Cậu bé tự kỷ đạt kỷ lục biểu diễn xiếc

Thứ Hai, 27/11/2017, 13:31
Tháng 5 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận xác lập kỷ lục cho Nguyễn Đình Khánh Hưng, 7 tuổi, độ tuổi nhỏ nhất, với thành tích đứng biểu diễn trên 3 con lăn, đội chai lên đầu và tung 6 bóng. Điều đáng nói ở đây, cậu bé nhỏ con này đang được nuôi nấng tại trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ.

Và như một mối nhân duyên, trong sự mất mát và nỗi đau mà cậu bé phải gánh chịu, là một con đường sáng mở ra trước mắt để trở thành một người có ích cho mai sau và cho tương lai vốn dĩ thực sự mờ mịt với những đứa trẻ tự kỷ.

Chuyện cậu bé "nhỏ thó"

Trung tâm nơi Nguyễn Đình Khánh Hưng đang học tập và sinh sống cách trung tâm Hà Nội vài chục km. Nằm trong khuôn viên một trường đại học thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội) nên mọi thứ đều đơn giản, nguyên sơ, xung quanh là những cánh đồng hun hút gió. Lớp học chung của Hưng có chừng 28 bạn, đủ các độ tuổi khác nhau. Lớn nhất là 22 tuổi, và Hưng bé nhất 7 tuổi. 

Đó là 28 số phận và thân phận khác nhau. Trẻ tự kỷ đến đây đều là những trường hợp khá nặng. Có con đứng trong hàng tập vẫn hú hét, kêu gào. Có con khác lại khóc rồi tự đấm thẳng vào mặt mình sưng tím cả mắt. Thương nhất là những con bị bại não, cơ thể không tự điều khiển được, nếu không có thầy cô giáo dìu đi thì cứ ngồi hoặc đứng yên như thế gật gà gật gù.

Cùng tiến sĩ Phan Quốc Việt xem lại các Video Clip biểu diễn.

Khánh Hưng ban đầu đến đây theo lời mách bảo của một người quen. Con chỉ uống sữa các loại nhưng chưa bao giờ biết ăn cơm trong suốt 5-6 năm trời. Không biết chơi với bạn, gương mặt lầm lì, không nói năng nhiều, chỉ lẩm nhẩm trong miệng khi cần. Thỉnh thoảng con khùng lên hoặc bị ai đó trêu đùa thì nhảy bổ vào đấm thẳng người ấy. Tình trạng của con nếu để lâu sẽ bị tự kỷ rất nặng và khó lòng chữa trị.

Ban đầu vào đây, dù không muốn ở lại vì kỷ luật rất nghiêm ngắn, giờ ăn giờ ngủ, giờ tập luyện đều rất đúng lịch. Ở nhà, các con hấu hết đều phải sử dụng thuốc, mà những thuốc thần kinh đều có tác dụng phụ không tốt cho sự trưởng thành của các con. Tại trung tâm, các con đều được tập luyện ăn uống đúng theo chế độ chứ không dùng bất cứ một viên thuốc nào. Chính vì thế kỷ luật ở đây là kỷ luật thép.

Yêu thương nhưng phải có kỷ cương. Hưng cũng không phải là một ngoại lệ. Thậm chí còn khác với các bạn khác, hầu hết các bạn tại Hà Nội học xong trong ngày thì chiều được bố mẹ đón về nhà. Hưng thì hoàn cảnh thực sự không giống ai, nên trung tâm cho phép con được ở lại. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và không có ai chăm sóc, nên tất cả các khoản chi phí ăn ở học tập của Hưng cũng hoàn toàn được miễn phí.

Hưng cũng là cậu bé hòa đồng và "khôn" rất nhanh nên sự vô tổ chức ở gia đình đã phải nhường chỗ cho những nguyên tắc. Hưng tự ăn tự mặc, tự đánh răng rửa mặt, tắm rửa, tự gấp quần áo chăn màn của mình... Khi đã ổn định mọi thứ, Hưng được cho học biểu diễn xiếc và kỳ tích đã đến với cậu bé nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn như một con sóc.

Khi thầy dạy xiếc đến lớp tập, khác với các bạn cứ đứng nhìn mà không biểu hiện thích thú gì, thì Khánh Hưng đã lăn xả vào nhặt bóng rồi tự tung hứng. Dù ban đầu chưa làm được ngay nhưng điều đó thể hiện sự thích thú và hợp tác. Gương mặt con thỉnh thoảng mới cười lên vui vẻ.

