Họa sĩ tài hoa Nguyễn Thị Mỹ: Người vẽ nên những ước mơ...

Thứ Năm, 01/03/2018, 20:28
Căn nhà của bà và các con cháu ngập tràn hoa. hoa lay động theo làn gió nơi ban công, hoa đang lặng lẽ tỏa hương trong những bức tranh. Những bông hoa đẹp và được chi chút từng cánh mỏng, từng chiếc lá non tơ bởi bàn tay nữ họa sĩ tài hoa Nguyễn Thị Mỹ, nhìn vào, chợt thấy lòng trở nên nhẹ nhàng và thánh thiện.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ là con gái Hà Nội, bà là con gái út trong một gia đình đông anh chị em và được chiều chuộng từ bé. Không giống ai trong gia đình, bà bộc lộ năng khiếu hội họa từ khi còn bé và khi học xong cấp ba, bà thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Công nghiệp.

Ra trường bà xin vào làm thiết kế quảng cáo cho Công ty Mỹ nghệ Hà Nội (thuộc Bộ Ngoại thương). Công việc tại nơi này gần như đã gắn bó với bà suốt cả quãng thời gian công chức cho đến ngày bà nghỉ hưu.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ yêu và kết hôn với nhà văn Bùi Bình Thi năm 1967. Mối tình đẹp ấy đã được nhà văn Bùi Bình Thi nhiều lần kể chuyện với bạn bè. Ngày ấy, bà Mỹ là bạn học phổ thông cùng nhà văn Đỗ Chu nên được ông giới thiệu làm quen với nhà văn Bùi Bình Thi. Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ nhớ lại rằng, hồi ấy nhà văn Bùi Bình Thi có vẻ ngoài khá gầy gò, nói chuyện hóm hỉnh và đặc biệt tính tình rất chu đáo, nhiệt tình với mọi người.

Nhà văn Bùi Bình Thi và họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ khi còn trẻ.

Gặp ông giây phút ban đầu chưa để lại ấn tượng gì sâu đậm và hai người là bạn bè trong một thời gian khá dài, nhưng rồi, như là thiên định, cuối cùng họ đã trở thành vợ thành chồng như là duyên kiếp, để rồi sau đó, bà sinh cho ông hai người con giỏi giang, thành đạt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nữ họa sĩ Bùi Thanh Thủy (hiện đang sống tại nước ngoài).

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn thành công trong rất nhiều phim điện ảnh nổi tiếng: "Cuốc xe đêm" (2000), "Sống trong sợ hãi" (2005), "Chơi vơi" (2009), "Lời nguyền huyết ngải" (2012)... Đối với anh, mẹ là một người phụ nữ toàn diện. Trong gia đình, mẹ là người vừa dịu dàng, vừa nghiêm khắc. Tính trầm lặng và nghiêm ngắn của bà đã ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách của anh sau này.

Nhà văn Bùi Bình Thi và họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ có hai tính cách đối nghịch. Nhà văn Bùi Bình Thi thì ồn ào, náo nhiệt. Ông nói to, cười sảng khoái, thích nói thẳng, nói thật, thích rong chơi. Còn họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ thì  lặng lẽ, ôn tồn, không bao giờ "quản lý" chồng theo cách mà những người vợ vẫn thường làm.

Trong suốt cả cuộc đời bên nhau, chưa một ngày nào bà cầm lương của ông. Vì đồng lương công chức ít ỏi nên bà để cho ông sử dụng đồng lương ấy mời bạn bè ăn uống, trà dư tửu hậu bàn chuyện văn chương. Một tay bà vừa làm việc nhà, chăm con cái, vừa vẽ để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ và các cháu.

Những năm tháng tuổi trẻ, ông đi bộ đội, bà một tay thì bế con gái Thanh Thủy vừa vài tháng tuổi, một tay xách túi đồ. Còn Bùi Thạc Chuyên lúc ấy vài tuổi chạy lũn tũn theo chân mẹ. Có lẽ biết mẹ vất vả, Thạc Chuyên không khóc mè nheo, mà ngược lại còn hỏi mẹ với giọng hớt hải: "Mẹ ơi mẹ có mệt không?".

