Họa sĩ khuyết tật Lê Quang Lĩnh: Nuôi khát vọng bằng… 3 ngón tay

Thứ Sáu, 13/11/2015, 09:30
Nếu không phải là hội họa, thì khó có thể "đối thoại" được với Lê Quang Lĩnh. Căn bệnh bại não năm lên 1 tuổi đã cướp mất của chàng trai sinh năm 1985 ở Hà Tĩnh khả năng nói, bị co cơ dẫn đễn bị dị tật ở tay, một tay gần như không thể làm gì, anh vẽ bằng tay trái còn lại chỉ có 3 ngón, chân khó cử động, đi lại nhúc nhắc, thập thễnh.

Vượt qua tất cả mọi khó khăn, kỳ thị, cả những nỗi đau và sự vất vả suốt cả thời thơ ấu đến tận bây giờ, bằng ý chí và nghị lực của mình, Lê Quang Lĩnh đã đạt được nhiều giải thưởng về hội họa trong và ngoài nước.

Căn bệnh bại não năm lên 1 tuổi

Lê Quang Lĩnh sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở Hà Tĩnh, dù làng quê nghèo, nhưng cậu con trai đầu lòng chào đời đã khiến cả họ hàng, gia đình mừng vui khôn xiết. Tuy nhiên, khi chưa hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc ấy, thì ông bà, bố mẹ, người thân của Lĩnh đã bị một cú sốc tinh thần khủng khiếp khi cậu con trai càng lớn chân tay càng co quắp, xiêu vẹo, không biết ngồi, đứng bình thường như những đứa trẻ khác. Đưa con đi khám thì bố mẹ Lĩnh nhận được kết quả điếng người là đứa con trai bé bỏng vừa đầy tuổi bị bệnh bại não. Dù biết là khó có khả năng phục hồi nhưng gia đình Lĩnh vẫn vay mượn, bỏ hết tiền của, công sức chạy chữa nhiều nơi, cầu mong bệnh tình của con mình thuyên giảm.

Lĩnh kể: "Tôi nghe kể lại rằng, lúc ấy, bố mẹ tôi cảm thấy như đất dưới chân mình sụp xuống khi nhận được kết quả chẩn đoán y khoa bệnh tình của tôi. Bác sĩ đã kết luận, nhưng bố mẹ tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ có những phép lạ xuất hiện, để dịu đi nỗi đau trong cơ thể của đứa con trai bé bỏng. Họ nén nỗi đau trong lòng vừa là để mưu sinh vừa lo chữa chạy cho tôi. Ngày tháng dần trôi, đến tuổi đi học… lúc này, dù đau buồn, nhưng bố mẹ tôi vẫn quyết tâm, cố gắng đưa con đi học…. để cho tôi được bằng chúng bạn, và nuôi dưỡng ước mơ đèn sách.

Lê Quang Lĩnh đắm mình vào tác phẩm.

Từ khi bị bệnh, cơ tay, chân của tôi co lại. Bố mẹ ngày ngày thay nhau bế, cõng tôi đến trường như bao đứa trẻ khác. Ngoài việc học văn hóa ở trường, tôi còn được học thêm nghệ thuật ở Cung Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh. Tôi bắt đầu học môn vẽ. Trong khi nhiều bạn bình thường cùng trang lứa không được đi học thêm, bố mẹ vẫn tạo điều kiện cho tôi được hòa nhập. Nhưng đến năm học lớp 5, bệnh tình ngày càng nặng thêm khiến cho tiếng nói của tôi không còn tròn trịa, tôi đành phải nghỉ học để chống chọi với bệnh tật…

Ông bà, bố mẹ thấy tôi bị thiệt thòi nên tập trung hết vào chăm sóc tôi, lo lắng cho tôi, và đó chính là động lực để tôi phấn đấu, không ỉ lại vào gia đình mà bắt đầu nghĩ đến việc phải nỗ lực tự mình làm điều gì đó có ý nghĩa, và đó là khi tôi nhận diện được mình trong hội họa".

