Bùng nổ thị trường... da lừa

Thứ Ba, 17/10/2017, 15:04
Loài lừa trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Phi, đang bị đe dọa tuyệt chủng do bị tàn sát hàng loạt để phục vụ nhu cầu của thị trường khổng lồ Trung Quốc - nơi da lừa được sử dụng để chế tạo loại thuốc cổ truyền được cho là có khả năng chữa bệnh kỳ diệu.

Không chỉ da lừa mà ngay đến thịt loài động vật được cho là đần độn và chậm chạp đến tội nghiệp này cũng trở thành món ngon trên thực đơn các nhà hàng Trung Quốc. Trong suốt 27 năm làm việc cho Hội chống ngược đãi động vật của Nam Phi (SPCA), nữ thanh tra Reinet Meyer đánh giá đây là vụ việc tồi tệ nhất mà bà từng chứng kiến - những con lừa bị tàn sát hàng loạt để lấy da và thịt xuất khẩu ồ ạt sang Trung Quốc.

Hiện nay, các quốc gia châu Phi đang hợp sức hành động chống săn giết lừa và bảo vệ loài này.

Sản phẩm ejiao dạng nước hay keo dán ở Trung Quốc.

Phục vụ nhu cầu bào chế thuốc cổ truyền Trung Quốc

Reinet Meyer chỉ biết đến quy mô của khu lò mổ lừa ở Bloemfonteun hồi tháng 6-2016 sau khi nhận được thông tin từ tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ động vật họ ngựa Highveld Horse Care Unit (HHCU). Trên bãi đất nhỏ bên ngoài thành phố cao nguyên Bloemfontein miền trung Nam Phi, khoảng 70 con lừa đang sục mũi vào những đống rác để tìm thức ăn. Chúng yếu ớt đến mức đứng không vững.

Theo lời người bảo vệ khu đất, đàn lừa này đã không được ăn và uống nước trong một tuần qua để chuẩn bị lột da chúng. Đằng sau một căn nhà là hàng loạt tấm da lừa được trải rộng để phơi nắng.

Da lừa là thành phần cơ bản của loại thuốc dạng nước trong y học cổ truyền Trung Quốc, được gọi là “ejiao” dùng để chữa bệnh thiếu máu cũng như một số bệnh thông thường khác như ho khan, rối loạn kinh nguyệt nơi phụ nữ, chứng mất ngủ, mệt mỏi mạn tính... hoặc đơn giản là để tăng cường sức khỏe.

Trong khoảng chục năm qua, giá da lừa tăng vùn vụt khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu do quần thể lừa trong nước bị sụt giảm nghiêm trọng và từ đó làm bùng nổ thị trường (trong đó đa phần là bất hợp pháp) chưa từng có trên toàn cầu đối với mặt hàng này. Trước nhu cầu da lừa tăng cao khủng khiếp ở Trung Quốc, giới buôn lậu động vật hoang dã ùn ùn chuyển sang thị trường béo bở này.

Lừa là phương tiện kiếm sống của dân nghèo ở châu Phi.

Các nhà sản xuất ejiao ở Trung Quốc - thường tập trung ở tỉnh miền đông Sơn Đông - tiêu thụ hơn 4 triệu da lừa mỗi năm để trích xuất chất geletin bào chế ra loại thuốc cổ truyền có từ cách đây 2.500 năm.

Với lời truyền tụng là phương thuốc bổ máu tuyệt vời, ejiao trở thành sản phẩm có thương hiệu trong thập niên 1990. Hiện nay, da lừa còn được dùng để sản xuất kem dưỡng da, rượu mùi và nước ngọt. Do bị khai thác quá mức nên quần thể lừa ở Trung Quốc từ 11 triệu con nay chỉ còn chưa đến 6 triệu. Bị thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, Trung Quốc buộc phải tăng cường nhập khẩu da lừa từ nước ngoài.

Ở Niger, giá một tấm da lừa trung bình từ 34 USD đến 145 USD vào giữa các năm 2012-2016. Ở Kenya, giá tăng gấp đôi từ tháng 2-2017. Chỉ riêng trong năm 2016, 80.000 tấm da lừa được bán ra ở Niger khiến chính quyền lo ngại loài vật này trong tương lai không xa sẽ bị tận diệt.

