“Công nhân Việt Nam” và chuyến tàu nam tiến

Thứ Ba, 17/11/2015, 22:10
Sau Cách mạng tháng Tám, Văn Cao được ông Nguyễn Khang và ông Nguyễn Thành Lê giới thiệu đến nhà in Rạng Đông chịu trách nhiệm trình bày, sửa mo-rát cho hai tờ báo: Độc Lập của Đảng Dân chủ và Lao Động của Tổng Công đoàn Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, Văn Cao đã từng phụ trách nhà in bí mật Phan Chu Trinh, in báo Độc Lập…

Gọi là nhà in cho oai chứ lúc đó Mặt trận Việt Minh đang còn hoạt động bí mật làm gì có máy in. Tất cả tài liệu, báo chí đều phải in bằng phương pháp thủ công trên một phiến đá. Người thợ  in phải viết chữ ngược lên đá, lăn mực rồi mới đặt từng tờ giấy lên dùng con lăn bằng cao su hoặc giê-la-tin lăn miết trên mặt giấy. Mỗi lần in chỉ được một trang. Tờ báo Độc Lập có 4 trang, Văn Cao cùng với một người thợ nữa làm việc cật lực cả tháng mới in được 1.000 tờ.

Nhà in Rạng Đông do ông Nghiêm Xuân Huyến làm chủ. Ông Nghiêm Xuân Huyến từng là chủ bút của hai tờ báo Bắc Kỳ Thể thao và Con Ong nổi tiếng một thời. Nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng như: Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương, Ngọc Giao, Đinh Hùng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Trần Huy Liệu…từng là bạn, là cộng tác viên của ông. Được ông Trần Huy Liệu giác ngộ, nhà in Rạng Đông trở thành một cơ sở in bí mật của Mặt trận Việt Minh.

Trước Cách mạng tháng Tám một tuần ông Nghiêm Xuân Huyến bị Nhật bắt vì khám thấy tài liệu tại một xưởng in của ông ở ấp Thái Hà. Ông Huyến bị Nhật đánh chết trong tù vào ngày 16/9/1945. Sau khi ông Huyến mất, nhà in Rạng Đông được bà chủ nhà in giao cho ông Nghiêm Bình, cháu ruột ông Huyến quản lý.

Ông Nghiêm Bình là cán bộ Việt Minh làm việc tại nhà in Rạng Đông. Được sự hướng dẫn tận tình của ông Nghiêm Bình, Văn Cao đã nhanh chóng nắm bắt được quy trình công nghệ và tính năng của những cỗ máy in được cho là hiện đại nhất thời kỳ đó. Sau đó không lâu, Văn Cao đã tự trình bày và xuất bản những nhạc phẩm của mình tại nhà in Rạng Đông.

Một đơn vị nam tiến tại Ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ năm 1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Đầu tháng 12/1945, ông Nguyễn Khang dẫn ông Trần Cư đến gặp Văn Cao tại nhà in Rạng Đông:

- Anh Trần Cư là cán bộ phụ trách Công đoàn Hỏa xa. Bên ấy đang triển khai thành lập các đội tự vệ võ trang, nhưng chưa có người huấn luyện. Văn Cao đã từng phụ trách đội trừ gian nên mình cử cậu sang giúp anh Trần Cư huấn luyện các đội tự vệ cho ngành đường sắt. Nhưng công việc ấn loát vẫn do cậu đảm nhận và điều hành.

Văn Cao nhận lời. Ông tạm thời bàn giao công việc tại nhà in cho ông Nghiêm Bình rồi sang làm việc với các đội tự vệ công nhân ngành đường sắt tại ga Hàng Cỏ. Việc tổ chức các đội tự vệ và giác ngộ chính trị cho các đội viên đều do Trần Cư phụ trách. Văn Cao chịu trách nhiệm huấn luyện về quân sự. (Trần Cư là một trong những cán bộ Đảng có nhiều kinh nghiệm hoạt động và gây dựng phong trào Cách mạng trong các tổ chức của công nhân. Ông là một trong những người đầu tiên thành lập tổ chức Công đoàn Công nhân Việt Nam).

Sau Cách mạng tháng Tám, lợi dụng danh nghĩa quân Đồng minh, 20 vạn quân  Quốc dân đảng đã tràn vào miền Bắc nước ta, kéo theo một lũ tay sai phản động thuộc  hai tổ chức – Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội, do Nguyễn Hải Thần cầm đầu và bọn Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Tường Tam cùng Vũ Hồng Khanh cầm đầu. Bọn chúng âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ của chúng ta để thành lập chính quyền mới.

