Khát vọng làm giàu từ ngọc bích

Thứ Sáu, 26/05/2017, 15:23
Hàng trăm nghìn người từ khắp các bang ở Myanmar đổ xô đến Hpakan để tìm ngọc. Giống như những thị trấn mọc lên chỉ trong một đêm ở miền viễn Tây nước Mỹ hồi đầu thế kỷ XIX khi bùng nổ cơn sốt tìm vàng, Hpakan cũng phát triển rất nhanh chóng, đến nỗi dân địa phương gọi nó là “một Hong Kong thu nhỏ”.

Chợ ngọc

Chợ ngọc ở Hpakant thật ra chỉ là một bãi đất trống, có vài cái sạp bằng gỗ, mái lợp lá dùng làm nơi thanh toán tiền bạc còn ngọc thì đổ từng đống dưới đất. Đó là những khối đá đủ mọi hình dạng, có khối nặng chỉ vài chục gram nhưng cũng có khối nặng đến cả trăm kg, khối nào khối nấy bên ngoài phủ một lớp hóa thạch màu vàng nâu. Tất cả những khối ngọc này đều được người bán cưa vát đi một góc để khách có thể nhìn thấy màu sắc, độ tinh khiết của ngọc.

Kể từ khi thỏa thuận hòa bình với Quân đội độc lập Kachin (KIA) được ký kết năm 1994, Chính phủ Myanmar đã tự do hóa các quy định liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, bao gồm cả việc buôn bán ngọc bích. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, người dân Myanmar được phép kinh doanh mặt hàng này, thậm chí còn có thể bán cho người nước ngoài - điều mà trước năm 1994 đã bị cấm.

Cũng kể từ đó, hàng trăm nghìn người từ khắp các bang ở Myanmar đổ xô đến Hpakan để tìm ngọc. Giống như những thị trấn mọc lên chỉ trong một đêm ở miền viễn Tây nước Mỹ hồi đầu thế kỷ XIX khi bùng nổ cơn sốt tìm vàng, Hpakan cũng phát triển rất nhanh chóng, đến nỗi dân địa phương gọi nó là “một Hong Kong thu nhỏ”.

Maung Aye và hòn đá “bí ngô” có ngọc.

Trong bài phóng sự của mình, nhà báo tự do Mike Spencer viết: “Aung Ma, một người bán ngọc ở chợ nói với tôi là tại đây, có thể mua được những chiếc điện thoại vệ tinh thế hệ mới nhất, rượu wishky Mỹ, cognac Pháp hảo hạng, đồng hồ Thụy Sĩ loại chế tạo từng chiếc bằng tay và dĩ nhiên không thể thiếu heroin và gái điếm miễn là anh có tiền”.

Càng gần trưa, chợ ngọc càng náo nhiệt, những chiếc xe tải loại 10 tấn, 20 tấn liên tục đổ xuống những khối đá đủ mọi hình thù. Từng đoàn khách - chủ yếu là người Trung Quốc kiên nhẫn đứng chờ dưới cái nắng gay gắt trong lúc những thợ cắt dùng cưa máy vạt đi một góc ở mỗi khối đá. Cứ hễ thấy một khối được cắt xong là nhóm khách Trung Quốc lại xúm vào, trên tay mỗi người là một cái đèn pin, ánh sáng hội tụ qua thấu kính rất mạnh, soi đi soi lại vào khối đá dưới mọi góc cạnh.

Mike Spencer mô tả: “Họ làm vậy là để đo độ tinh khiết của ngọc. Khi ánh sáng đi vào và nếu ngọc có những mảng dợn sóng trắng đục thì nó sẽ phản chiếu ngay”. Một người đàn ông sau khi soi chiếu hàng chục lần, đã vội vã ôm ngay hòn đá đến chỗ tính tiền với nét mặt hớn hở .