Khánh Hưng đang tập luyện.

Như thể có năng khiếu nên ban đầu, khi đứng trên 1 con lăn, điều đó khá dễ dàng với con, sau dần khi đứng trên 3 con lăn thì cũng không phải là một điều gì đó quá khó khăn nữa. Các anh lớn khi nhìn thấy đều sợ và không hứng thú nhiều, hoặc phải thầy ép mới chịu tập, riêng với Hưng, Hưng tự nhặt bóng, tự tung bóng theo lời của thầy dạy xiếc. Dù nói không nhiều, nhưng sự linh hoạt và chủ động của con đã tiến bộ rõ rệt. Con cũng tránh được tình trạng tăng động vì hoạt động nhiều, liên tục trong ngày. Từ việc không biết ăn cơm thì hiện nay, con đã xơi hết nhẵn 2 bát cơm to và thức ăn.

Thầy giáo dạy xiếc Nguyễn Quang Thọ cho biết, để đạt được thành tích như Khánh Hưng đứng trên 3 con lăn, tung 5 bóng, đội chai lên đầu, không phải diễn viên xiếc nào cũng có thể làm được. Điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ, sự khéo léo và một bản năng nhạy cảm. Hưng chỉ nặng hơn hai chục cân, lại thấp, tay bé rất khó cầm bóng, nhưng sự nhạy cảm và linh hoạt của con đã giúp con làm rất tốt. Tập luyện chỉ trong vòng thời gian rất ngắn nhưng con đã có thể đạt được kỷ lục không chỉ dành cho độ tuổi của mình, mà thực sự là kỷ lục trong biểu diễn xiếc chuyên nghiệp.

Sau thành công và đạt được kỷ lục, Khánh Hưng đã cùng một số bạn đạt thành tích tại Trung tâm đã có những chuyến đi đến một số vùng miền để biểu diễn xiếc, được cùng các nghệ sĩ xiếc biểu diễn trong tiết mục xiếc kỷ niệm 40 năm ngành xiếc Hà Nội. Hưng bảo, con không ngờ lại được đi biểu diễn vui thế, mọi người vỗ tay nhiều nên con sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

"Con nhớ mẹ Thu!"

Ngồi với Nguyễn Đình Khánh Hưng, gương mặt con dường như chẳng có một biểu hiện gì khi nhắc đến gia đình. Con chỉ bảo lí nhí trong miệng, "Con có mẹ Thu, con nhớ mẹ Thu!". Tôi xin điện thoại để gọi cho chị Thu nói chuyện với con. Trong khi nói chuyện, mẹ hứa sắp tới sẽ về để đưa con đi chơi, lúc đó ánh mắt con mới vui vẻ trở lại.

Chuyện của gia đình Khánh Hưng thật sự kỳ lạ. Mẹ Khánh Hưng, chị Thu (34 tuổi), là người dân tộc Sán Dìu (Xã Bồ Lý, Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Quen và lấy bố Hưng ở ngõ Hồng Phúc, Hà Nội. Họ có với nhau 3 đứa con, 2 đứa lớn là con gái và Hưng là em út trong gia đình.

Bà Nội của Hưng có nghề bán bún riêu cua đã hơn 30 năm có lẻ tại con ngõ này. Thu về làm dâu cũng theo mẹ bán hàng, thỉnh thoảng theo chồng làm nghề vá xe lưu động. Cuộc sống không giàu có nhưng cũng yên ấm và đủ đồng ra đồng vào tiêu pha, lo cho các con ăn học. Khi Hưng được 3 tuổi dù chưa biết nói, nhưng gia đình bắt đầu cho con đi mẫu giáo, hằng ngày đưa đi đón về là nhiệm vụ của chị Thu.

Một hôm cô giáo chủ nhiệm gọi chị Thu vào bảo, phải về đi khám cho con vì con có những biểu hiện lạ lắm như cứ ngồi thu lu một mình không chơi với ai, đồ chơi nào mà con thích thì sẽ giằng cho bằng được, mà bạn không đưa thì đánh bạn rất hung hăng. Thậm chí không nghe lời thầy cô giáo.

Bản thân chị Thu trong thời gian ấy về nhà chơi với con và dạy con thì cũng bị chính Hưng đấm vào mặt. Thấy tình trạng không ổn, chị đã bàn với chồng đưa con đi khám. Chồng chị dù thường ngày rất yêu quý vợ con nhưng khi nói chuyện của cu Hưng đã nổi cáu và mắng vợ hết lời vì anh cho rằng con anh không làm sao cả.

