Kênh đào Panama – Canh bạc đầy phiêu lưu

Thứ Sáu, 09/09/2016, 10:45
Một dự án cải tạo, mở rộng luồng tàu cho kênh đào Panama đã để lại nhiều điều tiếng xung quanh việc đấu thầu, thi công và sau cùng là vận hành kênh đào mới với một loạt vấn đề gây băn khoăn khiến các chuyên gia lên tiếng. Nước chủ nhà chỉ còn biết cam kết: “Chúng tôi phải làm cho dự án này vận hành tốt”.

Phải cải tạo để theo kịp thời đại

Trong hơn 100 năm qua, kênh đào Panama đã thể hiện tốt vai trò là huyết mạch lưu thông hàng hóa từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương và ngược lại. Đóng góp của kênh đào Panama đã giúp cho kinh tế thế giới phát triển thịnh vượng trong một thế kỷ qua.

Lớn về quy mô và đẹp về cảnh quan, con kênh đào nổi tiếng này còn được xem là một phép màu kỹ thuật, là niềm tự hào của ngành kỹ thuật giao thông công chánh Mỹ trong thế kỷ XX. Suốt chiều dài 77 km của con kênh, những cánh cổng trượt khổng lồ của các âu thuyền, nặng đến 700 tấn nhưng có thể lướt ra vào nhẹ nhàng và có thể điều khiển được bằng tay nhờ thiết kế kín, lắp đặt vừa khớp, không khe hở.

Kênh đào Panama - kênh nhân tạo lớn nhất thế giới - ban đầu được xây dựng bởi các kỹ sư người Pháp cách đây hơn 100 năm nhưng dự án thất bại với hàng ngàn người thiệt mạng. Năm 1904, người Mỹ thay thế người Pháp tiếp quản công việc xây dựng kênh đào. Kỹ thuật của Mỹ đã giúp dự án thành công. Sau 10 năm tiến hành thi công, ngày 15-8-1914, kênh đào Panama chính thức mở cửa phục vụ tàu bè thông thương giữa hai đại dương, rút ngắn đoạn hải trình dài hàng chục nghìn km (qua mũi Horn).

Hơn 100 năm qua, kênh đào luôn hoạt động theo trình tự như sau: Khi một con tàu tiến vào âu thuyền, các sợi dây cáp được giăng mắc vào các đầu máy chạy trên đường ray đặt hai bên âu thuyền, kéo con tàu đi vào từng đoạn kênh. Đoạn âu thuyền 3 tầng cao 16,5 mét đưa tàu đến hồ Gatun, được xem là nơi cung cấp nước cho kênh đào và nước sinh hoạt cho cả Panama. Sau đó thêm 3 âu thuyền nữa đưa con tàu ra phía bên kia đại dương và mực nước biển được điều tiết trở lại.

Kinh tế thế giới phát triển, đặc biệt là sự vươn lên của Trung Quốc đã mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của những con tàu khổng lồ. Với phương châm “chở càng nhiều càng giảm chi phí”, các con tàu ngày càng to hơn, sức chở lớn hơn trước rất nhiều. Đến năm 2000, những con tàu mới đóng đã không thể đi lọt qua kênh đào.

Công trường thi công khoang kênh mở rộng vào năm 2014.

Lo ngại kênh đào có thể sẽ trở nên lạc hậu và hoang phế vì không còn được tàu thuyền quốc tế sử dụng nữa, chính quyền Panama quyết định cải tạo nó, làm cho nó rộng hơn, lớn hơn để có thể đáp ứng nhu cầu hàng hải hiện đại.

Đấu thầu giá rẻ đến khó tin

Khi tham gia dự án mở rộng kênh đào, các nhà thầu phải đối mặt với những thử thách mà người Mỹ từng gặp phải cách đây hơn một thế kỷ: thủy triều không tương xứng giữa hai đại dương, dâng cao đến 6 mét ở Đại Tây Dương, nhưng chưa đến 1 mét ở Thái Bình Dương, đất không ổn định và mưa như thác đổ. Rồi việc đào bới và di chuyển đất làm sao để không ảnh hưởng đến con kênh hiện tại đang hoạt động.

