Kim Vân Kiều truyện: Cái chết của Từ Hải?

Thứ Tư, 02/11/2016, 10:15
Đầu tháng 8 năm Gia Tĩnh thứ 35 (1556), Từ Hải dẫn quân bản bộ về đóng tại thành Bình Hồ, chuẩn bị chính thức quy hàng.

Từ Hải đến trước kỳ hẹn 1 ngày, quân lính đông đảo, khí thế hùng hổ, lại dẫn hơn trăm võ sĩ giáp trụ đường hoàng vào cổng thành xin vào thỉnh hàng. Dân chúng nghe tin đều hoảng sợ, các quan lớn như Thượng thư Triệu Văn Hoa, Tuần án Nguyễn Ngạc,… cũng đều thất kinh, không tin Từ Hải thực hàng, sợ trá hàng sinh biến. Chỉ có Tổng đốc Hồ Tôn Hiến ung dung điềm tĩnh, cho sắp đặt nghi trượng đón Từ Hải.

Theo "Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt", các quan "cho Hải cùng các tù trưởng hướng bắc về phía bốn đại quan, lần lượt cúi rạp đầu hô: "Thiên tinh gia, kẻ tử tội, kẻ tử tội!". Hải muốn làm thêm lễ hàng riêng với Hồ Tôn Hiến, nhưng không biết mặt, bèn quay hỏi điệp viên, điệp viên lấy mắt ra hiệu. Hải bèn đến trước Hồ công rạp đầu xuống hô thêm: "Thiên tinh gia, kẻ tử tội, kẻ tử tội!".

Hồ công bèn xuống thềm, lấy tay xoa đỉnh đầu Hải và nói rằng: "Ngươi làm khổ vùng Đông Nam đã lâu, nay chịu quy thuận, triều đình xá tội cho. Từ nay về sau hãy cẩn thận giữ mình, chớ nên tác nghiệt". Hải lại rạp đầu hô: "Thiên tinh gia, kẻ tử tội, kẻ tử tội!". Liền đó, bốn vị quan ban thưởng rất hậu, rồi cho ra khỏi thành. Ngày hôm đó người trong thành ai cũng lo sợ biến sắc".

Thủy chiến giữa quân nhà Minh với Oa khấu.

Việc này trong Minh sử chép: "Hải lập kế trói Trần Ðông đem dâng, mang 500 quân đến Sạ Phố đóng doanh tại Lương Trang; quan quân đến đốt phá sào huyệt Sạ Phố, giết hơn 300 người. Hải xin hàng trong ngày, vội đến trước giờ hẹn, lưu giáp sĩ ngoài thành Bình Hồ, đốc suất tù trưởng hơn 100 tên, đồng phục giáp trụ đi vào. Bọn Văn Hoa sợ, không muốn chấp nhận. Tôn Hiến cưỡng lại cho vào. Hải cúi đầu nhận tội, Tôn Hiến xoa đỉnh đầu Hải phủ dụ". 

Lúc này các quan giận Từ Hải quy hàng mà còn mang giáp trụ, đi lại nghênh ngang, muốn diệt đi để trừ hậu hoạn nhưng lại sợ Hải có hơn ngàn quân tinh nhuệ, quân Vĩnh Bảo của triều đình thì chưa điều tới kịp.

Hồ Tôn Hiến bèn sắp xếp cho quân Từ Hải đóng tại phía tây Thẩm Gia Trang, phía đông Thẩm Gia Trang lại là nơi đóng trại của tàn quân Trần Đông, hai bên chỉ cách nhau một con sông (có tài liệu viết là đê).

Mượn Đông diệt Hải

Dân chúng đều kêu than Hồ Tôn Hiến "dưỡng hổ di họa", đưa giặc về nhà, không biết rằng Hồ Tôn Hiến đã lập sẵn mưu sâu, bàn với các quan rằng: "Tôi nghe rằng kẻ giỏi dụng binh phải thừa chỗ sơ hở của địch. Nay xét Từ Hải và Trần Ðông vốn có thâm cừu, nếu ở gần nhau chắc sẽ sinh chuyện". Khi binh lực chưa tập trung, sợ quân Từ Hải đóng sát bên gây biến, nên thường sai gián điệp đến thăm dò và tiếp tục dụ dỗ Hải như trước.

