Cha con nhà viết kịch Học Phi và nhà văn Chu Lai: Văn chương là số phận
Cha con nhà viết kịch Học Phi và nhà văn Chu Lai nổi danh trên văn đàn. Học Phi được giải thưởng danh giá nhất dành cho người sáng tác: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Chí Minh (đợt 1 năm 1996). Hầu hết những nhân vật trong tác phẩm của cụ Học Phi đều trên một mô tuýp nhân vật Cộng sản nhưng không hề khô cứng và cực kỳ ăn khách. Còn con - nhà văn Chu Lai đã đóng đinh tên mình vào những tiểu thuyết, truyện ngắn, sân khấu kịch, điện ảnh về đề tài người lính. Nói đến văn học viết về người lính người đầu tiên nghĩ đến là nhà văn Chu Lai.
Chu Lai vẫn vậy, người thấp đậm, da đen giòn, tóc xoăn tít, rậm rạp. Dáng hình nhanh nhẹn của một anh lính đặc công thuở nào vẫn in dấu dù rằng chiến tranh đã qua đi 40 năm. Tiếp xúc, chuyện trò với con người đậm dấu ấn chiến trường binh đao khói lửa này thì thấy ẩn bên trong vẻ ngoài mạnh mẽ ấy là một tâm hồn đa sầu, đa cảm nhưng đầy khẩu khí hiếm thấy của lãng tử sinh ra ở đất Hà thành.
Nói về nghề của hai cha con, Chu Lai bảo: "Văn chương là nghề khổ đau, nghề khốn khổ khốn nạn, nghề múc óc vào mồm nhai. Cô đơn là bí quyết làm nghề của tất cả chủ thể sáng tạo, kể cả hội họa, sân khấu, điện ảnh, văn chương… Một mình anh âm thầm đánh vật thì tìm ra một lối đi, phần lớn những kẻ ham vui, láng cháng, viết cho qua loa đại khái, đi du lịch, du hí gặp bạn bè, vui đâu chầu đấy có viết cũng sẽ chẳng ra cái gì. Còn tôi, có lẽ trong một giai đoạn viết tương đối nhiều, do đó đã quen dần với sự cô đơn, và khi đã quen với sự cô đơn nhiều thì biến thành nghiện cô đơn…".
Nhà viết kịch Học Phi và nhà văn Chu Lai. |
Và, con người nghiện sự cô đơn ấy hôm nay bị làm phiền, bị đánh thức khi tôi muốn chuyện trò cùng anh về định mệnh văn chương của hai cha con lão trưởng bối trong làng kịch nghệ sân khấu Học Phi và người kế tục: nhà văn Chu Lai. Nói về cha anh, nhà viết kịch Học Phi, nhà văn Chu Lai bảo: Ông cụ là người Cộng sản tiền khởi nghĩa trước năm 1930, Người Cộng sản cùng với dân tộc từ bùn đen cùng với dân tộc đứng dậy sáng lòa, đầy nhân văn, suốt cả cuộc đời là sáng tạo và yêu đương.
Nhà văn Chu Lai kể về cha:
Cha tôi là con cầu tự của một gia đình địa chủ khi nhà thì toàn các chị. Ông là con út nên được cả gia đình hết mực cưng chiều. Ông đỗ tú tài đầu tiên của tỉnh Hưng Yên. Năm 12, 13 tuổi đã đi theo cách mạng, sau đó tham gia phong trào yêu nước. Năm 20 tuổi được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau năm 1933, trong khi hoạt động cách mạng thì cha tôi bị địch bắt đi tù đày khi tuổi còn rất trẻ.
Trong nhà giam tù chính trị, những chiến sĩ kiên trung ngày đó đã mở lớp dạy văn hóa, cùng nhau học tiếng Pháp, ra tù khi cha tôi đã viết được báo bằng tiếng Pháp. Người khơi nguồn cảm hứng cho chàng thanh niên Học Phi đến với văn học nghệ thuật là cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Tổng Bí thư Trường Chinh lúc đó cũng bị giặc Pháp bắt giam nhốt cùng cha tôi. Thấy chàng thanh niên 23 tuổi tâm hồn mơ mộng, lãng mạn sớm bộc lộ tư chất thông tuệ khả năng triết luận về văn hóa, văn nghệ.
Tổng Bí thư bảo: "Thôi nhé, Tập (tên thật của nhà viết kịch Học Phi - N.V) nhé, khi Tập ra tù thì nên trở về với văn nghệ bởi vì văn nghệ nó có một sức mạnh rất riêng, vì văn chương cũng là vũ khí đấu tranh sắc bén của Đảng. Đảng đang cần những nhà văn có tài”. Năm 1936 khi ra tù, nhờ có câu nói ấy mà chàng thanh niên đầy hoài bão và mơ mộng Học Phi trở về văn nghệ.
