Kinh tế thế giới chao đảo với những đòn trả đũa

Thứ Năm, 29/03/2018, 14:28
Một cuộc chiến tranh nóng giữa hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 đã bắt đầu. Trong khi đó, phương Tây cũng bắt đầu một cuộc chiến khác, chiến tranh lạnh với Nga khi những căng thẳng ngoại giao được đẩy lên đỉnh điểm. Thế giới đang ở thời kỳ nguy hiểm nhất với nhiều cảnh báo ớn lạnh về tương lai.

Ăn miếng trả miếng

Tổng thống Donald Trump hôm 22-3 đã thực hiện các bước đi đầu tiên nhằm áp thuế trị giá 60 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc và hạn chế việc Trung Quốc đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ Mỹ. Các loại thuế cụ thể sẽ được công bố trong vòng 15 ngày nhắm vào 1.300 dòng sản phẩm Trung Quốc từ giày dép, quần áo cho tới những sản phẩm điện tử.

Tổng thống Mỹ chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer trong vòng 15 ngày công bố danh sách các sản phẩm tăng thuế. Theo Washington Post, ông Donald Trump nói rằng, đây là động thái phản ứng đối với việc Bắc Kinh buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao bí mật thương mại để được kinh doanh ở Trung Quốc.

Ông Donald Trump cáo buộc các hành vi thương mại không lành mạnh của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại Mỹ và Trung Quốc đạt mức kỷ lục 375 tỷ USD trong năm ngoái. "Đó là con số lớn nhất với bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử thế giới. Nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát", ông Donald Trump nhấn mạnh.

Sau khi Washington tuyên bố áp thuế trị giá 60 tỷ USD lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế đầu tư Trung Quốc thì Bắc Kinh đã quyết định đánh thuế trừng phạt các mặt hàng nông sản và các sản phẩm thép của Mỹ. Các chuyên gia bình luận: Một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất dường như đã nổ ra sau khi cả 2 bên quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt.

Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố: Trung Quốc sẽ áp 15% thuế nhập khẩu trên 120 dòng sản phẩm của Mỹ bao gồm hoa quả, rượu, ống thép trị giá khoảng 977 triệu USD. Trung Quốc cũng có kế hoạch áp 25% thuế vào 8 danh mục sản phẩm trị giá 2 tỷ USD bao gồm thịt lợn và nhôm tái chế.

Biện pháp trả đũa của Trung Quốc là câu trả lời trực tiếp cho các lệnh trừng phạt của Mỹ vào sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc hôm 8-3 vừa qua. Bộ thương mại Trung Quốc cũng đưa ra trong những tuyên bố rải rác rằng những hành vi thương mại của chính quyền Tổng thống Trump đã tạo ra "tiền lệ rất xấu" và Trung Quốc đã sẵn sàng chuẩn bị để bảo vệ những lợi ích của đất nước: "Trung Quốc không muốn một cuộc chiến thương mại nhưng không bao giờ e sợ nó. Chúng tôi tin chắc có khả năng đối đầu với mọi thách thức. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ lùi lại trước khi quá muộn, ra những quyết định thận trọng không kéo mối quan hệ thương mại và kinh tế song phương vào vòng nguy hiểm". 

CNBC cho biết hàng chục nhóm doanh nghiệp tại Mỹ đã bày tỏ lo ngại trước thông tin về việc Mỹ chuẩn bị áp các loại thuế mới với giá trị lên tới 60 tỷ USD nhằm vào Trung Quốc. Ngày 18-3, 45 hiệp hội thương mại Mỹ đại diện cho một số công ty lớn nhất tại đây đã cùng gửi một bức thư tới Nhà Trắng, trong đó nhấn mạnh các loại thuế này sẽ tăng giá các sản phẩm tiêu dùng, đẩy nhiều người vào tình trạng thất nghiệp và khiến các thị trường tài chính lao dốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định đánh thuế trừng phạt Trung Quốc hôm 22-3. Ảnh: Getty.

Nếu chính quyền cương quyết áp đặt các loại thuế mới với Trung Quốc, chắc chắn Bắc Kinh sẽ trả đũa bằng cách tăng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Những cú “ăn miếng trả miếng” này bị nhiều chuyên gia nhận định là sẽ gây nhiều thiệt hại. Ngành xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giúp đảm bảo hơn 900.000 việc làm trong năm 2015, theo số liệu mới nhất từ Văn phòng Thương mại Mỹ.

Gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất sẽ là người nông dân Mỹ. Năm 2016, tổng giá trị các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc đạt tới 21 tỷ USD. Các ngành công nghiệp có nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa bằng việc tăng thuế có thể sẽ là máy bay (kim ngạch xuất khẩu 15 tỷ USD trong năm 2016), máy điện (12 tỷ USD), máy móc (11 tỷ USD), phương tiện (11 tỷ USD).