Theo "Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt", chẳng bao lâu sau, quân Vĩnh Bảo của triều đình đến; gặp lúc Hải đưa 200 lạng bạc cho Hồ Tôn Hiến để nhờ mua rượu và thức ăn cho binh lính, Hiến mật bàn với Triệu Văn Hoa rồi cho bỏ thuốc độc vào mang về cho Hải. Tôn Hiến lại ra lệnh cho Trần Ðông viết thư gửi cho đồ đảng rằng: "Từ Hải đã ước hẹn với quan binh hợp sức tiêu diệt bọn các ngươi". Ðồ đảng của Trần Ðông nghi ngờ, nên ban đêm cho phục kích tại con đường phía đông Thẩm Gia Trang để thăm dò nhất cử nhất động phía Từ Hải.

Việc xung đột tất yếu giữa hai bên đã xảy ra như kịch bản của Hồ Tôn Hiến. Trong một đêm tối, quân Trần Đông dốc toàn lực vượt sang tấn công, đốt phá doanh trại Từ Hải. Trong lúc khẩn cấp, Hải sai thủ hạ bí mật dẫn hai thị nữ chạy lánh nạn bị quân Trần Ðông bắt được đưa ngang qua chỗ Từ Hải, Hải thét rằng: "Ta chết thì tất cả cùng chết", rồi vung giáo giao chiến. Hải bị đâm trúng thương ở đùi, thuộc hạ rối loạn. Sáng hôm sau thì quân triều đình  kéo đến vây kín xung quanh, cánh quân Bảo Tịnh tiến đánh trước, quân Hà Sóc thừa thế xông vào.

Bên trong di tích Thượng Thư phủ của Hồ Tôn Hiến.

Liền đó, Hồ Tôn Hiến mặc giáp trụ xua quân đốc trận, hô quân Vĩnh Bảo 2 cánh tả, hữu vừa reo hò vừa tiến; vượt qua lũy đánh xuống. Lúc này gió lớn nổi lên, Hồ Tôn Hiến ra lệnh cho hàng ngàn quân lính đều cầm đuốc đốt lửa ném vào, Từ Hải cùng đường nhảy xuống sông tự tử. Quân Từ Hải bị giết chết gần hết, trong đó có hơn 300 tên bị trúng thuốc độc, chết đen da.

Về cái chết của Từ Hải, chính sử chỉ chép 7 chữ "Hải quẫn thậm, toại trầm hà tử" (Hải đường cùng, bèn nhảy xuống sông chết). Tiếp đó, "quân Vĩnh Bảo bắt 2 thị nữ của Từ Hải để hỏi Hải ở đâu. Hai thị nữ xưng họ Vương, một người tên Thúy Kiều, một người tên Lục Châu, vốn xuất thân từ ca kỹ. Cả hai khóc và chỉ chỗ Từ Hải trầm mình, quân Vĩnh Bảo bèn nhảy xuống sông, chém Hải lấy thủ cấp mang về".

Sách "Diêm ấp chí lâm" của Phàn Duy Thành được viết xong năm Gia Tĩnh thứ 37 - tức chỉ 2 năm sau khi dẹp tan loạn Từ Hải, chép cụ thể rằng: "Ngày 19 tháng 8 năm Gia Tĩnh thứ 35, Hải biết thế nguy trong sớm tối, canh hai đêm ấy sai thân tín hộ tống hai ái thiếp chạy trốn khỏi trại, đồ đảng của bọn Diệp Ma vốn hận Hải, đêm nào cũng phục kích bên trại nên không đi được. Ngày 20 quân Vĩnh Bảo đến, bắt được 4 tên. Ngày 23 chém hơn 20 đầu giặc. Ngày 24 thì quân binh các lộ hơn 20 cánh bao vây Từ Hải mấy lớp. Giặc dùng bạc nhét vào miệng "cống" - một loại hỏa pháo, bắn ra tung tóe như sao sa, như mưa vãi, trúng người, trúng đất, trúng nước, quân không thể tiến. Ngày 25, quân triều đình bắt hàng trăm con chó của dân, quấn đồ trận, xua tràn lên trước, người cầm mồi lửa lẫn vào trong tràn lên phá trận. Giặc chỉ lo đối phó với chó trước mặt, không biết lửa đã phát bốn bề, diệt hơn ngàn tên, trong ngày đó Từ Hải bị cừu đảng giết chết".

