Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha vướng vòng lao lý

Thứ Ba, 01/08/2017, 15:30
Làng bóng đá Tây Ban Nha nói riêng và làng bóng đá thế giới nói chung đang rúng động từ vụ bắt giữ Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha (RFEF), Angel Maria Villar.

Không phải ngẫu nhiên mà Angel Maria Villar được ví von là “bố già” của bóng đá Tây Ban Nha trong suốt thời gian dài. Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch RFEF trong năm 1988 cho đến nay, cựu tiền vệ của câu lạc bộ Athletic Bilbao đã biến RFEF thành một tổ chức chẳng khác gì... mafia với nhiều vây cánh cho mình. Tới mức, có thời điểm người ta đã phải dùng từ "villataro" mỗi khi đề cập đến Villar và bộ sậu thuộc quyền. Cùng với việc nắm giữ chức vụ Chủ tịch RFEF, Villar còn nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) và Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).

Cá nhân Villar  từng là chủ tịch tạm quyền của UEFA từ ngày 9-10-2015 đến ngày 26-9-2016 trong thời gian cựu Chủ tịch UEFA, Michel Platini bị Ủy ban Đạo đức của FIFA đình chỉ chức vụ do vướng bê bối nhận số tiền 2 triệu franc Thụy Sỹ từ cựu Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter vào năm 2011.

Tính tới thời điểm trước khi bị cảnh sát Tây Ban Nha “sờ gáy”, Villar vẫn có chân trong ban chấp hành của FIFA. Chừng đó đủ thấy Villar thực sự là nhân vật có quyền lực không chỉ ở bóng đá Tây Ban Nha mà còn có ảnh hưởng nhất định ở hai tổ chức tầm cỡ châu lục và thế giới là UEFA và FIFA.

Angel Maria Villar sắp nhận án phạt nặng từ tòa án.

Cũng nói luôn, ngoài Villar và cậu con trai Gorka, còn có một số cộng sự thân tín khác bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ như Juan Padron - Phó Chủ tịch RFEF phụ trách tài chính, Ramon Hernandez, Thư ký Liên đoàn Bóng đá Tenerife... Có thể nói, đây là vụ bê bối lớn nhất lịch sử bóng đá Tây Ban Nha khi một loạt nhân vật chóp bu của RFEF cũng như quan chức của liên đoàn bóng đá địa phương bị bắt cùng lúc.

Theo kết quả điều tra sơ bộ từ cảnh sát Tây Ban Nha, đã có những bằng chứng xác đáng cho thấy Villar và cộng sự đã có hành vi lạm quyền, tham nhũng, rửa tiền, giả mạo giấy tờ... Một trong những cáo buộc đáng chú ý nhằm vào Villar là đã xây dựng một đường dây tham nhũng đầy tinh vi để bòn rút những khoản tiền bán bản quyền hình ảnh có được thông qua những trận đấu giao hữu của Đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha.

Đặc biệt, Villar còn bật đèn xanh cho những công ty do những thành viên trong gia đình mình làm chủ sở hữu tham gia xâu xé miếng bánh này. Hiện tại, phía cảnh sát đã phát hiện sự bất minh về mặt tài chính từ một loạt trận đấu giao hữu có sự tham gia của Đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha như gặp Đội tuyển Hàn Quốc trong năm 2010 và 2012, gặp Đội tuyển Chile vào năm 2008, 2011 và 2013, gặp Đội tuyển Mexico vào năm 2010, gặp Đội tuyển Colombia vào năm 2011 và 2017, gặp Argentina vào năm 2009 và 2011.

Không thừa khi nhắc lại Vicente del Bosque, người từng là huấn luyện viên Đội tuyển Tây Ban Nha từ năm 2008 đến năm 2016 đã phải ca thán khi ông và các học trò phải đá tới... 42 trận giao hữu kể từ sau khi giành danh hiệu vô địch World Cup 2010 tổ chức trên đất Nam Phi. Bất chấp sự ca thán từ Del Bosque lẫn số tuyển thủ Tây Ban Nha về lịch thi đấu giao hữu dày đặc một cách bất thường, Angel Maria Villar và cánh cộng sự thân tín tại RFEF vẫn tỏ ra dửng dưng như không.

Hơn thế nữa, Villar còn bóng gió bắn tin cho Del Bosque với đại ý, số tiền kiếm được từ mỗi trận giao hữu ít nhất cũng là 5 triệu euro vì thế thầy trò Del Bosque tốt nhất là hãy cố sức ra mà thi đấu thay vì ca thán. Gồng người lên thi đấu hết trận giao hữu này tới trận giao hữu kia, thầy trò Del Bosque rốt cuộc chỉ làm cho hầu bao của “bố già” Villar và đám đàn em tay chân thêm nặng lên mà thôi.

Cùng với hành vi tham nhũng, hồ sơ cho thấy Villar đã lạm quyền rất nhiều. Cụ thể hơn, dưới sức ép từ Villar, khá nhiều chủ tịch liên đoàn bóng đá các địa phương tại Tây Ban Nha đã bỏ phiếu bầu cho ông ta trong suốt 7 nhiệm kỳ vừa qua. Đổi lại, số quan chức của liên đoàn bóng đá các địa phương này đã được Villar “lại quả” bằng những khoản tiền rót xuống sau khi Villar tái đắc cử.

Sự lạm quyền của Villar còn thể hiện rõ hơn nữa với việc cố tình bóp méo tiếng còi của trọng tài. Thế mới có chuyện cánh trọng tài ở Tây Ban Nha có dạo còn rỉ tai nhau tốt nhất hãy nhìn vào việc Villar có cảm tình với đội bóng nào để thổi phạt thay vì theo diễn biến thực tế trên sân cỏ. Với một loạt tội danh bị cáo buộc, Angel Maria Villar xem ra khó tránh khỏi án phạt nặng một khi bị đưa ra xét xử trong thời gian tới đây.

Trong một diễn biến mới nhất, Ủy ban Thể thao Tây Ban Nha mới đây đã quyết định đình chỉ chức vụ 1 năm với Angel Maria Villar sau vụ bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng để điều tra. Đồng thời, chiếc ghế Chủ tịch RFEF được tạm bàn giao cho ông Juan Luis Larrea.

Bảo Quyên
.
.