Niềm đam mê và sự quyết liệt

Lớn lên, khi biết mình bị bệnh tật, Lĩnh đã cố giấu những giọt nước mắt buồn tủi, tuyệt vọng để có thể tìm được cho mình một chân trời khát vọng để nuôi nấng những ước mơ nhỏ trong làng quê nhỏ. Người ta vẫn thường nói, vượt qua mọi nỗi mặc cảm, Lĩnh tìm cảm xúc, sống với cảm xúc từ toan, màu. Những nét vẽ khờ khạo đầu tiên đã như một phép màu giúp Lĩnh vượt qua được nỗi buồn tủi, mặc cảm về thân phận.

Dường như chưa bao giờ tâm hồn và cảm xúc của cậu bé khuyết tật Lê Quang Lĩnh lại được giải tỏa một cách mãnh liệt đến thế, dù chưa ra hình hài một bức tranh, nhưng trong không gian buồn bã của bốn bức tường, đã giúp Lĩnh tìm được niềm vui trong những nét vẽ. Lĩnh đã tìm thấy được chính mình đồng thời truyền cảm xúc đó vào những bức tranh. Dù một bức tranh đơn giản với người bình thường chỉ mất một ngày, thì Lĩnh phải mất cả tháng, vì Lĩnh chỉ vẽ bằng tay trái, với ba ngón tay còn lại.

Lĩnh kể: Tôi đã được học cách thể hiện những suy nghĩ của tôi qua các bức tranh. Lang thang với niềm đam mê vẽ, tôi đã đặt chân đến mọi nơi trong tỉnh từ Nhà Văn hóa thiếu nhi đến Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật, đến nhà các họa sĩ… Lấn sâu vào đam mê, những bức tranh đơn giản bằng màu nước đã thôi thúc tôi không hài lòng với chính mình. Thầy Lê Anh Hải nhận tôi làm học trò. Từ đây, tôi làm quen với hội họa đích thực, với chất liệu sơn dầu và truyền vào những cảm hứng, những lý luận bước đầu về hội họa.

Khoảng 3 năm, ngày nối ngày, đến nhà thầy vẽ và vẽ, bàn tay của tôi đã thành thạo hơn tự lúc nào không hay. Tư duy về hội họa của tôi cũng từng bước được cung cấp, làm nhiều thêm. Thầy Hải rất thương tôi và ở đó tôi được quen rất nhiều thầy cô ở Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh. Nhờ được nhiều người chỉ bảo và càng say sưa vẽ nên có những đêm tôi thức suốt để vẽ. Bức tranh đầu tiên tôi hoàn thành, những nét vẽ giản đơn nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất là thầy giáo đã khen và ông công nhận tôi có năng khiếu thực sự".

Lê quang Lĩnh đang dạy các em nhỏ vẽ tranh.

Trải lòng mình vào sắc màu, gửi tâm tư vào nét cọ như được trò chuyện với người bạn tri kỷ, Lê Quang Lĩnh có nhiều đêm thức trắng để vẽ. Say sưa đối thoại cùng những tâm tư và ước nguyện thời tuổi trẻ của mình. Nhiều lần đang ở quán nước cùng bè bạn, ý tưởng ập đến, Lĩnh tất tả chạy vội về nhà ngồi xuống bên giá vẽ. Trước tấm toan trắng, Lĩnh hân hoan đối diện với nỗi đam mê và sự quyết liệt. Khi vẽ, Lĩnh quên tất thảy mọi thứ xung quanh. Chỉ còn đó, bên giá vẽ một "tôi với cuộc đời đang được bắt đầu của mình".

