Khủng hoảng rình rập khi Mỹ dọa rút khỏi WTO

Thứ Tư, 12/09/2018, 13:46
Trong cuộc phỏng vấn tại Phòng Bầu dục với hãng tin Bloomberg ngày 30/8, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu cơ quan này không cải cách và đối xử tốt hơn với Mỹ. Ông Trump nhấn mạnh: “Nếu họ không có sự điều chỉnh, tôi sẽ rút khỏi WTO”.

Dấu hiệu một cuộc khủng hoảng đang hình thành, đe dọa ổn định thương mại toàn cầu.

Lời cảnh báo và cơn khủng hoảng toàn cầu đang hình thành

WTO ra đời từ năm 1995, với sứ mệnh là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng. WTO đã thực hiện nhiệm vụ này bằng cách thiết lập các quy tắc, giải quyết các tranh chấp và đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết những bất đồng. Mỹ là một trong số nước góp công lớn xây dựng và củng cố các quy định thương mại trong WTO, bởi vậy việc ông Trump cảnh báo rút Mỹ khỏi tổ chức này đồng nghĩa với việc chối bỏ nỗ lực và vị thế của Mỹ trong WTO.

Ngày 31-8, Bộ Kinh tế Nga cảnh báo, Mỹ sẽ hứng chịu hậu quả về mặt kinh tế xuất phát từ việc không tuân thủ quy tắc, sau khi Tổng thống Trump đe dọa rút Mỹ khỏi WTO. Theo ông Rufus Yerxa, cựu Phó Tổng giám đốc WTO, Mỹ sẽ bị cô lập trong nền kinh tế thế giới nếu rút khỏi WTO.

Còn Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách thương mại Herbert A. Stiefel thuộc Viện Cato, ông Simon Lester cho rằng việc Mỹ chấm dứt tư cách thành viên của WTO sẽ dẫn tới một thảm họa kinh tế.

Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế và từng là quan chức thương mại Mỹ Gary Clyde Hufbauer lo ngại chỉ riêng việc đe dọa thực hiện một động thái bảo hộ như vậy cũng đủ sức tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế "vô tội vạ" và buộc những quốc gia khác phải có những biện pháp phản ứng lại. Hệ quả là một cơn khủng hoảng toàn cầu sẽ hình thành.

Ngoài ra, Mỹ có thể ra khỏi WTO và gây áp lực với các nước khác cũng có động thái tương tự, hoặc không tôn trọng các quy tắc của tổ chức này.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Trump luôn thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề thương mại. Ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để mang lại lợi ích lớn hơn cho nước Mỹ và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng với cả các nước đồng minh.

Trụ sở của WTO. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, cuộc chiến với Trung Quốc là đáng chú ý nhất. Có thể nói rằng việc ông Trump đe dọa rút khỏi WTO sẽ hủy hoại một trong những nền tảng của hệ thống thương mại toàn cầu mà Mỹ đã góp công tạo dựng.

Tháng trước, Tổng thống Trump cho rằng Mỹ đang ở thế bất lợi lớn khi bị WTO đối xử “rất tồi tệ” trong nhiều năm và cơ quan này cần “thay đổi cách thức của họ”. Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, việc cho phép Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001 là một sai lầm. Từ lâu, ông đã kêu gọi Mỹ có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn với WTO và cho rằng tổ chức này không có khả năng đối phó với một nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc.

Lighthizer đã cáo buộc rằng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO can thiệp vào chủ quyền của Mỹ, đặc biệt là đối với các vụ chống bán phá giá.

Rõ ràng, lời cảnh báo của ông Trump về việc Mỹ có thể rút khỏi tổ chức này làm nổi bật những mâu thuẫn giữa chính sách thương mại của Tổng thống Trump và hệ thống thương mại mở mà WTO giám sát. Dù mới chỉ dừng lại ở cảnh báo, song rõ ràng thái độ cứng rắn của Tổng thống Trump cho thấy Washington ngày càng củng cố chính sách bảo hộ thương mại của mình và chắc chắn điều này gây hậu quả không nhỏ trong hoạt động giao thương toàn cầu.

Trong khi đó, Washington gần đây đã ngăn chặn cuộc bầu thêm thẩm phán vào hệ thống đánh giá của WTO, hành động có thể làm tê liệt khả năng đưa ra phán quyết và có thể chấm dứt hoạt động của tổ chức này trong những năm tới... Dù phàn nàn nhiều về WTO, chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục nộp đơn kiện các thành viên khác. Mới đây, chính quyền Mỹ đã nộp đơn kiện các mức thuế của Nga đối với các sản phẩm của Mỹ mà chính quyền ông Trump cho là “bất hợp pháp”.

