Cuộc khẩu chiến náo loạn làng banh nỉ

Thứ Sáu, 21/09/2018, 13:30
Cuộc đấu khẩu quyết liệt giữa tay vợt Mỹ Serena Williams và trọng tài Carlos Ramos tại trận chung kết nữ giải quần vợt Mỹ mở rộng (US Open) năm 2018 cho tới giờ vẫn làm khuấy động dư luận. Các ý kiến tập trung chia làm hai phe: một bên bảo vệ tay vợt Mỹ, bên kia bày tỏ sự phẫn nộ với làn sóng đả kích ông Ramos.

Ngay các trọng tài quần vợt hàng đầu thế giới cũng không thể im lặng nữa và dự tính sẽ thành lập tổ chức công đoàn của riêng mình. Vậy Ramos là ai và ông có thực sự phải xin lỗi Serena hay không?

Có thể nói, vụ bê bối tại chung kết nữ US Open 2018 đã trở thành một trong những đề tài thể thao nổi bật nhất trong tuần qua. Ngôi sao từng giành hàng loạt chức vô địch Grand Slam là Serena Williams trong trận chung kết đã phải nhận ba lần cảnh cáo: vì việc chỉ đạo trái phép của huấn luyện viên từ trên khán đài; vì đập gẫy vợt và vì những hành vi xúc phạm trọng tài. Hậu quả là Serena ban đầu bị trừ một điểm, và sau đó xử thua cả một game đấu. Tay vợt nữ về phần mình đã cáo buộc trọng tài là phân biệt giới tính, còn gọi ông ta là “kẻ gian dối” và “kẻ trộm”.

Cuộc đấu khẩu quyết liệt giữa Serena Williams và trọng tài Carlos Ramos tại US Open-2018.

Tình hình nghiêm trọng đến nỗi tay vợt Nhật Bản giành chiến thắng lần đầu tiên trong lịch sử - Naomi Osaka, 20 tuổi – cũng không thể ăn mừng chức vô địch lịch sử của mình một cách thoải mái. Phần lớn các khán giả Mỹ đều ủng hộ ngôi sao Serena của họ, đồng thời huýt sáo bày tỏ sự phản đối với ông Carlos Ramos. Hậu quả là ông trọng tài chính đã không xuất hiện trong lễ trao giải, không nhận quà lưu niệm, đồng thời thừa nhận không bước chân ra đường trong suốt vài ngày sau đó.

Vụ bê bối trên theo đánh giá còn gây ra những tác động chia rẽ làng banh nỉ thế giới. Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) đánh giá hành vi của Serena là không thể chấp nhận được, đồng thời phạt tay vợt này 17 ngàn đôla. Còn Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) cùng một loạt các vận động viên nổi tiếng khác lại bày tỏ sự cảm kích đối với tay vợt Mỹ vì đã đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng giới tính. Serena còn nhận được sự ủng hộ của tay vợt 2 lần vô địch Grand Slam Victoria Azarenka cũng như ngôi sao của đường đua Công thức 1 Lewis Hamilton, những người đã bày tỏ sự khâm phục đối với “người phụ nữ vĩ đại nhất thời hiện đại”.

Cơn tam bành của Serena trong trận chung kết đã buộc người ta phải xem xét lại vị trí không chỉ của các vận động nữ mà còn của trọng tài trong thể thao hiện đại. Tờ The Guardian tung ra thông tin cho biết, các trọng tài hàng đầu thế giới có thể sẽ thành lập một tổ chức công đoàn nhằm giúp bày tỏ những chính kiến của mình.

Theo quy định trước đây, họ không có quyền công khai bày tỏ ý kiến hay đưa ra tuyên bố nào đó trước báo chí. Nhưng vụ bê bối tại chung kết nữ US Open 2018 đã khiến các trọng tài không còn muốn im lặng nữa. Các trọng tài phẫn nộ vì việc, Carlos Ramos sau vụ việc trên không hề được bảo vệ trước công luận, không nhận được sự giúp đỡ của các quan chức, cho dù ông đang là một trong những “nhân vật có kinh nghiệm và đáng kính trọng nhất trong nghề của mình”.