Hầu hết các sách sử đời Minh đều chép sơ lược về cái chết của Từ Hải và cũng không xác định được Hải chết do bị giết hay tự tử. Mãi đến đầu đời Thanh, trong "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân mới "tiểu thuyết hóa" cái chết của Từ Hải với sự hiện diện của Thúy Kiều: "Phu nhân hại ta! Phu nhân hại ta!", thở dài mà chết, nhưng đứng sững suốt hai canh giờ, quân lính mạo hiểm tới gần còn như nghe tiếng than, chạy thối lui mấy chục bước, thấy thân thể bất động mới biết là chết thật.

Lúc ấy quân báo cho Âm Mưu và Trương Năng, hai tướng bèn lệnh cho đẩy ngã, nhưng tựa đá tạc thành, như sắt đúc nên, trơ trơ sừng sững, không sao đẩy ngã.

Liền đó quân đưa Thúy Kiều tới, thấy Minh Sơn chết vẫn đứng nguyên, bèn khóc rằng: "Chàng là đấng anh hùng, vì nghe thiếp khuyên quy hàng mà ra nông nỗi, bất đắc kỳ tử, oán khí không tan, nên tuy chết mà vẫn đứng, đợi thiếp đến an ủi". Bèn lạy tử thi mà nói: "Đại vương, thiếp thực đã hại chàng, nay không dám sống một mình để đền ân đức sâu dày của đại vương". Nói xong thì khóc lớn. Thây Từ Minh Sơn bỗng chớp mắt, lệ tuôn như mưa đổ, xác bèn ngã theo" (Hồi thứ 19: Giả chiêu an Minh Sơn mất mạng; Thật đoạn trường nàng Thúy quyên sinh).

Hồ Tôn Hiến thực hiện kế ly gián thành công, khiến cho nội bộ tập đoàn hải khấu Từ Hải, Trần Đông, Ma Diệp mâu thuẫn, tự tiêu diệt lẫn nhau. Quân Minh đại thắng, giải quyết được tặc đảng nhiều năm khiến triều đình mất ăn mất ngủ. Bộ tướng của Hồ Tôn Hiến lại bắt sống được em trai Đảo chủ Đại Ngung của Nhật là Tân Ngũ Lang. Chỉ có một số ít tàn quân hải khấu trốn về Chu Sơn. Tôn Hiến lệnh cho Tổng binh Du Đại Du truy kích, nhân ban đêm tuyết rơi đánh úp, đốt sạch trại thuyền. Vùng Triết Giang tạm yên.

Hồ Tôn Hiến cho đem thủ cấp Từ Hải và giải Từ Hồng, Trần Đông, Ma Diệp, Tân Ngũ Lang về kinh sư. Vua Gia Tĩnh rất mừng, cho làm lễ tế cáo thái miếu, các đầu lĩnh hải khấu đều bị tử hình lăng trì (xẻo thịt), thăng Hồ Tôn Hiến lên chức Hữu Ðô Ngự sử, ban thưởng vàng bạc.

Nuốt lời hứa, giết Vương Trực

Diệt xong Từ Hải, Trần Đông, Hồ Tôn Hiến hướng mục tiêu về Lão thuyền chủ Vương Trực. Năm Gia Tĩnh 36 (1557), Vương Trực nghe tin nhóm chiến hữu Từ Hải đều bị diệt thì cảm thấy hoang mang, mới cùng thủ hạ dong chiến thuyền xuống vùng Sầm Cảng, Ninh Ba để thăm dò tình hình.

