Căng thẳng chính trị, kinh tế đang nhấn chìm Venezuela
- Quốc hội Venezuela phê chuẩn một phiên tòa phế truất tổng thống
- Venezuela: Tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng chính trị
Lạm phát tăng phi mã, giá dầu thấp, thiếu lương thực, buôn lậu tăng, an sinh xã hội giảm... tất cả diễn ra trong bối cảnh chính trị bất ổn giữa phe đối lập và chính phủ 2 năm qua đã khiến Venezuela lâm vào cảnh “nồi da xáo thịt”, người dân vẫn là đối tượng chịu cực khổ.
Tranh cãi liên miên
Căng thẳng ở Venezuela vẫn đang ở mức cao khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang bủa vây nước này chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, chính quyền và phe đối lập đổ lỗi lẫn nhau cho tình trạng tồi tệ của nền kinh tế.
Tranh cãi chính trị nổ ra liên miên giữa chính phủ hợp hiến và phe đối lập. Mới đây, Quốc hội Venezuela hiện do phe đối lập chiếm đa số tuyên bố chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đã tiến hành một cuộc đảo chính khi ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân về việc bãi nhiệm nhà lãnh đạo cánh tả này.
Phe đối lập tuyên bố sẽ trả đũa bằng việc tổ chức các cuộc biểu tình trên diện rộng và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép với các nhà cầm quyền. Trong khi đó, những nhà lập pháp ủng hộ ông Maduro cáo buộc chính phe đối lập đang tìm cách tiến hành một cuộc đảo chính. Nghị sỹ Earle Herrera nói: “Đừng lợi dụng thời khắc khó khăn để thâu tóm đất nước”.
Cuộc khủng hoảng tại Venezuela tiếp tục trở nên tồi tệ hơn khi tòa án cương quyết đình chỉ việc tổ chức trưng cầu ý dân về bãi nhiệm tổng thống. Quyết định được đưa ra sau khi tòa hình sự tại 5 bang ra phán quyết cho rằng lực lượng đối lập đã gian lận trong việc khởi động tiến trình thu thập chữ ký để tiến hành trưng cầu ý dân.
Việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nhằm phế truất tổng thống - quyền được quy định theo Hiến pháp Venezuela - là một trong những chiến lược trọng tâm của phe đối lập nhằm lật đổ ông Maduro. Phe đối lập đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm thu thập chữ ký của 4 triệu cử tri ủng hộ việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, và dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10-2016.
Tổng thống N.Maduro tại một cuộc nói chuyện với người dân Venezuela. |
Kinh tế lao dốc, xã hội bất ổn
Venezuela, quốc gia với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, dường như đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng bởi nền kinh tế nước này đã lao dốc cùng giá dầu thô thế giới. Các kệ hàng trong siêu thị và hiệu thuốc tại Venezuela những tháng gần đây luôn trong tình trạng trống rỗng, khiến người dân Venezuela phải xếp hàng trong nhiều giờ đồng hồ chỉ để mua các nhu yếu phẩm.
Thiếu điện và hạn hán cũng là những nguyên nhân gia tăng tình trạng hỗn loạn, buộc chính quyền Maduro phải ra sắc lệnh cắt điện vài giờ mỗi ngày ở phần lớn đất nước, đóng cửa trường học vào thứ Sáu hằng tuần và cắt giảm giờ làm việc của công chức chính phủ còn hai ngày/tuần để tiết kiệm điện. Giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Venezuela suy thoái.
Trong khi đó, thiếu thốn lương thực đã làm bùng phát hàng loạt cuộc biểu tình và khiến tình trạng cướp bóc gia tăng trong suốt nhiều tháng gần đây.
Cuộc khủng hoảng lương thực ở Venezuela vào giữa năm 2016 đã bùng phát thành một cuộc cướp phá các cửa hàng, dẫn tới chết người ở thành phố ven biển Cumana. Cảnh sát đã bắt hàng trăm người sau khi hàng chục cửa hàng bị cướp phá hồi tháng 6-2016 ở Cumana, nơi được coi là điểm nóng mới nhất trong cuộc khủng hoảng.
Chủ tịch Phòng Thương mại Cumana, Ruben Saud, cho biết: “Tất cả hoàn toàn đổ nát bởi các cửa hàng không chỉ bị cướp hàng hóa mà còn bị phá cả đồ đạc”. Quân đội đã được huy động đến để giữ trật tự ở Cumana sau khi vụ cướp phá bùng nổ từ một cuộc biểu tình phản đối tình trạng thiếu lương thực. Các băng nhóm cướp phá bằng xe máy đã cướp các xe tải chở hàng cung cấp. Ông Saud cho biết: “Họ đánh các lái xe và cướp các xe hàng, các hiệu bánh và siêu thị”.
Tổng thống Maduro đã cáo buộc phe đối lập chính trị gây ra sự rối loạn này. Ông cảnh báo rằng những kẻ bị bắt trong vụ cướp phá sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Phát biểu trên truyền hình và đài phát thanh, Tổng thống Maduro nói: “Họ muốn gây ra sự hỗn loạn, điên khùng. Họ bị bắt và sẽ bị xét xử. Các đối tượng này có thể lĩnh án phạt lên tới 20 năm tù giam”.