Các nước nộp đơn kiện ở WTO thường có xu hướng giành chiến thắng, còn bị đơn trong các tranh chấp thương mại thường thua. Tuy nhiên, dữ liệu của WTO cho thấy Mỹ đạt kết quả tốt hơn một chút so với mức trung bình của WTO. Trong số 54 vụ mà Mỹ nộp đơn kiện trong suốt thời gian WTO hoạt động, Washington được tuyên thắng ít nhất ở một mục nào đó trong 49 vụ, (tương đương 91%). Trong số 80 vụ mà Mỹ bị kiện, ban xử lý khiếu nại của WTO đã tuyên Mỹ thua về ít nhất một khía cạnh nào đó trong 69 vụ (tương đương 86%).

Tuy nhiên, việc Mỹ rời khỏi WTO không phải là điều dễ dàng bởi quyết định này phải được Quốc hội Mỹ thông qua, trong khi nhiều nghị sĩ, gồm cả nghị sĩ Cộng hòa, vẫn ủng hộ tự do thương mại. Nhà tư vấn cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu và chiến lược (CSIS) Bill Reinsch nhận định khó có thể thuyết phục các nghị sĩ Mỹ chấp nhận điều này bởi họ nhận thức rõ là WTO mang lại lợi ích gì cho nước Mỹ.

Một số nhà quan sát cho rằng ẩn sau các lời đe dọa rút khỏi WTO là nỗ lực của Washington nhằm “cải tổ” tổ chức thương mại đa phương để khiến định chế này có lợi hơn cho Mỹ.

Rút khỏi WTO, không dễ dàng cho nước Mỹ

 Các chuyên gia nhận định, chính Mỹ là người thụ hưởng lớn nhất của toàn cầu hóa, việc đồng USD “bá chủ” cũng là kết quả của toàn cầu hóa. Mỹ rút khỏi WTO có nghĩa là Mỹ sẽ từ bỏ cơ chế đa phương mà họ từng chủ đạo, điều này sẽ khiến các nước phương Tây theo Mỹ cảm thấy lo lắng như “rắn mất đầu”. Tuy nhiên, không có Mỹ thì WTO vẫn vận hành như cũ.

Cựu Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đã từng đề xuất một “kế hoạch B” sau khi Mỹ rút khỏi nhóm, cho thấy WTO đã nghiên cứu phán đoán về nguy cơ Mỹ rút khỏi tổ chức này. Hơn nữa, các cuộc “rút khỏi nhóm” của ông Trump kể từ khi nhậm chức đến nay cũng đã mang đến cho cộng đồng quốc tế những thử thách căng thẳng về sự “ra đi” của Mỹ.

Thực tế đã chứng minh rằng sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy cơ chế này thành CPTPP; Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Chống biến đổi khí hậu Paris, cộng đồng quốc tế (Trung Quốc, Pháp, Đức...) tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận này; khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran đồng thời thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran và cộng đồng quốc tế, cộng đồng quốc tế bao gồm Liên minh châu Âu (EU) vẫn trụ vững trước sức ép.

Đặc biệt, Mỹ đã khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu nhằm thách thức WTO. Thế nhưng, xung đột thương mại Trung-Mỹ lại bước vào một giai đoạn bế tắc trong khi châu Âu và Canada đã đưa ra các biện pháp trả đũa thương mại nhằm vào Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO. Ảnh: Livemint.

Như vậy, có thể thấy, một mặt cộng đồng quốc tế đã chịu được sức ép đến từ chủ nghĩa đơn phương về thương mại của Mỹ, mặt khác Washington cũng khó có thể tiếp tục một mình chống lại cả thế giới. Mặc dù các nhà phân tích cho rằng mục đích đàm phán của Mỹ và các đối tác thương mại đồng minh là nhằm đối phó tốt hơn với Trung Quốc nhưng cũng cho thấy Washington đã không tự lượng sức mình khi đòi đơn phương lật đổ cơ chế thương mại toàn cầu.

Nếu Mỹ rút khỏi WTO, địa vị cường quốc thương mại của Mỹ sẽ không thể duy trì. Mất đi thị trường toàn cầu, cơ cấu công nghiệp của Mỹ đã mất đi sự hỗ trợ của chuỗi công nghiệp toàn cầu. Một nước Mỹ như vậy sẽ không bền vững vì công nghệ cao của Mỹ chắc chắn không nhận được sự hỗ trợ của thị trường toàn cầu, vì vậy cũng khó có thể chuyển hóa thành sức sản xuất thực sự.

Điều đáng nói là khi Mỹ duy trì quyền lực đối với các nước khác thông qua WTO thì 90% phần thắng thuộc về Washington trong các trường hợp, trong khi tỉ lệ thắng của Trung Quốc chỉ là 60%. Rõ ràng, WTO đã tối đa hóa lợi ích thương mại của Mỹ. Việc Mỹ rút khỏi WTO là lợi bất cập hại. Do đó, việc ông Trump rút Mỹ khỏi WTO là đang chơi một trò chơi có một sức ép rất lớn với hy vọng nhận được nhiều đặc quyền có lợi hơn nữa cho nước Mỹ từ WTO.