Hòn đá ấy mai đây qua những công đoạn chế tác, nó sẽ biến thành những chiếc vòng đeo tay, mặt nhẫn, tượng Phật Di lặc, tượng Thổ địa, Thần tài hoặc những cành hoa, những con chim, chiếc lá... rồi được bày bán trong một cửa hàng sang trọng nào đó ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hong Kong, thậm chí sang tới châu Âu, châu Mỹ, mang lại lợi nhuận cho chủ nhân của nó hàng vài chục lần so với số tiền đã bỏ ra ở Hpakant.

Xanh ngọc, đỏ máu

Như đã nói ở trên, ngành khai thác ngọc bích ở Hpakant không chỉ có những công ty với máy móc tối tân, mà còn có cả những người thợ đào bới tự do (tiếng Myanmar gọi là yemase) - nghĩa là không phụ thuộc vào một chủ mỏ nào hết.

Maung Aye chẳng hạn, năm nay 36 tuổi, đồ nghề của ông chỉ là một cây búa nhỏ, dùng để gõ vào những hòn đá rồi nghe tiếng vang của nó để đánh giá nó có ngọc hay không. Cầm trên tay một hòn đá có hình thù giống quả bí ngô, Muang Aye cam đoan nó có ngọc vì khi gõ búa vào, tiếng nó “thanh” chứ không “đục” còn độ tinh khiết như thế nào thì phải cưa ra mới biết. Theo Muang Aye, hòn đá ấy có giá 30.000 kyat (đơn vị tiền tệ Myanmar, tương đương 550.000 đồng tiền Việt)”.

Sinh ra ở thị trấn Gangaw, miền trung Myanmar, năm 1996 Muang Aye tạm biệt gia đình để đến Hpakant với ước vọng làm giàu nhờ ngọc jadeite. Ông nói: “Ở quê tôi, cuộc sống quá khó khăn, thu nhập không đủ sống, trong lúc tại Hpakant, tôi dễ dàng kiếm từ 10.000 đến 20.000 kyat mỗi ngày. Nếu may mắn tìm được viên đá có ngọc tốt thì 50.000 hay 100.000 kyat là chuyện hoàn toàn có thể”.

Mặc dù mức thu nhập như Muang Aye nói “chỉ là cái móng tay” so với những chủ mỏ hoặc những thương lái mua đi bán lại, nhưng nó vẫn là liều thuốc kích thích hàng chục nghìn nông dân nghèo trên khắp đất nước Myanmar, nhất là khi các câu chuyện về sự “đổi đời” của một vài người được loan truyền với tốc độ chóng mặt trên Internet, rằng ông Anaw hay ông Kyaung nào đó đã nhặt được một viên ngọc, bán hơn 2,5 triệu kyat...

Ông Aung Ranah, công nhân thuộc công ty khai thác mỏ Yadanar Taungtann cho biết mức lương của ông mỗi tháng là 60 USD (tương đương 1,3 triệu đồng tiền Việt). Ông nói: “Hằng ngày, chúng tôi bắt đầu làm từ 7 giờ sáng. Trước đó, máy ủi đã bóc hết lớp đất trên bề mặt mỏ, để lộ ra những khối đá lớn nhỏ. Công việc của chúng tôi là xếp những hòn đá nhỏ lên xe tải, còn những khối đá lớn thì chủ mỏ dùng xe nâng. Khi về tới xưởng, một bộ phận khác tìm kiếm và tách riêng những khối đá có ngọc, còn những loại không có thì được đổ ra bãi thải”.

Một nhóm người Trung Quốc đang soi đèn để đánh giá độ tinh khiết của ngọc.

Muang Aye giải thích: “Do các chủ mỏ đầu tư máy móc phương tiện cơ giới hóa trong khai thác nên những bãi thải xuất hiện ngày càng nhiều, và đó cũng là nơi tôi và những meyase khác tới nhặt nhạnh. Không ít người đã gặp may bởi lẽ bộ phận phân loại đá có ngọc của Công ty Yadanar Taungtann chẳng thể nào tránh khỏi sai sót”.

