Đường đến mỏ ngọc bích Hpakant ở Myanmar

Thứ Ba, 23/05/2017, 16:35
Nằm ở cực bắc Myanmar, ngay cạnh con sông Uyu thuộc bang Kachin, thị trấn Hpakant, huyện Mohnyin, là nơi mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là “khu vực nổi tiếng về bệnh sốt rét ác tính”. Còn với những thương gia chuyên buôn bán đá quý thì Hpakant đồng nghĩa với những viên ngọc bích jadeite, chất lượng tuyệt hảo nhất trên trái đất này...

Hpakant - kinh đô ngọc bích

Theo những khách du lịch hiếm hoi đã từng đặt chân đến “kinh đô ngọc bích”, thời điểm lý tưởng nhất để đi Hpakant là từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm vì từ cuối tháng 5 trở đi, những cơn mưa nhiệt đới dai đẳng từ ngày này qua ngày khác sẽ biến các con đường thành những dòng sông bùn lầy mà ngay cả những chiếc xe địa hình “4 cầu” cũng phải bó tay. Mọi sự di chuyển chỉ trông nhờ vào những con voi đã được thuần hóa.

Mike Spencer, một nhà báo tự do viết cho trang web “Nhân chứng toàn cầu” mô tả lại chuyến đi của anh hồi năm 2010 như sau: “Cả 10 bánh của chiếc xe tải chở chúng tôi ngập hẳn trong bùn. Mặc cho tài xế tăng hết công suất động cơ nhưng 4 bánh xe ở phía sau, bên trái, chỉ quay tít mà xe chẳng nhích lên được mét nào, ngược lại càng lúc nó càng lún sâu hơn.

Cuối cùng, tài xế phải nhờ đến những cư dân địa phương với giá 4.000 kyat (đơn vị tiền tệ Myanmar). Bằng 4 con voi hợp sức lại, vất vả lắm nó mới lôi được chiếc xe ra khỏi bãi bùn”.

Sau khi Chính phủ Myanmar bãi bỏ chế độ visa đối với các quốc gia thuộc khối ASEAN, việc nhập cảnh của khách du lịch Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines... dễ dàng hơn trước. Ngoài đường hàng không, khách còn có thể đi đường bộ vào Myanmay qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hoặc qua tỉnh Bokeo (Lào), hoặc Chieng Mai (Thái Lan) trên những xa lộ đã được cải tạo, nâng cấp.

Hpakant nhìn từ con đường dẫn vào thị trấn.

Tuy nhiên, nếu khách muốn đến bang Kachin, nơi có những khu vực do Quân đội độc lập Kachin - Kachin Independence Army - viết tắt là KIA (một tổ chức nổi dậy chống Chính phủ Myanmar) nắm giữ thì phải có giấy phép. Riêng với cánh báo chí, Bộ Nội an Myanmar có một văn phòng chuyên lo việc này nếu muốn vào Hpakant để viết bài.

Đường từ thành phố Lashio, nằm giữa thị trấn biên giới Monghpyak đến Hpakant nhiều đoạn là đường nhựa, nhiều đoạn rải đá cấp phối và cũng không thiếu những đoạn đường đất, lồi lõm ổ gà, ổ trâu. Hai bên đường chỉ toàn những cánh rừng nguyên sinh, nhiều thân cây to cỡ 3-4 người ôm, vươn thẳng lên trời, cành lá um tùm rậm rạp. Phía dưới cơ man những tầng cây tán thấp, chằng chịt đan xen vào nhau. Thỉnh thoảng mới thấy vài nóc nhà trơ trọi, nằm lọt thỏm trong cái màu xanh huyền bí.

Mike Spencer viết: “Khi tôi bước vào khách sạn Jade City ở Hpakant thì cũng là lúc một nhóm người Trung Quốc đang từ trên thang lầu bước xuống, nói năng ầm ĩ”. Họ là những người đi mua ngọc bích. Nét đặc trưng của họ là người nào cũng đeo một cái túi có dây quàng chéo qua vai, túi lủng lẳng trước bụng. Ngoài tiền bạc, giấy tờ tùy thân, trong túi bao giờ cũng có một cái đèn pin thấu kính hội tụ, dùng để soi ngọc, đánh giá độ trong của ngọc

Kể từ khi KIA ký thỏa thuận ngừng bắn với Chính phủ Myanmar vào ngày 27-2-1994, trong suốt 17 năm sau đó cho đến khi chiến tranh tái bùng nổ vào năm 2011, Hpakant biến thành “kinh đô ngọc bích” với hơn 100 công ty - phần lớn do người Trung Quốc hoặc người Myanmar gốc Trung Quốc làm chủ - đổ xô vào khai thác dưới sự “bảo kê” của lính Kachin và của cả quân đội Myanmar. Trong số này, nổi bật hơn cả là Tập đoàn Hong Pang (Hong Pang Group) do ông trùm Wei Hsueh-kang lãnh đạo.