Trong khi tỏ ý cứng rắn với Trung Quốc, Washington lại dịu giọng hơn đối với Liên minh châu Âu (EU), vốn có những phản ứng cực kỳ gay gắt đối với các loại thuế mới. Nhà Trắng mới đây cũng nói rằng Canada và Mexico, hai nước sản xuất thép hàng đầu, sẽ được tạm miễn các loại thuế mới trong quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Bất chấp cảnh báo trả đũa từ phía Bắc Kinh đối với kế hoạch của Mỹ về đánh thuế hàng Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 25/3 tuyên bố Tổng thống Donald Trump không hề có ý định lùi bước và cũng không lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại.

"Chúng tôi sẽ thực thi kế hoạch đánh thuế. Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục cần thiết", ông Mnuchin nói trong chương trình Fox News Sunday. "Như Tổng thống Trump đã nói, chúng tôi không sợ chiến tranh thương mại, nhưng đó cũng không phải là mục tiêu của chúng tôi".

Không ai thắng

Tuy nhiên, trong một động thái mới nhất, sau khi tung các đòn “nắn gân” nhau, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 26-3 (giờ Mỹ) cho biết Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc để tránh việc Tổng thống Donald Trump quyết định áp đặt mức thuế 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông này nói rằng, "Không ai thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại cả".

Cả ông Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã liệt kê một danh sách các yêu cầu cụ thể cho Trung Quốc trong một bức thư gửi tới Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He (Lưu Hạc) vào cuối tuần trước. Danh sách yêu cầu này bao gồm cắt giảm thuế quan của Trung Quốc đối với ô tô Mỹ, Trung Quốc mua nhiều hơn các sản phẩm bán dẫn của Mỹ và các công ty Mỹ được tiếp cận nhiều hơn với khu vực tài chính của Trung Quốc.

Theo thông tin từ tờ Wall Street Journal (WSJ), rất có thể ông Mnuchin đang cân nhắc một chuyến thăm tới Bắc Kinh để đàm phán về những vấn đề nói trên.

Nỗi lo chiến tranh thương mại đẩy chứng khoán châu Á và Mỹ lao dốc. Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày Thứ sáu, khiến chỉ số Dow Jones "bốc hơi" trên 1.000 điểm trong vòng 2 ngày.

"Mọi người đang lo nếu chiến tranh thương mại xảy ra thì không biết mọi chuyện sẽ thế nào. Các nhà đầu tư muốn kiểm soát mức độ rủi ro đối với tài sản của họ. Nếu căng thẳng leo thang nhanh chóng, đó sẽ là một bất lợi lớn đối với thị trường", chiến lược gia thị trường cấp cao Peter Kenny thuộc Global Markets Advisory Group nhận định.

Giới đầu tư đang bán tháo cổ phiếu và chuyển vốn sang những kênh đầu tư an toàn vì lo sợ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Tâm lý hoảng loạn bị đẩy cao khi Trung Quốc tuyên bố lên danh sách 128 mặt hàng Mỹ có thể trở thành mục tiêu trả đũa nếu Bắc Kinh và Washington không thể tìm ra giải pháp thông qua đàm phán.

Với những động thái trên, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nhích sát đến miệng hố chiến tranh thương mại, đe dọa kéo lùi sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. "Ảnh hưởng kinh tế đối với cả Trung Quốc và Mỹ sẽ được quyết định bởi dạng thuế quan nào rốt cục được áp dụng. Tác động có thể sẽ được cảm nhận rõ nét hơn ở Mỹ và khiến giá cả tăng lên đối với cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp", bà Hannah Anderson, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu của JP Morgan Chase Asset Management.

"Thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do phản ứng của giới đầu tư. Chịu tác động nhiều nhất sẽ là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan bởi các công ty tại các thị trường này chiếm một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của hàng xuất khẩu Trung Quốc", bà Anderson nói.

Những bài học trong quá khứ đã giúp các nhà kinh tế học hiểu rõ thực tế rằng các cuộc chiến thương mại thường gây tổn thất không hề nhỏ. Vấn đề khiến các nhà đầu tư quan tâm là mức độ thiệt hại đến mức nào? Những động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc tăng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ đang là tâm điểm trong các mối quan ngại của giới đầu tư. Các nhà kinh tế hẳn không thể quên những bài giảng đầu tiên rằng các cuộc chiến tranh thương mại luôn gây nhiều tổn thất.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters.

Những ký ức về Đạo luật áp thuế nhập khẩu Smoot-Hawley hồi năm 1930 với việc cho phép Mỹ đánh thuế lên trên 20.000 mặt hàng nhập khẩu vẫn chưa phai mờ. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy khi thuế nhập khẩu được áp đặt thì chi phí thương mại xuyên biên giới gia tăng lên rõ ràng sẽ làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu trên toàn cầu xét trên tương quan với sản lượng. Điều đó sẽ dẫn tới những mặt được và mất trong dài hạn.

