Góc tối thị trường đấu giá tác phẩm nghệ thuật

Thứ Sáu, 02/02/2018, 16:56
Học giả Philip Hook đã đưa ra một nhận định không phải không xác đáng: "Lịch sử kinh doanh nghệ thuật là lịch sử của những câu chuyện điên rồ và lừa đảo đan xen với khôn khéo, cảm hứng và đôi khi xuất hiện cả những hành động anh hùng, quả cảm."

Tổng kết thị trường nghệ thuật toàn cầu từ năm 2000 đến 2017, doanh số mảng nghệ thuật đương đại đã tăng gần 14 lần. Trong khi đó, số lượng người "mua nghệ thuật" cũng ngày càng đông lên, từ khoảng 500.000 người trong thập niên 1950 đã lên đến gần 70 triệu vào giữa thập niên 2010.

Các hội chợ nghệ thuật lớn như Maastricht, Basel và New York, tất cả đều cạnh tranh với các nhà đấu giá Christie's, Phillips và Sotheby's.

Học giả Philip Hook trong cuốn sách mới nhất của ông nhan đề Rogues' Gallery, ấn hành vào giữa năm 2017, đã đưa ra một nhận định không phải không xác đáng: "Lịch sử kinh doanh nghệ thuật là lịch sử của những câu chuyện điên rồ và lừa đảo đan xen với khôn khéo, cảm hứng và đôi khi xuất hiện cả những hành động anh hùng, quả cảm."

Bài 1: "Hổ chết để da, người ta chết để tiếng"

Các yếu tố "làm giá"

Những họa phẩm đầu tiên trên thế giới bắt đầu xuất hiện từ kỷ Băng Hà, khi loài người bắt đầu di chuyển khỏi những vùng duyên hải ven các đại dương để tiến sâu vào vùng đồng bằng màu mỡ hay vùng cao nguyên với nguồn cung thực phẩm dồi dào. Ban đầu, con người vẽ lên các bức tường trong hang động những gì mà họ nhìn thấy ở xung quanh - đồng loại, gia súc, cảnh săn bắn.

Cách đây 40.000 năm, một nghệ sĩ - có lẽ danh xưng này cũng bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ này - ở miền Tây Nam một quốc gia châu Âu tạc hình bức tượng cao 30cm, có chân và tay như một người bình thường nhưng lại mang đầu sư tử. Loài nhân sư này có tồn tại trên đời thực hay là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người thì chưa thể minh xác nhưng có thể coi đây là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên trên thế giới.

Từ đó đến nay, các tác phẩm nghệ thuật đã trở thành món hàng hóa quý giá có thể mang ra đổi lấy những vật phẩm có giá trị tương đương và sau đó là chủ thể của những cuộc mua đi bán lại. Thị trường nghệ thuật như chúng ta biết đến ngày nay bắt đầu nổi lên kể từ thế kỷ XVIII. Trước đó, các tác phẩm nghệ thuật được đặt mua trực tiếp từ các nghệ sĩ, chủ yếu bởi những khách hàng quen thuộc từ những gia tộc giàu có và quyền lực.

Đông đảo người mộ điệu và giới sưu tập nghệ thuật tham dự một phiên đấu giá của nhà đấu giá Christie's.

Các nhà sưu tập khác bắt đầu nổi lên sau cuộc cách mạng công nghiệp gắn liền với sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ở châu Âu. Nhà đấu giá nổi tiếng Christie's được thành lập năm 1766. Những nhà môi giới kết nối người bán và người mua với nhau xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ XIX.

Mô hình đấu giá nghệ thuật qua các nhà đấu giá xuất hiện trên thế giới từ cách nay khoảng 300 năm, như nhà đấu giá Sotheby's là 273 năm, Christie's là 251 năm. Các nhà đấu giá lớn đều có hệ thống giúp người mua có thể trực tiếp đấu giá từ khắp nơi trên thế giới, cũng như các dịch vụ tư vấn, tài chính đi kèm.

Trải qua hơn 2 thế kỷ, hiện thị trường nghệ thuật đã phát triển thành một thị trường khổng lồ. Châu Á đang là thị trường vô cùng rộng lớn và có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đấu giá. Tổng doanh số ở châu Á năm 2016 của Christie's là khoảng 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 734 triệu đôla Mỹ nếu so với năm 2015, chiếm 31% doanh số toàn cầu của Christie's.

Jussi Pylkkanen, chủ tịch toàn cầu của Christie's, cho biết trên tạp chí  "Post Magazine": Những người đấu giá từ Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung đang là "nguồn năng lượng khó cạn" trên thị trường hiện nay, mối quan tâm và khát khao sở hữu của họ đang vượt quá nguồn cung trên thị trường thế giới.

