Khám phá thế giới của nghệ sĩ dị dạng Mari Katayama

Thứ Năm, 21/09/2017, 15:52
Mari Katayama (30 tuổi, ở thành phố Tokyo, Nhật Bản) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tokyo năm 2012. Ngay từ khi còn nhỏ, Katayama đã thích khâu nhiều đồ vật ngộ nghĩnh. Lên 9 tuổi, Katayama bị cắt cụt hai chân do mắc phải căn bệnh hiếm gặp.

Hiện nay, Katayama miệt mài làm việc với vài dự án khắc họa chân dung bản thân cùng với những đồ vật do tự tay cô khâu trong căn phòng riêng của mình.

Mari Katayama chào đời với căn bệnh hiếm gặp gọi là tibial hemimelia khiến cho xương phần dưới 2 chân không phát triển bình thường. Cô lớn lên trong thị trấn Ota thuộc tỉnh Gunma và nơi đây có căn hộ được cô dùng làm studio. Trong trường hợp của Katayama, bệnh gây dị dạng nơi hai chân và bàn tay trái bị chẻ ra trông giống như càng cua – có lẽ vì thế mà motif con cua thường xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật khác thường của cô.

Mari Katayama lúc nhỏ và những chân giả nghệ thuật được trang trí bằng hình xăm nhiều màu sắc của Katayama.

Katayama bộc bạch: “Không ai có thể tách lìa tôi khỏi công việc của tôi. Nhưng, tôi không sáng tạo nghệ thuật vì bởi sự khuyết tật của tôi”. Mặc dù vậy, Katayama vẫn coi cơ thể bản thân là bức tượng sống. Nghệ thuật của Katayama thu hút sự chú ý đặc biệt từ các nhà sưu tập và nhà quản lý bảo tàng ở châu Âu và Mỹ - một điều hiếm hoi trong thế giới ấn tượng song tách biệt của nghệ thuật đương đại Nhật Bản.

Điều đặc biệt đáng chú ý là Katayama không bao giờ muốn phô trương bản thân là một nghệ sĩ. Những món đồ nhồi bông và thêu hoa văn phức tạp của Katayama – được đính với dải ren, vỏ sò, tóc, đồ pha lê và những hình ảnh cắt dán nghệ thuật – thực ra được sáng tạo chỉ nhằm để mua vui cho bản thân cô!

Khi còn nhỏ, Katayama mang đôi giày đặc biệt bó chặt vào phần dưới của hai chân, nghĩa là cô không thể mặc quần áo bình thường. Katayama nhớ lại những thế hệ phụ nữ trong gia đình mình thường may quần áo riêng cho cô và họ cũng khích lệ cô tự may quần áo cho bản thân.

Katayama kể: “Tôi học cách cầm kim và chỉ trước cả khi cầm cây bút chì”. Kể từ đó, công việc may khâu trở thành bản tính thứ 2 của Katayama. Nhưng, thực tế không thể tránh khỏi: sự dị dạng của cô khiến cô bị cô lập trong trường học. Từ năm học thứ 3, Katayama trở thành đối tượng bắt nạt và trêu chọc của mọi người. Nhưng thay vì tỏ ra thương cảm hay ủng hộ, thầy giáo của Katayama khuyên cô bé tội nghiệp nên chọc tức những kẻ hành hạ mình bằng cách nhìn chúng với ánh mắt coi thường!

Dù sao thì những vụ bắt nạt tồi tệ liên tục xảy ra buộc Katayama phải rời khỏi ngôi trường và thậm chí có lúc cách xa cả cha mẹ mình. Lúc 9 tuổi, Katayama quyết định cắt cụt phần dưới 2 chân mình và có lẽ đó là quyết định chín chắn nhất của một cô gái mà tuổi đời còn quá trẻ. Song Katayama cho rằng quyết định đó hoàn toàn thiết thực: “Đó là sự lựa chọn giữa việc phải gắn bó suốt cuộc đời với chiếc xe lăn hoặc là có thể bước đi với đôi chân đã mất của mình. Thế là, tôi chọn sự bước đi”.

Cuối cùng, Katayama trải qua 1 năm ròng rã tập bước đi với chân giả và đó là khoảng thời gian mà cô cảm thấy như kéo dài đến vô tận. Sau khi được mặc quần áo và mang giày bình thường như mọi người, Katayama bắt đầu quan tâm đến thời trang với mơ ước có thể ăn mặc giống như bao đứa trẻ bình thường khác.

Katayama với phần dưới hai chân dị dạng do bệnh hiếm gặp.

Nhưng chuyện bắt nạt vẫn tiếp tục xảy ra. Khi lên 16 tuổi, Katayama được Tatsuya Shimada – lúc đó còn là sinh viên khoa thời trang – chú ý đến. Hiện nay, Tatsuya Shimada đã là nhà tạo mẫu hàng đầu làm việc cho tạp chí thời trang Nhật Bản Vogua Japan. Tatsuya Shimada sử dụng những người mẫu không chuyên nghiệp ở mọi độ tuổi và mọi ngoại hình cơ thể và ông tiếp xúc với Katayama thông qua blog của cô.

Shimada nhớ lại: “Katayama bảo với tôi rằng cô đang vẽ tranh và hát trong một ban nhạc”. Nhờ Shimada mà Katayama có cơ hội bước lên sàn catwalk. Shimada còn đề nghị Katayama trang trí hình xăm nhiều màu sắc lên những chân giả của cô. Mari Katayama nghĩ rằng những chân giả mới mang hình xăm độc đáo không chỉ là thời trang mà còn cho phép cô chinh phục cảm tình bạn bè trong trường học. Một thầy giáo khuyên Katayama nên tham gia vào sự kiện Gunma Young Artists Biennale.

Katayama giành được giải thưởng Encouragement và lần đầu tiên cô cảm thấy nghệ thuật là lựa chọn có thể chấp nhận được. Lúc 23 tuổi, Katayama vào học ngôi trường danh tiếng Nhật Bản – Tokyo Art Institute. Cuộc triển lãm nghệ thuật sắp đặt (Installation) năm 2014 mang tên “Youre Mine” là tiêu biểu cho tính phức tạp trong tác phẩm của Katayama. Cô tạo ra một cơ thể đúc bằng thạch cao và phủ lên đó lớp vải chắp mảnh tự may làm “làn da” – một tác phẩm được đánh giá khá kinh dị dù đầy tính sáng tạo.

Hoàn toàn không nghĩ đến ý đồ sáng tạo nghệ thuật khi bắt đầu tạo tác chân dung độc đáo của mình, cô giải thích: “Tôi chỉ thực hiện những bức ảnh để chia sẻ với bạn bè trên trang mạng xã hội MySpace về những gì tôi làm được mà thôi”. Thời gian qua, một trong hai cuộc triển lãm chính của Katayama diễn ra tại tỉnh Gunma nằm trên đảo Honshu của Nhật Bản, và cuộc triển lãm khác tổ chức trong Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York (Mỹ) gọi là “On the Way Home”.

Trong cuộc triển lãm tại Gunma, Katayama giới thiệu những sáng tác hồi tưởng về quá khứ của cô – từ lúc chào đời cho đến ngày hôm nay. Simon Baker, nhà quản lý Bảo tàng Tate Modern ở thành phố London (Anh), rất ấn tượng trước những tác phẩm độc đáo của Mari Katayama khi lần đầu tiên ông có dịp nhìn thấy tại hội chợ nhiếp ảnh Unseen diễn ra tại thành phố Amsterdam của Hà Lan năm 2016.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.