Lúc này Hồ Tôn Hiến phái người đến gặp Tưởng Châu, chuyển thông tin đến Vương Trực rằng: "Nếu Vương công chịu quy thuận thì triều đình sẽ phong làm Đô đốc, trấn giữ vùng biển". Vương Trực nghe rất vui mừng, khẳng khái nói rằng: "Ta sẽ vì triều đình mà làm cho sóng yên biển lặng", bèn cùng Tưởng Châu ăn thề, rồi sai Mao Hải Phong, Diệp Bích Xuyên đi trước cùng Tưởng Châu, còn mình suất lĩnh đại quân đi sau.

Năm 1558, Vương Trực cho đại quân đóng trại ở Sầm Cảng, dân chúng một dải Triết Giang đều kinh hãi, triều đình họp bàn cho là Hồ Tôn Hiến "dẫn sói  vào nhà", di họa Đông Nam. Quan Án sát ngự sử Vương Bản Cố vốn không cùng quan điểm với Tôn Hiến, cho bắt luôn điệp viên Tưởng Châu để điều tra tội thông đồng Oa khấu.

Vương Trực thấy phía trên bờ quân lính canh phòng nghiêm mật, trận thế hùng dũng, nghiêm cấm tàu thuyền thì rất không vui, sai Vương Ngao đến trách Hồ Tôn Hiến. Lúc này Vương Bản Cố giám sát rất chặt, Tôn Hiến bèn làm giả tờ chiếu xá tội Vương Trực giao cho Vương Ngao và cử mưu sĩ tâm phúc Hạ Chính sang chỗ Trực làm con tin, tha thiết nói rằng triều đình vạn phần mong Trực quay về.

Vương Trực nhận chiếu, không còn nghi ngờ gì nữa, bèn mang theo tùy tùng lên bờ. Vương Ngao giữ Hạ Chính làm con tin cùng hơn 3.000 tinh binh vẫn đóng ngoài Sầm Cảng.

Hồ Tôn Hiến đón tiếp Vương Trực rất tử tế, tại Hàng Châu sắp xếp một phủ đệ xa hoa cho Vương Trực ở, cư xử như đại thần ngoại quốc.

Bản ý Hồ Tôn Hiến là muốn triều đình xá tội và trọng dụng Vương Trực để dùng địch chế địch, giải trừ nỗi lo trên biển. Nhưng sớ dâng lên, các đại thần như Vương Quốc Trinh đều phản đối, gọi Vương Trực là kẻ cầm đầu Oa khấu không thể tha thứ. Trong triều lại rộ lên tin đồn là do Hồ Tôn Hiến nhận hối lộ của Vương Trực rất nhiều nên cố xin tha tội cho Trực.

Chìm nổi trong bể quan trường nhiều năm, Hồ Tôn Hiến nghe vậy thì toát mồ hôi, lại dâng tấu thư thay đổi đề nghị trước đây, nói rằng Vương Trực "câu kết Oa khấu, đánh phá cướp bóc, làm loạn Đông Nam, vùng biển chấn động, bọn thần phải dùng gián điệp mới dụ bắt được", do đó, tội ác cùng cực, phải xử đại hình.

Minh Thế Tông liền hạ chiếu khép Vương Trực vào tội theo giặc phản quốc (Phản Hoa câu Di, tội nghịch thâm trọng), phải chém đầu thị chúng.

Vương Trực tại Hàng Châu ngày đêm mong tin triều đình bổ nhiệm, chuẩn bị lấy thân phận Đô đốc Minh triều tiêu diệt hải khấu. Cho đến một hôm Vương Bản Cố dẫn quân binh ập vào bắt trói, Trực hiểu ra, chỉ cười nhạt nói: "Tôn Hiến hại ta!".

Ở trong ngục, Vương Trực viết "Tự minh sớ" cả vạn chữ để minh oan hành vi của mình chỉ là muốn thông thương, buôn bán có lợi cho dân chứ không hề phản bội, theo giặc hại nước.

Ngày 15 tháng 12 năm Gia Tĩnh thứ 38 (1559), Vương Trực cùng quyến thuộc hơn 10 người bị xử chém ở cửa Thành Quan, Hàng Châu. Trực ung dung thọ hình, mặt không biến sắc.

Hàn Phong (còn tiếp)
.
.