EU: Thống nhất hay phát triển đa tốc độ?

Thứ Ba, 14/03/2017, 17:00
Thực tế Brexit không thể đảo ngược đã buộc giới chức EU tìm những giải pháp mới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã kêu gọi hướng tới một châu Âu đa dạng về mức độ hòa nhập, để đối phó với cuộc khủng hoảng Brexit làm chấn động EU.

“Sách Trắng” với nội dung đề cập đến các thách thức chủ yếu cùng những cơ hội đang chờ đợi châu Âu trong 10 năm tới của ông Juncker  được coi là “giấy khai sinh” cho một EU 27 nước  thành viên - không có nước Anh.

5 kịch bản

Với 5 kịch bản, mỗi kịch bản tương ứng với một cách hình dung về tương lai của EU vào năm 2025, tùy theo lựa chọn mà châu Âu sẽ thực hiện, Sách Trắng châu Âu nêu những yếu tố thay đổi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của châu Âu trong vòng 10 năm tới, bất chấp tác động của các công nghệ mới tới xã hội và việc làm hoặc nỗi hoài nghi sinh ra từ quá trình toàn cầu hóa, những mối đe dọa về an ninh hay sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Liệu EU sẽ để cho những xu hướng này cuốn đi, hay nắm lấy những cơ hội mới mà các thay đổi có thể mang lại?

Kịch bản thứ nhất chủ trương kế thừa và tiếp nối. EU-27 sẽ trung thành với việc triển khai chương trình cải tổ tích cực, trên tinh thần văn bản của EC năm 2014 có tiêu đề “Một động lực mới cho châu Âu” và tuyên bố Bratislava được thông qua vào năm 2016 bởi toàn bộ 27 nước thành viên. Đến năm 2025, người dân các nước EU có thể di chuyển xuyên biên giới mà không bị kiểm soát, tuy nhiên họ vẫn chịu sự kiểm tra an ninh tại sân bay hoặc nhà ga tàu hỏa trước khi khởi hành.

Kịch bản thứ hai ưu tiên cho thị trường chung. EU-27 sẽ tái tập trung củng cố thị trường chung khi tính đến việc 27 nước thành viên không có khả năng tìm thấy tiếng nói chung trong rất nhiều lĩnh vực. Đến năm 2025, EU sẽ thực hiện kiểm tra thường xuyên đối với khách qua biên giới vì lý do công việc hoặc đi du lịch. Sẽ là khó khăn cho công dân khi tìm việc làm ở nước ngoài và việc chuyển tiền trợ cấp từ nước này sang nước khác cũng không được đảm bảo. Các trường hợp ốm đau phải nằm viện ở nước ngoài sẽ phải chịu chi phí rất cao.

Kịch bản thứ ba xây dựng một châu Âu đa dạng về tốc độ hòa nhập. EU-27 tiếp tục theo đuổi mô hình như hiện nay nhưng cho phép các nước thành viên mong muốn được hợp tác chung với nhau trong các lĩnh vực đặc thù như quốc phòng, an ninh nội địa hay các vấn đề xã hội. Theo kịch bản này, vào năm 2025, trong EU sẽ có khoảng 15 nước thành viên thống nhất thành lập một lực lượng gồm cảnh sát và các công tố viên chịu trách nhiệm điều tra các hoạt động tội phạm xuyên biên giới.

Kịch bản thứ tư hướng tới hành động ít nhưng hiệu quả hơn. EU-27 tập trung nỗ lực vào các lĩnh vực nhất định để có thể đạt kết quả nhanh chóng nhất, đồng thời giảm can thiệp vào các lĩnh vực được coi là ít mang lại giá trị gia tăng. EU sẽ dành sự tập trung và nguồn lực có hạn của mình cho một số lĩnh vực được lựa chọn. Theo kịch bản này vào năm 2025, một cơ quan mới của châu Âu về chống khủng bố chịu trách nghiệm ngăn ngừa và dự đoán các vụ tấn công lớn thông qua hệ thống theo dõi và báo cáo về những kẻ tình nghi sẽ được thành lập.

