“Dậy sóng” ở thánh địa Jerusalem

Thứ Tư, 10/05/2017, 15:15
Ngày 2-5-2017, tại trụ sở ở Paris (Pháp), với 22 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 23 phiếu trắng, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết phủ nhận mối liên hệ giữa người Do Thái với thành phố Jerusalem. Đây là lần thứ 2 UNESCO ra nghị quyết về vấn đề này. Israel tiếp tục phản đối quyết liệt. Hòa bình cho “chảo lửa” Trung Đông sẽ tiếp tục là... ước mơ xa vời.

Thêm một Nghị quyết phủ nhận mối liên hệ giữa người Do Thái với thành phố Jerusalem

Trong nghị quyết, UNESCO đã tuyên bố những hành động do "Israel, một thế lực chiếm đóng... tiến hành đã thay đổi đặc điểm và hiện trạng của thành phố linh thiêng Jerusalem". Nghị quyết đặc biệt chỉ trích việc Israel sáp nhập khu Bờ Tây và Đông Jerusalem hồi năm 1967, một động thái chưa từng được cộng đồng quốc tế công nhận, là một hành động "vô giá trị" và "cần phải hủy bỏ ngay lập tức".

Ngay lập tức, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng chỉ trích UNESCO vì đã thông qua nghị quyết trên. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cũng chỉ trích việc UNESCO tiến hành bỏ phiếu đúng vào Ngày Độc lập của Israel. Ông Lieberman cho rằng cuộc bỏ phiếu trên "đồng nghĩa với việc bác bỏ chủ quyền của Israel đối với toàn bộ Jerusalem và mô tả Israel như một thế lực chiếm đóng vào đúng ngày chúng tôi kỷ niệm lễ độc lập".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Palestine đã hoan nghênh nghị quyết trên, gọi đây là "một chiến thắng của luật pháp quốc tế". Bộ trên nhấn mạnh quyết định của UNESCO đã tái khẳng định "vai trò trung tâm của Jerusalem đối với di sản thế giới cũng như sự cần thiết phải chống lại những mối nguy hiểm xuất phát từ các hành động bất hợp pháp của Israel, đe dọa đến tính toàn vẹn về văn hóa và lịch sử của các địa điểm vô giá".

Chính quyền Palestine cho rằng động thái này thể hiện “sự lên án đối với hành động chiếm đóng cũng như những chính sách của Israel".

Khu vực thánh địa Jerusalem. Ảnh: Jerusalem Post.

Trước đó, UNESCO ngày 18-10-2016 đã chính thức thông qua nghị quyết phủ nhận sự liên hệ giữa Do Thái giáo với khu đền thờ Al-Aqsa (Israel gọi là Núi Đền) ở Jerusalem với 24 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 26 phiếu trắng. Nghị quyết phủ nhận mối liên hệ lịch sử của Do Thái giáo với các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem.

Theo đó, tên chính thức của khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem và Bức tường phía Tây thành cổ Jerusalem sẽ được sử dụng bằng tiếng Arab, còn tên tiếng Do Thái sẽ chỉ được dùng trong ngoặc kép để tham khảo trong các văn kiện của LHQ. Nghị quyết kêu gọi Israel, với tư cách là “quốc gia chiếm đóng”, khôi phục “nguyên trạng lịch sử”.

Nghị quyết cũng lên án mạnh mẽ “các hành động leo thang gây hấn cũng như các biện pháp phi pháp của Israel” và những vi phạm của Israel đối với quyền tự do thờ phụng của người Hồi giáo tại ngôi đền trên.

Ngay sau khi UNESCO bỏ phiếu về nghị quyết trên. Người Israel và nhiều người Do Thái trên thế giới đã coi bản nghị quyết này là minh chứng mới nhất cho định kiến chống Do Thái. Giới nghị sĩ Israel cho rằng quyết định của UNESCO là không thích đáng khi chỉ sử dụng tên tiếng Arab đối với khu vực Núi Đền và Bức tường phía Tây.

Thánh địa thiêng liêng và những cuộc tương tàn

Trên thực tế, khu đền thờ Al-Aqsa nằm ở Đông Jerusalem, vùng đất Israel chiếm từ Jordan và sáp nhập năm 1967. Theo Hiệp ước hòa bình Israel-Jordan được ký kết năm 1994, Jordan có quyền quản lý đối với đền thờ Al-Aqsa và các địa điểm Hồi giáo linh thiêng khác ở Đông Jerusalem.

Mặc dù vậy, Al-Aqsa vẫn luôn là khu vực gây tranh cãi quyết liệt giữa các tôn giáo và là một trong những thánh địa nhạy cảm nhất ở Trung Đông. Jordan giữ quyền quản lý khu đền thờ này và Israel kiểm soát lối vào khu đền. Đối với người Hồi giáo, Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng thứ ba trên thế giới, sau Mecca và Medina ở Saudi Arabia. Người Do Thái cũng coi khu đền thờ này là thánh địa và gọi là Núi Đền.

