Địa Phật ngầm Mrauk U

Chủ Nhật, 08/12/2019, 12:23
Vương quốc cổ đại Mrauk U luôn chào đón nồng nhiệt các Phật tử và tín đồ Hồi giáo. Dưới đây là bài phóng sự của tác giả Joshua Hammer (xưng Tôi), ông là nhà báo quốc tế kiêm trưởng văn phòng đại diện của tạp chí Newsweek ở Châu Âu.


Ngôi chùa lớn nhất vịnh Bengal

Trong ánh sáng nhờ nhờ, tôi đi xuôi xuống hành lang như hầm ngầm, nơi có sự hiện diện của 50 pho tượng Phật to như người thật đang đặt ngay ngắn ở một bên hầm, mỗi khuôn mặt tượng được vẽ một cách tinh tế: mũi rộng hoặc thanh mảnh, miệng cười hoặc cau mày, cằm nhọn hoặc cằm tròn. Phía bên kia hành lang lại có hàng trăm pho tượng Phật thu nhỏ, các tượng dát vàng chói lọi. 

Các phật tượng trong ngôi chùa ở kinh thành cổ Mrauk U (bang Rakhine, Myanmar).

Trong căn phòng thứ hai là rất nhiều tượng phù điêu vẽ hình trâu nước, voi, ngựa, linh cẩu và chim công… Tôi đang ở trong mật thất của một ngôi chùa Phật giáo thuộc phế tích cổ đại Mrauk U ở miền Tây Myanmar thuộc bang Rakhine. 

Đầu năm 1535, hàng ngàn nhân công đã lao động quần quật nguyên năm để xây dựng nên ngôi chùa có tường dày, không cửa sổ vốn được đẽo từ những khối đá sa thạch khổng lồ, chúng được khép mí với nhau mà không cần dùng vữa.

Người ta kể rằng Man Pa (hoàng đế của vương quốc cổ đại Arakan trị vì gần 20 năm) đã dựng nên ngôi chùa để ăn mừng chiến thắng chống lại hạm đội Bồ Đào Nha và một chiến dịch quân sự chống lại các thành thị trên vịnh Bengal. 

Man Pa đã trang trí mái chùa bằng 27 bảo tháp có hình cái chuông hoặc các ngôi chùa Phật có mái vòm, thành nội của ngôi chùa có sự hiện diện của 8 vạn chân thân Phật tổ với nhiều biến thể khác nhau. Và điểm cao nhất của ngôi chùa có bức tượng đá sơn màu của vua Man Pa, nhà vua khoác hoàng bào và đội vương miện vàng 3 tầng có hình dáng một ngôi chùa. 

Cùng với thông dịch viên kiêm hướng dẫn viên Zaw Myint (một giáo viên tiếng Anh), chúng tôi đi sâu hơn vào chùa, đến nột nơi gọi là Shitt-haung (chính điện): nơi có đặt tượng Thích Ca cao đến 3m, dát vàng lộng lẫy. Zaw Myint cho hay: "Ai đến đây cũng được hết, song thường thì nhà vua đến đây để thiền định". 

Kho văn hóa vô giá

Mrauk U nằm trong số ít các nền văn minh kích thích trí tò mò của con người. Nó nằm kẹp sâu trong cánh rừng già ở đất nước Myanmar và hầu như bị lãng quên. Cách đây một phần tư thế kỷ trước, Mrauk U lọt vào mắt của sử gia người Pháp, Jacques P. Leider, chỉ một thời gian ngắn sau khi chế độ độc tài bắt đầu mở cửa đất nước với thế giới. 

Đầu năm 2019, các sử gia, thủy văn học, khảo cổ học và các chuyên gia phục dựng dưới sự bảo trợ của chính phủ Myanmar và sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, đã dành 1 tháng ghé thăm Mrauk U. 

Một số chuyên gia tin rằng Mrauk U là biểu tượng của thành tựu nghệ thuật và kiến trúc khi mà Bagan (kinh đô cổ của Myanmar nằm dọc theo dòng sông Irrawaddy) nơi đang có nhiều đền, chùa, bảo tháp dày đặc nhất thế giới. Nhưng Bagan thu hút 250.000 khách quốc tế/năm thì Mrauk U chỉ đón mỗi 2.000 người vào năm 2016. 

Bức điêu khắc tượng Phật bên trong chùa Kothaung, cấu trúc lớn nhất của Mrauk U.