Thách thức quan trọng nhất chính là nguy cơ xảy ra động đất ở khu vực kênh đào Panama rất cao, ngang với khu vực San Francisco (Mỹ) và có thể xảy ra động đất đến 8,0 độ Richter. Nguy cơ này đã liên tục được giới khoa học cảnh báo khi nghe tin chính quyền sắp mở rộng kênh đào.

Bất chấp các thách thức đặt ra, 3 tổ hợp công ty đã nộp hồ sơ tham gia đấu thầu dự án. Trong 3 tổ hợp đấu thầu, tổ hợp do Công ty Bechtel của Mỹ dẫn đầu là mạnh nhất, có uy tín trên toàn thế giới về việc thực hiện các dự án lớn. Tổ hợp bị xem là yếu nhất là Grupo Unidos por el Canal do Công ty Sacyr Vallehermoso của Tây Ban Nha dẫn đầu, gồm Sacyr, Công ty Constructora Urbana có liên quan đến người đứng đầu Cơ quan Quản lý kênh đào Panama, Công ty Impregilo của Italia và Công ty Jan De Nul của Bỉ.

Tháng 3-2009, sau 15 tháng đàm phán nảy lửa, 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu trước một hội đồng xét thầu, với sự chứng kiến của Tổng thống Panama và các phái đoàn ngoại giao. Để thêm phần trịnh trọng, các phong bì chứa hồ sơ dự thầu được một đoàn môtô hộ tống mang đến ký gửi trong kho bảo đảm của Ngân hàng Quốc gia. Tổ hợp nhà thầu nào có giá cả và thiết kế tốt nhất sẽ trúng thầu.

Đến tháng 7-2009, cuộc mở thầu được truyền hình trực tiếp trước sự chứng kiến của nhân dân cả nước Panama. Và kết quả đã khiến nhiều người bị sốc: tổ hợp thầu Grupo Unidos por el Canal đã trúng thầu, với mức chào giá 3,1 tỉ USD. Tất cả người Mỹ ở Panama đều không tin tổ hợp này có thể thực hiện được dự án vì năng lực tài chính lẫn kỹ thuật đều rất yếu.

Không chỉ người Mỹ, nhiều nước khác cũng không tin việc nhóm công ty Sacyr trúng thầu mở rộng kênh đào Panama là sự thật. Nhưng nói gì thì nói, tổ hợp trúng thầu vẫn ăn mừng thành công bước đầu và bắt tay ngay vào việc lập kế hoạch triển khai dự án.

Bất ổn ngay từ khi bắt đầu

Carlos Fabrega, một quan chức cao cấp của Công ty Constructora Urbana tham gia tổ hợp thầu cho biết, tổ hợp có 4 đối tác thuộc 4 quốc gia khác nhau, văn hóa khác nhau, cách tiếp cận dự án khác nhau, và như vậy họ đưa ra những vấn đề riêng, không giống nhau. Do đó, những va chạm nội bộ bắt đầu phát sinh. Một số quan chức tham gia dự án đánh giá sự hợp tác giữa 4 bên giống như mắc kẹt trong một cuộc chiến, hoặc đại khái như một cuộc hôn nhân cưỡng ép.

Một nhà quản lý người Bỉ cho biết ông ta được yêu cầu phải từ bỏ các kỹ năng quản lý kiểu Anglo-Saxon của mình đi vì nó quá chặt chẽ, quá khuôn phép.

Mối lo ngại về chi phí đã nhanh chóng gia tăng và biến thành những cuộc tranh cãi nảy lửa về việc ai sẽ phải làm gì với mức chi phí bao nhiêu. Kinh phí hạn hẹp là thứ bó buộc căng thẳng khiến người ta khó lòng xoay trở một cách linh hoạt và điều chỉnh công việc cho phù hợp với tình hình thực tế, khiến mọi việc không tiến triển như kế hoạch đặt ra.