Lật lại lịch sử từ hơn 2.000 năm trước, người Do Thái cho rằng, khu vực đền Al-Asqa đã được xây dựng từ thời vua David thời kỳ đầu của Vương quốc Israel. Còn người Hồi giáo lại khẳng định, ngôi đền này đã được xây dựng sớm hơn trước đó, dưới thời các vị vua Hồi giáo. Theo quy định lâu nay, người Do Thái chỉ được phép đến thăm khu đền này nhưng không được cầu nguyện tại đây.

Binh lính Israel kiểm soát chặt chẽ khu ra vào các thành phố của nước này. Ảnh: WordPress.com.

Tuy nhiên, những người Do Thái đã không chấp nhận điều này và vì vậy trong thời gian qua đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Israel và người Palestine trên các đường phố ở Đông Jerusalem và các khu vực xung quanh đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nhằm phản đối người Do Thái đến thăm khu đền này.

Tháng 11-2014, bạo lực bùng phát khi lực lượng an ninh Israel đụng độ với người biểu tình Palestine tại nhiều khu vực lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng sau khi chính quyền Israel ra lệnh đóng cửa ngôi đền cổ linh thiêng Al-Aqsa và ngăn người Palestine vào cầu nguyện.

Đụng độ lên đến đỉnh điểm vào tháng 9-2015 giữa người Palestine và lực lượng an ninh Isarel liên quan đến khu đền này đã dẫn tới làn sóng bạo lực khiến ít nhất 230 người Palestine và 34 người Israel thiệt mạng. Gần đây nhất là sự việc các tín đồ Hồi giáo đã bao vây 2 tín đồ Do Thái bị đuổi khỏi đền Al-Aqsa, và chửi mắng những người này (vào tháng 8-2016).

Cũng trong thời điểm này, ít nhất 18 người Palestine, trong đó có một trẻ vị thành niên bị thương tại khu đền Al-Aqsa do các cuộc đụng độ bùng phát giữa người Palestine và các lực lượng Israel đang hộ tống hàng trăm tín đồ Do Thái dự ngày lễ ăn chay Tisha B'av.

Các nhà phân tích cho rằng, khi mà sự xếp chồng giữa các nền văn hóa khiến việc phân định vùng thánh địa ở Jerusalem khó có thể rạch ròi và để lại những hậu quả nghiêm trọng thì rất cần tìm ra một giải pháp để hóa giải hận thù và tranh chấp. Và Nghị quyết vừa được UNESCO thông qua ngày 18-10-2016 đã phần nào đã cho thấy ý nguyện chung của cộng đồng quốc tế muốn ngăn chặn những nguy cơ có thể gây bất ổn thêm cho khu vực này.

Lịch sử không thể “bẻ cong”

Theo phân tích, “chảo lửa” Trung Đông sở dĩ luôn hừng hực bởi nguyên nhân trực tiếp hiện nay chính là kế hoạch xây dựng khu định cư mới cho người Do Thái ở khu Bờ Tây được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông qua mới đây. Bộ Xây dựng và Nhà ở Israel cho biết, khu định cư mới có tên Givat Eitam sẽ nằm ở phía đông bức tường an ninh với 2.500 đơn vị nhà ở. Và để thực hiện kế hoạch, điều chính quyền Tel Aviv đang làm là chiếm phần đất thuộc quyền kiểm soát của Palestine, nằm cạnh khu định cư bất hợp pháp Efrat (thành lập năm 1983) để xây dựng một con đường độc đạo nối Efrat với Givat Eitam.

Như vậy, khi hoàn thành, nó sẽ đẩy Bethlehem (thành phố của Palestine nằm ở miền trung Bờ Tây) vào thế bị bao vây hoàn toàn và cản trở sự phát triển của thành phố này.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, ngoài nguyên nhân trực tiếp trên, vẫn còn ẩn chứa các nguyên nhân sâu hơn. Về mặt địa lý, khó có thể xác định được đường biên giới chính xác của Trung Đông. Khu vực này thường được phân chia một cách tương đối, bao gồm: Bahrain, Kypros (Síp), Ai Cập, Iran (Ba Tư), Iraq, Israel, Jordan, Kuwait, Liban, Oman, Qatar, Arab Saudi, Syria, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Yemen, Bờ Tây và Dải Gaza.

Về lịch sử, Trung Đông là một phân miền lịch sử và văn hóa của vùng Phi - Âu - Á, bao gồm nhiều nền văn hóa và các nhóm dân tộc riêng biệt đã tích tụ mâu thuẫn, xung đột chất chồng, và đã có nhiều cuộc chiến dai dẳng, liên quan tới lãnh thổ và sắc tộc phức tạp khó hòa giải.

Nơi đây chứng kiến biết bao cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa đạo Hồi, đạo Thiên Chúa, và Do Thái giáo nhằm tranh giành Jerusalem - “Thành phố của hòa bình”, nơi được coi là “thánh địa” trong đức tin của cả 3 tôn giáo ở khu vực Trung Đông này. Đối với người Thiên Chúa giáo, Jerusalem là nơi Chúa Jesus qua đời và còn lưu lại rất nhiều thánh tích cổ tại đây.

Người dân Palestine biểu tình hòa bình. Ảnh: Reuters.