Một góc thị trấn Hpakant.

Những ông trùm ở Hpakant

Sinh ngày 29-5-1952 ở Vân Nam, Trung Quốc, năm 18 tuổi Wei đến bang Kachin và gia nhập Đội quân người Mông (MTA) của vua ma túy Khun Sa. Năm 1989, Wei ra khỏi MTA để trở thành chỉ huy quân sự của một tổ chức chống đối Chính phủ Myanmar là “Quân đội Nhà nước Wa”, chuyên buôn lậu ma túy và khai thác ngọc bích. Cũng chính “quân đội” này tự khoanh vùng một khu vực rồi đặt tên là “tiểu bang Wa” nhưng không được Myanmar công nhận.

Khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Myanmar và các nhóm chống đối ở bang Kachin ký kết, năm 1998 Wei thành lập Tập đoàn Hong Pang bằng tiền buôn bán ma túy, ngọc bích. Rất nhanh chóng, Hong Pang sở hữu và kiểm soát ngành xây dựng, nông nghiệp, đá quý, khoáng sản, điện tử, các cửa hàng bách hóa ở bang Kachin. Trụ sở của Hong Pang đặt ở Panghsang cùng các văn phòng tại các thành phố Yangon, Mandalay, Lashio, Tachilek và Mawlamyine.

Sau thảm họa lở đất tại một mỏ ngọc bích xảy ra vào ngày 22-11-2015 ở Hpakant khiến hơn 100 người chết, Wei bị Chính phủ Myanmar cáo buộc là đã tài trợ trái phép cho những hoạt động khai thác mỏ ở bang Kachin, cũng như bóc lột sức lao động của công nhân nhưng Wei đã bỏ trốn. Tuy vậy, cái bóng của Wei vẫn còn ẩn hiện đâu đó ở thị trấn Hpakant.

Mice Spencer viết: “Tại chợ mua bán ngọc bích vào sáng hôm sau, qua lời phiên dịch của một hướng dẫn viên nghiệp dư, tôi thấy những thương lái Kachin vẫn nhắc đến cái tên Wei Hsueh-kang với vẻ kính nể”.

Một thương lái Mike Spencer cho biết để khai thác 1 tấn ngọc bích, chi phí chỉ mất khoảng 500 USD nhưng khi bán, nó có thể mang về cho chủ nhân của nó 126.000 USD. Theo một phúc trình của David Dapice, giáo sư kinh tế học, Đại học Havard, Mỹ, năm 2014 ước tính có khoảng 43.000 tấn ngọc bích đã được đào lên, trị giá 31 tỉ USD nhưng 21.000 tấn đã biến mất vào thị trường chợ đen - phần lớn là qua biên giới sang Trung Quốc.

Nhân vật thứ hai ở Hpakant là ông trùm Yup Zau Hkawng, người đứng đầu Công ty Jadeland, được coi là lớn nhất bang Kachin. Khác với những đại gia ngọc bích khác, Yup không ăn diện, không đeo đồ trang sức quý giá hoặc đồng hồ, điện thoại đắt tiền. Điểm đặc biệt của Yup là thường khoác trên mình chiếc áo lính bạc màu hoặc áo ca rô màu xanh sậm, nhìn rất... bụi đời.

Yup Zau Hkawng, người đứng đầu Công ty Jadeland, được coi là lớn nhất bang Kachin.

Theo nhiều nguồn tin, Công ty Jadeland của Yup nắm giữ 45% các thương vụ mua bán ngọc bích ở Hpakant, lợi nhuận hằng năm lên đến gần 10 tỉ USD, trong đó nhiều vụ là mua bán “chui” - nghĩa là không qua sự kiểm soát của Chính phủ Myanmar. Yup có mối quan hệ được cho là cực kỳ thân thiết với những nhà lãnh đạo KIA. Ngay như nhà báo tự do Mike Spencer, sở dĩ anh vào được các khu vực ở Hpakant do KIA kiểm soát cũng nhờ Yup.

Là người Kachin, sinh ra và lớn lên ở vùng núi phía bắc bang, Yup nhanh chóng nhận ra nguồn lợi béo bở từ việc khai thác ngọc bích. Mới 16 tuổi, ông ta đã quy tụ một nhóm bạn bè đồng trang lứa, tìm đến những bãi thải - là đất đá của các công ty đổ đi sau khi ngọc bích đã được lấy - nhặt nhạnh những mẩu còn sót lại với nguyên tắc “ăn đồng chia đều”. 5 năm sau, khi đã có một số vốn, Yup đứng ra thuê mướn nhân công rồi vào những vùng chưa có ai đặt chân tới, lén lút đào bới bất hợp pháp. Tiền đẻ ra tiền, Yup “đi dây” với cả những người cầm đầu KIA lẫn một số tướng lĩnh Myanmar.