Trong một thời gian ngắn, Lĩnh đã đạt được những giải thưởng về hội họa. Giải Nhất cuộc thi vẽ tranh "Alaxan - Chiến thắng nỗi đau" năm 2006. Giải đặc biệt cuộc thi tranh, ảnh về người khuyết tật do Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) năm 2011. Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào "Người tàn tật và trẻ mồ côi vượt khó" giai đoạn 2005 - 2010. Năm 2001, Lĩnh dự thi Mỹ thuật thiếu nhi châu Á "Nhật ký bằng tranh" ENIKKI. Năm 2003, 2006, 2011, 2012, 2013, Lĩnh tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực IV bắc miền Trung với các tác phẩm "Một góc thị xã", "Lễ hội", "Vui mùa", "Lễ cầu mùa", "Mùa nắng hạ".

Năm 2012, 2013, Lĩnh dự triển lãm nhóm mỹ thuật chủ đề "Khát vọng" và "Ngày mới" trong chương trình "Phát triển không gian văn hóa" và chương trình "Tình sông Hương" tại thành phố Huế… Và mới đây, Lê Quang Lĩnh đoạt giải Nhì vẽ tranh trừu tượng với đề tài "Mở cửa bước ra thế giới" của Tổ chức Education First (EF), một tổ chức được thành lập năm 1965 tại Thụy Điển với sứ mệnh "Mở cửa thế giới thông qua giáo dục".

Với giải Nhì này, Lĩnh có cơ hội mở mang tầm mắt với  một chuyến tham quan Hồng Công trong 2 ngày bao gồm vé máy bay 2 chiều, chi phí khách sạn trong 2 đêm và một chuyến tham quan trụ sở EF tại Hồng Công.

Trong thời gian tới, Lĩnh đang mong muốn tìm được nhà tài trợ cho một triển lãm tranh tại Hà Nội gồm 40 bức tranh về tuổi thơ. Mỗi bức tranh sẽ là một câu chuyện về tuổi thơ, đó là câu chuyện hồn nhiên của những em bé chơi nhảy dây, là cảnh thanh bình của làng quê nơi những em bé chiều chiều cưỡi lên lưng trâu thổi sáo...

Tình yêu là "Giấc mơ ngàn lá hôn nhau"

Trong một ngày Hà Nội vào thu đẹp và lãng mạn, Lĩnh đã bắt xe khách ra Hà Nội để gặp một đối tác đang có ý định giúp đỡ Lĩnh phần nào để thực hiện triển lãm riêng tại Hà Nội. Niềm hân hoan hiện trên gương mặt chàng trai khuyết tật.

Lĩnh chia sẻ: “Tôi mong muốn có thể mở một phòng triển lãm tranh dành cho những người khuyết tật. Đây sẽ là nơi các tác phẩm nghệ thuật của những người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận với khán giả yêu hội họa. Ngoài việc tập trung vào sáng tác những tác phẩm mới và tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ các Mạnh Thường Quân cho một triển lãm cá nhân, với nguyện vọng đóng góp phần lớn thu nhập từ bán tranh cho các hoạt động từ thiện. Rút từ kinh nghiệm và những khó khăn của bản thân, tôi muốn đem nghề của mình để truyền dạy lại cho những trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh sống khó khăn và đang đi tìm cho mình một con đường để đi tới…”.

Từ trong sâu thẳm, tôi nhìn thấy khát vọng lớn lao của chàng trai 30 tuổi với những nỗ lực của em. Dễ hiểu vì sao, Lĩnh thường vẽ vào đêm khuya bởi đó là khi lúc cảm xúc được thăng hoa. Tôi có dự cảm rằng, định mệnh đã giao cho em nhiều chức phận, bởi vì Lĩnh biết dù mình thiếu may mắn nhưng trong tâm hồn và trái tim em đầy tràn những cảm xúc đặc biệt để truyền tải vào những bức tranh của mình.

Tranh của Lê Quang Lĩnh.

