Hành trình trở thành tài năng âm nhạc của một cậu bé tự kỷ

Thứ Bảy, 04/06/2016, 10:00
Trong một buổi trưa hè râm ran tiếng ve, chị Anh Thư mở lòng kể về câu chuyện dài dằng dặc về những thành công của cậu con trai 16 tuổi Nguyễn Thế Vinh. Một cậu bé mắc hội chứng tự kỷ đã được ông trời và số phận ban phước lành để có một ngày như hôm nay gặt hái thành công, có trong tay hàng chục giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế.

Hiện nay, song song với việc học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nguyễn Thế Vinh đang có một việc làm đầy thiện tâm là dạy nhạc miễn phí cho một số những bạn nhỏ yêu nhạc. Học trò của Vinh là những cháu bé khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn được rèn giũa dưới bàn tay của một thầy giáo từng mắc căn bệnh tự kỷ. Nhưng có một Nguyễn Thế Vinh thật sự khác biệt, đầy nhẫn nhịn và điềm đạm, đang đắm chìm vào những nốt nhạc yêu thương...

Không biết con bị hội chứng tự kỷ

Bố mẹ Vinh ở vào tuổi ngoài 30 mới sinh cậu con trai thứ hai. Một đứa con được mong đợi sau nhiều tháng ngày mang thai vất vả cực nhọc. Chị Anh Thư, mẹ Nguyễn Thế Vinh kể lại: Đó là năm 2000, gia đình chúng tôi vỡ òa trong niềm vui vì chồng tôi lúc đó đã ngoài 40 tuổi. Anh làm ở Ban Cơ yếu Chính phủ, tôi làm ở Đại học Luật Hà Nội. Con gái lớn của chúng tôi đã lên 8 tuổi. Vinh được yêu chiều hết mức.

Những ngày còn nằm nôi, chúng tôi thường ru con ngủ bằng những đĩa nhạc không lời êm ái, nhẹ nhàng. Không chỉ khi ngủ mà khi gọi dậy, cũng những bản nhạc ấy để con nghe. 2 tuổi, Vinh bi bô tập nói và lẩm nhẩm hát theo đĩa, nhưng kỳ lạ, khi lên 3 tuổi bỗng dưng con hoàn toàn như một người... câm, điếc, không nghe, không nói, không có những biểu hiện cảm xúc bình thường. Con thích chơi một mình, có lúc trở nên tăng động, quá khích, đánh đấm, la hét. Đến 4 tuổi thì những biểu hiện về căn bệnh tự kỷ của con đã trở nên rõ rệt.

Lo lắng, hoang mang, hai vợ chồng họ mang con đến nhiều cơ sở khám chữa bệnh để gõ cửa như Khoa Thần kinh, Khoa Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), Viện Y học cổ truyền quân đội... Uống thuốc, chữa trị bằng vật lý trị liệu nhưng không có phương pháp nào giúp Vinh tiến triển khả năng nói và giao tiếp. Hồi đó, khái niệm tự kỷ còn rất xa lạ với người Việt Nam. Thế nên cứ nghe ở đâu người ta mách có thầy tốt, thuốc hay là vợ chồng họ lại mang con đến đầy hy vọng rồi lại mang con về trong vô vọng.

Trong công cuộc chạy chữa này, người bố của Vinh - anh Nguyễn Thế Quang đã bỏ nhiều công sức. Khi bác sĩ khuyên nên để Vinh chơi nhiều với bạn bè, người cha tóc đã bạc bội phần vì con đã dành thời gian tìm trường mẫu giáo cho con, nhưng cứ được vài buổi, nhà trường lại trả về vì những bố mẹ khác không đồng ý cho con mình học cùng một đứa trẻ tăng động và bất thường như Vinh. Vinh chạy nhảy lung tung khi các bạn ngồi im, đến giờ ăn thì gào thét, quẫy đạp. Khi các bạn ngủ thì Vinh lại mang đồ chơi ra một xó để chơi.

Có lần, trong lúc cô đang dạy các bạn múa hát thì Vinh lẻn vào nhà tắm, đóng cửa rồi xả nước. Cậu bé hầu như không học được ở trường nào lâu hơn một tháng. Rồi thay vì cho con đến lớp, họ thuê hẳn cô giáo tâm lý đến nhà dạy con, nhiều cô thay nhau dạy con. Đôi khi cả tuần con mới nhớ nổi một từ, cả tháng mới quen một hành động. Anh Quang thay đổi cả công việc chỉ để có thời gian rảnh rỗi dẫn con đi chơi siêu thị, công viên...