Cha tôi lao vào đọc tiểu thuyết của Victor Hugo, Balzac, Maxim Gorky... Tiểu thuyết đầu tiên của cha tôi ra đời với tên "Hai làn sóng ngược" sau đổi thành "Xung đột" đăng từng kỳ trên các báo. Rồi lần lượt các tiểu thuyết khác nối tiếp nhau: “Đắm tàu”, “Dòng dõi”, “Yêu và thù”. Đến năm 1944, ông mới bắt đầu viết vở kịch đầu tiên.
Trường nữ sinh Đồng Khánh ở Hà Nội về tản cư ở Hưng Yên, nhà trường thành lập mấy tổ học sinh cứu quốc. Một buổi chiều, có hai nữ sinh gõ cửa nhà Học Phi nhờ ông viết vở kịch tuyên truyền cho phong trào yêu nước. Vở kịch chỉ có một màn. Nhưng, tiếc thay, vở kịch không được diễn vì bà đầm Pháp nhà trường đã lấy hết tất cả kịch bản của nữ sinh. Văn chương cũng có số phận như con người, cho đến năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, cụ Học Phi mới viết lại vở kịch làm thành 5 màn. Kịch "Đào nương" khi xưa đổi tên thành "Người kỹ nữ thành Đông Quan".
Trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám, Đảng phân công cha tôi xây dựng Hội Phật giáo cứu quốc Việt Nam. Trong thời gian hoạt động cách mạng bí mật, ông lưu trú trong rất nhiều ngôi chùa, chính vì thế cảm hứng sáng tác bùng lên và ông viết vở kịch "Cà sa giết giặc". Sau này, nhân kỷ niệm một năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2-9-1946 tại Nhà hát Lớn Thủ đô, kịch "Cà sa giết giặc" được công chúng đặc biệt hoan nghênh. Điều đặc biệt, tất cả diễn viên đóng kịch là những nhà tu hành tại các ngôi chùa. Năm 1961, khi về hưu ông cụ mới trở lại viết tiểu thuyết.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm nhà viết kịch Học Phi. |
Cả cuộc đời viết kịch của cha tôi gắn liền với cách mạng, với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Viết về cải cách ruộng đất, ông có vở "Chị Hòa". Phục vụ Đại hội Đảng lần thứ III, viết về người cộng sản có vở "Một đảng viên". Rồi sau này những tác phẩm kịch trữ tình, ăm ắp lãng mạn, đầy chất thi ca như: "Ni cô Đàm Vân", "Cô hàng rau", "Hoàng Lan" của cụ rất ăn khách. Mà ăn khách trên một mô tuýp nhân vật toàn các vai nhân vật Cộng sản. Nhân vật Cộng sản trong tác phẩm của cha tôi chính là cha tôi. Ông cụ rất đa tình, rất nhiều nỗi niềm, rất nhiều trăn trở, giằng xé, có hy vọng, có tuyệt vọng, có yếu đuối và có can trường. Người Cộng sản không khác gì người thường, thậm chí còn có nỗi niềm hơn người thường. Người Cộng sản của ông Học Phi không khô cứng đâu! Nhìn đảng viên mà khô cứng là cách nhìn sai hiện thực nghiêm trọng. Suốt cả cuộc đời của cha tôi là sáng tạo và yêu đương. Khi làm Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia yêu một lúc hai ngôi sao sân khấu - Chu Lai cười bảo: "Cái vĩ đại trong xử lý tình trường của các bậc tiền bối”.
Đằng sau cái sức bền kỳ lạ của tuổi già là bi kịch thảm sầu, đến tuổi 100 người đàn ông phía trước không còn gì nữa, ăn không thấy ngon, ngủ không yên, sự rung động với cuộc đời hoàn toàn trắng xóa thì trang viết trở thành neo sự sống vào đời. Bên cạnh thành tựu cách mạng văn hóa của ông Học Phi, những bằng hữu Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Linh, Trần Huy Liệu, Hoàng Văn Hoan, Lê Giản…những người một thời với nhau đã mất từ rất lâu, ông cụ là đấu thủ chạy thắng tuyệt đối, ông sống đến trên trăm tuổi. Và ông cụ vẫn viết những chuyện tình say đắm. Ở tuổi 90, ông bắt đầu viết kịch bản phim. Bộ phim “Minh Nguyệt” đã giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dàn dựng.
Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến năm 1946, ông làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền. Năm 1947-1948, ông làm Tổng thư ký Hội Văn hóa kháng chiến Liên khu III, rồi Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho tới lúc về hưu.
