Giá điện, xăng; đầu ra cho nông sản và lời hứa của Bộ trưởng

Thứ Sáu, 19/06/2015, 17:35
Giá điện chỉ tăng không giảm, giá xăng tăng nhanh giảm chậm, nông sản loay hoay với được mùa mất giá, đó là những vấn đề nóng nhất tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Người dân, cùng với nghe lời hứa của Bộ trưởng thì luôn mong lời hứa sớm trở thành hiện thực.

Nước mắt nông dân và nỗi bức xúc nơi nghị trường

Cách đây hơn một tháng, hình ảnh những người nông dân ở miền Trung đứng khóc bên ruộng dưa hấu vì không bán được, trong khi hàng trăm xe chở dưa vẫn bị ách tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn. Dưa chín bán không được, có nơi người dân đành để cho bò ăn.

Một chiến dịch giải cứu dưa hấu với khẩu hiệu "Mỗi trái dưa một tấm lòng" đã được rất nhiều người hưởng ứng. Hàng trăm tấn dưa hấu từ miền Trung đã được đưa ra Hà Nội tiêu thụ nhờ những tấm lòng thiện nguyện...

Nhưng từ câu chuyện này, một vấn đề  cũ nhưng luôn thời sự là ở một đất nước đang còn 70% dân số với 15 triệu hộ ở nông thôn, trong đó 10 triệu hộ làm nông nghiệp trực tiếp, tức là cuộc sống và thu nhập vẫn nhờ sản xuất nông sản, Việt Nam đã đứng vào top đầu những nước xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản nhưng đời sống nông dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ hạn hán, thiên tai và phải làm thế nào để không còn cảnh được mùa mất giá?

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đã phải "than thở" rằng: “Đến giờ này, ai lo cho thương hiệu nông sản và lo đến đâu rồi? Đừng để cảnh các em đoàn viên, thanh niên phải đi vận động từng người dân mua từng cân khoai, cân hành, trái dưa hấu để cứu nông dân".

Còn đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) thì băn khoăn rằng: "Nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là con người và khu vực thiệt thòi nhất. Ngay lúc này Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương có ai có thể trả lời Quốc hội một bản kế hoạch đưa gạo hay nông sản Việt Nam vào Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan, Hàn Quốc vừa được Thủ tướng ký kết, hay sắp tới là bản kế hoạch nâng cao chất lượng, giá cả và thương hiệu Việt Nam theo một lộ trình mở cửa 1 đến 2 năm tới có được không?".

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong 10 mặt hàng nông sản của chúng ta xuất khẩu năm nay, có 4 mặt hàng giá xuống và xuất khẩu xuống, đó là gạo, cao su, cà phê và cá tra. Nhưng có 5 mặt hàng lại lên, là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả. Trong đó sắn xuất khẩu tăng tới 44%.

Trả lời câu hỏi nông dân trồng lúa bao giờ có thể làm giàu được? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng phát triển sản xuất lúa gạo vừa đảm bảo an ninh lương thực nhưng cũng để tạo điều kiện cho nông dân tăng thu nhập, ở nhiều nơi không trồng lúa thì cũng chưa thể trồng cây gì khác được. Nhưng các nhà nghiên cứu có nói rằng để cho một hộ trồng lúa sống được bằng thu nhập từ lúa thì phải có diện tích ít nhất là 2 ha. Ở Việt Nam có 4,1 triệu ha nhưng có 9,3 triệu hộ nông dân trồng lúa. Như vậy mỗi hộ nông dân trồng lúa chưa đến nửa ha, ở Thái Bình, Nam Định 0,3 ha, ở Hậu Giang 0,8 ha và vụ đông xuân, vụ hè thu này ở Hậu Giang với sản xuất lúa giá thành 3.200 đồng nhưng bây giờ đang bán được 4.200 đồng, mỗi một cân lúa được lãi 1.000 đồng, năng suất đạt cao hơn năm ngoái cũng chỉ được 6 tấn/ ha. Như vậy, nông dân trồng lúa chỉ được lãi 6 triệu đồng, nhưng với 0,8 ha chỉ còn có 5 triệu đồng/ hộ.

"Cho nên, nói làm giàu rất khó, nhưng sống được và có một nền tảng, chúng ta có rất nhiều cố gắng để hỗ trợ cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo để có thu nhập, năng suất lúa của nước ta là gấp rưỡi bình quân toàn thế giới. Tôi thấy rằng, cũng còn nhiều dư địa và chúng tôi đang xây dựng một chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo để tiếp tục làm đồng bộ hơn, căn cơ hơn để có hiệu quả cao hơn, nhưng cần phải có thời gian và phải có nguồn lực".

