Hình tượng lợn trong tranh dân gian

Thứ Bảy, 09/02/2019, 09:30
Người ta vẫn nói rằng, những chú lợn tượng trưng cho sự nhàn nhã và sung túc. Con lợn cũng là một con vật gắn bó lâu dài, bền chặt với con người. Thậm chí, hình ảnh heo đất được dùng như là một biểu tượng về tài chính.

Có lẽ chính vì vậy, từ thuở xa xưa, hình ảnh con lợn đã đi vào dòng tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, trở thành một biểu tưởng cho văn hóa lâu đời của cha ông ta...

Không khí vào Tết khẩn trương với những nghệ nhân ở làng tranh Kim Hoàng, Vân Canh, Hà Nội. Theo tài liệu, dòng tranh dân gian Kim Hoàng được hình thành vào nửa sau thế kỉ 18. Tranh Kim Hoàng khi ấy là một dòng tranh mới kết hợp cả hai kỹ thuật Đông Hồ và Hàng Trống.

Năm 1915 nạn lụt lớn đã cuốn trôi mất khá nhiều ván in. Tiếp theo là mất mùa, đói kém, dòng tranh này suy thoái đến năm 1945 thì mất hẳn. Hiện chỉ còn vài tranh như “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”, “Thần kê”, “Lợn” (hai tranh sau này còn ván in lưu giữ tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam). Một số tranh khác in trong tài liệu xuất bản của người Pháp.

"Đàn lợn âm dương" - Tranh dân gian Đông Hồ.

Tuy còn lại rất ít, Kim Hoàng cũng đã lưu giữ lại được những bức tranh đẹp, trong đó có tranh vẽ lợn đẹp chẳng kém tranh Đông Hồ. Trên nền đỏ của giấy điều là con lợn được in bằng mảng đen với các nét vẽ thêm vào bằng màu trắng, cái đẹp của sự tương phản giữa đỏ - đen - trắng làm cho tranh có vẻ khúc chiết, cô đọng, mang tính tượng trưng. Nếu như tranh lợn Đông Hồ được ca ngợi bởi nhịp điệu của hình, các đường lượn của nét khắc, với dáng chắc khỏe, chắt lọc của con vật trong thế vững chãi thì con lợn trong tranh Kim Hoàng khác hẳn. Nó có vẻ tạo hình phóng túng hơn và ít chiều theo sự mô phỏng tự nhiên hơn.

Hình tượng con lợn được cách điệu nhiều hơn, với nét vẽ tay phóng khoáng; cái mũi với hai lỗ mũi đã biến mất, thay vào đó là một hình dáng như một họa tiết mây trong vốn cổ. Cái tai chỉ là một họa tiết hình xoắn ốc với các nét phẩy bút song song hướng về phía sau, khác hẳn với các chi tiết về cấu tạo như tranh lợn Đông Hồ. Không có xoáy âm dương mà thay vào đó là các nét vẽ dọc thân để làm nhịp của hình thêm vui.

Tranh Kim Hoàng ban đầu được in nét đen lên giấy hồng điều bằng một màu đen nhạt nhằm mục đích đánh dấu hình để tô màu. Sau đó, theo bản hình đã in trên giấy, tranh được dậm màu đặc lên trên, gọi là “chấm màu”, vì thế mặt tranh Kim Hoàng có màu đậm như tranh Đông Hồ nhưng vì chấm bằng tay nên màu sắc lại có độ chuyển như tranh Hàng Trống…

Phong bao lì xì in hình tranh dân gian.

Về tranh lợn của Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ: Các chú lợn trong tranh dân gian Đông Hồ đều có đặc điểm chung là béo tròn thể hiện sự no đủ, được vẽ theo dáng trông nghiêng. Nghệ nhân sáng tác theo chiều này nhằm làm nổi bật hình dáng béo tốt của con lợn.

Trên thân mình lợn đều có hai hình xoáy âm dương nằm phía trên ngang mình lợn, vị trí gần vai và mông, phía trên của hai chân (trước và sau), thu hút sự chuyển động, làm cho ta càng có cảm giác như thấy con lợn có dáng sinh động thể hiện sự sinh sôi, phát triển. Nó vừa là cái đẹp hữu hình, vừa ẩn chứa quan niệm về ngũ hành. Tất cả các hình ảnh đều có bố cục khoẻ mạnh và giản dị, giàu chất trang trí, cách điệu đậm đà, chứa đựng ước muốn của người nông dân về tăng gia sản xuất, về cuộc sống sung túc, đông vui hoà thuận, hạnh phúc, con cháu đầy đàn, no đủ.

Chẳng hạn, tranh “Đàn lợn âm dương” (lợn mẹ và đàn con vây bên cạnh), tranh “Lợn độc” (một con lợn đang ăn bên bồn), tranh “Lợn ăn cây dáy” (con lợn đang nhai cây dáy). Trong mỗi bức tranh, cái đuôi lợn có những thay đổi linh hoạt, nhưng có điểm chung nhất là lông cuối đuôi đều được cách điệu như một chiếc quạt hình lá đề và đều quay ra phía trước.

Các nghệ nhân thường thể hiện đảo ngược điểm nhìn của lông đuôi và mũi lợn, kể cả tai lợn – đều theo hướng trông thẳng, trên toàn thân lợn trông nghiêng pha chút kiểu nghệ thuật bản năng nguyên thuỷ - vẽ mặt nghiêng nhưng mắt lại cho quay ra phía trước, làm cho hình tượng trong tranh thêm sống động. Các chú lợn trong tranh thường có mặt to, tai lớn, mắt có vành mi.

Mõm lợn nghiêng nhưng mũi lại gần như quay ra hướng chính diện, tạo dáng ngồ ngộ và động. Chú lợn nào cũng đều có 3 ngấn ở mõm. Các nghệ nhân bao giờ cũng không quên vẽ thêm hai ngấn mép để thể hiện hình dung chú lợn đang ăn ngấu nghiến. Bàn chân lợn có 3 móng, trông rất vững. Lưng lợn với độ cong hơi võng, được thể hiện bằng một hoặc hai nét to bản.

Điều mà các nghệ nhân vẽ tranh bao giờ cũng tuân thủ nghiêm ngặt đó là luôn chú ý vẽ nét to, dầy ở ngấn thủ (phần đầu lợn), chân trước, vòng bụng và nét ngấn của bắp đùi sau. Hình dáng và đường nét to dầy đã tạo nên con lợn có dáng béo, khoẻ, vững chãi, thể hiện ý tưởng ước muốn về phồn thịnh của tăng gia sản xuất, đời sống ấm no hạnh phúc thanh bình.

Cho dù ngày nay, tranh dân gian Đông Hồ hay Kim Hoàng đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi vì không còn nhiều người trẻ theo đuổi nghề, trong khi các nghệ nhân lớn tuổi cũng ngày càng già yếu. Tuy nhiên, đã có nhiều dự án nhằm khôi phục và gìn giữ làng nghề để làng tranh Đông Hồ và làng tranh Kim Hoàng vực lại trong thời gian tới.

Một năm Kỷ Hợi đang đến với nhiều điều mới mẻ. Hy vọng những chú lợn với sự tròn đầy, no đủ sẽ mang lại một năm mới khỏe mạnh, an lành, may mắn không chỉ cho người dân làng tranh, mà với tất cả mọi người...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.