Nhà văn Chu Lai không chức sắc như cha mình, nhưng anh ảnh hưởng gien văn chương rất lớn từ cha và dòng máu cách mạng sôi sục từ nhiều đời trong dòng họ. Anh là một người lính thực thụ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chu Lai công tác trong Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn. Năm 1973, Chu Lai về làm Trợ lý tuyên huấn Quân khu 7. Năm 1974, anh tham gia trại sáng tác văn học Tổng Cục Chính trị và là khóa học sinh đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du. Chu Lai làm công tác biên tập, sáng tác truyện ngắn cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1978, khi 28 tuổi, cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Nắng đồng bằng” của anh ra mắt công chúng bạn đọc cả nước. Cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang, tên tuổi Chu Lai được chú ý. Trong nhiều cuốn tiểu thuyết của Chu Lai có 3 cuốn được giới đầu nậu bán sách gọi là best sell (sách bán chạy nhất): cuốn đầu tiên là “Nắng đồng bằng” và hai cuốn tiểu thuyết ra đời từ những năm đầu của đất nước thời đổi mới: “Ăn mày dĩ vãng” (1991), “Phố” (1992)
Ngòi bút sáng tạo của anh dồi dào sức lực, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa. Nói đến sự nghiệp văn chương, cả văn học, sân khấu, điện ảnh, sân nào anh cũng chơi hết mình và có thành công đáng kể. Chu Lai cười bảo: "Nhưng, quả thực, cho đến giờ tôi vẫn chuyên một thứ, đấy là văn học. Từ văn học tôi chuyển sang điện ảnh, hay sân khấu. Mà chuyển đến nơi đến chốn thì mình tự nhiên thành sành điệu".
30 tháng 4 năm nay đất nước đã vừa tròn 40 năm giải phóng. Chu Lai tổng kết đã có một hành trình đáng kể với 10 năm cầm súng, 40 năm cầm bút, 18 năm đi học. Chu Lai thú nhận: "Cuộc đời đến lúc này căng như dây đàn và sức viết đã bắt đầu cạn kiệt. Đáng nhẽ sau chiến tranh thì mình mới được thư giãn, ấy vậy mà sau 10 năm tận sức lại rơi vào một cái nghề khủng khiếp hơn nghề cầm súng là nghề cầm bút”.
Nhưng anh cũng bảo: "Sợ nhất của người nghệ sĩ hay người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là mọi người không biết đến mình là ai. Người ta không ghét bỏ mình cũng đã là một sự bất hạnh. Được đố kị, được ghen ghét đấy cũng là một tiêu chí”. Được anh em trong nghề tín nhiệm bỏ phiếu tuyệt đối để vào Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu, trong thời gian công tác, Chu Lai làm hết mình, nhiệt tình, năng nổ, say sưa, sức chiến đấu bền bỉ của người lính chiến trường năm xưa giờ rất hữu ích cho công tác dân vận tập thể. Sang đến nhiệm kỳ thứ hai, mọi người lại tín nhiệm bỏ phiếu cho nhà văn Chu Lai, nhưng lần này anh dứt khoát xin rút lui để nghỉ ngơi, dưỡng sức. Có lẽ công việc của người sáng tác níu giữ chân anh là âm thầm cô đơn, chứ không giao du, ồn ào.
Mẹ anh mất cách đây đã 20 năm. Cha anh, sống những năm tháng cuối đời với sự đau thương khôn cùng. Như anh nói: "Không có gì bi thảm bằng một người đàn ông cứ ngồi nhìn 8 người con của mình lần lượt ra đi”. Nhà viết kịch Học Phi có 10 người con, mất 8 người. Nhà có 2 người con liệt sĩ. Người con cả hy sinh ở Buôn Mê Thuột. Người con thứ hai hy sinh ở Yên Bái. Hai người con khác mất khi Tây càn vào làng xả súng giết dân, năm đó mới 8, 9 tuổi. Còn mấy người con sau này do đau bệnh mà chết. Nhà văn Hồng Phi anh trai của nhà văn Chu Lai đau bệnh vừa mới mất cách đây mấy năm trước khi nhà viết kịch Học Phi mất.
Nhà văn Chu Lai tuyệt đối thương cảm, chia sẻ với cha mình. Anh hiểu cảm giác khủng khiếp khi một người cứ lần lượt nhìn từng người thân, những núm ruột của mình ra đi. Anh kể: Nhà viết kịch Học Phi khi còn sống đã treo một tờ giấy trên tường cạnh bàn làm việc một dòng chữ tiếng Pháp do tự tay cụ viết bằng mực Tàu, dịch là: "Hãy vượt lên trên những nấm mồ để sống". Những năm cuối đời cụ Học Phi bị liệt chân nhưng hằng ngày vẫn chăm chỉ, cần mẫn ngồi vào bàn và viết đều đặn. Văn xuôi giải tỏa nỗi niềm hơn kịch, văn là tự sự trữ tình, giải tỏa nỗi niềm của người đàn ông già cao niên. Có lần hai cha con ngồi với nhau thảo luận về tác phẩm. Chu Lai bảo với cha mình: "Cụ đang ngồi trước một đại tiểu thuyết gia mà cụ cứ nói về tiểu thuyết của mình là thế nào nhỉ?". Nghe vậy, ông cụ không nói nữa. Sáng hôm sau mẹ điện cho tôi nói: "Con nói gì mà suốt đêm bố không ngủ được".
Nhà viết kịch Học Phi mất từ mùa hè năm 2014, tất cả kỷ niệm về người cha vẫn còn vẹn nguyên ký ức trong ông, nhà văn Chu Lai.