Quốc hội Venezuela phê chuẩn một phiên tòa phế truất tổng thống

Thứ Ba, 01/11/2016, 14:30
Phe đối lập mới đây vừa bác bỏ đề nghị đối thoại của chính phủ, hiện đang muốn lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro mà họ lên án là đã đưa đất nước chìm ngập trong một cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị trầm trọng. Ngày 25-10, quốc hội do phe trung hữu đối lập kiểm soát đã chấp thuận một phiên tòa phế truất Tổng thống Nicolas Maduro, đưa đất nước dầu hỏa này dấn sâu hơn vào khủng hoảng.

Theo phán quyết, các dân biểu sẽ xem xét “trách nhiệm hình sự, chính trị và tội bỏ bê chức vụ” của tổng thống. Ngoài ra, quốc hội, mà Tổng thống Nicolas Maduro không thừa nhận, đã triệu mời tổng thống đến để “yêu cầu ông chấp nhận sự biểu quyết của nhân dân” vào ngày 1-11.

Phản ứng lại, Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc phe đối lập âm mưu tiến hành một cuộc “đảo chính từ quốc hội”. “Chiếu theo những quy định với tư cách là Tổng thống nước Cộng hòa Venezuela, lúc 11 giờ ngày 27-11, tôi sẽ triệu tập Hội đồng Quốc phòng quốc gia để đại diện tất cả các cơ quan công quyền có thể đánh giá cuộc đảo chính từ quốc hội” - Tổng thống tuyên bố trước hàng ngàn người ủng hộ tại Caracas.

Trước đó nhiều nhân vật quan trọng trong phe đối lập đã từ chối lời mời đối thoại của chính phủ thể theo ước nguyện của đức Giáo hoàng để Venezuela thoát khỏi cuộc khủng hoảng từ nhiều tháng qua. Mục tiêu của họ vẫn như cũ: phế truất Tổng thống Maduro.

Không muốn ngồi vào bàn đàm phán, thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles đã nhắc lại lời kêu gọi biểu tình khắp cả nước vào ngày 26-10 để đòi hỏi Tổng thống phải ra đi trước nhiệm kỳ năm 2019.

Phe đối lập cáo buộc Tổng thống Nicolas Maduro đã đưa đất nước sản xuất dầu hỏa đứng đầu thế giới này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng vì không biết dự đoán trước giá dầu sụt giảm và không phản ứng kịp thời.

Tổng thống Nicolas Maduro.

Hậu quả tệ hại của cuộc khủng hoảng đó với sự thiếu thốn 80% thực phẩm và nạn lạm phát cao nhất thế giới (475%) đã khiến Tổng thống Maduro mất đi sự tín nhiệm: hơn 6/10 số người được hỏi cho biết sẵn sàng bỏ phiếu để ông từ nhiệm. Trong khi giá đồng bolivar hiện nay chỉ bằng 0,1 đôla Mỹ, và người ta có thể mua 800 hay 900 bolivar với 1 đôla ngoài đường phố Caracas.

Theo Tổng thống Maduro, hiện trạng kinh tế thảm hại này là do “cuộc chiến kinh tế” do phe đối lập, Colombia và Mỹ chủ xướng nhằm chống lại Venezuela. Chẳng hạn Công ty Polar đã ngưng sản xuất bia vì không có nguyên liệu vốn phần lớn đều nhập khẩu. Hơn 200.000 công nhân đang bị thất nghiệp kỹ thuật tại xí nghiệp lớn nhất nước đó.

Chính vì chính quyền không chịu cấp ngoại tệ cho Polar để công ty này nhập khẩu nguyên liệu cần thiết khiến cho các đơn vị sản xuất bị ngưng trệ. Phản ứng của Tổng thống Maduro là ban bố sắc lệnh vào tháng 5 đề ra tình trạng ngoại lệ và khẩn cấp kinh tế “để chấn chỉnh guồng máy sản xuất đang bị tê liệt bởi giới tư bản”.

Các cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015 đánh dấu cho sự thất bại của đảng Xã hội liên kết Venezuela (PSUV) trước phe đối lập là đảng Bàn tròn đơn vị dân chủ (MUD), một liên minh chính trị từ cánh trung đến cực hữu. Vào tháng 5-2016, MUD đưa ra kiến nghị gồm 2 triệu chữ ký để tổ chức trưng cầu dân ý bãi miễn tổng thống. Từ đó các cuộc biểu tình liên tục bùng phát để chống lại tình trạng thiếu thốn thực phẩm liên tục diễn ra tại Venezuela. 

Hiến pháp mà cố Tổng thống Hugo Chavez phê chuẩn năm 1999 dự trù khả năng cho phép cử tri được quyền bãi miễn tổng thống khi đã đến nửa nhiệm kỳ qua một cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng để đạt được điều đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) thân chính phủ phải phê chuẩn nhiều giai đoạn của một quá trình kéo dài.

Trong khi tập hợp trên 2 triệu chữ ký của phe đối lập, tháng 6 vừa qua CNE đã xác nhận 1,3 triệu chữ ký. Kế đó, Ủy ban muốn kiểm tra 200.000 chữ ký qua máy sinh trắc học. Những người có liên quan phải đi đến các trung tâm địa phương của CNE để lấy dấu vân tay nhằm chứng thực chữ ký. Sau hơn 1 tháng kiểm tra, cuối cùng vào đầu tháng 8, Ủy ban đã chứng thực 400.000 chữ ký, tức gấp đôi số lượng yêu cầu tối thiểu.

Mới đây, MUD còn cáo buộc CNE đã có động thái đóng băng quá trình tiến đến cuộc trưng cầu dân ý lẽ ra phải đi đến giai đoạn cuối cùng vào hôm 26-10 với 6 triệu chữ ký. Những cuộc bầu cử địa phương cũng bị dời lại đến cuối quý 2/2017 trong khi nhiệm kỳ của 23 thống đốc kết thúc trong tháng 1.

Giờ đây cuộc đấu tranh của phe đối lập nhắm vào các cuộc biểu tình và quốc hội. “Tôi kêu gọi mọi người tin tưởng, chúng tôi sẽ không rơi vào sự chia rẽ bởi vì sự liên kết là nòng cốt” - nhân vật đối lập Lilian Tintori đang bị giam giữ tuyên bố. Ngày 25-10 liên minh MUD đã bắt đầu triệu tập một phiên họp bất thường của quốc hội, nơi mà họ chiếm đa số.

Theo chính trị gia Diosdado Cabello, nếu quốc hội phê chuẩn việc mở một phiên tòa phế truất Maduro, khả năng về “một phiên tòa chính trị” như thế lại không được hiến pháp quy định. Nhưng luật gia Jesus Maris Casal đảm bảo rằng hiến pháp có dự trù khả năng nêu ra “trách nhiệm chính trị” của những quan chức cao cấp.

Từ đây nỗi lo ngại về sự can thiệp của quân đội có thể cảm nhận được. Hôm 25-10, qua trung gian Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez, lực lượng này đã bày tỏ sự hậu thuẫn Tổng thống bằng cách tuyên hứa sẽ “bảo vệ bằng mạng sống dự án xã hội và chính phủ hợp pháp của Nicolas Maduro”.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.