Các cường quốc đổ xô khai thác tài nguyên châu Phi

Thứ Năm, 05/04/2018, 09:48
Hầu hết các cường quốc kinh tế thế giới, như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, ngoài ra còn có thêm một số nước như Iran, Đức, Ấn Độ, Israel,... đang tranh nhau miếng mồi tài nguyên khoáng sản của lục địa đen nhằm phục vụ cho không chỉ nhu cầu phát triển kinh tế mà quan trọng hơn là phát triển quân sự, chế tạo vũ khí.

Các nước này đổ xô đến châu Phi với danh nghĩa hỗ trợ hay hợp tác kinh tế nhằm che đậy tham vọng lợi ích của riêng mình, biến lục địa đen thành “chiến địa” đua tranh quyết liệt.

Đằng sau hợp đồng mua bán tư nhân lớn nhất lịch sử Congo

Trung Quốc là điển hình tiêu biểu trong cuộc chinh phục lục địa đen nhằm mục đích khai thác tài nguyên khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển khí tài quân sự đang tăng mạnh. Trung Quốc bắt đầu nhìn sang châu Phi và đặt chân lên lục địa này từ những năm cuối thế kỷ trước, khi nền kinh tế đang phát triển rất nóng và luôn khát nguyên liệu cho sản xuất. Châu Phi đã đáp ứng tốt cơn khát đó bằng nguồn tài nguyên khoáng sản vô tận.

Bằng cách chi tiền tài trợ, ký kết các thỏa thuận, hiệp định hợp tác, hỗ trợ kinh tế, Trung Quốc dần có được chỗ đứng khá tốt tại lục địa đen. Nước này hiện đang thống trị châu Phi bằng những thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ kinh tế để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế cao.

Hội nghị Thượng đỉnh Trung - Phi là một diễn đàn giúp Trung Quốc xâm nhập châu Phi một cách hiệu quả.

Miếng mồi ưa chuộng nhất của Trung Quốc là những quốc gia giàu các loại quặng như cobalt, đồng, uranium, và dầu mỏ. Chẳng hạn, một công ty Trung Quốc có tên là Molybdenum đã thông báo mua một trong những quặng đồng lớn nhất châu Phi - khu mỏ Tenke ở nước Cộng hòa dân chủ Congo. Đến đây câu chuyện không chỉ còn là việc mua quặng đồng.

Thỏa thuận mua bán trị giá 2,65 tỉ USD này được xem là hợp đồng kinh tế tư nhân lớn nhất trong lịch sử đất nước Cộng hòa dân chủ Congo, thực chất được tiến hành nhằm tạo điều kiện cho Trung Quốc có được nguồn cung quặng cobalt, bởi khu mỏ Tenke cũng bao gồm một trong những mỏ cobalt lớn nhất thế giới.

Xin nói thêm, cobalt là một trong những kim loại hiếm, chất phóng xạ nguy hiểm được dùng trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Bom cobalt, còn gọi là “bom muối”, là loại vũ khí hạt nhân có thể được đôn thêm lượng phóng xạ nhằm tạo ra vùng nhiễm xạ rộng lớn khi quả bom kích nổ. “Mưa phóng xạ cobalt” có mức độ nguy hiểm rất cao, một lượng nhỏ cũng đủ để giết người hàng loạt.

Theo tính toán của giới khoa học, chỉ cần 0,1 ounce (2,8 gram) cobalt-60 (cobalt đồng vị 60) là có thể giết sạch con người trong phạm vi một dặm vuông. Việc mua khu mỏ Tenke cho thấy Trung Quốc đang có nhu cầu phát triển mạnh kho vũ khí hạt nhân với tham vọng qua mặt Mỹ và Nga trở thành cường quốc quân sự số một thế giới.

Trung Quốc xâm nhập châu Phi thông qua con đường hợp tác phát triển rất hoàn hảo. Nước này đã ký với các quốc gia châu Phi một thỏa thuận hợp tác có tên gọi là Quỹ Phát triển Trung-Phi (CADF). Từ quỹ hợp tác này, châu Phi trở thành nguồn cung quặng uranium cho Công ty Hạt nhân quốc gia Phi-Trung (CNNC), công ty xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Trung Quốc.

Công ty con của CNNC là Công ty Uranium Trung Quốc (CUC) đã ký với quỹ CADF một hợp đồng để cùng tham gia khai thác nguồn tài nguyên uranium ở châu Phi. Trong một thông báo, CNNC nói rằng hai bên sẽ thành lập một công ty liên doanh ở Bắc Kinh về đầu tư và phát triển uranium.

Trung Quốc cũng tìm đến Zambia với mục tiêu khai thác đồng và cobalt. Ngoài ra, nước này tìm đến Nam Phi để tìm quặng sắt và platinum, đến Gabon, Cameroon và Cộng hòa Congo (Congo-Brazzaville) để khai thác tài nguyên gỗ. Để khai thác dầu mỏ, Trung Quốc đến Nigeria, Angola, Sudan và Guinea Xích đạo.