Để ngăn chặn, từ năm 2016 có đến 6 quốc gia châu Phi ban hành lệnh cấm xuất khẩu da lừa và thêm 6 nước khác buộc đóng cửa hàng loạt lò mổ lừa. Nhưng mọi biện pháp của các chính quyền dường như không mấy hiệu quả do sự bùng nổ của thị trường đen.

Một nhà máy sản xuất ejiao ở Hong Kong.

Alex Mayers, chuyên gia tổ chức bảo vệ loài lừa Donkey Sanctuary đặt trụ sở tại Anh, bình luận: “Mọi quốc gia châu Phi đang hết sức nỗ lực để chống lại thị trường xuất khẩu da lừa bất hợp pháp”. Uganda là quốc gia mới nhất ở châu Phi chính thức ban hành lệnh cấm buôn bán da lừa nhằm bảo vệ quần thể loài đang bị đe dọa.

Động thái của chính quyền Uganda được Donkey Sanctuary khen ngợi hết lời. Lừa ở Uganda - cũng như nhiều quốc gia châu Phi khác - chủ yếu dùng để phục vụ vận chuyển nước, vật liệu xây dựng, nông sản, thực phẩm gia súc cũng như chở người. Do đó, lệnh cấm từ chính quyền không chỉ bảo vệ loài vật mà còn cả lợi ích các cộng đồng người lao động nghèo trong nước.

Mike Baker, Giám đốc điều hành Donkey Sanctuary, nhận xét: “Thông tin về lệnh cấm buôn bán lừa của chính quyền Uganda quả là hết sức bất ngờ và đáng được ủng hộ mạnh mẽ bởi nước này là trung tâm buôn bán loài lừa ở châu Phi”.

Một lò giết mổ lừa ở Kenya.

Mục tiêu mới của bọn buôn lậu động vật hoang dã

Alex Mayers lập luận: “Chúng tôi thường xuyên theo dõi chặt chẽ bọn tội phạm buôn lậu động vật hoang dã. Chúng tôi nghe được nhiều tin đồn, song, để chứng minh được hoạt động phạm pháp của bọn tội phạm là điều hết sức khó khăn”. Alex Mayers đánh giá vụ đột kích khu trại nuôi lừa để giết lấy da ở thành phố Bloemfontein là thành công đáng ca ngợi của SPCA.

Tháng 5-2017, cảnh sát tiếp tục bắt giữ hơn 800 tấm da lừa từ một trang trại bên ngoài thành phố Johannesburg. Nằm lẫn lộn trong đống da lừa còn có 7 tấm da hổ - một mặt hàng biểu tượng cho uy quyền và sự giàu có cũng đang được săn lùng ở Trung Quốc. Grace de Lange, thanh tra ở SPCA, báo cáo: “Những tấm da này vẫn còn dính đầy máu tươi, có lẽ chúng mới được lột vài ngày trước đó”.

Hiện nay, Nam Phi xuất khẩu hợp pháp 7.300 tấm da lừa/năm. Cơ quan an toàn thực phẩm Nam Phi có quy định lừa phải được giết mổ trong những cơ sở được cấp phép và chỉ được xử lý tối đa 20 con/ngày.

Lừa bị trộm để lột da.

Mới đây, cảnh sát Nam Phi mở cuộc điều tra đối với công ty xuất khẩu Anatic Trading sau khi có cáo buộc công ty này xuất khẩu hơn 15.000 tấm da lừa trong thời gian từ tháng 7-2016 đến tháng 5-2017 - số lượng vượt quá giới hạn mà luật pháp cho phép là 5.000 tấm da.

Ockie Fourie, sĩ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Phi (SAPS), tuyên bố: “Ngoài vấn đề ngược đãi động vật, chúng tôi còn lo ngại những tấm da này còn có thể được sử dụng để che giấu các loại hàng hóa bất hợp pháp khác”.

