đàm phán với nước này liên quan đến những thỏa thuận đầu tư và thương mại trong tương lai, song nó có thể khiến nước này xích lại gần hơn với Mỹ và vẫn nằm trong chiến lược địa chính trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn ban đầu xuất phát từ Nhật Bản cách đây hơn 1 thập kỷ và được triển khai với sự “hứng thú” của chính quyền Tổng thống Trump như một sự lựa chọn thay thế đối với chiến lược châu Á-Thái Bình Dương.

Một số nước cho biết Ấn Độ sẽ được chào đón để tái gia nhập RCEP vào một thời điểm nào đó trong tương lai, cũng như nhiều nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã để ngỏ cơ hội cho Mỹ tái tham gia hiệp định này.

Khi RCEP không có Ấn Độ

Câu hỏi đặt ra là vì sao Ấn Độ rút khỏi RCEP? Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, RCEP là sáng kiến do Trung Quốc đề xướng năm 2012 nhằm phá vỡ áp lực của Mỹ khi Washington dẫn dắt TPP. TPP không bao gồm Trung Quốc và thực tế đây là cơ chế hợp tác toàn diện về kinh tế nhằm cô lập Bắc Kinh.

Trong khi đó, RCEP có mục tiêu thu hẹp hơn, là chỉ hạ thấp hàng rào thuế quan trong luồng giao dịch thương mại giữa các nước, chứ không có tham vọng thay đổi cơ chế về đầu tư hay lao động và môi sinh. Tuy nhiên, mục tiêu đó vẫn không thành khi Ấn Độ rút lui.

New Delhi đang phải đối mặt với luồng giao dịch bất lợi khi Ấn Độ bị nhập siêu quá lớn từ nền kinh tế Trung Quốc, từ 20 tỷ USD vào năm 2009 đã tăng gần gấp 3, lên 57 tỷ USD vào năm 2018. Lý do lớn hơn là dù nước nào cũng đề cao tự do mậu dịch thì vẫn lặng lẽ bảo vệ quyền lợi của mình. Hai nền kinh tế mạnh nhất và đông dân nhất châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đều có phản ứng đó.

Đài TNHK dẫn một số nhà phân tích cho rằng, nếu tham gia RCEP thì thị trường Ấn Độ sẽ tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Đài TNHK dẫn lại tờ New York Times nhận định rằng việc Ấn Độ, quốc gia đã tham gia đàm phán ngay từ đầu, rút ra là "bước lùi lớn của RCEP".

Tờ báo này chỉ ra những yêu cầu của Ấn Độ mà Trung Quốc không thể đáp ứng như "xuất khẩu một lượng lớn thuốc men thông thường giá rẻ của Ấn Độ sang Trung Quốc", điều mà ngành công nghiệp dược của Trung Quốc phản đối. Ấn Độ cũng yêu cầu được tiếp cận rộng hơn thị trường Trung Quốc cho ngành công nghiệp thuê ngoài (outsourcing) mà họ rất mạnh, bao gồm cả việc cấp visa dễ dàng cho các kỹ sư phần mềm Ấn Độ để làm việc trong các dự án ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận được phản ứng lạnh nhạt của Bắc Kinh, cũng theo New York Times.

Tờ Print của Ấn Độ cho rằng nước này bị thâm hụt thương mại với hầu hết các nước RCEP, bao gồm một số nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc và Australia. Theo Print, tỷ lệ xuất khẩu sang các nước RCEP trong tổng xuất khẩu của Ấn Độ là 20% trong khi nhập khẩu đến 35%. Đáng lo hơn nữa cho New Delhi là việc Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều hơn tất cả các nước còn lại trong RCEP.

Báo này dẫn ra sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN được ký kết, thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã tăng lên 5-6 lần trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2017, hay nói cách khác, thị phần của Trung Quốc trong nhập khẩu của ASEAN đã tăng rất nhanh so với xuất khẩu của khối này sang Trung Quốc.

Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp cận thị trường ASEAN nhiều hơn so với chiều ngược lại. Báo này nhận định: “Với RCEP, Ấn Độ không muốn là ASEAN thứ hai”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phải chiều lòng các đảng phái và người dân khi quyết định tạm rời RCEP. Ảnh: Yahoo News.