Nhà báo tự do Mike Spencer viết: “Bãi thải gồm nhiều hố sâu nối tiếp nhau, có hố sâu hơn 50m với vô số tảng đá lớn nhỏ do xe tải đổ chồng lên, có tảng còn nguyên vẹn nhưng cũng chẳng thiếu những tảng bị chẻ ra làm đôi, làm ba. Ngang sườn hố, hàng mấy chục người thận trọng dịch chuyển từng hòn đá. Lúc lấy ra được một hòn nghi là có ngọc, họ nâng lên rồi dùng búa gõ vào”.

Tuy nhiên, bên cạnh những hòn đá có ngọc “không mất công đào”, thì hầu như tất cả những người thợ mỏ meyase đều ý thức được những mối nguy hiểm luôn rình rập. Maung Aye nói: “Đất đá ở những bải thải luôn mất ổn định. Nếu anh bới và lấy ra một hòn đá thì rất có thể nó sẽ kéo theo sự sụp đổ dây chuyền của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hòn đá khác. Hậu quả là anh cùng bạn bè anh sẽ bị vùi trong đó”.

Tháng 11-2015, một vụ sụp lở như vậy đã xảy ra, chôn sống 114 người nhưng theo Maung Aye thì: “Con số có thể lên đến 300. Sau 2 ngày tìm kiếm, đem ra được 114 xác, Công ty Mya Ya Mone phải ngừng lại vì không thể di chuyển cả một núi đất đá khổng lồ. Đến tháng 5-2016, lại có thêm 13 người bị chôn vùi khi đang tìm ngọc ở một bãi thải khác”.

Ye Min Naing, 28 tuổi, một yemase may mắn sống sót trong một vụ lở đá tại bãi thải Hmaw Sisar kể lại: “Đó là một buổi sáng sau cơn mưa lớn đêm trước, tôi cùng hàng trăm người leo lên sườn dốc của bãi thải với hy vọng tìm thấy một vài viên ngọc còn sót lại. Đột nhiên, tôi nghe thấy một âm thanh trầm trầm rồi đất đá ào ào tuôn xuống. Tôi bị một hòn đá đập vào đầu và ngất đi. Chẳng hiểu bằng cách nào đó mà bạn bè kéo được tôi ra ngoài trong lúc 9 người khác chết tại chỗ, còn một người bị liệt toàn thân khi đưa đến bệnh viện”.

Xe tải chở đá có ngọc đến chợ ngọc Hpakant.

Giống như những người chết trong các vụ lở đá ở Hpakant, vụ lở đá tại bãi thải Hmaw Sisar không bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Gia đình của các nạn nhân chỉ biết được tin tức do những người cùng làm việc với họ kể lại và hầu như chẳng có tử thi nào được mang về chôn cất. Ye Min Naing nói: “Nhiều bãi thải là những nấm mồ vô danh, không ai biết được đã có bao nhiêu người và tên tuổi của họ nằm ở trong đó”.

Năm 2002, Ye Min Naing tìm được một khối ngọc bích giá 7.000 USD. Bán xong, ông trở về quê để bắt đầu một cuộc sống mới nhưng chứng nghiện heroin mà ông vướng phải trong quãng thời gian đi tìm ngọc đã nhanh chóng làm tiêu tan số tiền kiếm được. Ông kể: “Tôi uống rượu để quên đi những cơn thèm khát heroin và may mắn là tôi đã bỏ được nó”.

Một ngày giữa tháng 3-2006, Ye Min Naing quyết định quay lại Hpakant: “Mẹ tôi cho tôi 25 kyat. Số tiền đủ để mua một chiếc vé xe. Tôi cảm thấy cuộc sống ở Hpakant có ý nghĩa hơn là ở nhà vì tôi hy vọng một lần nữa, thần may mắn lại mỉm cười với tôi. Đó là giấc mơ của tất cả những người nhặt đá thải”.

Vũ Cao (rheo Global Withness - Jadeite in Hpakant)
.
.