Charlie Chaplin và liều thuốc bổ vô giá

Thứ Bảy, 04/05/2019, 11:19
Vua hề Charlie Chaplin đã bị chế giễu và chê bai khi ông không tình nguyện tham gia Thế chiến I. Chỉ sau khi ông qua đời, thế giới mới nhận ra ông đã đóng góp lớn lao cho cuộc chiến này như thế nào thông qua nghệ thuật kịch câm.


Danh tiếng và tai tiếng

Tramp, nhân vật đáng nhớ nhất của Chaplin sau này trở thành một biểu tượng của rạp chiếu phim thế giới, lần đầu tiên lên màn ảnh vào năm 1914.Và hình tượng nhân vật này đã nhanh chóng thu hút sự ưa chuộng trên toàn thế giới trong thời đại phim câm.

Hình tượng Tramp (tức gã lang thang) hiện diện khắp nơi, từ màn hình rạp chiếu phim, bảng quảng cáo, bài hát, truyện tranh, đồ chơi hoặc rao vặt...

Chaplin trở thành một nhân vật nổi tiếng, được yêu thích trên toàn thế giới trong thời đại của mình ở tuổi 25. Các bộ phim của ông, được xem như một loại "thần dược", đã được trình chiếu thường xuyên cho các binh sĩ bị thương trong Chiến tranh Thế giới thứ I.

Các màn hình máy chiếu được lắp đặt phù hợp để trình chiếu hình ảnh lên trần căn phòng bệnh nhân, cho phép các chiến sĩ nằm trên giường xem phim của Chaplin mà không phải ngồi dậy. Các binh sĩ đã quên đi những sang chấn thể xác và tinh thần khi họ xem phim Tramp và những bộ kịch câm bông đùa.

Tiếng cười đã giúp giảm những cơn đau đớn cho các binh sĩ thương trận. Như Chaplin ví von: "Nụ cười là liều thuốc giảm đau". Liều thuốc cười nổi tiếng khắp thế giới này của Chaplin đã giúp giải tỏa đau đớn và chữa trị các bệnh về tinh thần cho khán giả khắp thế giới khi nó vượt qua những giới hạn về ngôn ngữ. Đó là lý do vì sao tiếng cười mà Chaplin tạo ra đã trở thành liều thuốc mang tính phổ quát toàn cầu.

Thế nhưng, danh tiếng của Chaplin đã bị ảnh hưởng khi báo chí làm rùm beng việc Chaplin không gia nhập quân ngũ. Tramp nhỏ bé trở thành mục tiêu cho các nhà báo và tranh vẽ họa biếm, nhất là khi sự gia tăng tên tuổi của Tramp lại trùng với thời điểm nổ ra Thế chiến I. Các cơ quan báo chí hàng đầu thời kỳ đó đã từng gọi Chaplin là một kẻ "trốn nghĩa vụ quân sự".

Sức ép gia tăng đáng kể sau khi Mỹ tham chiến vào ngày 6-4-1917. Đó là lúc hàng nghìn người gửi cho Chaplin những bức thư hằn học và chế nhạo làm bẽ mặt ông giữa lúc chiến tranh diễn ra.

Đi đầu trong chiến dịch bôi nhọ Chaplin vì không nhập ngũ là tờ Lord Northcliffe của Anh, tờ sáng lập của Daily Mail. Northcliffe đã chê trách Chaplin nhiều lần qua các ấn phẩm của họ, thường yêu cầu Chaplin nhanh chóng trở lại Anh.

Ví dụ, tờ Daily Mail của Northcliffe đã chỉ trích mạnh mẽ Chaplin hồi tháng 3-1916 vì một điều khoản liên quan chiến tranh trong hợp đồng của ông với một hãng sản xuất phim, Mutual Film Corporation. Điều khoản này nói rằng Chaplin không phải quay trở lại quê hương của mình trong suốt thời chiến.

Giống như những công dân Anh khác sinh sống ở nước ngoài, Chaplin phải chờ đợi giấy phép từ Đại sứ quán Anh tại Mỹ, vốn ủng hộ lời giải thích của Chaplin, nói rằng: "Chúng tôi sẽ không coi Chaplin là một người trốn tránh nghĩa vụ quân sự nếu chúng tôi không nhận được chỉ thị đưa quy định quân ngũ bắt buộc thành luật".