Khi làm việc tại Bộ Thương nghiệp, đêm đêm bà thức để kẻ chữ, vẽ tranh lưu niệm bán cho khách du lịch. Hồi ấy nhà 15m², bà phải chờ ông làm việc xong, rồi con ngủ bà mới có thời gian cho riêng mình để ngồi thu lu một góc tỉ mẩn vẽ từng bức tranh bán kiếm tiền nuôi con ăn học. Dù vậy, nhưng chưa bao giờ bà nói điều gì nặng lời với ông về trách nhiệm với gia đình, con cái. Bởi hơn ai hết, bà hiểu được con người nhà văn Bùi Bình Thi.

Ông sống rất thật, không bon chen, không thủ đoạn, không biết nịnh vợ. Cái gì cũng nói thẳng, nói thật, dù sự thật nhiều khi mất lòng. Nóng đó rồi lại thôi ngay. Chính vì tính cách ấy, nên trong cuộc sống, ông chịu nhiều thiệt thòi.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ nhớ lại rằng, dù tính cách ông như vậy, nhưng lúc viết văn, ông là người kỹ tính và khó tính. Nhà chật, có những đêm ông ngồi viết văn cạnh giường ngủ. Mỗi lần mắc mớ đoạn nào, ông lại hỏi bà: "Này em ơi, "sâu sắc" là "x" hay "s"; hoặc ông hỏi chính xác một câu ca dao, tục ngữ mà lâu ngày ông quên chưa nhớ ra.

Lúc ấy, bà có ngủ rồi hay chưa thì ông cũng gọi rất to để hỏi cho bằng được. Bà chẳng giận ông về tính vô tâm ấy, chỉ nghĩ rằng, ông cần, dù đó là lúc nào, ở đâu thì bà vẫn luôn bên cạnh để sẻ chia với ông mọi điều trong cuộc sống.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ bảo rằng, dù văn chương là thứ cả đời ông theo đuổi và đắm đuối với nó, nhưng chưa bao giờ bà được ông đưa về một đồng nhuận bút sách nào. Thậm chí, khi ông ra sách rồi thì bà lại... tốn thêm tiền vì nhuận bút tiêu hết, ông mời các bạn văn về uống rượu thâu đêm. Bà lại bớt tiền ăn của con để mua đồ nhắm cho bữa tiệc.

Tranh tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ.

Dù thế nhưng bà chưa bao giờ kêu ca gì với ông. Bà thấy ông vui, nghe tiếng ông cười sảng khoái, là bà đã cảm thấy mát lòng. Bà cũng để ông đi khắp trong Nam ngoài Bắc để thực tế sáng tác. Ông đi vài ba tháng mới về là chuyện bình thường. Ông mải mê với văn chương, nên chuyện con cái một tay bà chu tất.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ còn nhớ năm Bùi Thạc Chuyên thi đại học. Chỉ một quyết định nhỏ đã thay đổi toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Thạc Chuyên. Chẳng là bình thường Bùi Thạc Chuyên học chuyên toán. Năm ấy, chuẩn bị vào đại học thì đã làm hồ sơ để thi vào khoa Toán  - Trường Tổng hợp.

Hồi ấy gia đình quen giáo sư tại đây khi biết lực học của Bùi Thạc Chuyên đã nói rằng, gia đình không phải lo, lực học của Chuyên thì thế nào chả đỗ. Mọi việc đã an bài nếu như hôm ấy, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ không gặp nhà thơ Xuân Quỳnh. Biết Bùi Thạc Chuyên sắp thi đại học, nhà thơ bảo: "Anh chị buồn cười nhỉ, anh chị là nghệ sĩ mà lại cho con học toán, cho học về nghệ thuật đi!".

Lúc đó, trong lòng họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ có chút suy nghĩ. Nhưng rồi ngay sau đó đi tìm các trường liên quan đến nghệ thuật thì chỉ còn duy nhất Trường Sân khấu - Điện ảnh còn thời gian tuyển sinh. Đang chuẩn bị tinh thần để thi khối A, đùng một cái, thi sang khối C. Bùi Thạc Chuyên phải quay ngoắt 180 độ.