Ngày 11/9/1945, tướng Lư Hán đến Hà Nội. Mấy ngày sau chúng ngang ngược đòi chúng ta phải giải giáp vũ khí của Vệ Quốc đoàn, dán bố cáo khắp nơi, tự cho mình có quyền giữ gìn trật tự an ninh trong thành phố. Chúng đề ra cả các quy định để kiểm soát xe cộ đi lại trong thành phố. Chúng cho bọn tay sai phản động Quốc dân đảng ngang nhiên bắt bớ, cướp bóc, khiêu khích gây mất trật tự nhiều nơi hòng phá hoại cuộc Tổng tuyển cử của chúng ta.

Trước tình hình đó, Bác Hồ đã chỉ thị cho mọi người phải bình tĩnh nhẫn nhịn… Mặt khác cần phải khẩn trương xây dựng các đội tự vệ vũ trang để chủ động đối phó khi cần thiết…

Tại miền Nam, bọn thực dân Pháp theo quân đội Anh kéo quân tràn vào Sài Gòn, âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Ngày 23/9, cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược đã bùng nổ trên chiến trường Nam Bộ… Trung ương quyết định tăng cường lực lượng vào Nam để sát cánh cùng quân và dân Nam Bộ chiến đấu chống lại đế quốc Pháp bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc. Các đội quân Nam tiến được nhanh chóng thành lập, nhiều đơn vị Quân Giải phóng cùng nhiều đoàn cán bộ được tăng cường cho mặt trận Nam Bộ.

Tại ga Hà Nội, Văn Cao đã chứng kiến một không khí thi đua làm việc không kể ngày đêm của công nhân ngành hỏa xa. Ông đã thấy những ánh mắt sáng lên niềm tự hào trên những khuôn mặt lem luốc dầu mỡ của những người thợ máy, nụ cười kiêu hãnh của những anh lái tàu, của những người công nhân toa xe… Làm sao họ không tự hào được khi giờ đây họ đã làm chủ, họ đã là những người công nhân của một đất nước độc lập. Sau ca làm việc vất vả họ lại trở thành những chiến sĩ tự vệ say sưa tập luyện dưới sự hướng dẫn của Văn Cao cùng những cộng sự của ông. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu Văn Cao. Sao mình không làm một bài hát cho những người công nhân này nhỉ?...

Văn Cao gặp Trần Cư, nói cho ông biết ý tưởng của mình. Trần Cư mừng vô cùng:

- Mình là người rất thích các bài hát của cậu, hôm trước mình có gặp anh Nguyễn Khang, bàn với anh về việc nhờ cậu làm một bài hát cho công nhân. Anh Khang nhất trí ngay, nhưng biết cậu đang bận nhiều việc nên mình chưa dám nói. Không ngờ hôm nay cậu lại có ý tưởng đó… Chúng ta vừa mới giành được độc lập từ tay bọn thực dân Pháp. Giai cấp công nhân chỉ mới hình thành chưa được bao lâu. Anh em thợ thuyền chủ yếu làm thuê cho bọn chủ Pháp tại các hầm mỏ và các xưởng máy, xưởng đóng tàu… trình độ thấp, đa số làm những công việc thủ công nặng nhọc. Số công nhân có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao không đáng là bao. Công cuộc kiến thiết đất nước cần phải phát triển ngành công nghiệp tiên tiến với đội ngũ công nhân lớn mạnh, với chúng ta còn dài lắm. Nhưng mình tin rằng, trong tương lai không xa, chúng ta nhất định làm được.

Cuối tháng12/1945 , công việc huấn luyện tự vệ của Văn Cao đã gần như hoàn tất, chỉ còn lại một tiểu đội vũ trang đặc biệt, làm nhiệm vụ trên tàu cần thêm thời gian để Văn Cao bổ túc về nghiệp vụ.

Những ngày tháng đó, chứng kiến từng đoàn tàu hồng hộc rú còi chở đầy những đội quân Nam tiến vào chiến trường vui như trẩy hội. Chỉ thấy tràn ngập tiếng cười, tiếng chúc tụng của những người đưa tiễn, những lời hứa hẹn, những cái bắt tay… thoảng đâu đó Văn Cao mới thấy những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên má của một người mẹ tiễn con, của cô gái trẻ tiễn người yêu. Văn Cao thật sự xúc động. Hàng ngàn người lính, tuổi đời mới mười tám đôi mươi nô nức “ra đi không vương thê nhi” để được vào chiến trường.