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ không chỉ đang diễn ra ở Việt Nam mà ở nhiều nước châu Á. Ngay các nước Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn chủ yếu là hộ nông dân sản xuất nhỏ, mặc dù họ đã phát triển ở trình độ cao hơn. Ngay cả nước Nhật 50 năm qua vẫn hộ nông dân sản xuất nhỏ quy mô chỉ tăng lên 1,5 lần. Việt Nam trong vài chục năm tới vẫn chủ yếu là hộ nông dân sản xuất nhỏ. Để có thể cạnh tranh được trong điều kiện đó, rõ ràng phải tiếp tục hỗ trợ cho nông dân sản xuất nhỏ có hiệu quả hơn với quy mô hàng hóa lớn hơn trên mảnh đất đó.

"Chúng ta hỗ trợ để các hộ nông dân liên kết lại trong các hình thức hợp tác và liên kết, chúng ta phải có nhiều doanh nghiệp hơn để làm đầu tàu dẫn dắt nông dân, hỗ trợ nông dân đi vào thị trường cạnh tranh. Sức cạnh tranh của một quốc gia được tạo nên không phải chỉ bằng hộ nông dân nhỏ mà bằng cả một hệ thống, trong đó có doanh nghiệp, có hợp tác xã, các nông dân và sự hỗ trợ của Nhà nước".

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận rằng nỗi lo lớn nhất của ông là tiêu thụ nông sản. Nông nghiệp Việt Nam bây giờ quan trọng nhất là thị trường. Trên thực tế hiện nay trừ ngô, đỗ tương và một vài mặt hàng, còn hầu hết các loại nông sản của Việt Nam làm ra dư thừa rất nhiều so với nhu cầu trong nước, làm thêm 1kg gạo là phải nghĩ đến xuất khẩu. Vì thế, phải hội nhập quốc tế để mở đường cho nền kinh tế và mở đường cho nền nông nghiệp tiếp tục phát triển.  Vì vậy trong năm 2015, một trong những giải pháp Bộ NN&PTNT đưa ra để tháo gỡ  khó khăn trong tiêu thụ nông sản là tháo gỡ rào cản về thị trường; đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường.

Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là khâu chế biến chưa tương xứng, "nông dân chúng ta rất giỏi làm nguyên liệu rất nhiều nhưng khâu chế biến của chúng ta chưa theo kịp nên trong nhiều trường hợp chúng ta vẫn phải bán nguyên liệu thô, với giá chưa có nhiều giá trị gia tăng, để tiêu thụ được thì cũng phải có doanh nghiệp, muốn chế biến được thì cũng phải có doanh nghiệp. Vì vậy phải tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cả doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI".

Theo Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, để giúp nông dân tăng thu nhập nhờ tăng giá nông sản, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ NN&PTNT nỗ lực đưa các mặt hàng nông sản xuất khẩu thâm nhập vào các thị trường mới, đặc biệt là những thị trường kỳ vọng giá trị cao nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Hiện Mỹ đã cấp phép cho thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng, vải và nhãn của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này. Xoài, vú sữa… đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để cấp phép nhập khẩu.

Thị trường Hàn Quốc hiện đã cho phép nhập khẩu thanh long (ruột đỏ và ruột trắng) của Việt Nam; hiện đang hoàn tất thủ tục cấp phép nhập khẩu cho mặt hàng xoài và tiến hành mở cửa cho mặt hàng vú sữa. Thị trường Australia đã cho phép nhập khẩu quả vải và nhãn.

Bộ Công thương đã ký 8 bản thỏa thuận (MOU/MOA) về thương mại gạo với các nước Indonesia, Ghine, Haiti, Bangladesh, Đông Timor, Comoros, Philippines, Sierra Leone; đã đề xuất đàm phán để ký với Malaysia và Trung Quốc. Tổng số lượng gạo theo các MOU/MOA và Hợp đồng Chính phủ đã ký kết giữa Việt Nam và các đối tác bình quân khoảng 5,57 - 5,62 triệu tấn/năm (trong tổng số xuất khẩu bình quân hàng năm khoảng 7 triệu tấn). Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ xây dựng lại hệ thống lưu thông, phân phối ở thị trường trong nước.

Băn khoăn về giá điện,  xăng dầu

Đã nhiều năm nay, tăng giá điện luôn là câu chuyện thời sự. Thời sự bởi tăng giá điện sẽ lập tức tác động đến giá cả các mặt hàng khác, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống của người dân. Doanh nghiệp kêu, người dân cũng kêu vì giá điện, nhưng điện vẫn cứ tăng giá. 