Có lần hai bố con đang dạo chơi trong vườn Bách thảo thì bất ngờ Vinh nhảy ùm xuống hồ. Vớt được con lên, bố cởi quần áo ngoài bọc cho con rồi ôm con vừa đi về vừa khóc... Sau này tìm hiểu mới biết vì ở nhà Vinh thích tắm thế nên khi nhìn thấy hồ nước, Vinh tưởng nó giống như cái bồn tắm ở nhà mình.

Sau đó, họ quyết định gửi con vào Trường Câm điếc Xã Đàn. Chính môi trường “đặc biệt” này đã mang đến sự thay đổi kỳ diệu, giúp Vinh dần hòa nhập với những người xung quanh. Dần dần Vinh đã biết cách nghe và trả lời những câu hỏi đơn giản, biết tự ăn uống, biết tự làm vệ sinh cá nhân và bắt đầu bước tự lập vào cuộc đời rộng lớn.

Nguyễn Thế Vinh đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế.

Âm nhạc - Liều thuốc diệu kỳ

Trong nhà chị Anh Thư luôn có đàn organ dành cho con gái lớn học đàn. Một ngày đẹp trời, không hiểu sao Vinh ngồi vào đàn và lướt tay trên từng phím dù chưa được học một nốt nhạc. Con có một trí nhớ tuyệt vời và một khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt. Con thích những âm thanh từ tiếng chuông cửa, từ chuông điện thoại.

Và không chỉ với âm nhạc, mà với công nghệ, con cũng nhanh chóng nắm bắt như thể đã được sử dụng từ rất lâu rồi. Biết con có thể có khả năng nào đó về âm nhạc, bố Vinh nhờ người quen dẫn con đến nhà của nhạc sĩ Phú Quang nhờ ông thẩm định.

Chị Anh Thư kể lại: Ngay khi đặt Vinh ngồi lên ghế đàn, nhạc sĩ hướng dẫn thông qua những bản nhạc cụ thể. Ông ngạc nhiên vì việc xử lý hợp âm ở bàn tay trái của con rất tốt, rất nhiều nhạc sĩ cũng không làm được điều ấy. Sau buổi thử, ông bảo với bố của Vinh: “Con anh là một đứa trẻ đặc biệt, nên cho cháu học nhạc!”.

Chỉ với một câu nói ấy thôi, vợ chồng chị Anh Thư như tìm được một điểm tựa sau nhiều tháng ngày chới với lo lắng cho tương lai của con. Cũng thời điểm ấy, con gái của nhạc sĩ Phú Quang là Trinh Hương vừa trở về Việt Nam và chị đã nhận lời dạy dỗ cậu bé này. Âm nhạc đã là một lãnh địa riêng của Vinh. Bộ não và trí nhớ của cậu dường như được lập trình để dành cho những phím đàn. Không khó khăn để Vinh học, nhớ những bản nhạc vừa học, cũng không quá lâu để Vinh chơi thật hay bản nhạc ấy trong sự ngỡ ngàng của giáo viên và gia đình.

Tháng 7/2010, chỉ sau một năm bước chân vào học chính thức tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tại Liên hoan Âm nhạc tổ chức tại Hàn Quốc, tài năng của Nguyễn Thế Vinh đã được khẳng định với tấm huy chương vàng đầu tiên. Chỉ hai tháng sau, trong cuộc thi Piano Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Nguyễn Thế Vinh đã giành giải Khuyến khích bảng A, bảng thi dành cho các thí sinh lứa tuổi 10 đến 13.

Trong năm 2010, khi tròn 10 tuổi, Nguyễn Thế Vinh đã được Quỹ học bổng Toyota trao tặng, được cử đi tham gia cuộc thi Piano Quốc tế tổ chức tại Singapore và tham gia biểu diễn trong chương trình hòa nhạc “Bốn mùa” do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức. Là một người giỏi công nghệ, nên nhiều clip âm nhạc được bố mẹ hoặc bản thân Vinh quay lại, tự tay cậu bé đưa lên mạng. Tình cờ, nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji bắt gặp, ông đã dày công tìm nghe gần hết những đĩa nhạc của Vinh.

