Họa sĩ khuyết tật: Những cây cọ tự cứu rỗi

Thứ Sáu, 20/07/2018, 08:19
Quả là người đời nói không sai, ông trời lấy đi của ai đó một thứ này, sẽ bù đắp cho họ một thứ gì đó khác. Họ là những người khuyết tật vì nhiều căn bệnh khác nhau trên cơ thể, tưởng chỉ có thể là gánh nặng cho gia đình nhưng họ đã vượt dậy bằng chính năng lực và nội lực tuyệt vời của mình, để trở thành một người có ích trước hết với chính bản thân, sau đó là với gia đình và xã hội.

1. Đôi ba tháng một lần, Lê Quang Lĩnh lại bắt xe đò của người quen từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, lúc thì đi gặp một người bạn cũ, lúc lại đi nhận một giải thưởng, có lúc lại để tham gia triển lãm tranh nào đó. Trong cái dáng vẻ nhọc nhằn của cơ thể bị khuyết tật, Lĩnh luôn đến tìm tôi chỉ để ăn một bữa trưa vội vàng là món bún chả mà anh yêu thích. Lĩnh ăn uống và nói năng cũng nhọc nhằn bởi căn bệnh bại não. Bởi một bên cơ thể anh hoàn toàn không có tác dụng gì trong mọi hoạt động.

Lĩnh thường phải có người hỗ trợ trong ăn uống, nếu không thì sẽ rơi vãi cả ra bàn. Ngồi cùng Lĩnh nhưng đôi khi phải đối thoại bằng... tin nhắn điện thoại vì những gì anh nói ra không tròn vành rõ chữ và người đối diện không thể nghe được. Bởi vậy mà Lĩnh có một chiếc iPad để khi cần thì đánh máy và đưa cho người đối diện đọc hiểu hoặc cần nhờ vả gì đó thì cũng đỡ phiền hà hơn.

Lĩnh sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở Hà Tĩnh. Anh kể lại rằng, ngày anh chào đời, cả gia tộc, họ hàng và gia đình bố mẹ Lĩnh là những người nông dân chất phác mừng vui khôn xiết. Tuy nhiên, khi chưa hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc ấy, thì ông bà, bố mẹ, người thân của Lĩnh đã bị một cú sốc tinh thần khủng khiếp khi cậu con trai càng lớn, chân tay càng co quắp, xiêu vẹo, không biết ngồi, đứng bình thường như những đứa trẻ khác. Gia đình nghèo nhưng vẫn tiết kiệm tiền rồi vay mượn thêm để đưa con đến bệnh viện tỉnh rồi bệnh viện Hà Nội khám bệnh. Kết quả giống nhau, Lĩnh bị bệnh bại não.

Lúc được bác sĩ thông báo chẩn đoán y khoa bệnh tình của con trai, bố mẹ Lĩnh thực sự hoang mang, lo sợ. Ở làng quê nghèo, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời đôi khi chẳng đủ ăn nhưng gia đình Lĩnh vẫn vay mượn, bỏ hết tiền của, công sức chạy chữa nhiều nơi, cầu mong bệnh tình của con mình thuyên giảm dù biết điều đó cũng thật sự mong manh. Bố mẹ Lĩnh không hiểu từ đâu ban cho một niềm tin kỳ lạ, họ tin rằng con mình có lúc nào đó sẽ gặp một phép màu để có thể tự đứng được trên đôi chân của mình.

Thời điểm đến tuổi đi học mới là lúc khó khăn nhất của cả gia đình. Từ khi bị bệnh, cơ tay, chân của Lĩnh co lại. Bố mẹ cậu ngày ngày thay nhau bế, cõng Lĩnh đến trường như bao đứa trẻ khác. Đầu tiên nhiều người để ý, bàn tán, lâu dần họ quen với việc nhìn cậu bé không bình thường đến lớp như là một “sự kiện” đặc biệt. Ngoài việc học văn hóa ở trường, bố mẹ Lĩnh, theo lời khuyên của một số người, gom góp tiền cho con đi học vẽ ở Cung văn hóa tỉnh Hà Tĩnh.

Lê Quang Lĩnh và Tác phẩm “Giao mùa”.

Đến năm học lớp 5, bệnh tình ngày càng nặng thêm khiến tiếng nói của Lĩnh không tròn trịa, mặt méo, tay chân càng ngày càng khuỳnh khoàng. Đôi khi Lĩnh không làm chủ được chính mình và trở thành một “gánh nặng” cho thầy cô, bạn bè trên lớp. Lĩnh đành nghỉ học để chống chọi với bệnh tật...

Đó là năm 10 tuổi, Lĩnh nghỉ học và đi theo người nhà ra Hà Nội trị bệnh, thấy người chị họ yêu hội họa, đã vẽ những cảnh đồng quê có trẻ mục đồng. Từ đó, trong Lĩnh hình thành niềm mong ước được vẽ. 12 tuổi, Lĩnh bắt đầu vẽ, ban đầu là vẽ lọ hoa, sau một tháng mới hoàn thành tác phẩm đơn giản ấy bằng màu nước, lắm lúc muốn vứt bút, buông bỏ tất cả. Khi bức họa về lọ hoa hoàn thành, Lĩnh vẽ những người nông dân trên cánh đồng. Và kể từ ấy, trong tâm hồn cậu bé gặp nhiều trắc trở đã nguyện yêu hội họa cả đời.