Điều thực tế này đã được ghi nhận tại một số quốc gia khác. Ví dụ như mới đây lực lượng cảnh sát Bolivia và Colombia phát hiện bọn tội phạm dùng da lừa để giấu cocaine và thậm chí Taliban cũng dùng da lừa để ngụy trang cho những quả mìn tự tạo ở Afghanistan. Lợi nhuận béo bở từ sản xuất ejiao và da lừa dùng để giấu hàng cấm thực sự đang thu hút sự tham gia của bọn buôn lậu động vật hoang dã ở châu Phi.

Theo tiết lộ từ một nhà xuất khẩu giấu tên ở Kenya, người Trung Quốc trả 48 USD cho mỗi tấm da lừa. Donkey Sanctuary đã xác định được các công ty ở Nigeria, Chad và Cameroon quảng cáo mặt hàng da lừa cùng với loài tê tê có nguy cơ tuyệt chủng bị cấm buôn bán bởi CITES (Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã).

Theo báo cáo từ Annette Hubschle, nhà nghiên cứu của Đại học Cape Town (Nam Phi), bọn buôn lậu thường giao dịch thông qua các công ty bình phong cũng như các kênh hợp pháp. Vài công ty xuất khẩu da lừa ở châu Phi liên quan đến mạng lưới trộm lừa cũng như lò mổ bất hợp pháp.

Da lừa chưa qua xử lý trong một lò mổ được cấp phép ở Kenya.

Mới đây, một công ty ở Zimbabwe bị phát hiện mua hàng ngàn tấm da lừa từ Botswana để xuất khẩu đến Trung Quốc thông qua Mozambique.

Tại nhiều nơi ở châu Phi, cảnh sát ghi nhận nạn trộm cắp lừa đang trở nên phổ biến gây khốn đốn cho dân nghèo sống nhờ vào con vật này. Nhân viên giao nước Anthony Maupe Wanyama, 29 tuổi và cha của 2 đứa con, sống ở Kenya, cho biết, con lừa tên Carlos đã giúp anh “mua đất, mua nhà, đóng tiền học phí và nuôi cả gia đình”.

Anh cho biết, lừa là một phần trong cuộc sống của người dân nghèo vùng Ongata Rongai, ngoại ô thủ đô Nairobi của Kenya. Nhưng vào một buổi sáng thức dậy, Anthony phát hiện con lừa Carlos đã biến mất. Sau đó anh tìm kiếm khắp nơi rồi tìm thấy nó đã chết và bị lột da. Hiện nay, Anthony phải thuê con lừa khác để chở nước.

Khi giá cả và nhu cầu tăng vọt, những lò mổ bất hợp pháp nở rộ khắp nơi ở Kenya. Từ đó, nạn trộm lừa cũng tăng theo. John Kariuki, chủ một lò giết mổ lừa ở Kenya, nói: “Chúng tôi sống được nhờ người Trung Quốc bởi vì trước đây không có thị trường lừa và hiện nay có quá nhiều người hưởng lợi từ loài này”.

Người Trung Quốc giám sát toàn bộ quy trình xử lý lừa. Theo một nhà báo điều tra Anh, những con lừa bị ngược đãi và giết chết trong điều kiện kinh khủng. Mike Bake, chuyên gia ở Donkey Sanctuary, báo cáo: “Những con lừa bị bỏ đói đến chết để dễ lột da hay bị đánh bằng gậy cho đến chết”. 

Nhưng Mike Baker nhấn mạnh rằng sức ép quốc tế bắt đầu có tác dụng. Các quốc gia châu Phi bao gồm Uganda, Tanzania, Botswana, Niger, Burkina Faso, Mali và Senegal chính thức cấm người Trung Quốc mua những sản phẩm từ lừa của họ.

Baker bình luận: “Hàng chục chính quyền ở châu Phi cấm buôn bán lừa bởi vì họ nhận thức được rằng thị trường này góp phần làm bần cùng hóa người dân của họ đồng thời đe dọa tận diệt loài”. Thực tế là rất nhiều người như Anthony bị trộm mất lừa và họ không có tiền để mua một con khác.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.