Đài TNHK dẫn tờ Wall Street Journal nhận định rằng tác động của RCEP đối với các nước thành viên là "rất nhỏ". Theo báo này, đối với các quốc gia đã có các thỏa thuận chặt chẽ với nhau từ trước, RCEP hầu như chưa có ý nghĩa gì. Thuế quan trung bình của các nước thành viên ASEAN đối với nhau đã gần như ở mức bằng không.

RCEP không có Ấn Độ sẽ chỉ giúp tăng 0,08% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2030. Hai quốc gia mà RCEP giúp tăng hơn 0,5% GDP trong cùng kỳ là Hàn Quốc, vốn cắt giảm mạnh nhất thuế quan, và Việt Nam, vốn sẽ có được cú hích đối hàng dệt may và điện tử.

Wall Street Journal viết: “Do RCEP sẽ không mở rộng hợp tác thương mại một cách có ý nghĩa đối với các quốc gia đã có mức thuế quan song phương thấp và không còn bao gồm quốc gia có dư địa rộng nhất để giảm thuế quan là Ấn Độ nên sẽ có tác động hạn chế”.

Tấm thảm trải đường có giá trị

Nói như vậy có nghĩa là RCEP còn nhận được khía cạnh tích cực của việc Ấn Độ rời RCEP. Trong bài viết đăng trên trang The Interpreter của Viện Chính sách Lowy, Australia, tiến sĩ Jeffrey Wilson, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia cho rằng: Quyết định rút khỏi RCEP của Ấn Độ vào thời điểm cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu ngày một gia tăng đã làm giảm sự tăng cường hợp tác chính trị và hội nhập kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc rút khỏi RCEP của Ấn Độ chắc chắn là một bước lùi nhưng nó không phải là một thảm họa. Và nếu quyết định đó mở đường cho thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt này thì rõ ràng nó là một tấm thảm trải đường có giá trị.

RCEP là một thỏa thuận rất lớn, tác động liên hoàn tới hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu. Hiệp định này hiện bao gồm 15 nền kinh tế lớn, chiếm 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả thế giới, ngang bằng với NAFTA và lớn hơn cả EU. RCEP đưa các quốc gia khác biệt tập hợp lại với nhau, từ những nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á, đến các cường quốc toàn cầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hiểu một cách đơn giản, điều này đòi hỏi một quá trình rất phức tạp. Kể từ lần khởi động đầu tiên vào năm 2011, RCEP đã trải qua 29 vòng đàm phán chính thức và hàng chục cuộc đối thoại giao thoa, cùng nhiều cuộc họp cấp bộ trưởng. Việc tạo dựng sự đồng thuận giữa các chính phủ về các quy tắc thương mại cho hàng chục nghìn sản phẩm không phải là một nhiệm vụ nhanh chóng và dễ dàng.

Trong vài năm gần đây, tiến trình đàm phán RCEP đã bắt đầu chậm lại do những rạn nứt gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nước này yêu cầu một thỏa thuận đặc biệt Ấn Độ-Trung Quốc nhưng bị phản đối do không phù hợp với thiết kế của RCEP như một khối đa phương thực sự.

Việc rút lui của Ấn Độ chắc chắn là một đòn giáng lớn. Ấn Độ là nền kinh tế lớn trong khu vực, đồng thời là một trong những nước phát triển nhanh nhất thế giới trong 20 năm tới. Nước này cũng là đối tác chiến lược của nhiều quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ trở thành người ngoài cuộc trong phần cốt lõi của cấu trúc khu vực.

Nông dân Ấn Độ lo ngại hàng hóa của họ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ảnh: The Week.

Sau khi Ấn Độ rút lui, 15 thành viên còn lại tuyên bố ý định hoàn thành các thỏa thuận cuối cùng và dự kiến ký thỏa thuận vào năm 2020. Lần đầu tiên trong lịch sử RCEP, đã xuất hiện dấu hiệu của vạch đích.