Ròng rã suốt hai tháng trời, bà đã cho Bùi Thạc Chuyên lên ở Trại sáng tác tại Quảng Bá cùng với bố để ôn luyện môn lịch sử. Vậy mà rồi năm ấy, Bùi Thạc Chuyên đã đỗ với điểm số khá cao. Vào học Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, anh đã bén duyên với diễn viên Tú Oanh, người bạn học cùng lớp. Họ sinh được 3 cậu con trai khôi ngô tuấn tú, ngoan ngoãn, học giỏi.

Sau ngày nghỉ hưu, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ dành thời gian nhiều cho việc vẽ tranh tĩnh vật. Cho đến nay, bà đã có 6 triển lãm tranh cá nhân với tên gọi "Bốn mùa hoa". Với bà, vẽ tranh là tìm lại được ý niệm trong ký ức của mình. Vẽ để di dưỡng tinh thần. Dù mục đích lớn nhất của bà không phải là kiếm tiền nhưng tranh của bà giá không bao giờ rẻ.

Với bà, giá trị của mỗi bức tranh là khiến cho mỗi khi mình ngắm tranh, lòng mình thanh thản. Mỗi bức tranh, có khi ghi lại hết những phiền muộn, vui vẻ, đớn đau, tủi hờn, hạnh phúc của họa sĩ. Bà vẽ tĩnh vật hoa nhiều, trước hết vì bà yêu hoa. Bà chăm cây, như đứa con của mình. Chính vì thế, hoa của bà không phải mua từ chợ về để cắm vào lọ và vẽ. Hoa ấy phải được chính bà trồng, ươm tốt tươi, ra hoa hết lứa này đến đợt khác. Bà vẽ hoa như vẽ tiềm thức của mình.

Những bông hoa cứ thế hiển hiện từ tiềm thức chứ không còn là từ nguyên mẫu. Chính vì thế, tranh của bà có sự tự nhiên nhưng lại tinh tế, không gò bó mà vẫn kiêu sa và đầy bí ẩn của vẻ đẹp nhuần nhị.

Một điều may mắn đối với họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ là người con gái, họa sĩ Thanh Thủy lại thừa hưởng gen hội họa của mẹ và chị là một trong những họa sĩ đã có những thành công nhất định. Hiện chị định cư tại Mỹ và hai mẹ con vẫn thường trao đổi với nhau hàng ngày công việc hội họa. Đối với bà, niềm vui của một người mẹ là có những người con thành đạt, am hiểu về nghệ thuật, trân trọng giá trị nghệ thuật và đam mê đến cùng theo đuổi con đường mình lựa chọn để bước tiếp dù có đầy những gian nan phía trước.

Diễn viên Tú Oanh, người con dâu hiện đang sống cùng họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ khi nói về bà đã chia sẻ rằng chị học được ở bà nhiều thứ kể từ ngày về làm dâu trong gia đình. Người vợ, người mẹ đồng nghĩa với việc chịu thương chịu khó và chăm lo mọi việc trong nhà dù đó là việc to hay việc bé.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ vừa có sự đài các của con gái Hà Nội, vừa có sự lãng tử của một họa sĩ nhưng lại có sự tháo vát, nhanh nhẹn trong gia đình. Ở vai trò nào, bà cũng chèo lái tốt và chính vì thế, con thuyền gia đình mới thực sự bền vững cho đến ngày hôm nay.

Bà là nghệ sĩ, dễ tổn thương lắm, nhưng dường như, bà là điểm tựa để con cháu dựa vào. Chẳng hạn như trước sự ra đi đột ngột của nhà văn Bùi Bình Thi, bà nuốt nước mắt vào trong để lo lắng mọi sự thật chu toàn. Dường như trong bà có một nội lực khủng khiếp mà không phải người phụ nữ nào cũng có được. Đó có lẽ là điều giúp bà mãi mãi trở thành một người vợ, người mẹ hoàn hảo trong mắt các con.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.