Đáp lại, phe đối lập cáo buộc ông Maduro gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế, khiến người dân Venezuela phải chịu cảnh thiếu lương thực và hàng hóa thiết yếu. Còn ông Maduro cho rằng một “cuộc chiến kinh tế” đang được giới kinh doanh phát động nhằm chống lại chính phủ cánh tả của ông. Ông cáo buộc liên minh Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) của phe đối lập trung-hữu xúi giục bạo động nhằm lôi kéo sự can thiệp từ bên ngoài để lật đổ ông. Ông thề sẽ bảo vệ “cuộc cách mạng” xã hội chủ nghĩa mà cố tổng thống tiền nhiệm Hugo Chavez đã phát động.
Bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, nạn buôn lậu ở biên giới trên bộ và trên biển của Venezuela - cũng như hoạt động buôn bán trái phép trong nước - đã tăng lên mức chưa từng thấy và đang làm thay đổi xã hội tại đây. Trong bối cảnh nền kinh tế lao đao còn các doanh nghiệp bị phá sản, ngày càng nhiều người lựa chọn các phương thức bất hợp pháp quy mô lớn để buôn bán thực phẩm, thuốc men và xăng dầu. Các băng đảng tội phạm, những người nghèo, các giáo sư và cả quan chức chính phủ đều nhúng tay vào phương thức này.
Đối với nhiều người đang phải đối mặt với suy thoái và lạm phát 3 con số, đây là vấn đề của sự sống còn. B.A.Alejandra - 41 tuổi, người từng một thời nuôi gà để kiếm sống nhưng hiện buôn lậu xăng dầu qua các cánh đồng sang Colombia để nuôi 6 đứa con - nói: “Chúng tôi bị buộc phải nhúng tay vào nạn buôn lậu”.
Số tiền mà bà hiện kiếm được trong một ngày còn nhiều hơn con số 10 USD, theo tỷ giá chợ đen, mà bà từng kiếm được trong vòng hai tuần. Chính phủ của Tổng thống Maduro cho biết giao dịch thương mại bất hợp pháp hiện lên tới hơn 2 tỷ USD/năm và khiến Venezuela thất thoát 30% thực phẩm nhập khẩu, 40% tất cả các hàng hóa và 100.000 thùng dầu mỗi ngày bởi hoạt động buôn lậu.
Phe đối lập quyết tâm "hất" tổng thống
Trong khi Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế, đáng lẽ phải chung tay “làm kinh tế” đưa đất nước thoát khỏi khó khăn thì phe đối lập chỉ nhăm nhăm “bới” lỗi. Phe đối lập, lần đầu tiên trong 17 năm qua giành được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp Venezuela đã phát động một cuộc trưng cầu ý dân nhằm "lật đổ" tổng thống khi ông Maduro bắt đầu bước vào nửa cuối nhiệm kỳ của mình.
Trong khi đó, ông Maduro cũng bị cuốn vào vòng xoáy và đang chống lại nỗ lực của phe đối lập muốn hạ bệ ông bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Tổng thống cảnh báo rằng ông có thể sẽ ban hành các biện pháp khẩn cấp nếu phải đối đầu với bạo lực. Các biện pháp này có thể ngăn chặn việc tiến hành cuộc trưng cầu dân ý.
Theo đó, những người đã ký vào bản kiến nghị tiến hành trưng cầu dân ý về việc phế truất tổng thống sẽ phải trình dấu vân tay của mình cho ủy ban bầu cử nhằm xác thực chữ ký của họ. Trong tổng số 1,3 triệu chữ ký trong bản kiến nghị, ít nhất phải có 200.000 chữ ký cần được xác thực để có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo là tiến hành trưng cầu dân ý. Bước tiếp theo này đòi hỏi phải thu thập được nhiều chữ ký hơn.
Người dân Venezuela tại một cửa hàng bán hàng thiết yếu. |
Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị căng thẳng đang bao trùm quốc gia sản xuất dầu mỏ Venezuela, phe đối lập nước này đang đẩy mạnh nỗ lực “hất cẳng” Tổng thống Nicolas Maduro trong năm nay, đồng thời gia tăng áp lực lên lãnh đạo đảng Xã hội. Cơ quan lập pháp Venezuela do phe đối lập dẫn đầu đã một lần nữa kêu gọi trục xuất Tổng thống Maduro, bác bỏ mọi nỗ lực duy trì quyền đặc biệt của ông để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tại quốc gia Nam Mỹ này.
Nhiệm kỳ của ông Maduro kéo dài đến năm 2019, song phe đối lập chiếm đa số trong quốc hội hiện nay đang liên tục cảnh báo về khả năng tìm mọi biện pháp hợp hiến để rút ngắn nhiệm kỳ của ông. Một lãnh đạo trong phe đối lập cho biết, mục tiêu của phe đối lập là lên kế hoạch tìm ra phương thức hợp pháp để "hất cẳng" ông Maduro, chậm nhất là vào tháng 6-2017.