Có 2 yếu tố cấu thành nét độc đáo của cổ thành Mrauk U: quần thể các ngôi chùa Phật được dựng hoàn toàn bằng đá; và một mạng lưới phòng thủ quân sự kiên cố và giả trang phong cảnh trên các triền đồi. "Không nơi nào trên thế giới sánh bằng nó", dẫn lời khẳng định của ông Massimo Sarti, người Ý, cố vấn thủy văn học của UNESCO, người đang hỗ trợ tài liệu của Mrauk U. 

Năm 2017, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã đề xuất Mrauk U trở thành Di sản văn hóa thế giới của UNESCO, gọi đây là "biểu hiện thể trạng lớn nhất của sự phong phú lịch sử và văn hóa của bang Rakhine". Cuộc sống đã có ở Mrauk U trong suốt 350 năm (1430-1780) khi nó là kinh đô của vương quốc Arakan, một vương quốc độc lập nằm trải dài 400 dặm dọc theo các bình nguyên duyên hải và đầm sú vẹt giáp với vịnh Bengal.

Mrauk U có thời là nơi sinh sống của người Hồi giáo và Phật giáo. Các thương nhân đến từ Hà Lan, Bồ Đào Nha, Trung Quốc và các quốc gia khác đã tìm đến Mrauk U để mua gia vị, vải, thuốc phiện, sắt, thuốc lá, lưu huỳnh và tiêu để đổi gạo và ngà voi. 

Các võ sĩ và binh lính Nhật đã đến triều đình Mrauk U. Sân chầu của nhà vua được trang trí bằng nhiều cột gỗ tếch dát vàng, dưới sân nhiều triều thần và sứ thần đang dâng lễ vật. Tu sĩ Sebastien Manrique, người đã sống ở kinh đô Mrauk vào đầu thập niên 1630, viết rằng nhiều căn phòng trong cung điện đồ sộ được dựng bằng các loại gỗ thơm thảo mộc. Có cả căn phòng gọi là "Kim Ốc" nơi vàng được dát từ sàn đến trần nhà… 

Những ngày huy hoàng đó đã chấm dứt vào năm 1784 khi giặc ngoại xâm Miến Điện đã tấn công kinh thành Mrauk U và chiếm lĩnh nó chỉ sau vài tháng giao tranh.

Thực dân Anh, thế lực đã tiếp quản Arakan trong cuộc chiến tranh Anh - Miến lần thứ nhất vào năm 1824 và cai trị nơi đây cho đến năm 1948. Sau đại chiến thế giới thứ II, các hoạt động khai quật khảo cổ bị gián đoạn bởi những cuộc nội chiến trong nước. Khi UNESCO tập trung quan tâm đến Mrauk U, nó lập tức trở thành điểm sáng trong bối cảnh xung đột sắc tộc hoành hành ở bang Rakhine. 

Giới phật tử ở Rakhine cũng tuyên bố họ có mối dây liên hệ với cố đô. Mrauk U là trung tâm di sản văn hóa độc đáo của họ. Nhưng rồi một nhóm ly khai gọi là Quân đội Arakan đã tuyên chiến với quân đội Myanmar. 

Những cuộc đụng độ đẫm máu đã nổ ra gần thị trấn Mrauk U và các ngôi chùa, làm gián đoạn các nỗ lực của các nhà nghiên cứu quốc tế muốn khảo sát bằng chứng vô giá của những người xa xưa đã phát triển nền văn minh rực rỡ từ 500 năm trước.

Một buổi sáng tháng 12 năm 2017, tôi cùng hướng dẫn viên Zaw Myint đi theo một nhóm nghiên cứu của UNESCO. Trên đầu chúng tôi có một máy bay sử dụng công nghệ LIDAR để chụp ảnh các sàn rừng và ghi lại các cấu trúc chìm nằm bên dưới tán rừng rậm rạp. 

Trên hành lang của chùa Kothaung là các bảo tháp nhỏ có hình mái vòm.

Cùng đi với nhóm chúng tôi có ông U Than Myint, sử gia địa phương kiêm giám đốc Qũy di sản Mrauk U (một tổ chức bảo tồn tư nhân), giải thích rằng các vị vua Mrauk U không ngừng lo âu về những đợt tấn công của các quan lại Mogul quanh vịnh Bengal và người Miến Điện ở phía Đông, nên đã dày công xây dựng thành lũy và các chốt gác có trang bị súng thần công. 

Họ sử dụng các con kênh tiêu nước như một loại phòng thủ quân sự trong thời chiến. Vào thế kỷ 16, Man Pa đã mở các cống trong các hồ chứa và cho phép nước chảy qua các đập tràn, nhấn chìm giặc Miến Điện xâm lăng.

