Đạo tặc viếng thăm Tử Cấm Thành

Thứ Hai, 13/11/2017, 17:50
Một công nhân thực hiện vụ trộm cắp và nhiều vụ bê bối quan chức tham nhũng liên quan đến Tử Cấm Thành của Trung Quốc đang gây lo ngại cho quốc gia thường xuyên bị ám ảnh về vấn đề an ninh.

Vào đêm 8-5-2011, một tên trộm nhỏ con đột nhập sảnh trưng bày bên trong Tử Cấm Thành và cuỗm đi những chiếc hộp đựng đá quý và vàng trị giá 1,5 triệu USD. Tên trộm đã xâm phạm thành công khu vực được coi là pháo đài kiên cố được thiết kế nhằm tránh mọi cuộc đột nhập trái phép từ bên ngoài.

Công nhân Shi Bokui, 28 tuổi, đã để lại dấu vân tay trên mặt kính tủ trưng bày nên cảnh sát dễ dàng bị bắt giữ hắn vào 3 ngày sau đó và bị phạt tù 13 năm vào tháng 3-2012. Phần lớn những món đồ trộm cắp – được mượn từ một nhà bảo tàng của Hồng Công để trưng bày - đều tìm lại được sau đó.

Nhưng chính quyền Trung Quốc cũng thừa nhận rằng việc phục hồi lại tiếng tăm an toàn cho Tử Cấm Thành (TCT) – khu phức hợp rộng 72,8 hecta là cung điện của các hoàng đế Trung Hoa có 500 năm tuổi – là điều khó khăn hơn nhiều.

Nạn trộm cắp chỉ là một trong chuỗi những vụ bê bối trong thời gian gần đây gây hổ thẹn cho một trong những địa điểm thu hút mạnh du khách đến Trung Quốc. Trong tháng 7-2014, một nhà nhiên cứu trong TCT đã vụng về làm vỡ chiếc đĩa sứ cổ 1.000 năm tuổi và một số người khác bị buộc tội nhận chìm xuống nước tấm bình phong bằng gỗ có từ đời nhà Thanh (1644 – 1911).

Toàn cảnh Tử Cấm Thành.

Ngoài ra, hơn 100 cuốn sách quý hiếm khác trong thư viện hoàng gia – phần nhiều trong số đó có từ thế kỷ 19 – được phát hiện đột nhiên biến mất một cách khó hiểu. Một số nhân viên làm việc tại những cổng vào TCT bị bắt giữ sau khi hình ảnh camera an ninh tố giác họ đã bỏ túi riêng một số tiền vào cổng (9 USD/người) từ các nhóm du khách rồi sau đó dùng tiền mua sự im lặng của một người phát giác ra sự việc doạ tố cáo với cảnh sát.

Không lâu sau vụ kẻ trộm đột nhập ngày 8-5-2011, người dẫn chương trình Đài Truyền hình Rui Chenggang tiết lộ trong một blog rằng TCT đang cố gắng mở một câu lạc bộ tư nhân cho những người siêu giàu với mức phí khởi điểm dành cho tư cách thành viên là 150.000 USD. Sự việc gây phản ứng ngoài xã hội, nhất là khi cung điện từng là nơi cấm người ngoài lui tới cho đến khi vị hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi thoái vị năm 1911. TCT – nay trở thành khu nhà bảo tàng lịch sử với tên gọi mới chính thức là Nhà bảo tàng Cung điện – đã lên tiếng chỉ trích sự tắc trách của đối tác thương mại của mình là Công ty phát triển Văn hoá Cung điện TCT vì cho phép mở tràn lan những cửa hiệu bán đồ lưu niệm và quầy bán thức ăn nhanh.

TCT, hay Nhà bảo tàng Cung điện là nơi thu thu hút du khách mạnh nhất ở Trung Quốc, với 8 triệu du khách một năm, phần lớn là từ người trong nước. Trước khi xảy ra nạn trộm cắp, TCT là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Trung Quốc. Khu phức hợp hình chữ nhật được bảo vệ bởi hệ thống gồm 1.600 chuông báo động, 3.700 máy dò khói, 400 camera an ninh, 245 nhân viên an ninh.

Từ trái sang: Bình sứ trang trí Mây và rồng thuộc thời đại nhà Minh được trưng bày trong Tử Cấm Thành; một món đồ nạm ngọc bị đánh cắp trong Tử Cấm Thành và một hiện vật bị đánh cắp trong Tử Cấm Thành.

Đó là chưa nói đến hào nước rộng 52m ven ngoài tường và những bức tường thành cao đến 10m. Ngày nay, TCT là nhà bảo tàng lịch sử lớn nhất thế giới, nơi cất giữ vô số báu vật nghệ thuật cổ của Trung Quốc, bao gồm cổ vật và tác phẩm hội hoạ.

Năm 2014,  Nhật ký TCT tiết lộ những nhà quản lý khu phức hợp bảo tàng đã mua 5 bức thư cổ tại chợ đấu giá năm 1997 với giá 1,5 triệu USD rồi sau đó bán lại vào năm 2005 với giá cao gấp 3 lần. Họ bị buộc tội vi phạm những luật lệ quy định chặt chẽ cấm bán bất cứ thứ gì thuộc về bộ sưu tập của bảo tàng TCT.

Nhiều sự phê phán tập trung vào Zheng Xinmiao, Giám đốc hiện thời của Bảo tàng TCT và nguyên phó thị trưởng, người bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm về di tích cổ. Người ta còn chỉ trích cán bộ nhân viên trong khu bảo tàng coi nơi đây như “dinh thự riêng” và mặc sức cho con cái của họ chơi đùa thậm chí còn giao công việc của mình cho chúng.

Nhà sử học Jia Yinghua tuyên bố TCT cần một chế độ quản lý hiện đại, một ban giám đốc hoạt động từ bên ngoài và phải có sự minh bạch. Zheng Xinmiao thừa nhận có “những lỗ hổng trong quản lý” trong một cuộc phỏng vấn do Hãng thông tấn Trung Quốc thực hiện. Trước thực tế nhiều vụ bê bối bị phanh phui và nạn trộm cắp hoành hành, Bộ An ninh công cộng và Cơ quan quản lý di sản của Trung Quốc đã ra lệnh cho những nhà bảo tàng quốc gia phải cải thiện hệ thống an ninh nếu không sẽ bị đóng cửa.

Vụ án Shi Bokui tuy không mới nhưng thực sự đã gây lúng túng cho giới quan chức Trung Quốc. Tên trộm nhỏ con và thiếu hiểu biết về nghệ thuật nên chỉ lấy trộm 9 cái hộp hoa văn và hộp phấn đựng nữ trang và vàng. Hắn không hề quan tâm đến những vật có giá trị cao thuộc về các hoàng đế như trống đá, thư pháp, tượng ngọc bích, đồ sứ, hoạ phẩm và những cuộn giấy cổ.

Han Yi, nhân viên hướng dẫn du lịch TCT, cho rằng Shi Bokui có tướng tá như con nít nên không thể nào hành động một mình – đó là điều khiến cho mọi người nghi ngờ nhất.

An Di (tổng hợp)
.
.