WTO cần đổi mới

Xét tình hình trước mắt, WTO vẫn là thể chế rất hữu hiệu, có vai trò rất lớn, trong đó có các phương diện như cơ chế điều tiết, quy tắc thành lập trọng tài... Tuy nhiên, hiện WTO đối mặt với những thách thức mới, dù là xu thế phát triển của các hiệp định thương mại song phương hay khu vực đều gây tác động đến WTO. WTO cũng cần đổi mới. Một số lĩnh vực như thương mại điện tử, thương mại dịch vụ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... đều cần phải đổi mới.

Hệ thống thương mại đa phương, dựa trên cơ cấu của WTO, hoạt động rất hiệu quả trong suốt nhiều năm qua. Hệ thống này đảm bảo nền móng cho các nước tự tin lập kế hoạch kinh tế quốc gia - trong một số khoảng thời gian. Thậm chí, một số quốc gia đã đứng ra đảm nhận sự ổn định và tạo tầm nhìn cho hệ thống thương mại toàn cầu, từ đó, mở rộng kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia.

Khoảng 2/3 hoạt động thương mại thế giới ngày nay được thực hiện thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu. Như nhà kinh tế học Richarde Balwin đã giải thích, việc xây dựng rào cản thương mại trong nền kinh tế hiện đại giống như xây một bức tường chắn giữa nhà máy. Và trong một nền kinh tế kết nối toàn cầu, tác động của bất kỳ cú sốc nào lên hệ thống thương mại đều ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới, vượt xa khỏi phạm vi các quốc gia có liên quan trực tiếp. Trong kịch bản này, tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng và các quốc gia kém phát triển sẽ phải hứng chịu nhiều nhất.

Nếu Mỹ rút khỏi WTO, thương mại thế giới được cảnh báo sẽ có khủng hoảng lớn. Ảnh: South China Morning Post.

Hợp tác quốc tế là cần thiết để làm giảm bớt căng thẳng và bảo vệ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới. WTO, nơi tạo ra diễn đàn cho các thành viên tìm kiếm phương thức hợp tác và kết hợp với nhau, sẽ đóng vai trò chuyên biệt trong tiến trình này. Nếu không có WTO, một làn sóng các biện pháp bảo hộ đã bị khuấy động trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, làm xấu đi đáng kể hiệu quả kinh tế trong giai đoạn suy giảm đó.

Hệ thống thương mại đa phương rất quan trọng, nhưng hệ thống này cũng cần phải được củng cố và cải thiện để đáp ứng các nhu cầu của kinh tế thế giới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng.

Một trong những nhiệm vụ chính của WTO là hạn chế và giải quyết các tranh chấp thương mại, ngăn chặn các đòn đáp trả thương mại lẫn nhau giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ với phần còn lại hiện nay, WTO đang bị biến thành kẻ ngoài cuộc bất đắc dĩ. Cấu trúc của tổ chức này đang bị các nước thành viên dần phá vỡ. Các diễn biến tại WTO cho thấy những quốc gia ủng hộ tự do thương mại đang hết sức quan ngại. Liệu WTO có phải đã hết sứ mệnh lịch sử của mình?

Nhu cầu và yêu cầu cải tổ WTO đã trở nên cấp thiết. Đây cũng là đòi hỏi mà Mỹ nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Nhiều quốc gia phát triển cho rằng nguyên tắc đồng thuận đã trở thành một rào cản lớn, ngăn cản nhiều quyết định của WTO. Tuy nhiên, cải tổ WTO theo hướng nào cũng là một vấn đề rất lớn bởi vì nó sẽ phải cân bằng được vị thế và lợi ích của các quốc gia mới nổi với các cường quốc kinh tế phương Tây - vốn là lực lượng đã xây dựng nên hệ thống.

Tại Geneva, các ý tưởng về việc cải tổ WTO cũng đang trong giai đoạn manh nha. Mới đây, một nhóm tư vấn độc lập đã lần đầu tiên nói về việc cần phải loại bỏ cơ chế đồng thuận của WTO - một cơ chế vốn giúp các nước nhỏ có được lá phiếu tương đương với các cường quốc kinh tế. Hay cũng có những ý kiến giải quyết thế bế tắc của cơ quan phúc thẩm như kéo dài thời hạn phục vụ của các thẩm phán...

Nhưng rõ ràng là để đạt được một thỏa thuận đáp ứng được yêu cầu của 164 quốc gia thành viên WTO là điều cực kỳ gian nan. Vòng đàm phán thương mại toàn cầu đầy tham vọng như Doha hiện đã rơi vào bế tắc do những đòi hỏi lớn từ phía các quốc gia đang phát triển. Nhiều người đã hình dung rồi đây có thể WTO sẽ hướng tới việc xây dựng các quy tắc thương mại được áp dụng cho từng nhóm nước khác nhau, những quy định nhiều bên thay vì đa phương như hiện nay. Đó có thể là những giải pháp để giúp WTO thoát khỏi bế tắc của chính mình.

Phúc Vinh
.
.