Cũng phải nhắc lại, cảnh báo đầu tiên mà Serena phải nhận bắt nguồn từ lỗi chỉ đạo trái phép của huấn luyện viên Patrick Mouratoglou. Ông từ trên khán đài đã cố dùng tay chỉ đạo tay vợt này về chiến thuật. Theo luật của ITF tại các giải Grand Slam, vận động viên bị cấm nhận bất cứ chỉ đạo nào từ huấn luyện viên trong quá trình thi đấu. Vấn đề là Serena không nhìn thấy cử chỉ của huấn luyện viên nên cô đã tỏ vẻ ngạc nhiên khi mình bị cảnh cáo. Ngay trong thời gian nghỉ giữa các game đấu, tay vợt này đã sửng cồ với trọng tài: “Tôi không bao giờ gian lận, ông có trách nhiệm phải xin lỗi tôi”. Bất chấp thái độ của tay vợt Mỹ, trọng tài Carlos vẫn không thay đổi quyết định.

Lần cảnh báo thứ hai Serena phải nhận là do cố tình đập gẫy vợt trên sân. Điều này xảy ra tại séc đấu thứ hai, sau khi tay vợt này đánh bóng không qua lưới lúc tỉ số đang là 15:40 nghiêng về phía Osaka. Cũng vì hành vi này, Serena bị trừ một điểm. Quyết định này của trọng tài cũng có cơ sở, khi luật qui định hành vi đập vợt hay phá hoại bất cứ một phương tiện nào khác trên sân đấu cũng bị coi là cố ý gây nguy hiểm. Trên thực tế, hành vi đập vợt là tương đối phổ biến trong các giải quần vợt quốc tế, nhưng vận động viên rất hiếm khi bị phạt. Lý do được trọng tài đưa ra vì đây đã là lần cảnh báo thứ hai. 

Cảnh báo thứ 3 dành cho Serena bắt nguồn từ những lời xúc phạm trực tiếp của cô nhằm vào trọng tài Ramos. “Ông là kẻ trộm cắp và gian dối, ông đã lấy cắp điểm của tôi! – Serena vừa khóc vừa la lên trước mặt trọng tài – Tôi không bao giờ lừa dối, tôi có con gái! Ông phải xin lỗi vì tất cả và trả trận đấu lại cho tôi”.

Cuối cùng tay vợt này kết luận rằng, tất cả mọi vấn đề xảy ra chỉ vì cô là một phụ nữ. Ramos không chút do dự tiếp tục phạt Serena thua thêm một game đấu. Sau bước ngoặt này, tay vợt Mỹ đã không thể lật ngược thế trận trước một Osaka kiên cường không mắc thêm sai lầm nào.

Trên thực tế, việc phạt vận động viên vì xúc phạm trọng tài không phải chỉ nhằm vào các tay vợt nữ. Điển hình là vào năm ngoái, tay vợt nam người Italia Fabio Fognini phải nhận bản án treo bị loại khỏi các giải Grand Slam cho đến cuối năm 2019 và nộp phạt 50 ngàn đôla vì gọi một nữ trọng tài là… gái điếm. Quay trở lại với trận chung kết, Serena sau trận đấu đã không bắt tay trọng tài, đồng thời bày tỏ mọi cử chỉ rằng xung đột trên sẽ còn lâu mới chấm dứt.

Trước sự kiện ngày 9-9 vừa qua, trọng tài Carlos Ramos cũng từng là nhân vật của nhiều vụ tranh cãi gây chú ý khác. Có điều chúng không liên quan đến cáo buộc phân biệt giới tính: trong suốt sự nghiệp của mình ông đều trừng phạt nghiêm khắc cả các vận động viên nam cũng như nữ. Ramos ngay từ năm 20 tuổi đã bắt đầu sự nghiệp quốc tế của mình.

Được phong danh hiệu trọng tài cao cấp nhất vào năm 1994, Ramos nhanh chóng trở thành một trong những người cầm cân nảy mực uy tín nhất trên sân quần vợt: từng điều hành các trận chung kết của tất cả các giải Grand Slam, cúp quần vợt Davis, Olympic v.v… Trọng tài Bồ Đào Nha này đã nhiều lần thừa nhận rằng luật lệ đối với ông là quan trọng hơn tất cả.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.