Giá trị phi tài chính của những tác phẩm nghệ thuật là gì? Có lẽ đây là câu hỏi khó trả lời nhất nhưng lại quan trọng nhất về thị trường này. Không phải ai nhìn vào vòng tròn do các vũ công tạo ra trong bức "Vũ khúc" của Matisse hay bức chân dung người mẹ của Rembrandt cũng có thể nhận ra đó chính là những kiệt tác. Cảm nhận một tác phẩm nghệ thuật là khi người thưởng lãm có cảm giác bản thân như đắm chìm trong câu chuyện kéo dài vô tận ẩn chứa trong tác phẩm. Đó chính là giá trị chân thực nhất của một tác phẩm nghệ thuật.

Bên cạnh đó, các xu hướng và sự khan hiếm cũng góp phần chi phối thị trường nghệ thuật hiện đại. Sự thừa nhận của công chúng với tác phẩm cũng có vai trò rất quan trọng, ví dụ như tác phẩm đó có liên hệ với 1 nhà sưu tập vĩ đại (như David Bowie), tác phẩm đã từng được trưng bày tại một triển lãm nổi tiếng hoặc được thừa nhận là một phần của lịch sử nghệ thuật.

Có nhiều yếu tố để định giá một bức tranh, bức điêu khắc… nói chung là tác phẩm nghệ thuật, trong đó bao gồm: Tính nguyên bản và số lượng giới hạn tác phẩm; chi tiết liên quan đến "dấu ấn" của tác giả (chữ ký hay những ký hiệu trên tác phẩm); kích cỡ, chủ đề, năm sáng tác, chất liệu; hiện trạng tác phẩm; lịch sử sở hữu tác phẩm và các dữ liệu đi kèm: quá trình, kết quả đấu giá, mối quan tâm của người giao dịch; bảo tàng sở hữu trưng bày; số lượng các ấn phẩm từng đề cập tới nghệ sĩ, tác phẩm… có phân tích chuyên sâu về tầm quan trọng và ý nghĩa của nó tương quan tới bối cảnh tác phẩm ra đời.

Bán một bức tranh không đơn giản chỉ vì giá trị nghệ thuật của nó, còn rất nhiều yếu tố khác chi phối khiến giá trị bức tranh đó "đội giá" một cách khủng khiếp.

Ví dụ như tranh của Van Gogh, đương thời chúng không được đánh giá cao và rất khó bán khiến cuộc sống của ông vô cùng bần hàn. Mãi sau khi danh hoạ này chết thì cuộc đời chìm nổi, sóng gió và quyết liệt vì lý tưởng nghệ thuật của ông mới làm hàng triệu người xúc động. Số phận của tác giả càng bi thảm bao nhiêu thì tác phẩm của người đó sau này càng đắt giá bấy nhiêu bởi các nhà tỷ phú quyết tâm dốc hầu bao mua bằng được nhằm thoả mãn cơn khát: Nghệ thuật + huyền thoại + sự xả thân vì lý tưởng nghệ thuật cao cả.

Giải mã hiện tượng thiên tài Pablo Picasso

Tác phẩm nghệ thuật đắt nhất từ trước tới nay từng được bán đấu giá là bức tranh "Những người phụ nữ Algiers" (Phiên bản 0) của danh họa Pablo Picasso. Một nhà sưu tập người Trung Đông đã chi 179,4 triệu USD để mua nó vào năm 2015 và giấu kín bức tranh không cho phép mang tới bất kỳ cuộc trưng bày công khai nào. Hình ảnh những người phụ nữ đầy gợi cảm khiến bức tranh này nhiều khả năng sẽ không bao giờ được trưng bày ở Trung Đông, nhưng nó khiến nhiều người choáng váng vì mức giá cao kỷ lục.

Cùng với tranh của danh họa người Hà Lan Van Gogh, cái tên Picasso trong thế giới hiện đại đã gắn liền với các kỷ lục về những bức họa đắt giá nhất thế giới. Điều đáng nói là đối với nhiều người, tranh của ông có vẻ như "không đáng" đến mức có thể có  giá trị cao như vậy. Vậy thì đâu nguyên nhân khiến những bức họa khó hiểu của ông đắt giá như vậy?

Danh họa Pablo Picasso trong xưởng vẽ của ông.

Pablo Picasso được xem là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất của thế kỷ XX, ông cùng với Georges Braque là hai người sáng lập trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc. Theo đánh giá xếp hạng của tạp chí The Times, Anh, ông là một trong 10 họa sĩ vĩ đại nhất trong top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ XX. Phong cách vẽ của ông trải qua rất nhiều trường phái, từ Hiện thực, Ấn tượng, Dã thú đến Biểu hiện, Lập thể, Siêu thực v.v… trường phái nào ông cũng đều thành công.

