Dùng dằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Thứ Ba, 16/04/2019, 10:56
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc được cho là sắp đi đến hồi kết khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tuyên bố rằng hai nước có thể biết được kết quả cuối cùng của quá trình đàm phán trong 4 tuần tới.

Tuy nhiên, cho đến giờ chưa ai dám chắc sau 4 tuần, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể ký kết một thỏa thuận thương mại hay không bởi trên thực tế chưa bên nào xác nhận chắc chắn về điều này. Phía Mỹ dường như tỏ ra quá lạc quan trong khi phía Trung Quốc lại không đưa ra dự đoán nào về kết quả cuối cùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 4-4, bày tỏ rằng hai nước có thể hiểu hơn về nhau “trong 4 tuần tới” và có thể đạt được thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc hai bên có thể đạt được thỏa thuận thương mại hay không là điều khó dự đoán, thậm chí nếu một trong hai bên vội vàng, họ có thể phải trả giá hoặc có thể khiến bên kia phải trả giá. Điều này sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, làm giảm hiệu quả cũng như sự công bằng của thỏa thuận.

Hiện 4 vấn đề được coi là những vướng mắc chưa thể giải quyết để đi đến một thỏa thuận cuối cùng là: Những bất đồng liên quan đến văn bản của thỏa thuận; Cả hai chính phủ chưa thể hiện quyết tâm “mạnh mẽ  hơn” để đối phó với những quan điểm trái chiều trong nước về thỏa thuận thương mại, vốn cho rằng vẫn còn một vài yếu tố gây tranh cãi; Washington và Bắc Kinh chưa giảm được “bất đồng về chính trị và an ninh” để hai bên cùng có thiện chí đạt được thỏa thuận thương mại và cuối cùng, hai bên phải coi thỏa thuận thương mại như một bước tiến tốt đẹp hơn cho mối quan hệ song phương nói chung.

“Sẽ là một quan điểm tồi tệ khi cho rằng hai bên có thể bỏ mặc vấn đề thương mại và chỉ tập trung vào sự kình địch dữ dội về an ninh và chính trị”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 Mặc dù vòng đàm phán thương mại thứ 9 vừa qua giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn Trung Quốc và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, trưởng đoàn Mỹ đã đạt được tiến bộ. Tổng thống Donald Trump thậm chí bày tỏ sự kỳ vọng về việc đạt được thỏa thuận thương mại, cho rằng: “Đây sẽ là một thỏa thuận hào hùng, mang tính lịch sử nếu nó được ký kết”.  Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn còn “một khối lượng công việc đáng kể” cần phải làm.

Nhiều hãng phân tích thị trường coi cuộc đáp trả thuế hay chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là những sự kiện tạm thời. Trong tương lai hàng loạt cuộc đấu đá thương mại sẽ vẫn tiếp diễn, thậm chí cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể kéo dài cho đến hết nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Trump.

Việc Mỹ duy trì các loại thuế thép ngay cả sau khi ký một thỏa thuận thương mại mới với Mexico ngày 30-9-2018; Chính quyền Mỹ muốn duy trì năng lực trừng phạt bằng cách áp thuế lâu dài lên Trung Quốc ngay trong một thỏa thuận thương mại mới; hay chính quyền Washington xúc tiến việc áp thuế lên các sản phẩm trong ngành hàng không từ châu Âu trị giá 11 tỷ USD, và hiện đang nổi lên những lo ngại rằng bước tiếp theo có thể là đánh thuế vào ôtô nhập khẩu từ châu Âu… là những bằng chứng cho thấy chính quyền ông Trump có thể coi đánh thuế là một công cụ đàm phán nhằm đạt được những gì họ muốn.

Trên thực tế có thể các loại thuế sẽ biến mất chừng nào các mục tiêu đã đạt được. Tuy nhiên, chúng cũng có thể dễ dàng gây tác dụng ngược bởi nó đồng nghĩa với một chính quyền muốn áp dụng hình thức áp thuế thường trực và xung đột thương mại dai dẳng.

Giới phân tích cho rằng mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí triển vọng về một thỏa thuận trong tương lai gần, song không thể chắc chắn căng thẳng thương mại  sẽ không leo thang, đặc biệt trong các lĩnh vực khác như ôtô. Các chuyên gia kinh tế đã dự báo rằng dù Mỹ có đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ vẫn sẽ tiếp diễn trong các vấn đề khác và với các đối tác thương mại khác. Cuộc chiến thương mại không biến mất mà chỉ biến đổi qua các giai đoạn chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh.       

Hiện có những lý do cả về kinh tế và chính trị giải thích vì sao các thị trường nên nghĩ tới việc sẵn sàng kiên trì với một cuộc chiến thương mại dài hơi. Xét trên bình diện kinh tế, câu hỏi đặt ra là chính quyền thực sự hy vọng đạt được gì trong vấn đề thương mại? Nếu mục tiêu là sử dụng thuế làm công cụ đàm phán để ép buộc các nước đối tác giảm bất công trong thương mại, thì đúng là chỉ nên coi đó là chiến lược tạm thời.

Các loại thuế sẽ bị dỡ bỏ một khi đạt được các thỏa thuận thương mại. Dĩ nhiên, điều này đã không xảy ra với Canada và Mexico, và những điều sẽ xảy ra với các khoản thuế này sẽ là một thước đo quan trọng để đánh giá những ý đồ của chính quyền Trump.

Còn nếu mục tiêu của việc áp thuế là triển vọng khôi phục ngành chế tạo Mỹ về lâu dài thì sao? Nếu mục tiêu là mang lại cho các ngành công nghiệp Mỹ sự bảo vệ và tái phát triển, giành lại thị phần từ Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh giá rẻ khác, thì việc áp thuế tạm thời sẽ không làm được điều này. Không nói đến việc tranh cãi về tính khả thi của nó, song rõ ràng là việc khôi phục này cần sự đầu tư lớn về tài chính và thời gian.

Các nguồn vốn sẽ chỉ đổ vào các ngành công nghiệp này nếu họ tin rằng sự bảo vệ dành cho họ trước các mặt hàng giá rẻ nước ngoài phải là lâu dài chứ không chỉ nhất thời.

Và nếu mục đích của Tổng thống Mỹ, như ông từng nói, là nhằm giảm thâm hụt thương mại, thì việc giảm nhập khẩu cùng với sự trợ giúp của thuế cũng phải là một phần của sự cân bằng đó. Xét trên bình diện chính trị, câu hỏi là liệu chiến tranh thương mại hay hòa bình thương mại giúp ích nhiều hơn cho Tổng thống Trump?

Có khả năng là ông Trump đang theo đuổi cuộc đua tái tranh cử sẽ quay trở lại nguyên tắc cơ bản của ông và tuyên bố “Nhiệm vụ đã hoàn thành”. Nhưng cũng có khả năng ông nhận thấy việc tiếp tục duy trì cuộc chiến trường kỳ với các đối tác thương mại của Mỹ đem lại nhiều lợi ích hơn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.