Lĩnh tâm sự: "Khi không gian tĩnh lặng, tôi thả hồn vào từng nét vẽ, thỏa  sức sáng tạo bằng những mảng màu để cho ra những bức tranh gửi gắm nhiều thông điệp. Tôi thích cái cảm giác những người yêu hội họa thỏa sức chiêm ngắm và dừng lại thật lâu với những mảng màu, tôi sẽ rất hạnh phúc nếu mọi người xem tranh sẽ nhận xét rằng, tranh tôi vẽ có sự ngây thơ để truyền tải đến tâm hồn họ sự bay bổng. Tôi không khát vọng trở thành họa sĩ lớn, tôi chỉ vẽ với những cảm xúc xung quanh, từ tình yêu gia đình, bố mẹ, làng quê, từ các em nhỏ khuyết tật giống mình, để chúng tôi biết rằng, mình cũng là người hoàn hảo, hoàn hảo trong tâm hồn và trong những giấc mơ.

Bởi vì nhiều người, dù là gặp nhau thường xuyên, hay là bạn bè qua mạng xã hội, sau một thời gian tiếp xúc, tôi biết, họ không thương hại tôi, mà chia sẻ cùng tôi. Bởi vì tôi biết rằng, phàm sinh ra ở trên đời ai chẳng có mong muốn có một đôi mắt sáng, một trái tim yêu, một đôi tay lành lặn để cảm nhận cuộc sống. Bao năm qua tôi vẽ, tôi viết bằng đôi tay vặn vẹo của mình, tôi đi bằng đôi chân khuyết tật của mình, tôi nói bằng giọng nói không thể phát âm nổi, nhưng không phải vì thế mà tôi không yêu cuộc sống này.

Điều đó không thể ngăn cản tôi có ước mơ của riêng mình. Tôi từng than thân trách phận và trách ông trời quá bất công với mình, nhưng hóa ra tôi nhận ra rằng, trong mọi hoàn cảnh, mình đều có cách để vượt qua chướng ngại vật, và tôi có một gia đình thương yêu mình, dù không giàu có nhưng họ luôn thực sự muốn tôi có thể thực hiện ước mơ của riêng mình. Hội họa đã giúp tôi thoát ra khỏi sự buồn chán, và vươn lên khát vọng của một con người bình thường".

Lĩnh có một gương mặt sáng và một nụ cười duyên, bản lĩnh của Lĩnh, như chính cái tên của mình, đã khiến nhiều người nể phục và gần gũi. Nhiều anh chị em là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, khi hỏi về Lĩnh đều dành cho anh nhiều lời nể phục. Không chỉ tự mình vượt qua bản thân mình, những khó khăn của mình, mà Lĩnh còn đến với nhiều bạn bè, trẻ em bất hạnh để chia sẻ và khuyên bảo các em đừng tự ti, đừng gục ngã vì cuộc sống vẫn còn rất nhiều điều chờ đón. Bởi vì, Lĩnh, với 3 ngón tay, không thể viết, không thể cầm bút, nhưng vẫn có thể "múa cọ" và lướt web, facebook mỗi ngày.

Lĩnh có hàng nghìn bạn và người hâm mộ trên các trang mạng xã hội, nhiều nhà báo, nhiều đài truyền hình cũng đã viết về Lĩnh như một tấm gương vượt khó đầy nghị lực. Hỏi về chuyện tình yêu, một trong những nguồn cảm xúc mãnh liệt đưa đến cho Lĩnh nhiều bức tranh đẹp, Lĩnh chia sẻ, bây giờ bao nhiêu tình yêu Lĩnh dành hết cho toan màu bởi vì chuyện tình yêu nó là duyên số, là định mệnh.

Lĩnh không muốn nhận được sự thương hại của người con gái nào và cũng không muốn họ phải gắn cuộc đời với một người đàn ông không thể mang lại cho họ nhiều thứ như Lĩnh, ngoài một tình yêu, một tấm chân tình. Và Lĩnh viết: “Anh tìm em mà chẳng thấy/ Đâu rồi em buồn rầu/ Hình như hoa vừa nở đấy/ Giấc mơ ngàn lá hôn nhau...”.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.