Chồng không ủng hộ, nên chị một thân một mình đưa con đi khám tại Bênh viện Nhi Trung ương thì được chẩn đoán là con bị mắc hội chứng tự kỷ tăng động. Thời gian ấy, chị Thu bán hàng ăn nên khi biết chuyện, có người ăn bún đã mách cho chị đến tìm gặp chị Phượng, là mẹ bé Khôi Nguyên, một cậu bé cũng bị tự kỷ nhưng đã đặt thành tích trong biểu diễn xiếc và học tập.

Xác nhận kỷ lục Việt Nam của Hưng.

Khi đưa con tìm đến nhà chị Phượng, Thu được nghe chia sẻ về căn bệnh tự kỷ và cho con theo cô Phượng để rèn luyện. Một thời gian sau thì được chị Phượng giới thiệu để đến học tại trung tâm của tiến sĩ Phan Quốc Việt - Trung tâm Tâm Việt.

Trong thời gian đó, chị Thu cho biết, chồng chị đã đi theo một thầy đồng nào đó nên bị tẩu hỏa nhập ma như điên dại, cứ về nhà là đánh vợ đánh con, chửi bới không thương tiếc. Khi biết chị Thu cho con đi học thì đã đến tận trung tâm chửi bới các thầy cô giáo, đòi đưa con về (Khi ấy trung tâm đang đóng tại Đội Cấn). Sau này, vì không thể ở cùng nhau, không chịu cảnh chồng suốt ngày mắng chửi, đánh đập và không ai có thể can ngăn nổi nên hai vợ chồng anh chị đã mỗi người một nẻo.

Chị vào Đà Nẵng cùng một người bạn làm nghề dán tranh gốm. Chị Thu cho biết, làm đã mấy tháng nhưng lương không có nên chẳng gửi về được cho gia đình nuôi con ăn học. Mọi sự hỗ trợ hai cô con gái đều nhờ cả vào mẹ chồng và các bác bên chồng nhưng gần đây, mẹ chồng chị cũng đã bị ốm nặng nên mọi sự đều nhờ cả vào các bác.

Cả lớp tập luyện sau giờ ngủ trưa.

Chị cũng cảm thấy may mắn vì Khánh Hưng đã được Trung tâm Tâm Việt nuôi hoàn toàn miễn phí đã gần 2 năm nay. Bản thân sự tiến bộ của con chị cũng không được chứng kiến. Con nhận được kỷ lục thì khi gọi điện thoại đến Trung tâm chị mới biết, chứ cũng chẳng có thời gian để xem các thông tin.

Chị Thu bảo chị đang chờ đến khi có lương sẽ xin nghỉ việc để trở về Hà Nội kiếm sống. Chị không dám về nhà vì sợ chồng nổi cơn điên loạn sẽ đánh đập, nhưng chị sẽ tìm một chỗ nào đó thuê nhà để có thời gian chăm sóc các con. Chị thực sự cảm thấy có lỗi với con vì từ khi chị vào Đà Nẵng kiếm việc làm, gia đình không ai đến thăm con dù chỉ một lần, con đã phải cậy nhờ các thầy cô hướng dẫn học tập, dạy bảo cả văn hóa cả kỹ năng sống. Con tự vượt qua chính bản thân mình để có được thành tích mà có nằm mơ chị cũng không bao giờ nghĩ gia đình chị sẽ thực hiện được.

Tôi rời khỏi trung tâm khi trời đã sẩm tối, các cậu bé, cô bé tự kỷ đã bắt đầu được người nhà đến đón về. Có một vài cậu bé ở các tỉnh xa đến thì ở lại. Và Khánh Hưng, cậu bé nhỏ con nhưng nhanh nhẹn đang dọn dẹp chỗ bừa bộn còn lại của lớp học. Sửa lại mấy con lăn bằng sắt mà cân nặng có lẽ hơn cả người con.

Số phận có lẽ đã thử thách con rất nhiều, nên dù phải chịu nhiều va đập, những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng nghị lực vươn lên của một cậu bé tự kỷ cùng sự quan tâm của những tấm lòng vàng, đã là một bệ đỡ để con tiếp tục bước đi trên con đường đầy gian nan của nghề biểu diễn xiếc, như một lẽ sống duy nhất có thể có ích cho con trong thời điểm bây giờ...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.