Năm 12 tuổi, Lĩnh không thể rời mắt khỏi bức tranh “Những vũ công màu xanh” của Edgar Degas trong một quyển sách. Lĩnh bị mê hoặc bởi màu sắc, nét vẽ, bởi cách uốn mình của những cô gái trong tranh. Với Lê Quang Lĩnh, họ không còn là vũ công nữa mà là đồng hoa bìm bìm rung rinh trong gió nhẹ. Lúc đó, Lĩnh biết ngay rằng mình muốn tạo ra những thứ tuyệt vời và mê ly như thế.

Lĩnh chia sẻ: “Em có một sở thích, đó là suy nghĩ. Em có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để nghĩ. Em nghĩ về mọi thứ, bởi vì cứ nghĩ ngợi lan man như thế nên đến lúc buộc lòng phải đứng dậy đi làm việc khác, em chẳng biết mình đã nghĩ cụ thể về những gì, nghĩ như thế nào. Đọng lại chỉ còn là những vệt loằng ngoằng, không đầu, không cuối, to nhỏ, dày mỏng khác nhau, đan quyện vào nhau.

Đôi khi những đường loằng ngoằng, xoắn xuýt ấy lại tạo nên những hình thù vô nghĩa mà cũng đa nghĩa nào đấy, như sự vận hành của cuộc sống vậy. Em muốn đi vào một đời thường. Vẽ những thứ của đời thường nhưng thỉnh thoảng em vẫn muốn có cái gì đó bay bổng, thoát ra để đưa cái cảm xúc riêng của mình. Có khi em tả kỹ nhưng cũng có khi buông, thoải mái và thanh thoát. Chỉ là ghi lại một giây phút, một chút cảm xúc đã qua mà không lấy lại được nữa.

Một điều giấu kín trong tim con người là điều giấu kín thôi. Và em sống, thở và vẽ. Tất nhiên, những tranh vẽ thay cho những lời mình muốn nói, người xem sẽ cảm nhận được và chia sẻ dẫu không nói ra. Tất cả vui, buồn, hạnh phúc hay bất hạnh đều gửi vào những tranh vẽ. Sự im lặng đôi khi rất đáng quý”.

Từ một cậu bé bị bại não tưởng rằng sẽ chỉ là gánh nặng của gia đình, bây giờ, ở tuổi 33, Lĩnh đã có trong tay những giải thưởng quý giá và hàng chục lần tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc cũng như các khu vực Bắc, Trung, Nam. Tháng 12 năm 2006, anh đạt giải nhất cuộc thi tranh vẽ “Alaxan - Chiến thắng nỗi đau”. Tháng 11 năm 2011, tham gia giải đặc biệt cuộc thi tranh, ảnh về người khuyết tật cho Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD).

Tháng 9 năm 2015, giải nhì vẽ tranh trừu tượng với đề tài “Mở cửa bước ra thế giới” của Tổ chức Education First (EF), Thụy Điển... Lĩnh bảo, dù bây giờ cuộc sống vẫn còn bấp bênh và mọi thứ đi lại, nói năng vô cùng khó khăn, nhưng anh chắc chắn không bao giờ rời cọ vẽ. Lĩnh nói một cách triết lý rằng, anh ví nghệ thuật như một đứa trẻ, mải mê trong trò chơi của nó nhưng không quên tham vọng tiến hóa.

Phải lớn lên, để đến với những gì văn minh, tiên tiến, phải nắm trong tay nhiều chiều kích của đời sống này và cả khả năng thâu tóm chúng. Nhưng một đứa trẻ thì luôn vội vã, chúng sẽ quên rằng lớn lên không đồng nghĩa với tốt hơn.

2. Lê Thị Mỹ Bình, 36 tuổi, quê Yên Bái. Bình bị liệt 2 chân do di chứng viêm tủy cắt ngang từ năm 1993. Thời gian đầu bị bệnh, Bình phải nghỉ học vì bệnh nặng, đôi khi đặt đâu nằm đấy, không thể cử động được. Gia đình cho con đi khám, chữa chạy, thuốc thang rồi được sự chăm sóc của người mẹ tần tảo, Bình đỡ dần rồi ngồi được xe lăn.

Thời điểm ấy, Bình đang học lớp 6, không đứng và không đi lại được. Nỗ lực vượt lên số phận, sau một thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bình tiếp tục học hết lớp 9 rồi nghỉ học vì cuộc sống khó khăn, đi lại vất vả.