Kịch bản thứ năm mong muốn hợp tác nhiều hơn. Các nước thành viên quyết định chia sẻ với nhau nhiều hơn về quyền hạn, tài nguyên và tiến trình ra quyết định trong tất cả các lĩnh vực. Các quyết định sẽ được thông qua trong thời gian nhanh nhất trên quy mô toàn EU và nhanh chóng được đưa vào thực thi. Vào năm 2025, sẽ có các quy định rõ ràng trong EU cho phép các xe ô tô kết nối Internet được đi lại không hạn chế trong phạm vi liên minh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Châu Âu đa tốc độ?

Mới đây trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel và những người đồng cấp Tây Ban Nha và Italy tại cung điện Versailles, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nói rằng "thống nhất không có nghĩa là giống nhau", còn Thủ tướng Đức Merkel cho rằng "một châu Âu với các tốc độ phát triển khác nhau là điều cần thiết, nếu không chúng ta (EU) sẽ chết".

Phát biểu trên của hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cho thấy hai nước này đồng quan điểm khi cho rằng tương lai của EU hậu Brexit sẽ là một "châu Âu đa tốc độ".

Khái niệm về một "châu Âu đa tốc độ" thực ra đã được Willy Brandt, một trong những người tiền nhiệm của bà Merkel, lần đầu tiên nói đến vào năm 1974 - một năm sau khi Anh gia nhập EU. Khi đó, khái niệm "châu Âu đa tốc độ" đã phản ánh thực trạng của EU. Về sau, EU đã từ bỏ khái niệm này và chuyển sang quan điểm cho rằng tất cả các nước trong EU là một khối thống nhất. Đồng euro, khu vực đường biên tự do đi lại, các vấn đề nội vụ, bản quyền và những nguyên tắc tài khóa... với các chính sách này, EU đã hình thành liên minh mềm dẻo giữa các quốc gia theo đuổi hội nhập ở các tốc độ khác nhau.

Ý tưởng "đa tốc độ" hiện vẫn gây nhiều tranh cãi, ám chỉ những đẳng cấp khác nhau của các thành viên trong khối, nơi luôn cho rằng các thành viên là bình đẳng với nhau. Trên thực tế, đó là vấn đề "nóng" chủ yếu tại các cuộc thảo luận liên quan đến tuyên bố của EU để đánh dấu sự kiện 60 năm ra đời Hiệp ước Rome trong tháng 3 này.

Đối với một số nước là thành viên sáng lập EU, ý tưởng về "đa tốc độ" được coi là phản ánh một thực tế, đưa ra cơ sở pháp lý cho những nước muốn hội nhập nhanh hơn. Tuy nhiên, với những thành viên mới gia nhập EU sau này, đây là một mối đe dọa. Một số quan điểm cho rằng "đây là một điều rất nguy hiểm" vì việc đề cao một EU "đa tốc độ" sẽ làm chấm dứt bản sắc của một liên minh, mở đường cho việc ra đời những đẳng cấp khác nhau của các nước thành viên, nới rộng khoảng cách giữa Đông và Tây đối với các vấn đề như nhập cư, tiền tệ và quy định luật pháp.

Hiện các vấn đề như Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), cuộc khủng hoảng nhập cư đã trở thành những vấn đề gây bất đồng gay gắt giữa các quốc gia thành viên. Do vậy, theo giới phân tích việc nhắc lại khái niệm châu Âu "đa tốc độ" cần phải được xử lý hết sức khéo léo, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng khi họp các nước sẽ "chỉ tập trung vào tranh luận xem liệu nước nào phù hợp hay không phù hợp, xứng đáng hay không xứng đáng là thành viên của câu lạc bộ này".

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.