Sinh thời, Picasso thực hiện khoảng 50.000 tác phẩm, bao gồm gần 2.000 bức tranh, hơn 1.200 bức điêu khắc, gần 3.000 tác phẩm gốm, 12.000 bản vẽ, hàng nghìn bức tranh in từ những bản khắc… Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật của ông được đồng nghiệp tán thưởng và khâm phục vì tạo hình đột phá, kỹ thuật hoàn hảo, biểu cảm mãnh liệt… 

Ông giao tiếp rộng rãi, lại vẽ liên tục nên nhiều tác phẩm được "lăngxê" từ khi chưa hoàn thành và như thế lại càng thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu. Mỗi tác phẩm của Picasso khi xuất hiện trên thị trường đều có giá từ triệu đô cho tới trăm triệu đô.

Nếu trước kia, người ta thường nói "đẹp như tranh vẽ" thì đối với nghệ thuật hiện đại, vẻ đẹp lại cần huy động nhiều tới trực giác, sự sâu lắng của tâm hồn khi đứng trước nó. Cái đẹp ở đây không dừng lại ở hình thức biểu cảm mà còn ở chiều sâu lắng đọng, đa chiều, đòi hỏi người thưởng thức phải nắm lấy tinh thần, ẩn ý của tác giả.

Được xem là "bậc thầy hư hỏng" với sự nghiên cứu hàn lâm nghệ thuật tinh thông, ông trở thành người phá cách, với ý tưởng đi tìm một con đường mới, con đường của nghệ thuật hiện đại. Picasso trở thành người tiên phong và hoàn toàn khác biệt của một trường phái nghệ thuật do chính mình sáng lập.

Nếu như để xây dựng một con đường, một trường phái cần rất nhiều bàn tay kiến tạo. Thời Phục hưng, những bậc thầy như Leonardo da Vinci, Michael Angello, Raffael,... và rất nhiều họa sĩ khác cùng nhau xây dựng nên. Thì hội họa đương đại lại mang tính cá nhân, phá cách... mà Picasso chính là người đầu tiên làm được. Một cậu thiếu niên khi mới 16 tuổi đã chống lại lối vẽ cổ điển hàn lâm, đi ngược lại con đường của các bậc thầy, do đó tranh của ông còn mang tính cá nhân rất cao.

Nhưng Picasso không phải là kẻ cứng đầu và thiển cận, trước khi lựa chọn lối đi này, ông đã dày công học hỏi, nghiên cứu của nhiều trường phái của nhiều bậc thầy. Hơn nữa Picasso muốn phá vỡ mọi qui cách, ước lệ ở thời đó, một sự hoà nhập phi thường cho một cá tính riêng biệt và đưa dẫn những họa nhân khác đổi mới tư duy để cùng nhau hội nhập một thời đại mới dưới nhiều sắc thái khác nhau.

Leonard Da Vinci từng nói: "Khi trau dồi nghệ thuật,phải học cho đúng kỹ thuật căn bản trước, nhưng khi học xong rồi thì từ từ quẳng cái căn bản đó đi".

Picasso đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng những thứ căn bản ấy và rồi ném nó đi để trở thành người đặc biệt của hội họa hiện đại. Ông chính là một "Einstein thiên tài" của giới hội họa, những sáng tác của ông có lẽ phải rất lâu sau chúng ta mới có thể hiểu được như những gì Einstein từng làm vậy.

Hơn nữa, trong đời thực, Pablo Picsso được xem là huyền thoại của lối sống tự lập, đi lên từ nghèo khó. Với niềm đam mê mãnh liệt, sức sáng tạo vô bờ bến, ông được công chúng yêu thích nghệ thuật "săm soi" cả những rắc rối trong đời sống tình ái phức tạp của mình.

Như trên đã đề cập, đa số các kiệt tác hội họa lại không mấy nổi tiếng lúc tác giả còn sống, nhiều khi tác giả còn không thể bán tranh của mình. Thế nhưng, trớ trêu là sau khi họ mất đi, những bức tranh của họ lại có một cái giá mà có lẽ bản thân họa sĩ cũng "không thể tin nổi" nếu biết được.

Những nhà sưu tập tranh ban đầu cũng thường mua chúng với cái giá khá "bèo" nhưng theo thời gian, chúng lại có thể đem ra bán đấu giá với giá trị cao ngất ngưởng và những người kế thừa bức tranh sau này lại càng sở hữu tác phẩm giá trị tăng theo thời gian. Một "món thừa kế" mà những người đi trước để lại cho con cháu. Do đó càng làm tăng mong muốn sở hữu "con gà đẻ trứng vàng" này. "Một vốn bốn lời" và cứ thế tăng theo thời gian.

Ví dụ: Bức "Cậu bé cầm tẩu thuốc" được hai vợ chồng ông Whitney mua từ năm 1950 với giá 30.000 USD để sau này đạt tới mức giá 104 triệu USD. Hai ông bà Witney là những nhà từ thiện lớn, từng có địa vị xã hội cao - tên tuổi của họ một lần nữa tăng thêm huyền thoại cho bức tranh, mà huyền thoại ở đây lại có thể quy ra tiền.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.