Căng thẳng Mỹ - Trung tạm dừng trước “giới hạn đỏ”

Thứ Tư, 14/11/2018, 16:47
Bầu không khí khá căng thẳng xung quanh quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã có phần dịu bớt sau cuộc Đối thoại An ninh và Ngoại giao lần thứ hai (còn gọi là đối thoại 2+2) giữa hai nước vừa diễn ra tại Washington.

Những hy vọng mở ra các cuộc đối thoại hữu ích ở cấp cao hơn để ngăn một cuộc chiến thương mại đang dần hé mở, cho dù bên nào cũng biết điều này không hề dễ dàng khi lợi ích của mỗi bên vẫn đang trên bàn cân trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra.

Ai muốn nắn gân ai?

Trong bối cảnh tấn công của Mỹ nhằm vào Trung Quốc đang ở giai đoạn đặc biệt nhạy cảm, kết quả cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung lần thứ hai có thể cho phép suy đoán về việc một bên sẽ xuống thang trong cuộc thương chiến, đặc biệt thời điểm mà cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ diễn ra tại Argentina vào cuối tháng này.

Đây là cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung lần thứ hai (lần đầu vào tháng 6-2017) trong tiến trình vực dậy quan hệ song phương, theo quyết định của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, trong cuộc hội kiến lần đầu vào tháng 4-2017 tại Florida, vốn được tân chủ nhân Nhà Trắng xem là “cơ sở của mối quan hệ thân hữu” với lãnh đạo Trung Quốc. Thế nhưng, từ đó đến nay, quan hệ hai nước lại bước vào "dầu sôi lửa bỏng".

Tổng thống Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và tấn công trên nhiều mặt trận khác, như: Tố cáo Bắc Kinh đánh cắp kỹ thuật công nghệ, bành trướng quân sự... thậm chí, còn bị tố “can thiệp vào bầu cử” để "triệt hạ" ông Trump.

Song song với các biện pháp áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Washington "bật đèn xanh" bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Đài Loan trị giá khoảng 330 triệu USD, với lập luận “vì an ninh của nước Mỹ và vì an ninh và thịnh vượng chung trong khu vực”. Cùng lúc, Mỹ giáng đòn trừng phạt như phong tỏa ngoại hối, cấm giao dịch qua ngân hàng Mỹ, tịch biên tài sản... đối với Cục Quản lý phát triển vũ khí Trung Quốc, một đơn vị chủ chốt của quân đội và Cục trưởng Lý Thượng Phúc, vì mua vũ khí Nga.

Hệ quả là cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh lần hai, lẽ ra phải được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10, đã bị hoãn lại. Và nếu như không có ý định về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, chưa chắc đối thoại đã diễn ra?

Các quan chức cấp cao Mỹ - Trung tham gia đối thoại. Ảnh: Yahoo News.

Bởi thế cho nên, mặc dù vấn đề an ninh là trọng tâm của đối thoại nhưng vấn đề thương mại lại là tâm điểm của sự căng thẳng hiện nay giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới. Phía Trung Quốc đã nhân cơ hội này cảnh báo công khai rằng thương chiến hiện nay sẽ làm tổn thương cả hai bên cũng như nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi để ngỏ các kênh liên lạc để giải quyết cuộc chiến vốn khiến các thị trường tài chính toàn cầu bất an.

"Cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ", đại diện ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói, đồng thời nhắc khéo rằng hai bên đã thành công vượt qua những khó khăn trước đây trong mối quan hệ kinh tế và thương mại. Trong khi đó, về phía Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo lại tránh đề cập vấn đề này.

Bình luận sau đối thoại, AFP cho rằng, cuộc họp này có thể xem là tín hiệu “hạ nhiệt”. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Brandstad tuyên bố muốn có quan hệ “xây dựng” với Trung Quốc và “hướng về tương lai”. Mỹ không tìm cách “ngăn chặn Trung Quốc” nhưng muốn đối tác phải ứng xử “công bằng và có qua có lại”. Trong khi đó, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, ông Peter Navarro, tuyên bố sẽ gây sức ép với Trung Quốc về thương mại.

Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, đặc trách châu Á của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc là nhằm xóa bỏ chính sách ngoại giao mà hai nước xây dựng trong thời ông Barack Obama cầm quyền. Hải quân Trung Quốc không được mời tham gia các cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương.

Những sự kiện này khiến Bắc Kinh lo ngại rằng chiến tranh thương mại chỉ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Washington nhằm đối đầu với Trung Quốc.

Dừng bước trước ngưỡng cuộc “Chiến tranh Lạnh”

Rõ ràng cả hai bên đều ý thức được quan hệ Mỹ - Trung hiện là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, bởi vậy việc hai bên kiểm soát ổn thỏa bất đồng trên cơ sở đối thoại xây dựng luôn là giải pháp tối ưu. Ít nhất thì những tuyên bố từ cả hai bên sau sự kiện này cũng phát đi một thông điệp hòa hoãn, cho thấy vòng đối thoại là một giải pháp để hai bên thẳng thắn trao đổi, dần tháo gỡ những nút thắt tồn tại và ngày càng khó tháo gỡ hơn.

Việc Mỹ và Trung Quốc tổ chức được cuộc đối thoại 2+2 lần này đã là một diễn biến tích cực bởi bất đồng hai nước từ lâu đã không còn dừng lại ở "cuộc chiến thương mại" với những lần áp thuế trừng phạt và trả đũa qua lại, thậm chi giới phân tích đã nói về một cuộc "Chiến tranh Lạnh" giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Stars and Stripes.

Hồi tháng trước, đích thân Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc "dùng sức mạnh quân sự, kinh tế, lợi dụng mạng lưới tình báo và các chiến dịch tuyên truyền để hủy hoại Mỹ trên khắp thế giới". Phía Mỹ liên tiếp có những động thái cứng rắn đối với Trung Quốc, mà giới phân tích nói rằng Tổng thống Mỹ đã mở một loạt mặt trận mới chống Trung Quốc, kể cả chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự.

Từ cáo buộc Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, cấm xuất khẩu linh kiện, phần mềm và sản phẩm công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc, trừng phạt liên quan các hợp đồng mua vũ khí của Nga... tới tìm kiếm liên minh với nhiều nền kinh tế lớn để chống lại các hoạt động thương mại của Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng để ngỏ khả năng áp đặt bổ sung gói thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD, sau khi các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD đã bị đánh thuế cao. Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ quan ngại về các hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông mà Washington khẳng định là gây mất an ninh hàng hải.

Tất cả những tuyên bố, hành động của Mỹ thời gian qua cho thấy có vẻ Mỹ đang thúc đẩy một chiến dịch dài hơi với mục tiêu trước hết là thể hiện sức mạnh và kiềm chế Trung Quốc. Sau những động thái căng thẳng như vậy, có thể coi tuyên bố của phía Mỹ sau cuộc đối thoại 2+2 lần này rằng Washington không theo đuổi một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới với Trung Quốc và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, là động tác xoa dịu sau màn "nắn gân" trước đó.

Đặc biệt, trong bối cảnh mối quan hệ với Trung Quốc, vốn được Tổng thống Donald xem như đối thủ chính đe dọa lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ, là một trong chủ đề chính của cuộc bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ vừa qua, thì thái độ quyết liệt của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc có thể hiểu như một chiến thuật tranh cử của đảng Cộng hòa, đồng thời cũng là biện pháp gia tăng sức ép buộc Bắc Kinh phải đưa ra những nhượng bộ theo yêu cầu của Mỹ.

Nhiều nhà phân tích nhận định, vòng đối thoại 2+2 này là bước khởi động cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng 11 tại Argentina. Động thái mới của Washington nhiều khả năng để tạo một bầu không khí thuận lợi cho đối thoại.

Nói cách khác, Mỹ dù có những động thái cứng rắn cũng không muốn đẩy xung đột giữa hai nước lên đến mức đối đầu khó kiểm soát, bởi đây là kịch bản luôn được đánh giá là gây tổn hại cho cả hai. Washington nhiều khả năng muốn thăm dò phản ứng của Bắc Kinh sau cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh lần này, để có thể thảo luận sâu hơn cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao G20.

