Hành xử tùy tiện với di sản văn hóa
Hai vụ việc là hồi chuông báo động về thói hành xử tùy tiện với di tích, bảo vật quốc gia từ chính những người quản lý, gìn giữ di sản.
Di tích, bảo vật quốc gia kêu cứu
Mới đây, công chúng không khỏi phẫn nộ khi tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) và tháp Đôi (thành phố Quy Nhơn) thuộc quần thể tháp Chăm cổ tại Bình Định bị khoan nhiều chỗ để lắp giàn sắt thép gắn dòng chữ quảng bá du lịch. Đây đều là di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Những người yêu du lịch và cư dân địa phương phản ánh một số công nhân đã khoan, đục vào tường gạch, bắt vít lắp đặt giàn sắt thép vừa gây mất mỹ quan vừa làm hỏng kết cấu ngàn năm của khối gạch cổ.
Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Bình Định thừa nhận biển quảng bá trên hai tháp do Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định (thuộc Bảo tàng Bình Định) thực hiện. Ông cho rằng mục đích của việc gắn bảng quảng bá là để du khách có điểm chụp ảnh kỷ niệm, đồng thời giới thiệu cho du khách về tên tháp, giá trị mỹ thuật của tháp.
Dòng chữ gắn trên các tháp đã được Bảo tàng xin ý kiến Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa và Thể thao. Nhưng việc khoan vào tháp lại không xin ý kiến vì "thấy đơn giản nên tự ý làm luôn”. Nhận được thông tin phản ánh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định đã yêu cầu Bảo tàng nhanh chóng tháo dỡ ngay biển hiệu. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng việc tự ý khoan đục tháp Chăm là sai phạm trong quản lý di tích, vi phạm Luật Di sản.
Bản gốc bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc”. |
Trước đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có kết luận báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau quá trình kiểm tra bảo vật quốc gia - bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí khi nhận thông tin phản ánh Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh làm vệ sinh khiến tác phẩm xuống cấp. Đầu tháng 4, giới họa sĩ bức xúc lên tiếng về việc bức tranh trông khác lạ so với nguyên bản.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt – học trò thân tín của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí - cho biết bức tranh bị hư hỏng phần lớn bề mặt. Nhìn bề mặt tranh trơn láng, các họa sĩ đoán rằng người làm vệ sinh không hề am hiểu về sơn mài nên đã dùng bột chu để làm sạch hoặc sơn PU phủ lên bức tranh. Họa sĩ Nguyễn Trung Tín cho hay bột chu có tính ăn mòn. Trong khi lớp phủ bên trên mặt tranh chính là màu thời gian, giúp cho sơn mài cổ kính hơn nhưng đã bị bột chu “tẩy rửa” đi.
Sau quá trình kiểm tra, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định Bảo tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh có xây dựng kế hoạch bảo quản phòng ngừa tác phẩm, tuy nhiên kế hoạch này không ghi ngày tháng năm lập kế hoạch. Cả kế hoạch và dự trù kinh phí đều xác định công việc là tháo tranh ra khỏi khung, kiểm tra, gia cố lại khung và làm vệ sinh bề mặt tranh và mặt sau của tranh. Bảo tàng có tờ trình về việc vệ sinh bảo quản tác phẩm và được Sở Văn hóa và Thể thao chấp thuận hồi cuối tháng 8-2018.
Sau khi được làm vệ sinh, tinh thần bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” bị hư hại trên 30%. |
Tuy nhiên, Bảo tàng lại giao việc bảo quản, vệ sinh tác phẩm cho ông Lưu Minh Phụng, thợ sơn mài ở TP Hồ Chí Minh khi người này không có hiểu biết về hội họa sơn mài. Do không có sự giám sát của giới chuyên môn, ông Phụng sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức bề mặt tranh. Tác phẩm bị mất lớp sơn bề mặt nên sự liên kết giữa các mảng sơn, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn uyển nhã, huyền ảo.