Tương tự, giới binh sĩ cũng không coi danh hài này là trốn nghĩa vụ quân sự. Theo David Robinson, người viết tiểu sử của Chaplin, các đòn công kích Chaplin không xuất phát từ giới binh sĩ.

Do Northcliffe liên tiếp công kích gay gắt, cuối cùng, Chaplin đã phải đăng ký danh sách tham gia quân đội Mỹ để giữ thể diện và uy tín của mình. Ông cũng sung công quỹ 250.000 USD cho các chiến dịch quân sự của Mỹ và Anh. Bất chấp số tiền này, Northcliffe vẫn không chịu buông bỏ khi bình luận rằng Chaplin không thể từ chối nước Anh cả tiền và sự phục vụ quân ngũ của mình.

Mặc dù đăng ký tham gia quân đội Mỹ nhưng Chaplin đã bị từ chối vì thiếu cân và vóc dáng thể chất không đủ tiêu chuẩn. Thế nhưng, những lời chỉ trích vẫn không ngớt nhiều năm sau đó và người ta vẫn ném vào danh hài những lời nhạo báng.

Chaplin là một nhà yêu chuộng hòa bình, sau đó đã dốc hết sức mình để giúp cuộc chiến kết thúc sớm hơn, nhất là khi ông nhận ra cách thức ông có thể tận dụng danh tiếng của mình cho các mục đích chính trị. Ở thời điểm đó, thần tượng Hollywood này đã có đủ tiềm lực tài chính và phát triển một xưởng phim để làm những gì ông muốn.

Và đó là thời điểm mà vở hài kịch phản đối chiến tranh Shoulder Arms được công chiếu rộng rãi trên rạp chiếu phim. Được công bố vào tháng 5-1918, vở kịch thể hiện cái nhìn châm biếm nhưng hài hước về cuộc chiến. Nó phác họa nhân vật Tramp trong một trại lính với tư cách là một tân binh lóng ngóng và vụng về, vốn phải đối mặt với không ít thách thức để sống sót trong các hầm ngầm cố thủ kinh hoàng.

Mặc dù vậy, chiến công của Tramp không hề nhỏ bé khi bắt được 13 lính Đức và thậm chí cả vị Hoàng đế cuối cùng của nước Đức Wilhelm II (Kaiser) vốn có chính sách hiếu chiến gây ra Thế chiến I.

Yêu chuộng hòa bình

Tinh thần phản chiến của Chaplin chỉ gia tăng theo thời gian khi tầm ảnh hưởng chính trị của ông được củng cố trong sự nghiệp sau này. "Mặc dù ông có thể sáng tác kịch từ cuộc chiến nhưng tính chất vô nghĩa, thảm kịch và sự lãng phí của cuộc chiến đã luôn ám ảnh tâm trí của Chaplin", Robinson chia sẻ.

Không chỉ phản đối chiến tranh, Chaplin cũng phản đối chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa dân tộc mà thể hiện rõ nét nhất là trong tác phẩm The Great Dictator (Kẻ độc tài vĩ đại). Chaplin vẫn phải hứng chịu những lời phỉ báng và nhũng nhiễu chính trị sau Thế chiến II. Các tác phẩm sau này của ông chỉ trích sự bất bình đẳng giai cấp, như phim hài Monsieur Verdoux ra đời năm 1947, đã làm "sống lại" những cáo buộc đối với ông về ủng hộ tinh thần chủ nghĩa cộng sản.

Mặc dù chưa từng bị bắt giữ trong thời kỳ "Nỗi sợ cộng sản" - đỉnh điểm của phong trào chống cộng ở Mỹ - nhưng ông bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ kiểm duyệt nghiêm ngặt trong suốt 40 năm. Tình trạng kiểm duyệt này lên đến đỉnh điểm vào năm 1952 khi Chính quyền Mỹ hủy bỏ giấy phép nhập cảnh đối với Chaplin, buộc ông phải quyết định sang Thụy Sĩ định cư cho đến cuối đời.

Chỉ đến khi qua đời, giá trị thực sự của lĩnh vực hài kịch mà ông cống hiến mới được ghi nhận thực sự. Chaplin đã đóng vai trò hữu ích hơn khi gắn bó với phim trường của mình hơn là nếu ông tham gia quân ngũ. Tiếng cười mà những vở hài kịch của ông tạo ra đã trở thành liều thuốc quý báu rất cần thiết cho các thương binh và binh sĩ.

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.