Về phần Trung Quốc, với cam kết phối hợp với Mỹ bằng phương thức phi đối đầu và ủng hộ đối thoại để quyết thỏa đáng các vấn đề, trong đó có kinh tế và thương mại, theo thỏa thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, Bắc Kinh một lần nữa thể hiện sự mềm mỏng và linh hoạt. Trung Quốc không muốn chứng kiến nền kinh tế trong nước tiếp tục xấu đi do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ rất có thể sẽ làm cho sức mạnh chung của cường quốc kinh tế số 2 sụt giảm mạnh.

Đại diện phái đoàn Mỹ và Trung Quốc trong một phiên họp. Ảnh: Al Jazeera.

Có thể thấy rõ, vấn đề an ninh và kinh tế giữa hai cường quốc này luôn gắn chặt với nhau. Đối với vấn đề an ninh, cả hai cũng nhất trí một cách tiếp cận tránh đối đầu, tăng cường kiểm soát nguy cơ, ngăn ngừa va chạm, tránh hiểu nhầm, phán đoán sai, gia tăng sự tin cậy chiến lược, đưa quan hệ giữa quân đội hai nước trở thành nền tảng ổn định cho quan hệ song phương...

Có thể coi đây là chiến lược kiềm chế mà hai bên đang tìm cách áp dụng để kiểm soát xung đột leo thang, khi những bất đồng trong các vấn đề địa chiến lược và an ninh khu vực mà hai bên cùng có lợi ích, như châu Á-Thái Bình Dương, đang ngày càng khó có cơ hội thu hẹp. Dù không tạo được đột phá. Tạm thời cả hai bên cùng xác định chưa thể đẩy nhau tới "giới hạn đỏ" của Chiến tranh Lạnh bất chấp tồn tại sự khác biệt trong chiến lược của cả hai.

“Bấp bênh” sau cuộc bầu cử giữa kỳ lịch sử

Hiện không rõ liệu Bắc Kinh sẽ ký với Washington một “hiệp định thương mại lớn” như lời ông Trump tuyên bố một cách lạc quan hay không và liệu Bắc Kinh sẽ đấu dịu với Washington không và nếu có thì mức độ dịu tới đâu? Nhìn vào thực tế thấy rõ, Trung Quốc tỏ ra muốn hợp tác với Mỹ theo tinh thần “đôi bên cùng có lợi” để tránh đụng độ, trong bối cảnh sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện, sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ.

Cả hai nước đều hiểu rõ, trong lịch sử vốn rất hiếm khi xuất hiện cạnh tranh nước lớn mà đôi bên cùng thắng, cộng thêm Trung - Mỹ lại có chế độ chính trị và ý thức hệ khác nhau, muốn khiến đối phương tin vào thiện chí của nhau, làm rõ chủ trương chiến lược của đối phương không phải là điều dễ dàng.

Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ đã hạ màn, đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện sau 8 năm và đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện, Tổng thống Trump trong thời gian tới sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với những cản trở bởi sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ. Mặc dù vậy, đa số dư luận cho rằng chính sách đối ngoại của ông Trump, đặc biệt là chính sách với Trung Quốc sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử giữa kỳ.

Trên thực tế, với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các chính sách lớn của Trung Quốc sẽ không thể bị chi phối bởi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Bất kể phe nào kiểm soát lưỡng viện Mỹ, bất kể chính sách đối ngoại của ông Trump được điều chỉnh như thế nào, phía Trung Quốc một mặt vẫn hy vọng rằng thông qua kết nối thực sự để giải quyết bất đồng và thực hiện hợp tác cùng thắng; mặt khác nước này sẽ kiên quyết phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ về thương mại, tiếp tục bảo vệ thương mại tự do và thúc đẩy hoàn thiện hệ thống thương mại đa phương.

Quan hệ Trung-Mỹ hiện đang là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên toàn cầu. Tình hình chính trị quốc tế ngày càng theo xu hướng đa cực hóa, bất đồng của hai nước chắc chắn chỉ gây bất lợi cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế trên toàn cầu.

Hoa Huyền
.
.