Năm 2011, khi thỏa thuận ngừng bắn giữa KIA và Chính phủ Myanmar tan vỡ, những cuộc giao tranh giữa đôi bên nổ ra liên tục, kéo dài đến 2013 khiến cho hơn 100.000 người phải bỏ thị trấn Hpakant chạy đi nơi khác lánh nạn, ngành công nghiệp ngọc bích đứng trước nguy cơ sụp đổ thì Yup Zau Hkawng đứng ra làm trung gian hòa giải. Kết quả là cuối năm 2013, Chính phủ Myanmar và KIA đã lại đồng ý tiến hành đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, tháng 1-2015, KIA đánh bom một đồn cảnh sát và khách sạn nổi tiếng Jade City ở Hpakant, đốt máy móc, xe cộ của mỏ khai thác ngọc bích gần làng Lone Khin khiến chủ mỏ phải cho 20.000 công nhân sơ tán, mỏ ngừng hoạt động. Các cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và quân Kachin liên tục nổ ra, kéo dài đến suốt tháng 2, nhiều mỏ ngọc bích bị đốt phá hoặc không dám khai thác nữa, trong đó có mỏ thuộc Công ty Kyaing International, được cho là sở hữu của con trai cựu Thống tướng Than Shwe.

Nguyên nhân của cuộc chiến tranh sau 17 năm ngừng bắn phát xuất từ mâu thuẫn giữa những chủ khai thác mỏ và những người dân đào bới thủ công - mà rất nhiều trong số họ có cảm tình với KIA. Trước đó, tháng 9-2014, để lập lại trật tự, quân đội Myanmar tạm đình chỉ hoạt động của một số mỏ thì lập tức, những người đào bới thủ công lén lút tìm vào, thu nhặt ngọc bích từ những đống đất đá đã được móc lên.

Xót tiền tiếc của, nhiều chủ mỏ - trong đó có mỏ Kyauk Sein Taung đã phản ứng lại bằng cách thuê người tấn công, đẩy đuổi đám đào trộm. Chẳng  phải tay vừa, 30 kẻ đào trộm dùng súng bắn vào văn phòng Công ty Kyauk Sein Taung khiến 2 nhân viên bị thương. Tiếp theo, KIA cũng yêu cầu tất cả các mỏ phải ngừng khai thác vì họ không thể bảo đảm về mặt an ninh.

Ông Min Thu, trợ lý của Bộ trưởng Bộ Mỏ và Khoáng sản Myanmar cho biết, vào thời điểm ấy, ông không nhận được bất kỳ một thông báo nào của các công ty ở Hpakant về việc ngừng hoạt động. Tuy nhiên, mặc dù thời hạn của giấy phép khai thác mỏ đã gần hết, nhưng chỉ có vài công ty gửi đơn xin gia hạn mà thôi.

Phần lớn những mỏ ngọc bích ở Hpakant là mỏ lộ thiên - nghĩa là chỉ cần bóc đi lớp đất trên bề mặt từ vài mét đến vài chục mét thì sẽ thấy những tảng đá có chứa ngọc. Sau khi lấy lên, phân loại, phần lớn được bán cho thương lái Trung Quốc dưới dạng thô - nghĩa là chưa qua chế tác nhưng chỉ một số ít được nộp thuế cho Chính phủ Myanmar, còn thì rơi vào tay Quân đội độc lập Kachin (KIA). Vì vậy, Tổ chức Nhân chứng toàn cầu gọi nền kinh tế ngọc bích của KIA là “kẻ cướp tài nguyên thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử hiện đại".

Tháng 10-2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký sắc lệnh bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với việc nhập khẩu ngọc bích của Myanmar, vốn đã được áp dụng trước đó do những hoạt động của KIA và của một số tướng lĩnh Myanmar trong lĩnh vực khai thác, buôn bán. Việc hủy bỏ là một khích lệ cho những cải cách chính trị được đảng Liên minh dân chủ quốc gia (NLN) do bà Aung Sang Suu Kyi tiến hành.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức giám sát nhận định rằng thị trường ngọc bích ở Myanmar vẫn tiềm ẩn nhiều mảng tối, dù Chính phủ Myanmar đã ký kết sáng kiến minh bạch toàn cầu cho các ngành công nghiệp khai thác ở quốc gia này.

Với những người đào bới tự do (tiếng Myanmar gọi là yemase) thì những tảng đá thu nhặt được, họ đem ra “chợ ngọc”.

Vũ Cao (theo Global Withness - Jadeite in Hpakant)
.
.