Và thời gian cũng là vấn đề đáng bàn. Hợp đồng ghi việc thi công dự án sẽ diễn ra trong 1.883 ngày, để lễ khánh thành con kênh đào mới sẽ được tổ chức trùng với ngày kỷ niệm 100 năm kênh đào Panama (1914-2014). Cơ quan Quản lý kênh đào là một chủ đầu tư rất khó tính, họ biết mình muốn xây dựng cái gì và đã ghi rất rõ trong hợp đồng. Họ đặt ra một yêu cầu cụ thể: Kênh đào mới sẽ hoạt động rất khác so với con kênh cũ.

Đến đây, quan hệ giữa chủ đầu tư và tổ hợp trúng thầu lại phát sinh mâu thuẫn. Phía tổ hợp trúng thầu kêu ca chủ đầu tư đã buộc họ phải chờ đợi quá lâu để được duyệt công thức trộn hồ đổ bê-tông, còn chủ đầu tư là Cơ quan Quản lý kênh đào thì tố cáo nhà thầu cố tình tạo tình huống khó khăn để chủ đầu tư không quan tâm đến việc kiểm tra chất lượng công thức bê-tông nữa.

Bất chấp khởi đầu căng thẳng, dự án vẫn được tiến hành như dự kiến và theo đúng kế hoạch đề ra. Thế nhưng, khi bắt đầu đổ bê-tông, chất lượng công việc không bảo đảm đã dẫn đến chất lượng bê-tông không đúng quy cách. Sự nhùng nhằng làm kéo dài thời gian dự án dẫn đến chi phí bị đội lên và tổ hợp nhà thầu tuyên bố bị lỗ, yêu cầu phía chủ đầu tư phải rót thêm kinh phí 463 triệu USD để bù lỗ. Một ủy ban trọng tài được thành lập và ra phán quyết theo hướng ủng hộ nhà thầu, quyết định cấp thêm cho họ 230 triệu USD.

Đến giai đoạn này thì tổ hợp nhà thầu thi công kênh đào Panama bắt đầu bị thiệt hại do những chi phí phát sinh từ việc khắc phục, sửa chữa những phần việc không đạt yêu cầu chất lượng. Từ đó, nội bộ tổ hợp cũng nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến việc hai chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của Công ty Jan De Nul của Bỉ xin nghỉ, rút khỏi dự án vào tháng 7-2013. Thiệt hại của tổ hợp Grupo Unidos por el Canal đã không còn có thể đảo ngược.

Đến tháng 2-2014, nội bộ tổ hợp thầu đã trở nên rối rắm, mâu thuẫn căng thẳng đến độ phải ngừng hoạt động, lấy lý do “khách hàng không có thiện chí hành động hợp tác”. Rốt cuộc dự án được khởi động lại và tiếp tục thực hiện khi ông Giuseppe Quarta đến Panama tiếp quản chức lãnh đạo tổ hợp nhà thầu vào đầu năm 2015.

Khi tiếp quản tổ hợp, ông Quarta phải đối mặt với một thực trạng đáng ngại là tinh thần làm việc và hợp tác trong tổ hợp rất tệ và nhất là tổ hợp đang rơi vào khủng hoảng tài chính. Không có tiền, mất niềm tin nơi các nhà cung cấp nguyên vật liệu, từ đó dẫn đến những khó khăn lớn trong thi công công trình.

Ông Quarta quả thực đã vực dậy được tinh thần làm việc của công nhân và nhân viên trong tổ hợp thi công dự án, đồng thời lấy lại niềm tin ở các nhà cung cấp nguyên vật liệu để dự án tiếp tục được triển khai. Thế nhưng, khi mọi chuyện tưởng đã xuôi chèo mát mái trở lại thì một sự cố nữa lại ập đến như một cú giáng mạnh vào quyết tâm và nghị lực của nhà quản lý mới: ảnh chụp và video ghi lại công trình cho thấy nước chảy ào ạt từ vách bê-tông của một trong những âu thuyền bên phía Thái Bình Dương, gần nơi từng bị sự cố do động đất gây ra.

