EU-Trung Quốc: Khó gần mà cũng khó xa

Thứ Ba, 02/06/2020, 16:16
Quan hệ EU-Trung Quốc đang có dấu hiệu đi xuống khi nội bộ EU bất nhất trong một chính sách chung với Bắc Kinh và nhiều nước phải rơi vào thế “chọn bên” Mỹ hay Trung Quốc. EU cần một chiến lược mạnh mẽ và khéo léo hơn để ứng xử với một đối tác có tầm ảnh hưởng lớn này.

“Cần chiến lược mạnh mẽ hơn”

Trong số 4 hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã được lên kế hoạch trong năm nay, 2 hội nghị đầu tiên đã bị hủy, còn hội nghị thứ ba dự kiến tổ chức vào giữa tháng 9 tới ở Leipzig (Đức) có nguy cơ chung số phận.

Vừa qua, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đã kêu gọi khối này phải có "một chiến lược mạnh hơn" đối với Trung Quốc giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy châu Á đang thay thế là trung tâm của sức mạnh toàn cầu.

Phát biểu trong cuộc gặp các đại sứ Đức ngày 25-5, ông Borrell nhấn mạnh, giới phân tích lâu nay đã nhắc đến sự chấm dứt một hệ thống do Mỹ đứng đầu và sự xuất hiện của thế kỷ châu Á. Ông nói: "Điều này hiện đang xảy ra trước mắt chúng ta". COVID-19 có thể được xem là bước ngoặt dịch chuyển từ Tây sang Đông và sức ép lựa chọn đứng về bên nào đang gia tăng đối với châu Âu.

Liên minh 27 nước này nên đi theo các lợi ích và giá trị của chính mình, tránh bị bên này hay bên khác biến thành công cụ. Trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đang gây ấn tượng mạnh, ông cho rằng quan hệ hiện nay giữa Brussels và Bắc Kinh không phải lúc nào cũng dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và có đi có lại.

Ông nêu rõ: "Chúng ta chỉ có một cơ hội nếu chúng ta đối phó với Trung Quốc theo nguyên tắc tập thể". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần một chiến lược mạnh hơn đối với Trung Quốc.

Tâm lý e dè cũng sẽ khiến hai bên không thể ký Thỏa thuận toàn diện về đầu tư EU-Trung Quốc trong năm nay, sau 7 năm đàm phán. COVID-19 đang làm giảm khả năng Bắc Kinh nhượng bộ các yêu cầu của châu Âu liên quan đến các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn.

EU cần một chiến lược cân bằng và khéo léo trong quan hệ với Trung Quốc.

Nhận thức của các nhà hoạch định chính sách châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, vốn coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh không công bằng, đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều quan chức EU quan ngại chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang làm suy yếu sự thống nhất châu Âu. Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng một số quan chức chính phủ, ví dụ như ở Hungary và Hy Lạp, đã từ chối chỉ trích Trung Quốc, trong khi hầu hết các quốc gia thành viên EU ủng hộ một lập trường chung mạnh mẽ.

Việc Italy ký biên bản ghi nhớ tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc là một ví dụ quan trọng khác về việc một quốc gia EU phá vỡ sự thống nhất trong chính sách đối ngoại của châu Âu.

Có thể nói, châu Âu thiếu sự thống nhất trong quan hệ với Bắc Kinh. Các quốc gia Trung - Đông, Đông và Nam Âu hy vọng nhận được các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc sau khi thất vọng về tình đoàn kết của EU trong các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đồng euro. Tuy nhiên, hy vọng của các nước này đã biến thành thất vọng khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc hiện chủ yếu hướng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao ở các quốc gia Bắc và Tây Âu.

Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang để lại dấu ấn ở châu Âu. Ba Lan và các quốc gia Baltic mong muốn duy trì quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ vì các nước này coi NATO và Mỹ là những "chiếc ô" bảo đảm an ninh quan trọng. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên EU khác - trong đó có Đức và Pháp lại đang áp dụng cách tiếp cận có tính chỉ trích hơn trong chính sách đối với cả Mỹ và Trung Quốc.

Khéo léo định hình chính sách

Theo các chuyên gia, nhìn chung, tương lai của mối quan hệ Trung Quốc - EU sẽ chủ yếu được quyết định bởi 4 yếu tố, trong đó chỉ có một yếu tố mà Trung Quốc có ảnh hưởng.

Yếu tố đầu tiên phụ thuộc phần lớn vào việc các quốc gia thành viên EU đặc biệt là nhóm sử dụng đồng euro (Eurogroup) thể hiện sự đoàn kết như thế nào trong việc khắc phục hậu quả kinh tế của COVID-19. Sự đoàn kết này sẽ giúp giảm "cơn khát" của châu Âu đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc và giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại một số quốc gia thành viên như Hungary, Croatia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Italy.

Yếu tố thứ hai là tiếp tục hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực hoạch định chính sách, trong đó quan trọng nhất là hệ thống bỏ phiếu theo đa số về chính sách đối ngoại và quốc phòng của EU. Yếu tố này có thể giúp châu Âu ít bị tổn thương hơn trước các chiến thuật gây chia rẽ của Trung Quốc và tăng cường sự gắn kết của EU.

Yếu tố thứ ba là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc từ năm 2021 sẽ có tính quyết định đối với quan hệ Trung Quốc-EU. Một phép thử sẽ là các quốc gia thành viên EU làm việc như thế nào với Ủy ban châu Âu và Cơ quan An ninh mạng EU về vấn đề tập đoàn Huawei có thể tham gia ở mức độ nào vào việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G ở châu Âu.

Yếu tố thứ tư là việc tự do hóa kinh tế trong nước ở Trung Quốc giúp tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc có thể khiến EU xem xét lại các lựa chọn chính sách của mình. Việc áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn hay mềm mỏng hơn chủ yếu được thúc đẩy bởi cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, một sự thay đổi cơ bản trong chính sách kinh tế của Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra, nhất là khi các mối quan hệ kinh tế đang được an ninh hóa ở cả châu Âu và Trung Quốc.

Trung Quốc đã giúp châu Âu phục hồi kinh tế trong năm 2007-2008 bằng cách mua nợ nhưng câu chuyện này dường như đã bị xếp vào dĩ vãng và thay bằng sự cảnh giác. Châu Âu rõ ràng muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc nhưng lại đang bị kìm hãm bởi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

"Có một nỗi sợ rằng nếu châu Âu hoàn toàn loại bỏ Trung Quốc, đối tác chính của họ chắc chắn không ai khác là Tổng thống Trump”, Tờ Guardian nhận định. Do vậy, không còn cách nào khác, EU phải khéo léo hơn bao giờ hết trong cách hành xử của mình.

Hiện nay, trên khắp châu Âu, nhận thức về Trung Quốc đang trở nên cấp thiết hơn. Chỉ khi tìm thấy sự đồng thuận về các ưu tiên chính sách, châu Âu mới có thể định hình đúng và tự quyết về mối quan hệ với Trung Quốc.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.