Đến nay, Trung Quốc là một trong hai quốc gia (cùng với Mỹ) nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đóng góp đến gần 50% sản lượng tăng thêm mỗi năm của thị trường dầu mỏ thế giới. Trung Quốc hiện nhập khẩu đến 25% sản lượng dầu mỏ từ châu Phi.

Khai thác dầu mỏ là một trong những mục tiêu mà nhiều cường quốc như Mỹ, Trung Quốc,… tìm kiếm ở châu Phi.

Nguồn tài nguyên quý hiếm phục vụ quốc phòng

Không chỉ Trung Quốc, Nga cũng đang là một “tay chơi” quay trở lại lục địa đen sau một thời gian vắng bóng. Moscow hiện đang nỗ lực khôi phục lại quan hệ với các quốc gia từng có quan hệ tốt đẹp thời Chiến tranh Lạnh và hiện đang có những bước tiến lớn trong việc đầu tư mạnh vào các quốc gia giàu các loại quặng như plutonium, uranium và một số kim loại hiếm khác.

Qua khảo sát, nghiên cứu, người ta được biết rằng Mali, Burkina Faso, Nam Phi, Namibia, Angola, Niger,... là những quốc gia có trữ lượng dồi dào các loại quặng nguyên liệu thô có thể dùng trong chế tạo vũ khí hạt nhân, biến những quốc gia này thành tâm điểm chú ý của các cường quốc thế giới trong làn sóng đổ xô đi tìm nguồn tài nguyên quý hiếm phục vụ mục đích quốc phòng. Chính vì thế, bên cạnh Nga, các quốc gia phương Tây như Pháp, Mỹ, Anh,... đều nhảy vào hợp tác hỗ trợ các quốc gia này nhằm tranh quyền khai thác quặng.

Nga có mối quan hệ tốt với các quốc gia như Nam Phi, Angola, Namibia. Gần đây, Nga đã ký thỏa thuận hợp tác để phát triển các khu quặng uranium rộng lớn của Namibia, trong đó Nga cam kết đầu tư 1 tỉ USD. Nga cũng đàm phán thành công hợp đồng bán máy bay trực thăng cho Cộng hòa Mozambique, đồng thời nhắm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác dầu mỏ và khí đốt cho nước này.

Gần đây, Nga đã hợp tác giúp Nam Phi phóng vệ tinh do thám nhằm phục vụ nhu cầu thám thính trên không của nước này. Nga và Algeria đã ký một thỏa thuận liên chính phủ nhằm hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, tạo điều kiện hướng đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cho quốc gia Bắc Phi này.

Quân đội Mỹ tại Ghana.

Công ty năng lượng hạt nhân Rosatom cho biết, sắp tới công ty này sẽ hợp tác với Algeria xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và các lò hạt nhân phục vụ nghiên cứu, sử dụng các lò hạt nhân đó để sản xuất nhiệt và lọc nước biển thành nước ngọt, hợp tác thăm dò và khai thác quặng uranium, quản lý nhiên liệu hạt nhân và xử lý chất thải hạt nhân.

Bên cạnh Nga, Pháp cũng ký với Algeria hiệp định về năng lượng hạt nhân. Theo hãng tin Reuters, từ tháng 6-2008, Pháp và cựu thuộc địa đã ký các hiệp định quốc phòng và điện hạt nhân dân sự, trong đó có một hiệp định về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình phục vụ cho việc nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ và thăm dò, khai thác uranium.

Công ty chuyên xây dựng nhà máy điện hạt nhân Areva của Pháp đi đầu trong việc triển khai hiệp định hợp tác của Pháp.

Ghana - bàn đạp cho cuộc đua tranh của Mỹ

Cuộc đổ xô vào châu Phi lôi kéo nhiều quốc gia như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel. Tất cả đều có những thỏa thuận hợp tác riêng, có thể với quy mô nhỏ hơn so với Trung Quốc và Nga. Việc Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác như Iran phát triển các mối quan hệ hợp tác cả về kinh tế, quốc phòng với nhiều nước châu Phi khiến Mỹ đứng ngồi không yên. Bộ Quốc phòng Mỹ xem sự phát triển quan hệ này là “những cuộc xâm lăng” đối với châu Phi và mối đe dọa lâu dài cho các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Washington đã cấp tốc hành động “đối ứng”.

Mỹ chọn Ghana - một quốc gia hùng mạnh ở khu vực Tây Phi - làm bàn đạp cho cuộc đua tranh tại châu Phi. Mỹ và Ghana đã ký một hiệp định cho phép quân đội Mỹ được đóng căn cứ tại nước này, đồng thời quân nhân, các nhân viên hợp đồng quân sự của Mỹ được phép ra vào Ghana mà không cần thực hiện các thủ tục an ninh phức tạp, chỉ cần chìa thẻ căn cước.