Hàng loạt thủ đoạn chính trị căng thẳng tại các cơ quan nhà nước đã xảy ra khi quyền lực của ông Maduro ngày càng bị suy yếu trước phe đối lập chiếm đa số, thể hiện ở những tranh cãi tại Tòa án Tối cao, nơi mà phe đối lập và những người chỉ trích cho rằng do ông Maduro kiểm soát.
Phe đối lập đã cản trở kế hoạch của ông Maduro nhằm ra sắc lệnh khẩn cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Tổng thống đã phải thừa nhận Venezuela đang rơi vào một tình trạng kinh tế “thê thảm”.
Tích lũy nợ khiến Venezuela bên bờ vực
Không chỉ căng thẳng về chính trị, những căng thẳng về nợ công của Venezuela đang tiến tới mức nghiêm trọng. Nước này phải trả nợ 15 tỷ USD vào cuối năm 2017, trong khi dự trữ ngoại tệ chỉ còn 12 tỷ USD. Ông Maduro phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan không thể tránh được: tiếp tục trả nợ và có thể cạn tiền để nhập khẩu, hoặc vỡ nợ.
Cho tới nay, Chính phủ Maduro đã chọn kịch bản thứ nhất. Giải quyết khó khăn bằng cách lùi thời gian đáo hạn của trái phiếu công ty dầu khí nhà nước PDVSA thông qua biện pháp hoán đổi một phần gần đây.
Có những ước tính khác nhau, nhưng sản lượng dầu đã giảm từ mức đỉnh điểm khoảng 3,2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 1997 xuống khoảng từ 2,2 đến 2,5 triệu thùng mỗi ngày hiện nay. Dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 95% doanh thu từ xuất khẩu của Venezuela, và nước này hầu như không sản xuất các hàng hóa khác.
Không có tiền kiếm được từ xuất khẩu các sản phẩm năng lượng, Venezuela đã phải chật vật nhập khẩu tất cả mọi thứ khác mà người dân nước này cần. Kết quả là, người Venezuela đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trên diện rộng thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
Với một quốc gia tự hào có trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng lớn nhất thế giới, đây là một tình trạng lạ thường. Trong những năm qua, Chính phủ Venezuela đã dựa vào công ty dầu khí nhà nước, Petroleos de Venezuela (PDVSA), để tài trợ cho các chương trình xã hội, chẳng hạn như nhà ở và chăm sóc y tế miễn phí, kéo căng tình hình tài chính của công ty này.
Trong năm 2014, PDVSA dành 26 tỷ USD cho các chương trình xã hội, nhiều hơn gấp đôi lợi nhuận 12 tỷ USD của họ. Năm 2015, khi những tác động của sự sụp đổ giá dầu bắt đầu hiện hữu, trong khi đó, mỗi năm PDVSA đều chi cho các chương trình xã hội nhiều hơn là thăm dò và sản xuất.
Theo nhiều nguồn tin của Venezuela và các báo cáo tin tức, giá dầu thấp hơn đã buộc công ty này phải vận hành thua lỗ một số mỏ, góp phần vào tình trạng thiếu trầm trọng dòng tiền mặt. Tích lũy những khoản nợ khổng lồ khiến cả Chính phủ Venezuela lẫn PDVSA đang phải đối mặt với lịch thanh toán đầy thách thức.
Theo một phân tích được công bố của ngân hàng đầu tư HSBC, nước này sẽ không thoát khỏi rắc rối vào năm 2017: một khoản thanh toán 7,3 tỷ USD đáo hạn trong quý II, khi PDVSA đã hết tiền để trả nợ.
Quân đội “trung thành vô điều kiện”
Trong bối cảnh những căng thẳng có dấu hiệu leo thang ở Venezuela, quân đội đã tuyên bố trung thành với Tổng thống Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela, Vladimir Padrino Lopez khẳng định quân đội nước này sẽ “trung thành vô điều kiện” với Tổng thống Maduro.
Tuyên bố trên được ông Lopez đưa ra sau khi phe đối lập Venezuela cho rằng Tổng thống Maduro đã đảo chính Hiến pháp, với quyết định hôm 21/10 của Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) đình chỉ việc thu thập chữ ký 20% cử tri để mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý phế truất người đứng đầu nhà nước.
Trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng Quốc phòng Lopez khẳng định ông Maduro là Tổng thống hợp hiến, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Bolivar, đồng thời tố cáo phe đối lập đang vi phạm nghiêm trọng hiến pháp, gây bất ổn tình hình đất nước với âm mưu lật đổ chính phủ.
Ông nhấn mạnh lực lượng quân đội sẽ luôn tôn trọng và bảo vệ hiến pháp, kêu gọi phe đối lập đối thoại và kiềm chế. Các tướng lĩnh của Bộ Tổng tham mưu cũng có mặt cùng ông Lopez khi đưa ra tuyên bố trên. Hội đồng Quốc phòng ở Venezuela là thành tố cực kỳ quan trọng trong hệ thống lãnh đạo đất nước.