Khám xét trụ sở Liên đoàn Bóng đá Đức

Thứ Bảy, 17/10/2020, 11:47
Vụ khám xét bất ngờ nhằm vào trụ sở của liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đang gây rúng động dư luận tại Đức. Nguyên cớ vì đâu thượng tầng của bóng đá Đức lại lâm vào tình cảnh bi đát tới như vậy?

Thành lập vào ngày 28/1/1900, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB, viết tắt của cụm từ Deutscher Fussball-Bund) là một trong những liên đoàn bóng đá lâu năm nhất trên thế giới. DFB cũng chính là một trong những thành viên sáng lập của hai cơ quan bóng đá quyền lực nhất cấp châu lục và thế giới là Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Với 21 liên đoàn trực thuộc đại diện cho các bang tại Đức bao gồm 25.000 câu lạc bộ với hơn 6,8 triệu thành viên, DFB còn là một liên đoàn bóng đá có quy mô lớn nhất trên thế giới.

Danh tiếng và có bề dày truyền thống như vậy song đáng tiếc, DFB giờ đây đang rối như tơ vò bởi vụ khám xét bất ngờ vừa xảy đến.

Cảnh sát phong tỏa trụ sở DFB.

Theo ghi nhận, hàng chục cảnh sát có vũ trang đã phong tỏa khu vực bao quanh trụ sở DFB ở Frankfurt vào sáng sớm ngày 7/10 vừa qua (giờ địa phương) rồi tiến hành lục soát nhằm phục vụ công tác điều tra gian lận trốn thuế. Khá nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động tài chính, thu chi của DFB đã bị thu giữ. Không chỉ trụ sở DFB, tư dinh của 6 nhân vật lãnh đạo và cựu lãnh đạo của DFB cũng đã bị lục soát cùng thời điểm.

Nhằm tránh những xáo trộn không đáng có, cảnh sát cũng như cơ quan công tố Đức tạm thời giữ kín danh tính của 6 nhân vật. Mặc dù vậy nó cũng đủ khiến làng bóng đá Đức được một phen chao đảo dữ dội.

Theo ông Nadja Niesen, đại diện cơ quan công tố Đức, lý do chính khiến trụ sở DFB bị lục soát xuất phát từ những cáo buộc về việc DFB đã dùng "tiểu xảo" để lách luật nhằm tránh nộp khoản thuế thu nhập lên đến 4,7 triệu euro.

Đây là số tiền cơ quan điều hành bóng đá Đức kiếm được từ hợp đồng quảng cáo trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2015. Tinh vi ở chỗ DFB đã ủy nhiệm cho một công ty chuyên về hoạt động tài chính có trụ sở tại Thụy Sỹ đứng lên ký hợp đồng. "Đây là sự vụ rất phức tạp liên quan đến một loạt tổ chức, cá nhân", Niesen nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ nhật báo Bild. "Bởi vậy chúng tôi sẽ chỉ công bố thông tin một cách đầy đủ sau khi hồ sơ được hoàn tất và chuyển giao sang phía tòa án".

Vẫn theo Niesen, ngoài 6 nhân vật thuộc dạng "tai to mặt lớn" kể trên, còn có 200 người nữa dính dáng ít nhiều. Trong số đó có những người hiện đang làm việc cho liên đoàn bóng đá các bang Bavaria, North Rhine-Westphalia, Hesse, Lower Saxony và Rhineland-Palatinate. Số đối tượng này sẽ lần lượt được triệu tập để thẩm vấn nhằm bổ sung chứng cớ trong quá trình điều tra.

Vụ lục soát trụ sở DFB vừa qua chẳng khác nào đòn mạnh nữa giáng vào cơ quan điều hành bóng đá Đức. Đồng thời nó còn làm uy tín của tổ chức này sụt giảm một cách nghiêm trọng trong con mắt hàng triệu người hâm mộ tại Đức. Tệ hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên DFB bị nhà chức trách tại Đức sờ gáy vì bê bối đưa lại từ chốn hậu trường.

Cách đây 5 năm, chính xác vào tháng 11/2015, lệnh khám xét trụ sở DFB đã được thực hiện một cách khẩn trương với sự tham gia của hàng chục cảnh sát. Cùng với trụ sở DFB, tư dinh của Wolfgang Niersbach, chủ tịch đương nhiệm của DFB khi đó và Theo Zwanziger, cựu chủ tịch DFB đã bị lục soát.

Càng sốc hơn khi biết vụ "bố ráp" rầm rộ được tiến hành nhằm điều tra những bê bối liên quan đến việc  Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) trao quyền đăng cai tổ chức vòng chung kết World Cup 2006 cho Đức. Theo cáo buộc, DFB đã che giấu một khoản tiền lên tới 6,7 triệu euro. Đây là số tiền bị nghi ngờ được dùng để "lót tay" một số quan chức chóp bu của  FIFA trong quá trình vận động đăng cai tổ chức Vòng chung kết World Cup 2006 tại Đức.

Hậu quả nhãn tiền từ cuộc điều tra là Chủ tịch Niersbach của DFB buộc phải đưa ra quyết định từ chức bởi áp lực dư luận. Theo lời phát biểu của Niersbach, sở dĩ ông rời bỏ chiếc ghế chủ tịch DFB là "cảm thấy phải có trách nhiệm với hình ảnh cũng như uy tín của DFB". Đồng thời, Niersbach luôn miệng khẳng định không hề làm bất kỳ điều gì sai trái trong suốt thời gian tại vị của mình.

Năm 2019, DFB thêm một phen muối mặt từ vụ Chủ tịch Reinhard Grindel từ chức do bê bối tai tiếng dính vào trong nhiệm kỳ. Ngoài mức lương trách nhiệm 7.200 euro/tháng nhận đều đặn từ DFB, Grindel còn bị tố đã "ngậm miệng ăn tiền" 78.000 euro từ một công ty con của DFB vào năm 2016 và 2017. Tai tiếng nối tiếp tai tiếng với Grindel khi bóc mẽ nhận hối lộ một chiếc đồng hồ đắt tiền từ một thương gia người Ukraine.

Với những gì đang xảy đến, chẳng ai dám chắc liệu Fritz Keller, chủ tịch hiện tại của DFB có bước theo vết xe đổ của những người tiền nhiệm hay không. Sâu xa hơn nữa, DFB nhiều khả năng sẽ rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng mới. Đương nhiên, điều đó sẽ tác động tiêu cực tới đời sống bóng đá ở Đức.

Bảo Quyên
.
.