Theo kết luận của Cục, xét ở góc độ tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn thì tác phẩm đã bị hư hại khoảng trên 30%. Còn về mặt vật chất bề mặt, tác phẩm bị hư hại khoảng 15%. Các mảng vỏ trứng bị mài mòn, bị trơ ra, trắng bệch, trắng vôi, mảng dát vàng bị mài mòn. Nét và các mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, trơ, mất đi sự tinh tế, uyển chuyển đan xen giữa mảng và nét.
Ông Vi Kiến Thành khẳng định, tác phẩm là bảo vật quốc gia nên cần phải lưu giữ, bảo quản, ứng xử ở chế độ đặc biệt. Do vậy, ông kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cần phải chỉ đạo Bảo tàng lập dự án tu sửa tác phẩm một cách thận trọng, khoa học, khắc phục sự hư hại hiện tại ở mức độ tốt nhất. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng mức độ hư hại theo đánh giá của các họa sĩ sơn mài uy tín và hội đồng khoa học, Bảo tàng cần xây dựng phương án và giải pháp tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh.
Quá trình tu sửa, phục hồi tác phẩm được giao cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt và các họa sĩ có chuyên môn, uy tín cao trong nghề làm tranh sơn mài. Quá trình này cũng có sự phối hợp giám sát của Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt thẳng thắn: “Ngoài việc thay đổi ánh sáng trưng bày thì còn có phương án khác là giải quyết cho màu trắng của trứng chìm xuống, có thể thêm vàng một vài chi tiết cho tranh cân bằng lại. Việc tu bổ sẽ kéo dài ít nhất 10 - 15 năm. Thế nhưng, dù tu bổ kiểu nào thì chúng ta vẫn chỉ khôi phục được 80% chứ không thể trả tranh về hiện trạng như xưa”.
Cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí – tác giả bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc”. |
Thả nổi công tác bảo quản, gìn giữ di sản văn hóa?
Cụm di tích tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp có niên đại lâu đời, mở ra một phong cách mới của kiến trúc Chăm ở Bình Định. Riêng tháp Đôi là công trình kiến trúc được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ XII với kết cấu hai khối liền kề. Đây đều là những di sản mang giá trị văn hóa, lịch sử ngàn năm, không ngừng thách thức các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm hiểu và giải mã các bí ẩn cũng như kỹ thuật điêu luyện của người xưa.
“Vườn xuân Trung Nam Bắc” có kích thước 5,4m x 2m và từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Đây là một trong những kiệt tác của bậc thầy tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí, được ông sáng tác ròng rã trong 20 năm (từ năm 1969 đến 1989) khi cơn tai biến vẫn không ngừng hành hạ. Có thể nói đây là bức tranh mà danh họa trút hết tài năng, hồn cốt và tổng hợp tuyệt kỹ trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài.
Năm 1990, bức tranh được UBND TP Hồ Chí Minh mua tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh với giá 100.000 USD. Đây là số tiền cực kỳ lớn, gây chấn động giới hội họa thời đó. Với những giá trị đỉnh cao và tiên phong, bức tranh được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Đến năm 2018, bức tranh được các chuyên gia, nhà giao dịch nghệ thuật ước đoán giá trị đã lên đến 10 triệu USD.
Giờ đây, nhiều người cho rằng dù có tu bổ thì tinh thần tác phẩm đã mất, mà tinh thần mất thì bức tranh không khác gì phế liệu! Tương tự, với hai tháp Chăm bị xâm hại, dù tháo dỡ biển quảng cáo nhưng những lỗ khoan, đục trên tháp vẫn là thứ không gì có thể khắc phục được.
Khi biết bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” bị đem ra làm vệ sinh, giới mỹ thuật ngã ngửa vì tuổi đời của bức tranh còn khá trẻ. Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nói thẳng: “Tranh sơn mài không cần “vệ sinh”. Hơn nữa, tác phẩm này mới có 30 năm, không cần phục chế nếu không bị hư hỏng”.