Đề cập tới giá điện, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói rằng, "Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ, tăng giá, tăng giá và tăng giá, tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa. Đó là điệp khúc có lẽ ra đời từ thuở khai sinh ra ngành điện lực nước nhà. Việc tăng giá điện không phải không có lý và lẽ ra việc tăng giá điện phải khiến người dân được lợi. Về lý thuyết, giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút các nhà đầu tư, và khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia và bán thì chi phí sẽ giảm, người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất. Nói vậy quá đúng, đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Xin Bộ trưởng cho biết bao giờ lý thuyết ấy đúng với ngành điện?".

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích mốc tháng 8-2013 thực hiện điều chỉnh giá điện và giữ ổn định trong suốt năm 2014, đến tháng 3-2015 mới tăng 7,5%. Theo Bộ trưởng Công thương, quy định Thủ tướng chỉ đạo về các nguyên tắc điều chỉnh giá điện, nếu các chi phí đầu vào, trong đó có giá nhiên liệu, tỉ giá và kết cấu của sản lượng điện giữa thủy điện và nhiệt điện, thay đổi đến mức buộc phải điều chỉnh thì xem xét điều chỉnh giá điện.

Nông dân miền Tây khóc bên ruộng dưa hấu vì ế.

"Chính phủ cũng cho phép nếu mức tăng dưới 10% thì giao Bộ Công thương và Tài chính chủ trì, trên 10% mới báo cáo Chính phủ. Vừa qua ngành điện đề nghị 3 phương án tăng 7,5%, 9,5% và 12%. Lần này khác các lần trước, không chỉ hai bộ trên mà cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước, cùng nghe ngành điện trình bày một cách cẩn trọng".

Về lý do giá điện chỉ tăng mà không giảm, Bộ trưởng Công thương giải thích, trước đây giá bán điện duy trì cơ chế bao cấp nên thấp. Bắt đầu từ năm 2014 giá bán mới cao hơn giá thành, nhưng vẫn chưa phải giá thị trường và cũng không dám tăng thường xuyên, phải theo lộ trình và theo nguyên tắc thị trường đảm bảo yếu tố xã hội.

"Đúng là mỗi khi đứng trước việc phải điều chỉnh giá, nhất là điện, với trách nhiệm Bộ được giao nhiệm vụ chủ trì, chúng tôi băn khoăn vì biết rằng việc điều chỉnh giá sẽ tác động tới cuộc sống người dân, nên trong tính toán đã cẩn trọng để giá theo đúng theo thị trường không bù giá và giảm thiểu mức tối đa ảnh hưởng tới đời sống người dân nghèo, thu nhập thấp và nông dân. Vừa qua chúng ta đã làm tương đối tốt việc điều chỉnh giá điện" - Bộ trưởng Công thương chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đến nay, điện bắt đầu giá bán cao hơn giá thành, theo lộ trình đến năm 2016 sẽ hoàn chỉnh cơ chế bán điện theo cơ chế thị trường.

Một mặt hàng khác mà mỗi lần tăng giá cũng lập tức tác động tới đời sống là xăng dầu. Mặc dù xăng đã tăng,  giảm giá theo giá thế giới, tuy nhiên việc tăng giá luôn được thực hiện nhanh hơn giảm giá. 

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: "Bộ Công thương có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ điều hành giá xăng dầu hiện nay sang cơ chế thị trường như các nước trong khu vực? Khi nào chuyển sang cơ chế thị trường để người tiêu dùng có quyền lựa chọn mua?".

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thời điểm này, việc nhập khẩu, kinh doanh và điều hành giá xăng dầu đã từng bước theo lộ trình cơ chế thị trường. Theo quy định của Nghị định 83, giá sản phẩm xăng dầu thế giới trong vòng 15 ngày nếu có sự thay đổi theo chiều hướng tăng hay giảm thì đến ngày thứ 16, Bộ Công thương cũng sẽ điều chỉnh tăng giảm cho phù hợp. Tuy nhiên, vì giá xăng dầu có tác động trực tiếp đến nền kinh tế, sản xuất kinh doanh cũng như đời sống nhân dân, nên Nhà nước có sử dụng công cụ thuế và Quỹ Bình ổn giá để trong trường hợp có tăng giá mặt hàng này cũng không ảnh hưởng nhiều đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.

"Bộ Công thương nhận trách nhiệm về việc này và xác nhận đúng là giá điện, xăng dầu đã và đang tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Bộ Công thương cam kết sẽ làm hết trách nhiệm của mình trong việc việc điều hành giá mặt hàng này chuẩn xác nhất phục vụ tốt nhất cho đời sống của người dân, trong đó tập trung đến chú ý đến các hộ nghèo" - Bộ trưởng Công thương hứa trước Quốc hội.

Bộ trưởng đã hứa, người dân đã nghe và đang mong những lời hứa ấy sớm trở thành hiện thực.

Nguyễn Thiêm
.
.