Sau buổi diễn gây tiếng vang tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm nhạc Summer 2011 Gala Concert do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức, Nguyễn Thế Vinh đã vinh dự được nhạc trưởng Honna Tetsuji mời tham gia biểu diễn trong chương trình hòa nhạc đặc biệt Chào xuân 2012 được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 11/1/2012.

Nhạc trưởng người Nhật trầm trồ: “Tôi đã từng cộng tác với nhiều tài năng lớn, nhưng Nguyễn Thế Vinh là tài năng âm nhạc thuộc diện trẻ tuổi nhất mà tôi may mắn được làm việc cùng”. Riêng năm 2012, tài năng piano Nguyễn Thế Vinh đã đoạt cú “hattrick” giải thưởng quốc tế. Đó là giải Nhì bảng A và giải Thí sinh biểu diễn nhạc cổ điển hay nhất trong cuộc thi Piano Quốc tế lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam, giải Nhì cuộc thi Piano quốc tế tổ chức tại Malaysia tháng 11/2012.

Ngoài ra, Nguyễn Thế Vinh còn tham gia biểu diễn nhiều chương trình với vai trò là nghệ sĩ piano cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Mới đây Vinh góp mặt trong chương trình “Màu xanh yêu thương” dành cho trẻ tự kỷ tại phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN như một lời tri ân mà cuộc sống đã dành tặng cho mình.

Hiện nay Nguyễn Thế Vinh là học sinh chuyên ngành Piano năm thứ 7 hệ Sơ cấp, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Theo thạc sĩ Trinh Hương thì Vinh có tài năng thiên bẩm. Thông thường, quy trình học tập “vỡ lòng” của các học sinh piano là tập tay phải, chuyển sang tập tay trái rồi ghép hai tay lại trong một bản nhạc. Nhưng với Vinh, dường như tay trái biết lái tay phải. Cứ nhấn phím tay phải thì năm ngón tay trái của Vinh tự nhiên xử lý hợp âm rất chuẩn.

NSND Đặng Thái Sơn và Vinh.

Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đã diễn ra vòng chung kết quốc gia của cuộc thi piano quốc tế Steinway International Youth Piano Competition 2016 được tổ chức nhằm tìm kiếm tài năng Việt Nam tham dự vòng chung kết tiếp theo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Malaysia và tiến đến Piano Festival thế giới diễn ra ở Hamburg, Đức. Đây là lễ hội âm nhạc đỉnh cao dành cho các pianist tuổi 6 - 17 trên thế giới, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần do Steinway & Sons (Hamburg, Đức) tài trợ.

Cùng với Nguyễn Lan Anh (Nhạc viện TP HCM), Nguyễn Thế Vinh (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã vượt qua 100 thí sinh từ các học viện, nhạc viện, trường nghệ thuật hàng đầu của cả nước, lần lượt trở thành quán quân của cuộc thi ở bảng 2 (11 - 17 tuổi) và bảng 2 (6 - 10 tuổi) và Nguyễn Thế Vinh được chọn là đại diện Việt Nam dự vòng chung kết tiếp theo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Malaysia.

Hiện tại Vinh đang là học trò của PGS.TS Nguyễn Minh Anh (PGĐ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Thầy Minh Anh chia sẻ: “Vinh là trường hợp tài năng thiên bẩm đặc biệt cần quan tâm, thầy cũng như học viện sẽ dành các điều kiện thuận lợi nhất để giúp đỡ cũng như vun đắp các tài năng âm nhạc không chỉ riêng Vinh”. Thầy yêu quý Vinh đến mức bất kể lúc nào Vinh rảnh, từ lớp văn hóa chạy sang học đàn, thầy cũng sắp xếp dạy luôn kể cả trưa hay tối muộn.

Có một thầy giáo Nguyễn Thế Vinh

Chị Anh Thư chia sẻ, gần đây Vinh nhận lời làm giáo viên dạy nhạc cho một số bạn trẻ. Chị muốn con từ việc nhận được rất nhiều tình yêu thương của gia đình, các thầy cô, bạn bè, thì sẽ chia sẻ những trải nghiệm, những kiến thức mà mình có được đối với các bạn nhỏ tuổi hơn.

