Bi kịch tuổi xế chiều của sao sân cỏ
Với vị trí sở trường là hậu vệ cánh phải, ngôi sao người Bờ Biển Ngà, Emmanuel Eboue đã từng gây ấn tượng khá mạnh với đông đảo người hâm mộ qua quãng thời gian khoác áo CLB giàu truyền thống Arsenal tại giải Ngoại hạng Anh (Premier League) từ năm 2004 đến năm 2011. Danh hiệu cao quý nhất mà Eboue có được trong màu áo “Pháo thủ thành London” (biệt danh của Arsenal) là ngôi Á quân tại giải đấu danh giá nhất châu Âu, Champions League 2005/2006.
Cuộc sống của Eboue “lên hương” trông thấy khi kiếm tới hàng chục triệu bảng nhờ tiền lương, thưởng cao ngất ngưởng lên tới 3 triệu bảng/năm từ CLB Arsenal. Chứng kiến Eboue mua sắm ầm ầm hết siêu xe này tới siêu xe khác, có người đã phải thốt lên hậu vệ nổi danh người Bờ Biền Ngà đúng là tiêu tiền cả “quyển” theo kiểu nhà chẳng có gì chỉ có mỗi tiền.
Ngay cả khi rời khỏi Arsenal để chuyển tới thi đấu cho CLB Galatasaray tại giải vô địch quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Eboue vẫn duy trì cuộc sống phong lưu, hào nhoáng khiến khối người phải thèm muốn.
Nhưng ở đời chẳng ai học được chữ ngờ. Ngôi sao sân cỏ kiêm triệu phú ngày nào giờ đây đang lâm vào cảnh tay trắng, sống vật vờ tạm bợ như một kẻ vô gia cư. Theo thông tin trích dẫn trên nhật báo Daily Mail (Anh), tuyển thủ người Bờ Biển Ngà đã được một người bạn thương tình cho ngủ nhờ trên... sàn nhà để qua ngày đoạn tháng với tương lai mịt mù.
Bi kịch đổ ụp xuống đầu Eboue chung quy vì quá tin tưởng cô vợ đáo để Aurelie quản lý tiền bạc, tài sản. Chỉ chăm chăm đá bóng và kiếm tiền thật lực, Eboue đã phải ngậm đắng nuốt cay khi bị vợ lừa cho phá sản từ phiên tòa xử vụ ly dị giữa hai người. Họa vô đơn chí, Eboue còn bị người đại diện Sebastien Boisseau qua mặt rồi tố anh ỉm đi không trả khoản tiền hoa hồng.
Mọi sự còn trở nên tồi tệ hơn nữa khi Eboue bị Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cấm 1 năm thi đấu từ màn kiện tụng ầm ĩ. Mất tất cả mọi thứ một cách quá cay đắng, Eboue thiếu chút nữa đã tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình. Trước bi kịch lâm vào cảnh túng quẫn, không một xu dính túi của Eboue, cả hai CLB Arsenal và Galatasaray đều đã có những động thái nhằm chia sẻ khó khăn gặp phải của Eboue.
Nguồn tin thân cận từ ban lãnh đạo CLB Galatasaray cho hay, họ dự định sẽ mời Eboue làm trợ lý cho huấn luyện viên tại đội U14 của CLB này. Thông qua tài khoản chính thức của CLB trên trang mạng xã hội Twitter, Arsenal đã kêu gọi mọi cầu thủ cũng như fan ủng hộ tiền bạc giúp Eboue dần vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Bi kịch phá sản của Eboue là bài học với nhiều cầu thủ. |
Thực tế, đây chỉ những giải pháp tình thế và khó có thể mang tính chất ổn định lâu dài. Bởi gì thì gì, cuộc sống muốn bền vững thì phải do chính bản thân mình, năng lực của mình gây dựng nên chứ không thể chỉ trông vào sự thương hại, giúp đỡ của người khác, cho dù họ có thiện chí đến đâu.
Bi kịch của Eboue là một trong những minh chứng điển hình cho cảnh "nghèo vẫn hoàn nghèo" của sao sân cỏ sau khi giải nghệ. Không chỉ có Eboue, danh sách sao sân cỏ bị phá sản vì những lý do khác nhau đưa lại như quản lý tài chính yếu kém, ham mê sát phạt đỏ đen..., trước đó đã xuất hiện khá nhiều cái tên quen thuộc với những tín đồ túc cầu giáo như David James, Kenny Sansom, John Arne Riise, Lee Hendrie, Eric Djemba-Djemba, Martin Keown, Andy Cole, Danny Murphy…
So với nhiều môn thể thao khác, bóng đá là môn thể thao đặc thù đòi hỏi tố chất thiên bẩm về khả năng chơi bóng theo kiểu vạn người mới chọn ra được một người, nền tảng thể lực dẻo dai, bền bỉ cũng như phải hy sinh rất nhiều thứ chẳng hạn như chuyện bỏ lỡ cơ hội học hành đến nơi đến chốn để có hành trang kiến thức.
Và cố nhiêu không phải ai cũng đều may mắn và giỏi giang như siêu sao người Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo, người tận dụng rất tốt khả năng chuyên môn và lợi thế đặc biệt về ngoại hình trong việc ký hợp đồng quảng cáo béo bở hay đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh để khối tài sản vốn đã kếch xù ngày càng phình lên theo thời gian.
Tương tự như vậy là trường hợp của cựu thủ quân Đội tuyển Anh, David Beckham khi khéo léo tạo dựng thương hiệu riêng và một tương lai đảm bảo cho cuộc sống không bóng đá sau này. Rủi ro còn xảy đến với bất kỳ cầu thủ nào như gặp phải chấn thương trong quá trình luyện tập và thi đấu. Câu nói “đời cầu thủ cứ ráo mồ hôi là hết tiền” đã nói lên sự khắc nghiệt mà cầu thủ phải đối mặt một khi chấp nhận dấn thân theo nghiệp quần đùi áo số.
Điều này phần nào được thể hiện một cách rõ nét qua kết quả thống kê được công bố mới đây từ Xpro, một tổ chức bảo vệ quyền lợi cầu thủ tại Anh. Có tới 60% số cầu thủ tại xứ sương mù đã rơi vào tình trạng khánh kiệt chỉ trong vòng 5 năm kể từ khi kết thúc sự nghiệp thi đấu do những lý do cả chủ quan lẫn khách quan đưa lại.
Cùng với khó khăn về mặt tài chính, khá nhiều cầu thủ còn hứng chịu bi kịch từ bệnh tật. Điển hình hơn cả là cựu danh thủ người Đức, Gerd Mueller mắc bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer hay trường hợp bi đát của Andreas Biermann, người đã tự sát vì chứng trầm cảm đeo đẳng. Rõ ràng, nếu không có định hướng đúng đắn và khả năng tự chủ tốt về mọi mặt, sẽ còn có thêm những ông sao sân cỏ ở tuổi xế chiều lâm vào cảnh bi kịch mà chẳng một ai mong muốn.