Ngày còn ngồi xe lăn, Bình ít được đi chơi, toàn ở nhà lủi thủi một mình. Bình tìm cách học vẽ để kiếm sống. Hỏi Bình câu chuyện về quá khứ, đôi mắt Bình rơm rớm. Bình bảo, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, Bình khao khát được đến trường, được đùa vui tuổi nhỏ, được học hết cấp hai, cấp ba rồi đi học đại học, đi làm, có lương giúp đỡ bố mẹ, lấy chồng, sinh con và sống cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Nhưng rồi cái ước mơ tưởng chừng đơn giản ấy cũng phải dừng lại giữa chừng.

Lê Thị Mỹ Bình và Tác phẩm “Hoa hướng dương”.

Nghỉ học, Bình đã đã mày mò với việc tự học vẽ bằng cách xé dán. Bình thường làm các bức tranh ghép giấy được sử dụng từ những tờ lịch cũ được mẹ xin ở chùa. Chủ đề Bình chọn thường đa dạng và màu sắc của những bức tranh ghép giấy rất tinh xảo. Do những hạn chế về tài chính nên Bình thường không dám mua nhiều màu và những vật liệu vẽ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền mua màu hay toan vẽ, Bình dùng bút dạ bảng, thậm chí nhọ nồi để tạo ra màu sắc.

Về sau gia đình khó khăn, Bình bắt đầu vẽ thuê, vẽ bất kỳ cái gì người khác thuê. Về sau nữa cuộc sống thay đổi, nhà Bình chuyển vào ngõ, công việc trước phải bỏ, Bình có thời gian vẽ những gì mình thích với tất cả những chất liệu Bình kiếm được.

Bình lên mạng tìm hiểu thì biết đến sơn acrylic và toan. Từ đó Bình gắn liền với chất liệu mới này với nhiều tranh và chủ đề tranh mà Bình theo đuổi là vẽ về thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Bình kể, mỗi nét chấm chấm là một niềm vui lớn, được vẽ gì mình thích, vẽ kiểu mình thích, tuyệt lắm.

Lần đầu Bình bán được bức tranh do mình sáng tác, là một động lực vô cùng lớn lao. Dù hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện toan sơn họa phẩm, nhưng vẫn được vẽ như mình muốn, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Từ một người chỉ ngồi dựa vào chiếc xe lăn nhưng rồi Bình đã phấn đấu có đủ tranh để tham gia các cuộc triển lãm lớn nhỏ. Tháng 4 năm 2013, Bình tham gia triển lãm “Ngày mới” cùng nhóm họa sỹ khuyết tật tổ chức lần 2 tại Huế. Tháng 7-2013, Bình lập trang “Người khuyết tật yêu”, nơi chia sẻ thông tin và hình ảnh của người khuyết tật tại Việt Nam và trên thế giới.

Tháng 8-2014, triển lãm khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc tại Bắc Kạn. Tháng 11-2014, tham gia nhóm “Khát vọng ngày mới” - nhóm họa sỹ khuyết tật bị chấn thương cột sống. Là thành viên gây dựng nhóm. Tháng 9-2015 tham gia chương trình tập huấn làm việc với nạn nhân bạo lực gia đình tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển (CWD). Hợp tác với CWD và “Ngôi nhà bình yên”, vẽ tranh cho cuốn sách “Chú gấu con”.

Tháng 11-2015 tham gia sự kiện trình diễn thời trang “Tôi đẹp bạn cũng thế” dành cho người khuyết tật, nâng cao quyền năng và sự tự tin cho phụ nữ khuyết tật tại Hà Nội. Tháng 9-2016 tham gia vẽ tranh tại sự kiện “Tôi tin - Kỷ niệm Ngày Quốc tế vì quyền biết 2016” của CEPEW tại Hà Nội...

Bình bảo, hiện tại mình vẫn đắm đuối với sắc màu và toan vẽ để làm nên những tác phẩm hội họa. Ngoài vẽ tranh, Bình dạy kèm học sinh tại nhà để truyền đạt những kiến thức cho các em và cũng là tạo động lực, tâm huyết cho mình trong con đường dài phía trước. Bình đã có nhiều nỗi đau, nhiều sự thiệt thòi, đôi khi cuộc sống không hề dễ dàng trên chiếc xe lăn và đã coi hội họa như một động lực để sống, để phấn đấu và sẽ làm tất cả để có thể nuôi dưỡng được ước mơ của mình trong hội họa.

Lê Thị Mỹ Bình đã cùng rất nhiều họa sĩ khuyết tật trẻ khác thành lập nhóm hội họa riêng để cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui, chia sẻ cho nhau những tác phẩm hội họa mới. Hiện tại họ đã có 5 thành viên chuyên làm việc theo nhóm và mỗi năm sẽ có dự định tổ chức những cuộc triển lãm chung để cùng tạo động lực để sáng tác cũng như vượt qua khó khăn trong cuộc sống thường nhật...

Bởi những sắc màu, đôi khi không chỉ còn là giấc mơ, mà là một sự cứu rỗi cho những trái tim yêu thương trong một cơ thể không lành lặn. Và họ cần sự cứu rỗi ấy cho cả một cuộc đời dài dặc phía trước...

Thiên Kim
.
.