Làm thầy giáo nhưng Vinh nhận dạy miễn phí cho các em, chứ không lấy tiền học phí. Bởi đối với Vinh, Vinh đặt nặng lòng đam mê nghệ thuật chứ không phải dạy đàn để làm kinh tế. Vì đối với bản thân Vinh, tiền chưa bao giờ là một thứ gì đó quan trọng. Chỉ có tình yêu và lòng đam mê âm nhạc nâng cánh cho em bay lên bầu trời mơ ước.

Một niềm vui rất lớn đối với chị, từ việc là một người mẹ bất lực, đau khổ và đầy hoang mang vì có con bị hội chứng tự kỷ, gia đình chị đã trở thành cầu nối để nhiều gia đình có con bị tự kỷ tìm đến sẻ chia. Chị vẫn thường động viên các ông bố, bà mẹ có con tự kỷ hãy chấp nhận sự thật, cố gắng hết sức có thể, đối mặt và sẻ chia với những người xung quanh thì họ sẽ bớt đi sự tự ti nhiều!

Nhiều cháu bị tự kỷ có khả năng thiên bẩm đặc biệt mà có thể bố mẹ chưa phát hiện và cho học cũng như chữa trị đúng hướng. Dĩ nhiên, không phải đứa trẻ tự kỷ nào cũng có khả năng thiên bẩm, cũng trở thành tài năng, nhưng những sẻ chia của chị đã giúp các bố mẹ khác có một nội lực, một động lực để cùng con vượt qua chặng đường phía trước đầy chông gai.

Chị bảo, đôi khi ngồi nhớ lại chuyện cũ, hai vợ chồng vẫn tự trách mình vì mải kiếm tiền lo cho đời sống nên có một thời gian rất dài, Vinh chủ yếu ở nhà với người giúp việc. Vinh ít khi được chuyện trò, ít được chơi cùng, việc của con là ăn, ngủ và ôm cái ti vi xem hết chương trình này đến chương trình khác. Đời sống hiện đại ngày nay chúng ta cũng quá bận rộn với cuộc sống nên nhiều ông bố bà mẹ trẻ ít dành thời gian cho con, phó thác cho người giúp việc. Đó cũng là một điều “lợi bất cập hại” mà sau này hai vợ chồng chúng tôi nhận ra thì đã muộn.

Dĩ nhiên có rất nhiều lý do dẫn đến con bị hội chứng tự kỷ, nhưng nếu chúng ta chữa chạy sớm cho con thì sẽ cải thiện tốt hơn. Trong sự hối hận muộn màng, sau này chị đã chuyển 3 đơn vị công tác, 5 lần công việc chỉ vì một lý do: Làm việc gì để có thời gian nhiều nhất chăm con. Chị có thể một ngày nấu 3 nồi cháo thịt, cà rốt, mỗi nồi một bữa chỉ để lấy 6 bát nước cháo đặc cho con ăn để cải thiện thể lực, vì con không thể ăn cơm như bình thường. Ban đầu, tiếc của, chị còn cố ăn xác cháo, lâu rồi thì chẳng ai ăn nữa và đành đổ cái bã ấy đi.

Triền miên như thế nhiều năm ròng và Vinh đã tăng thể lực trông thấy. Chị bảo, con phải khỏe mạnh thì mới chữa trị được. Khỏe mạnh nhưng không được béo phì, đồng nghĩa với việc phải dẫn con đi bộ hằng ngày, tập yoga, tập bơi cùng con, chơi với con như một người bạn. Dĩ nhiên, để dạy dỗ, nuôi nấng một đứa trẻ tự kỷ hòa nhập được với cộng đồng và tự lo được cho chính bản thân, cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để nuôi dạy con, chẳng hạn, đơn giản là không đủ tiền để có thể gửi con ở một môi trường tốt dành cho trẻ tự kỷ. Họ phải tự lo quá nhiều chi phí cho một đứa trẻ tự kỷ. Chính vì thế, cũng có những gia đình phó mặc cho số phận. Chị Anh Thư bảo rằng, chị biết ơn cuộc đời, vì có trải qua tất cả những thăng trầm mới biết ơn định mệnh đã để rơi vào gia đình chị một cậu bé với những cung bậc của xúc cảm còn quý giá hơn những báu vật...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.