Rồi một chiều tối, hòa cùng những người công nhân trở về sau một ca làm việc, Văn Cao cảm thấy mình là một thành viên trong đội ngũ của những người công nhân hỏa xa ấy. Những con người mạnh mẽ, trung thực, thẳng thắn đôn hậu và nhân ái. Văn Cao đi cùng một tốp thợ dọc theo phố ga trở về căn gác nhỏ của mình tại 45 phố Nguyễn Thượng Hiền.

Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Đêm ấy Văn Cao không ngủ. Một nét nhạc cứ lặp đi lặp lại ngân lên, một lời ca bật ra: “Công nhân Việt Nam tiến tới/ Cùng sống tập đoàn, toàn thế giới công khai cùng kiến thiết xã hội ngày mai…”. Văn Cao nhận ra rằng, công cuộc kiến thiết đất nước tương lai nằm trong tay giai cấp công nhân. Từ nhận thức đó những dòng ca từ cứ lần lượt hiện ra đan xen với những nét nhạc hòa quyện vào nhau... “... Một thế giới mới kiến thiết, một tương lai cho công nhân, một hân hoan cho muôn giống người/ Một sức sống mới thắm thiết, dựng xây do tay công nhân, đoàn kết chiến đấu chung khắp nơi…”.

Sáng hôm sau, Văn Cao cẩn thận chép lại bài hát vừa hoàn thành trong đêm. Văn Cao nắn nót viết lên trên đầu trang giấy tên bài hát “Công nhân Việt Nam”.

Mấy ngày sau ông Nguyễn Khang tìm gặp Văn Cao:

- Hiện nay cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta ở Nam Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự giúp đỡ của trung ương. Cấp trên quyết định cử Văn Cao phụ trách và bảo vệ một đoàn tàu chở vũ khí và tiền vào Nam, anh Hà Đăng Ấn sẽ lái tàu. Tàu của ta chỉ đến được Quảng Ngãi. Sẽ có người của Mặt trận tiếp nhận. Cậu chuẩn bị hai ngày sau sẽ khởi hành.

Văn Cao tìm gặp Hà Đăng Ấn. Hai người cùng nhau lên kế hoạch và thống nhất các phương án cho chuyến công tác đặc biệt này.

Chuyến tàu Nam tiến chở Văn Cao vào đến Quảng Ngãi mất hơn một tuần. Văn Cao bất ngờ khi thấy người đại diện của Bộ chỉ huy Quân sự Nam Bộ đến tiếp nhận vũ khí, tiền bạc là một thiếu nữ trẻ xinh đẹp trong bộ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn. Người thiếu nữ đó tên là Nguyễn Thị Định.

Cái bắt tay đầu tiên khiến Văn Cao giật thót người. Một luồng điện truyền lên từ đôi bàn tay mềm mại và ấm nóng của người thiếu nữ Nam Bộ làm cho bộ mặt Văn Cao đỏ bừng lên. Khi biết Văn Cao là nhạc sĩ, tác giả của bài “Tiến  Quân ca”, đôi mắt đen láy của người thiếu nữ sáng lên nhìn Văn Cao…

Sau khi bàn giao đầy đủ “số hàng đặc biệt” cho Mặt trận Nam Bộ, Văn Cao bảo Hà Đăng Ấn trở ra Bắc trước. Văn Cao ở lại Quảng Ngãi theo lời mời của người thiếu nữ Nam Bộ.

Một tuần sau Văn Cao lưu luyến chia tay người thiếu nữ Nam Bộ trở ra Hà Nội để rồi sau đó một bài hát mới đã ra đời với lời ca thiết tha:

…Chim đang bay qua Bắc sang Trung

Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa

Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca

Cánh nhạn vào mây thiết tha

Lưu luyến một trời xa”.

(Hơn 40 năm sau, Văn Cao mới gặp lại người phụ nữ Nam Bộ ấy khi bà ra Hà Nội đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam).

Sau ngày bầu cử Quốc hội, Văn Cao mới ra tới Hà Nội. Ông lại trở về nhà in Rạng Đông tiếp tục làm báo. Bài “Công nhân Việt Nam” được in trên báo Lao Động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1946.

“Công nhân Việt Nam” đã được chọn làm bài hát chính thức của Tổng Công đoàn Việt Nam.

Văn Thao
.
.