Người Hồi giáo xem Jerusalem là nơi nhà tiên tri Mohammed bay về trời trong khi người theo Do Thái giáo xem Jerusalem là nơi chứa đựng bản sắc của toàn bộ dân tộc Do Thái, là nơi có đền thờ thiêng liêng của vua Salomon.

Các sử gia đã ví von, thực chất vấn đề hòa bình ở Trung Đông hiện nay nằm trong mối quan hệ “đặt trên thùng thuốc súng” giữa Israel và Palestine. Để hiểu cặn kẽ xung đột giữa hai dân tộc láng giềng, ngược dòng lịch sử, người ta thấy rõ, căn nguyên của cuộc xung đột dai dẳng, không hồi kết giữa Israel và Palestine bắt nguồn từ sự tranh chấp dải đất nằm giữa bờ Đông Địa Trung Hải và sông Jordan.

Trong khi Palestine cho rằng, chính Israel đã “cướp đất” của mình, thì ngược lại, Israel tuyên bố đây vốn là đất đai của tổ tiên người Do Thái mà đã được ghi nhận trong lịch sử cổ đại cũng như kinh Thánh, và theo họ, chiến tranh do chính người Arab gây nên.

Trong khi thực tế, lịch sử vùng đất này thuộc về người Arab, người Do Thái chỉ bắt đầu “hồi hương” về Palestine từ năm 1917 theo kế hoạch của Anh khi đó nắm quyền ủy trị Palestine.

Cụ thể khi ấy, Ngoại trưởng Anh Arthur Balfour đã tích cực xúc tiến thành lập Palestine cho người Do Thái thông qua một bức thư được coi là Tuyên ngôn Balfour. Đến ngày 29-11-1947, LHQ thông qua nghị quyết xóa bỏ quyền ủy trị của Anh ở Palestine và chia cắt vùng đất Palestine thành hai quốc gia độc lập, của người Arab (đó là Nhà nước Palestine) và người Do Thái.

Và tất nhiên điều này đã khiến Palestine cũng như một số nước Arab khác bất bình cho rằng, LHQ và phương Tây quá thiên vị Israel và “ưu ái” người Do Thái khi chia cho họ một phần đất gấp đôi (tính theo mật độ dân số) bởi ở thời điểm đó, số người Arab sống ở vùng đất này gấp đôi số người Do Thái hồi hương.

Trong khuôn khổ Chương trình phục quốc Do Thái vào những năm 1920, 1930, hàng trăm nghìn người Do Thái đã từ Anh trở về Nhà nước Palestine do Anh ủy nhiệm dành cho nguời Do Thái. Sự xung đột giữa người Arab và Do Thái bắt đầu bằng các cuộc đụng độ xảy ra vào tháng 8-1929. Khoảng 133 người Do Thái bị người Palestine sát hại và 110 người Palestine bị cảnh sát Anh bắn chết.

Nhiều phong trào độc lập, phong trào giải phóng đã được thành lập tại Palestine như: Phong trào Giải phóng quốc gia - FATAH (thành lập năm 1959), Tổ chức Giải phóng Palestine - PLO (1964), Tổ chức Jihad Hồi giáo (những năm 1980), Phong trào Hamas (1987)... Mặc dù tư tưởng và phương thức đấu tranh của mỗi tổ chức có thể khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng của họ đều là giải phóng Palestine, thành lập Nhà nước Palestine độc lập.

Trong số đó, PLO do Chủ tịch Yasser Arafat (1929-2004) lãnh đạo, bằng hình thức đấu tranh bất bạo động đã gây sự chú ý và quan tâm đặc biệt đối với toàn thế giới về vấn đề Palestine. Năm 1974, PLO được LHQ công nhận như là một tổ chức đại diện hợp pháp cho người Palestine. Và đến ngày 9-9-1993, Thủ tướng Israel khi đó, ông Yitzhak Rabin đã chính thức công nhận PLO là đại diện hợp pháp của người Palestine, đồng thời khẳng định chính phủ nước này sẽ đàm phán trực tiếp với PLO trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

6 cuộc chiến tranh đã nổ ra, cùng với hàng chục cuộc xung đột, đụng độ trên quy mô vừa và nhỏ do người Arab (ở Palestine và các nước Arab khác trong khu vực Trung Đông) khởi xướng nhằm phản đối nghị quyết nói trên của LHQ. Đây chính là lý do để người Do Thái (ở Israel) đổ lỗi cho cho người Arab khi họ trở thành mục tiêu chính của các vụ tấn công. Giao tranh liên miên, Palestine và Israel luôn tìm cách khẳng định nguồn gốc cũng như sự sở hữu hợp pháp vùng đất nhỏ bé nằm giữa Địa Trung Hải và sông Jordan.

Một lệnh ngừng bắn vô thời hạn tại Dải Gaza có hiệu lực từ ngày 26-8-2014 tưởng chừng có thể hóa giải hận thù, mở đường cho hòa bình trong tương lai của khu vực Trung Đông, song thực tế gần như lại chỉ có giá trị trên giấy tờ...

Hoa Huyền
.
.