Ngoài ra một số người cho rằng, việc Mỹ trả đũa thương mại Trung Quốc có liên quan tới chiến lược “Vành đai con đường” (BRI) đối với “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Với Mỹ, cái mà họ lo sợ là BRI của Trung Quốc sẽ tạo ra một phạm vi thế lực địa chính trị với Trung Quốc là trung tâm, từ đó đối trọng với Mỹ.

Vì vậy, Mỹ phải làm hết sức để phá vỡ vòng tròn ảnh hưởng của Trung Quốc được xem là đang hình thành. Đây cũng là lý do Mỹ chấp nhận “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương”, cho rằng chiến lược này có thể duy trì “khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự do và mở”.

Đòn đánh hội đồng và ám ảnh một cuộc Chiến tranh lạnh

Quyết tâm chống Nga của Anh là lớn, nhưng “lực bất tòng tâm” nên chỉ hô hào đồng minh. Anh, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác hiện cáo buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị ám hại bằng chất độc thần kinh Novichok ở Salisbury, miền nam Anh hôm 4-3. London đã khơi mào làn sóng trừng phạt Moscow của phương Tây bằng cách trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Nga hồi tuần trước.

Tính đến ngày 27-3, có ít nhất 17 quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ đã áp dụng biện pháp trừng phạt này đối với Nga. Tổng cộng EU và phương Tây đồng loạt trục xuất gần 100 nhà ngoại giao Nga.

 Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ có hành động trả đũa tương xứng. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định, nhiều nước đã bắt chước Anh, dù thiếu bằng chứng buộc tội Moscow trong vụ Skripal. Nhà chức trách Nga gọi đây là "hành động gây hấn", đi ngược lại luật pháp quốc tế và chỉ làm tổn hại quan hệ quốc tế cũng như các nỗ lực điều tra chính thức.

Thượng nghị sĩ Nga Vladimir Dzhabarov cho biết thêm, Moscow sẽ trục xuất ít nhất 60 nhà ngoại giao Mỹ để đáp trả động thái tương tự mới đây của Washington. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là người quyết định cuối cùng về các biện pháp trả đũa Mỹ và phương Tây. Trang RT dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremli Dmitry Peskov tiết lộ, hiện Bộ Ngoại giao Nga đang nghiên cứu tình hình và đề xuất một danh sách các hành động trả đũa ngoại giao.

Những lo ngại về việc EU và phương Tây tiến hành cuộc chiến tranh lạnh với Nga đang lộ rõ. Liên minh châu Âu đã khởi động một cuộc chiến tranh lạnh thực sự với Nga. Ý kiến này được lãnh đạo đảng “Mặt trận Quốc gia” Marin Le Pen phát biểu hôm Thứ sáu trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh France info. Bà đã bình luận về hành động của London và EU liên quan đến vụ Skripal.

"Tôi cho rằng những gì đang xảy ra ẩn giấu đằng sau một điều gì đó lớn hơn nữa - một chiến lược nhằm xây dựng bức tường ngăn cách Nga khỏi Liên minh châu Âu. Theo kinh nghiệm của tôi tại Nghị viện châu Âu, tôi biết rằng EU đang tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh thật sự với Nga", - bà Marin Le Pen nói. Bà bày tỏ ý kiến rằng "nước Anh đang hành động quá vội vã, bởi vì chỉ trong một vài ngày mà họ đã cáo buộc ai là người có tội trong trường hợp này".

Bà Le Pen nhắc lại rằng tiền lệ với cuộc điều tra về vũ khí hóa học của Saddam Hussein "buộc chúng ta phải hết sức thận trọng trong kết luận". "Cần tiến hành điều tra thật sự. Hiện tại, điều đó vẫn chưa được tiến hành", - Marin Le Pen nhấn mạnh.

NATO đã nhìn thấy viễn cảnh khủng khiếp của cuộc Chiến tranh Lạnh trên diện rộng và khẳng định không mong muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết liên minh này không mong muốn thái độ thù địch thời Chiến tranh Lạnh quay trở lại nhằm vào Nga, mặc dù ông bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường mạnh mẽ của Anh trong vụ tấn công bằng chất độc thần kinh cựu điệp viên Nga Seirgei Skripal.

Quan chức hàng đầu NATO này nhấn mạnh: “Chúng ta không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, chúng ta không muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới, Nga là láng giềng của chúng ta, do đó chúng ta cần tiếp tục nỗ lực cải thiện mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga".

Nguyễn Hòa
.
.