Vấn đề này đã được giấu nhẹm trong một tuần lễ. Nhưng sau đó, những hình ảnh đầu tiên được một công nhân trong công trình đăng tải lên mạng xã hội vào ngày 23-8-2014 đã chính thức xác nhận điều mọi người lo sợ đã thành hiện thực. Đây không phải là hiện tượng rỉ nước bình thường. Nước đã trào ra đồng loạt từ những vết nứt lan khắp chiều rộng vách âu thuyền ngăn cách giữa hai bậc kênh thấp và trung. Sự cố này gây bối rối cho Cơ quan Quản lý kênh đào.

Tàu Caribbean Princess, chiếc tàu đầu tiên đi qua kênh đào Panama mới.

Trong thi công kênh đào Panama, vấn đề kỹ thuật quan trọng nhất là đổ bê-tông sao cho tốt nhất, nghĩa là bền, chắc, có thể sử dụng đến 100 năm và có thể chống chịu được sự bào mòn của nước biển tràn vào các âu thuyền. Việc trộn quá ít xi-măng sẽ khiến cho hỗn hợp hồ dễ bị thấm, rỉ nước và rất khó sửa chữa. Quá nhiều xi-măng cũng không tốt, nó trơn láng và dễ đổ, nhưng cũng rất nguy hiểm vì dễ nứt, gãy. Vấn đề là làm sao tìm được công thức phối hợp các thành phần nguyên liệu cho đúng chuẩn. Vấn đề xuất phát từ đây.

Do chủ đầu tư bỏ qua khâu kiểm tra kỹ khi phê duyệt công thức bê-tông được trình ban đầu, nên họ hoàn toàn không thể kiểm soát được chất lượng khi thi công. Đó chính là cái gốc của hiện tượng nứt bê-tông và rỉ nước. Và chất lượng bê-tông cũng là nguyên nhân chính cho những lục đục nội bộ tổ hợp thầu.

Cuối cùng Cơ quan Quản lý kênh đào đã kết luận rằng lỗi nằm ở bản thiết kế chứ không phải chất lượng bê-tông. Ilya Espino de Marotta, Phó Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào, giải thích rằng, sự cố nứt bê-tông và chảy nước ào ạt là do vách bê-tông phải chịu áp lực lớn khi một khoang kênh trống (đã rút hết nước), trong khi khoang kế tiếp đầy nước. Bình thường thì cả hai khoang liền kề đều chứa đầy nước.

Cơ quan Quản lý kênh đào đưa ra hai phương án xử lý: một là đập bỏ vách bê-tông và xây mới lại, hai là khoan lỗ tại nơi rò rỉ nước và trám bằng những thanh bê-tông cốt thép. Phương án một vừa tốn kém vừa kéo dài thời gian thi công, do đó Cơ quan Quản lý kênh đào chọn phương án hai.

Những sự cố, trục trặc như thế xảy ra liên tục đã làm cho thời gian thực hiện dự án kéo dài thêm 2 năm, đồng thời chi phí thực hiện dự án cũng bị đội lên, từ 3,1 tỉ USD dự kiến ban đầu đã đội lên thành 5,4 tỉ USD, khiến nhà thầu bị lỗ nặng, buộc phải xin nước chủ nhà hỗ trợ bù lỗ.

Cuối cùng, sau những nỗ lực hỗ trợ của chủ đầu tư, dự án mở rộng kênh đào Panama đã hoàn thành. Ngày 26-6-2016, kênh đào Panama mới đã chính thức mở cửa hoạt động, đón chiếc tàu khổng lồ đầu tiên đi qua trót lọt.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.