Italia: Thành phố Turin có dễ trở thành “đô thị ăn chay”?

Thứ Sáu, 16/06/2017, 16:26
Thị trưởng Turin - một thành phố ở vùng tây bắc Italia - đang lên kế hoạch chọn hẳn một ngày trong tuần làm ngày ăn chay và mục tiêu xa hơn là biến nơi đây trở thành một đô thị ăn chay. Tuy nhiên, ở một vùng có nền ẩm thực phong phú bởi những món ăn được làm từ thịt thì kế hoạch này gây rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng dân cư.

Ở Turin, hầu như các quầy thịt tại khu chợ ngoài trời Porta Palazzo luôn đông nghịt khách hàng cho đến tận giữa trưa. Những món ăn phổ biến được bày tại các quầy là thịt bò, salami (một loại xúc xích nổi tiếng của Italia) và prosciutto (chân giò xông khói).

Có thể nói, những món ăn được làm từ thịt là thứ không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân địa phương. Song truyền thống ẩm thực phong phú lâu đời của vùng này có thể bị thay đổi.

Vào mùa hè năm 2016, nữ thị trưởng của Turin, Chiara Appendino tuyên bố sẽ thay đổi thói quen ăn uống ở đây với một kế hoạch được ấp ủ trong suốt 5 năm qua. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố còn dự định vẽ một bản đồ ăn chay dành cho du khách đến nơi đây và giới thiệu với mọi người về ngày ăn chay hằng tuần của địa phương.

Thị trưởng Chiara Appendino tuyên bố sẽ thay đổi thói quen ăn uống của Turin.

Appendino tuyên bố: “Việc xúc tiến chế độ ăn chay là một hành động cơ bản nhằm giữ gìn môi trường sống, sức khỏe dân cư và bảo vệ động vật. Các chuyên gia đầu ngành về y khoa, dinh dưỡng và chính trị sẽ giúp chúng ta phát triển một nền văn hóa ẩm thực lành mạnh, dạy cho trẻ cách ăn uống có lợi cho sức khỏe mà vẫn bảo vệ được trái đất và đảm bảo các quyền của động vật”.

Dù vậy, mục tiêu này vẫn gây không ít chia rẽ trong cộng đồng. Trong khi các nhà bảo vệ môi trường và những người ăn chay trường nhiệt liệt ủng hộ chính sách mới thì một số lại kiên quyết phản đối vì cho rằng chúng đi ngược lại với truyền thống ẩm thực lâu đời của vùng. Hiệp hội nghề giết mổ thịt cũng có phản hồi cho rằng văn phòng thị trưởng đang có sự phân biệt giữa các chế độ dinh dưỡng và gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của họ.

Chủ trương của chính quyền thành phố Turin gây không ít bức xúc trong cộng đồng tiểu thương khu chợ Porta Palazzo. Khu chợ ngoài trời này bắt đầu hoạt động nhộn nhịp từ thế kỷ XIX, bày bán đủ loại mặt hàng nông súc sản của chính những nông trại trong thành phố.

Fabio, một người bán thịt tại đây hơn 20 năm, tiếp quản sạp bán thịt này từ cha mình và dù không có bất kỳ chính sách cản trở nào thì việc buôn bán của anh cũng sẽ không được tốt như trước.

Những món ăn được làm từ thịt là thứ không thể thiếu tại Turin.

Tuy nhiên, theo Stefania Giannuzzi, cố vấn môi trường và là Phó Thị trưởng Turin, thì người dân có thể đã hiểu lầm mục tiêu của những chính sách mà Văn phòng Thị trưởng đang muốn hướng tới: “Đây không phải để ép buộc mọi người phải ăn uống theo một chế độ nhất định và chúng tôi cũng không muốn tạo mâu thuẫn với nền công nghiệp súc sản. Thay vào đó, việc này là nhằm nâng cao nhận thức và cho mọi người thấy được một chế độ ăn thay thế nếu họ hứng thú với nó. Lựa chọn cách ăn chay chỉ là một phần của kế hoạch biến thành phố của chúng ta trở nên bền vững hơn và tuyên truyền những vấn đề về môi trường”.

Một số ý kiến cho rằng vấn đề này chưa đáng để được ưu tiên xử lý trong khi vẫn còn đó những vấn đề quan trọng cần được giải quyết cấp bách. Tuy vậy, bên cạnh những nhóm người phản đối gay gắt ý tưởng lạ lùng của chính quyền thành phố thì vẫn có một số ý kiến ủng hộ.

Egidio Dansero, một giảng viên về văn hóa và chính trị tại Đại học Turin (Ý), chia sẻ: “Đây có thể là là một bước đi khá tích cực trong những mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế. Chúng ta có thể theo cả hai chế độ ăn. Bởi chúng ta đang sống trong một thành phố được biết đến với bề dày văn hóa ẩm thực, là nơi sinh ra Eataly - một chuỗi các nhà hàng và bách hóa rộng khắp thế giới - và phong trào “thức ăn chậm” - phong trào phản đối các loại thức ăn nhanh và ủng hộ lối sống chậm với những hương vị truyền thống. Tôi tin chúng ta có thể tạo nên ảnh hưởng to lớn đến văn hóa và giáo dục ẩm thực của Turin từ cả bên trong lẫn bên ngoài”.

Thật ra, chủ nghĩa chay tịnh cũng đã dần bắt đầu phổ biến tại Italia. Theo Học viện Nghiên cứu Italia Euripses, thì trong năm 2016 có khoảng 1% người dân nước này theo chế độ ăn chay. Dù chỉ tăng 0,4% trong suốt các năm qua nhưng đây vẫn là sự thay đổi nhanh nhất, hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhà hàng Ratatouille nằm bên cạnh dòng sông Po, vừa được mở vào 4 năm trước đó. Chủ nhà hàng Silvia Voltolini cho biết chủ nghĩa ăn chay đã phát triển được một thời gian rất lâu trước khi thị trưởng mới của Turin lên nắm quyền.

Claudia Giacometti, nhân viên làm việc tại nhà hàng Rattatouille và cũng chính là một người ăn chay, hết sức ủng hộ những nỗ lực của bà Appendino trong việc tăng cường nhận thức của mọi người về chế độ ăn không có thịt động vật.

Theo Giacometti, trào lưu ăn chay tại Italia có lẽ được tiên phong bởi giới trẻ với lý do chủ yếu xuất phát từ các vấn đề về môi trường song những người lớn tuổi thì lại nghĩ sức khỏe là lý do quan trọng nhất. Tuy nhiên, sau nhiều tháng kể từ lần công bố gây nhiều tranh cãi của chính quyền thành phố Turin thì dường như mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi.

Giuseppe Ientile, chủ quán thịt nướng Manzò nổi tiếng, cho biết: “Thịt đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với truyền thống địa phương. Tôi không lo lắng về sự phát triển của chế độ ăn chay bởi vì có lẽ đó chỉ là trào lưu nhất thời”.

Di An (tổng hợp)
.
.