Hợp tác quân sự đi trước là để bảo vệ những lợi ích về kinh tế, đặc biệt là lợi ích trong khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản. Tài nguyên thiên nhiên của Ghana khá dồi dào, bao gồm nhiều kim loại quý như vàng, kim cương và cả trữ lượng dầu mỏ, khí đốt. Gần đây, nước này cũng ngày càng được chú ý với trữ lượng quặng uranium kha khá.

Hiệp định Mỹ-Ghana đã được Quốc hội Mỹ thông qua, theo đó quân đội Mỹ tiếp cận Ghana bằng cả đường không và đường thủy. Các tàu chiến Mỹ được phép neo đậu trong vùng lãnh hải Ghana, nơi được đánh giá có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt chưa được khai thác.

Trung Quốc khai trương căn cứ quân sự tại Djibouti vào tháng 8-2017.

Theo hiệp định, hoạt động của quân đội Mỹ tại Ghana nằm ngoài sự giám sát của chính quyền Ghana. Điều này đang gây bất bình trong dư luận ở Ghana. Người ta nghi ngờ rằng, những chiếc tàu quân sự đa năng của Mỹ vừa có thể thực hiện chức năng quân sự, vừa có thể chuyển sang hoạt động trong các lĩnh vực dân sự, người Ghana đang nghi ngờ việc thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển Ghana.

Sự hoài nghi của dư luận có cơ sở rõ ràng: Chính phủ Ghana đã bán quyền khai thác dầu mỏ cho Công ty năng lượng Cosmos Ernergy có trụ sở tại Mỹ theo một thỏa thuận trong đó người Ghana chỉ được hưởng lợi 15% lợi tức khai thác.

Năm 2017, chính quyền Ghana stiếp tục mời tập đoàn dầu khí khổng lồ Exxon Mobil của Mỹ vào khai thác nguồn dầu khí dồi dào của mình với tỉ lệ ăn chia tương tự như với Cosmos Energy.

Là vùng đất giàu quặng uranium và plutonium, Ghana tiếp tục trở thành mục tiêu bám giữ của Mỹ. Đặc biệt nguy hiểm là ở Ghana còn xuất hiện mối liên kết giữa vàng và uranium - đều là những mỏ có trữ lượng dồi dào - từ đó biến uranium thành một mặt hàng thương phẩm trên thị trường ngầm nguyên liệu hạt nhân.

Tiến sĩ B.J.B. Nyarko, Giám đốc Ủy ban Năng lượng nguyên tử Ghana (GAEC) cho biết, qua thực tế khảo sát tạp chất trong khai thác vàng tại lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu ở Kwabenya cho thấy uranium trộn lẫn trong quặng vàng tại các khu mỏ đang khai thác. Từ đó, GAEC đã mời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nghiên cứu và hỗ trợ tổ chức nhiều chương trình huấn luyện về sử dụng trang thiết bị tiên tiến bảo vệ an toàn phóng xạ và quản lý an toàn trong xử lý chất thải phópng xạ.

Các chương trình tập huấn không chỉ dành cho người Ghana mà còn mở rộng cho nhiều quốc gia châu Phi khác có mỏ kim loại phóng xạ. Mỏ uranium dồi dào chính là nguyên nhân khiến Mỹ quyết liệt thúc đẩy hợp tác toàn diện với Chính phủ Ghana, trong đó quân sự luôn là yếu tố đi đầu nhằm bảo vệ các lợi ích Mỹ tại đây.

Cũng như Mỹ, khi đến châu Phi vì nguồn tài nguyên khoáng sản, Trung Quốc đưa quân đội đến lục địa đen nhằm trước hết là khẳng định sự hiện diện chắc chắn của mình, đồng thời bảo vệ các lợi ích kinh tế tại đây trong trường hợp sự cạnh tranh quyết liệt đe dọa các lợi ích này.

Sau nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị về nhiều mặt, tháng 8-2017, Trung Quốc đã chính thức khai trương căn cứ quân sự đầu tiên ở châu Phi, cũng là căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở nước ngoài. Căn cứ đặt tại nước Cộng hòa Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi, một khu vực trọng yếu trong vùng châu Phi - Ấn Độ Dương.

Trong tuyên bố tại lễ khai mạc, đại diện quân đội Trung Quốc khẳng định sứ mệnh hiện tại căn cứ này là hỗ trợ cho hoạt động gìn giữ hòa bình và công tác nhân đạo trong khu vực và toàn châu Phi. Đương nhiên, ai cũng hiểu rằng đằng sau đó là các lợi ích kinh tế, nguồn tài nguyên khoáng sản mà nền kinh tế của Trung Quốc luôn luôn thèm khát.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.