Tháp Đôi ở Thành phố Quy Nhơn, Bình Định bị khoan đục để gắn biển quảng bá du lịch. |
Còn họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì thốt lên: “Làm vệ sinh” là thuật ngữ do Bảo tàng đặt ra. Không hiểu người ta nghĩ gì về khái niệm "tranh dơ". Có “dơ” mới có chữ vệ sinh! Tranh mất vệ sinh chăng? Tài sản quốc gia mà mất vệ sinh do ai! Tác giả? Cách và phương tiện bảo quản? Người bảo quản không chuyên nghiệp?”.
Thật chua xót khi tranh của các họa sĩ danh tiếng Việt Nam bị làm nhái, làm giả tràn lan và được giới sưu tầm quốc tế tranh nhau mua với giá cao ngất ngưởng thì Việt Nam lại không biết trân trọng khi có trong tay các bảo vật vô giá. Chính ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thừa nhận, dù là bảo vật quốc gia nhưng “Vườn xuân Trung Nam Bắc” được bảo quản trong điều kiện chăm sóc tối thiểu và phải đến năm 2018 thì phòng trưng bày tác phẩm này mới được lắp máy lạnh.
Tuy nhiên, chính thái độ ứng xử tùy tiện, thiếu hiểu biết, yếu kém chuyên môn của không ít các cấp quản lý đang hủy hoại di sản dân tộc. Nhiều người không hiểu nổi tại sao hai vụ việc đau lòng trên lại diễn ra khi chúng ta có không ít bài học nhãn tiền do bảo quản, tu bổ, quản lý bảo vật, di tích không đúng cách, không đúng quy định. Điển hình là các vụ sai phạm ở chùa Trăm Gian, đình Lương Xá (Hà Nội), đình Ngọ Xá (Bắc Giang), đền Lành Giang (Hà Nam), tháp Bình Thạch (Tây Ninh)...
Quan sát cách làm việc của nhiều bảo tàng uy tín trên thế giới, một chuyên gia giấu tên cho hay việc bảo quản, tu bổ tác phẩm bình thường đã tuân thủ nghiêm ngặt từng bước, huống hồ là quốc bảo, di tích quốc gia. “Đầu tiên, bảo tàng phải tổ chức kiểm tra hiện trạng tác phẩm và họp bàn với các cấp quản lý, hội đồng chuyên môn. Nếu nó xuống cấp, cần phải tu bổ, bảo vệ thì ban quản lý phải mời họa sĩ đến (nếu họa sĩ còn sống) để trao đổi, bàn giải pháp. Chính người họa sĩ đó sẽ đích thân thực hiện quá trình sửa chữa, tu bổ… Nếu họa sĩ đã mất thì bảo tàng phải mời những người am hiểu nhất về bút pháp, phong cách của họa sĩ đó để có thể tu bổ đúng cách. Đó là với tác phẩm bình thường, còn tác phẩm thuộc diện bảo vật quốc gia thì các khâu còn nghiêm ngặt hơn” – vị này nói.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi lưu giữ gần 20.000 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị, trong đó có bộ sưu tập tác phẩm của các thế hệ họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có thể coi là bảo tàng hiếm hoi thành lập Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật từ năm 2006. Tuy vậy, với những tác phẩm có giá trị cao hoặc thuộc diện bảo vật quốc gia, Trung tâm vẫn phải mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.
Điển hình như việc tu sửa, bảo quản bảo vật quốc gia - bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Anh quốc. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho hay công tác bảo quản, tu sửa, phục chế tác phẩm mỹ thuật hiện nay rất cấp bách và đòi hỏi đội ngũ nhân lực hiểu biết, tay nghề cao. Tuy nhiên nước ta lại chưa có nơi đào tạo chuyên ngành này.
Phần nữa, di tích, bảo vật quốc gia bị hư hại cũng là hậu quả nhãn tiền khi lâu nay, chúng ta chưa hề có hướng dẫn cụ thể về chế độ bảo quản nghiêm ngặt đối với bảo vật quốc gia. Từ vụ việc của bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tức tốc đề nghị Cục Di sản văn hóa sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia.
Điều đáng buồn là sau những vụ việc đau lòng trên, không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi gây ra hậu quả đau lòng vì cách hành xử tùy tiện. Lặp lại vẫn là “bài ca”: cần rút kinh nghiệm sâu sắc!