Ngày nay các cấu trúc xưa phần lớn đã bị rừng cây và đồng lúa che phủ. Có một cấu trúc nổi tiếng ở Mrauk U đã thu hút nhiều người quan tâm đó là chùa Kothaung. Min Dikkha, người con trai nối ngôi từ vua cha Man Pa (người đã trị vì vương quốc Arakan trong 3 năm) đã xây dựng ngôi chùa suốt 6 tháng của năm 1553. Ngôi chùa có bảo tháp cao 6 tầng và lưu giữ hơn 9 vạn bức điêu khắc  của Phật Thích Ca.

Trong chùa, nhiều bức tường có chạm khắc những lời giảng quý báu của đức Phật. Trên mỗi cái bệ có đặt tượng Phật Đà ngồi trong tư thế Địa Xúc Ấn: Tay phải của Người vươn qua đầu gối phải chỉ hướng mặt đất, cử chỉ này thể hiện khoảnh khắc chính xác của sự thức tỉnh tâm linh và biểu thị về trái đất như là sự giác ngộ của Phật. 

Không giống như các Phật địa khác, Kothaung bị xuống cấp trong suốt nhiều thế kỷ, và rồi bị quên lãng. Theo truyền thuyết, chùa Kothaung đã bị giáng một tia sét và sụp đổ do Min Dikkha đã dám "qua mặt" phụ hoàng.

Thâm nhập vùng đất thần bí

Jacques Leider bắt đầu nghiên cứu về Arakan khi còn là nghiên cứu sinh hồi thập niên 1980, trong những năm tháng cai trị hà khắc của chế độ độc tài quân sự Miến Điện. Leider dựa trên các thông tin được khắc trên lá cọ và một ít ảnh. Trong khách sạn Mrauk U, tôi gặp Leider và nghe ông phàn nàn: "Đây là (Mrauk U) là một trong những nơi cô lập nhất trong đất nước "bế quan tỏa cảng" như Myanmar. Tôi mù mờ làm việc như thế suốt 7 năm". 

Chùa Shitthaung vừa là nơi an trí tượng Phật, vừa là chốn ẩn náu bất khả xâm phạm trong thời chiến.

Đầu năm 1994, chế độ quân sự thiếu tiền mặt và đồng ý mở cửa đón du khách nước ngoài. Leider nhớ lại: "Tôi biết hết tên mọi ngôi chùa ở Myanmar, song chưa từng đặt chân đến Mrauk U, cũng chả biết nó nằm ở đâu. Một thầy giáo bị chột đã dẫn tôi tới đó bằng xe đạp, ông kể cho tôi nghe chuyện về các ngôi chùa và các vị vua, thú thật tôi chả biết gì sất".

Leider viếng thăm Shitthaung, ngôi chùa được dân địa phương sùng kính nhất, và ghé qua ngôi chùa cạnh đó là Htukkanthein, nó là một pháo đài không có cửa sổ được xây vào năm 1571 bởi vua Min Phalaung. Leider rời Mrauk U với cảm xúc lâng lâng khó tả, và hài lòng khi trở thành vị học giả đầu tiên ghé chân đến vùng đất linh thiêng sau hàng thập kỷ. 

Leider về lại Âu Châu và sau đó tham gia giảng dạy tại Đại học Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan). Ông đã quay trở lại Mrauk U trong các năm 1996, 1997 và 1998 trong thời gian bảo vệ học vị Tiến sĩ lịch sử. Các vị vua Arakan đã đóng các con dấu bằng tiếng Arab và Bengal, cho thấy vương quốc này từng có các mối giao hảo văn hóa và thương mại với các vua Hồi giáo ở vịnh Bengal.

Người Hồi giáo dần tăng sự hiện diện vào giữa thế kỷ 17 ở Arkan sau khi Vua Shuja (con trai của hoàng đế Mogul là vua Jahan, người đã xây dựng lăng mộ Taj Mahal) bị đánh bại trong cuộc chiến với người em trai. Vua Shuja xin tị nạn ở Mrauk U. 

Hàng trăm binh lính của nhà vua trở thành vệ sĩ bảo vệ cho tầng lớp quý tộc ở Arakan. Đến thế kỷ 18, người Hồi giáo ở Mrauk U bị áp lực. Năm 1784, vương triều Konbaung của Miến Điện (một vương quốc Phật giáo do tộc người Bamar thống trị, ngày nay chiếm tới 68% dân số Myanmar) đã chinh phạt Arakan. 

Người Miến Điện đã trục xuất các gia đình quý tộc đạo Phật, Hồi giáo và Ấn Độ giáo ra khỏi Mrauk U và tái định cư ở Amarapura (một nơi gần kinh đô của họ). Có khả năng vẫn còn một nhóm dân số nhỏ Hồi giáo vẫn còn sống ở Arkan.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.