RCEP được coi là một phần quan trọng của kiến trúc kinh tế khu vực. Quan trọng hơn, RCEP sẽ cung cấp một bộ quy tắc thương mại duy nhất và tích hợp cho cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nó đặt khu vực này ngang bằng với Bắc Mỹ và châu Âu, những khu vực đã có các thỏa thuận thương mại tích hợp trong hơn hai thập kỷ vừa qua. Nó cũng giúp “mở khóa” các chuỗi giá trị xuyên biên giới, vốn rất cần các quy tắc thương mại toàn khu vực để quản lý những ngành công nghiệp trải rộng trên nhiều quốc gia.

Đặc biệt cần phải chú ý đến bối cảnh địa chính trị mà RCEP đang được tạo ra. Thế giới ngày nay bị bao vây bởi chiến tranh thương mại và xung đột kinh tế, ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đáng tin cậy như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang bị lung lay dưới sự tấn công của chủ nghĩa bảo hộ.

RCEP chống lại sự gia tăng các hành vi đó và gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng các chính phủ khu vực cam kết tuân thủ trật tự hợp tác kinh tế, đa phương và dựa trên quy tắc. Việc Ấn Độ rời khỏi RCEP rõ ràng gây thất vọng, nhưng trong môi trường hiện nay, một thỏa thuận thành công là rất quan trọng đối với khu vực này.

“Chồi xanh giữa hoang mạc”

Khi ký kết RCEP, châu Á đã chọn sự cởi mở thay vì chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa khu vực thay vì chủ nghĩa dân tộc, hợp tác thay vì đối đầu và đoàn kết thay vì ngờ vực. Họ đã gửi một tín hiệu rõ ràng và mạch lạc đến thế giới rằng: Châu Á vẫn rất cởi mở với kinh doanh, cam kết cởi mở với chủ nghĩa khu vực, vốn đã chứng kiến tỷ lệ GDP toàn cầu của Đông Á tăng từ 15 lên 30% kể từ năm 1980, trong khi tỷ lệ ở Nam Á vẫn “ngoan cố” không nhúc nhích, bị mắc kẹt ở mức 3-4%.

RCEP đã phải trải qua một thời kỳ khó khăn nhưng lựa chọn đã trở nên dễ dàng hơn bởi những quan điểm cho rằng châu Á cần chống lại chủ nghĩa bảo hộ ngay cả khi Mỹ chọn con đường đó. Đối với các quốc gia đang tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới, câu trả lời chính là các tiêu chuẩn sống gia tăng, tăng trưởng sản xuất sáng sủa và hợp tác khu vực.

Phân tích của Ủy ban Năng suất Australia đã đưa ra các lựa chọn chi tiết: Nếu chọn chủ nghĩa bảo hộ thì GDP của ASEAN+6 sẽ giảm hơn 8%. Nếu chọn sự cởi mở thì GDP của ASEAN+6 sẽ tăng tới 4%.

Châu Á đã có sự lựa chọn đúng đắn. Con đường của chủ nghĩa bảo hộ rất tốn kém, làm cho người dân đã nghèo sẽ càng nghèo hơn.     

RCEP là một “chồi xanh giữa hoang mạc”. Khi thế giới chia rẽ, châu Á lại đến gần nhau. RCEP không chỉ là một thỏa thuận thương mại mà còn là một thỏa thuận hợp tác kinh tế. Nó tập hợp một nhóm các quốc gia mà trước đây không có hiệp định thương mại tự do nào liên kết họ. Nó mang lại cho khu vực sự đoàn kết nhằm theo đuổi những lợi ích và mục tiêu toàn cầu.

Trong một thế giới đang rạn nứt, RCEP mang đến một ngọn hải đăng hy vọng. Nó cho thấy các quốc gia ở trong khu vực phát triển nhanh nhất, năng động nhất trên thế giới vẫn cam kết hợp tác và cởi mở. Điều đó tạo ra sự bảo vệ tốt nhất cho sự thịnh vượng và an ninh của châu Á trong một thế giới nơi những nước khác đã rút lui một cách đáng kể. Hy vọng phần còn lại của thế giới có thể được thúc đẩy từ kết quả của RCEP để quay lại cùng theo đuổi một mục tiêu.

Hoa Huyền
.
.