Lão võ sư Xuân Bình: Võ đạo dạy làm người
- Gặp võ sư kỳ tài truyền bá võ cổ truyền Việt ra thế giới
- Võ sư Đoàn Đình Long: “Nếu được làm lại, tôi sẽ không huấn luyện thể thao đỉnh cao”1
Truyền kỳ tôn sư
Ngày 22-9-2013, tại Võ đường Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình Võ thuật đạo (Thiện An, Buôn Hồ, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk), lão võ sư Xuân Bình, chưởng môn nhân đời thứ nhất, đã tổ chức lễ giao quyền kế nhiệm chức chưởng môn đời thứ hai cho con trai là võ sư Nguyễn Xuân Sơn.
Lão võ sư biểu diễn đao pháp. |
Lão võ sư Xuân Bình tên thật là Nguyễn Xuân Bình, sinh ngày 10-8-1917 tại thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thuộc dòng dõi con nhà võ, do cha mẹ mất sớm nên Xuân Bình được ông ngoại là cụ Phó Kính đưa về nuôi dưỡng và được học võ từ năm 14 tuổi. Năm 18 tuổi thì theo thầy Cửu Xưa học võ Kinh - dòng võ chính thống của triều đình, rồi luyện võ Tây Sơn với võ sư Đoàn Phong, học Thiếu Lâm bắc phái với thầy Bảo Hiếu…
Vừa luyện võ và làm ruộng đến năm 26 tuổi thì Xuân Bình mới đem sở đắc võ thuật của mình ra thi thố để ấn chứng công phu. Ông tham gia thượng đài các môn quyền tự do và quyền Anh. Nhiều trận đấu được giới võ lâm tâm đắc như trận thắng Trọng Đãi, biệt danh "Gấu đen miền Trung". Nói về Trọng Đãi, người ta không thể quên võ sĩ này từng cùng hai võ sĩ Huỳnh Tiền và Thanh Xuân thủ lôi đài ở sân vận động Nha Trang gần cả tuần lễ mà không ai hạ nổi ở Ninh Hòa. Hay trận ông thắng Châu Long ở Hoài Nhơn; thắng Cao Thành Sang ở Ninh Hòa; hòa Huỳnh Tiền ở Phan Rang; hòa với Kid Demsey ở Tuy Hòa…
Trao giấy giao quyền kế nhiệm chưởng môn cho võ sư Xuân Sơn. |
Từ năm 1943, Xuân Bình bắt đầu mở võ đường dạy ở quê hương và các tỉnh, thành: Nha Trang, Phan Rang, Buôn Mê Thuột, Sài Gòn, Biên Hòa. Nhiều võ sĩ nổi tiếng trong làng đấm Việt Nam như Xuân Thanh, Xuân Hùng, Xuân Phước, Xuân Thịnh, Xuân Liễu, Xuân Nghĩa… đều là học trò của thầy Xuân Bình.
"Bốn vì sao sáng" trên bầu trời võ thuật
Năm 1960, võ sư Xuân Bình gia nhập Tổng cuộc quyền thuật miền Nam Việt Nam. Năm 1969, ông cùng nhóm "Thập nhất thái bảo" gồm các võ sư chưởng môn như Mai Văn Phát, Đặng Vân Anh, Từ Thiện, Lê Văn Kiển… thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam với mục đích gom góp những tinh hoa võ học của mảnh đất Bình Định nói riêng và của nước Việt Nam nói chung. Từ đây, với những cống hiến to lớn cho võ thuật, Xuân Bình trở thành một trong "Tứ tú" (Bốn vì sao sáng) được võ lâm suy tôn.
Đông đảo võ sư và các ban ngành đến dự lễ. |
Nhóm "Tứ tú" gồm Từ Thiện (Hồ Văn Lành), Xuân Bình, Trần Xil, Lý Huỳnh (Lý Kim Tuyền) khi ấy từng được Tổng nha Thanh niên (thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thành niên dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa - VNCH) tặng bằng Danh dự về thành tích "Đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng đấm Việt Nam".
Nhóm bốn người này được coi là truyền nhân trong việc phát huy truyền thống võ thuật Việt Nam của các tiền bối "Tam Nhật", nghĩa là "ba ông mặt trời" của làng võ Việt, bao gồm: Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa và "Tam Nguyệt", nghĩa là 3 mặt trăng, gồm Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kê, Vũ Bá Oai.
Trong "Tứ tú" thì võ sư Từ Thiện là cao tuổi nhất (1914 - 2005). Ông tên thật là Hồ Văn Lành là nhân vật nổi tiếng của võ phái Tân Khánh Bà Trà, từng được mời xuống Sài Gòn dạy võ ngay tại khu vực Cầu Muối, mảnh đất từng nổi tiếng với nhiều tay anh chị giang hồ từ những năm 50 và đã từng được đưa vào điện ảnh sau giải phóng với nhân vật "Bảy Cầu Muối". Ông đã đào tạo nhiều học trò xuất sắc như Từ Thanh Nghĩa, Từ Y Văn, Từ Trung Tín, Hồ Ngọc Thọ, Từ Thanh Tòng, Từ Duy Tuấn, Hồ Thanh Phượng, Từ Hoàng Minh, Từ Hoàng Út từng đoạt nhiều huy chương vàng, bạc trong các giải vô địch võ thuật trong và ngoài nước những năm 1969-1974.
Trần Xil là võ sư người Việt gốc Khmer, từng lập võ đường Trần Xil trong Lữ đoàn Nhảy dù của Quân lực VNCH. Ông đã đào tạo được nhiều võ sĩ có tiếng như Trần Mạnh Hiền, Trần Bạch Hoa...
Còn Lý Huỳnh có tên thật là Lý Kim Tuyền, nổi tiếng với chiêu "Liên hoàn bát cước" (Tung người đá 8 cước trên không) và từng thách đấu công khai với ngôi sao huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài 6 trận về quyền Anh và thắng 3 trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ da đen vô địch quân đội Pháp và các trận thắng võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Trung Phương - vô địch 6 tỉnh miền Trung. Lý Huỳnh cũng đào tạo nhiều võ sĩ giỏi như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến
Từ năm 1972 đến năm 1989, Lý Huỳnh tham gia đóng các bộ phim có liên quan đến võ thuật và trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh Việt Nam thành công với các bộ phim “Long hổ sát đấu”, “Quái nữ Việt Quyền Đạo”, “Báu kiếm rửa hận thù”, “Hải vụ 709”…
Trong sự nghiệp thượng đài của mình, võ sư Xuân Bình nhớ nhất là trận gặp võ sĩ Huỳnh Tiền ở Phan Rang vào năm 1952. Huỳnh Tiền là tay đấm danh trấn giang hồ, là sư phụ của võ sư - nghệ sĩ Lý Huỳnh. Huỳnh Tiền hầu như không có đối thủ ở môn võ tự do trong những năm đầu thập niên 50. Xong trận đấu, tuy được chấm hòa, song với tinh thần thượng võ, võ sư Xuân Bình vẫn nghĩ là mình thua.
Năm 1971, Xuân Bình được cử làm Phó trưởng đoàn Võ sĩ Việt Nam tham gia Võ đài quốc tế tại Khu thể thao liên hợp Olympic ở thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Lần ấy, các đồ đệ của ông như Xuân Thắm, Xuân Thịnh đã toàn thắng.
Lão võ sư tiết lộ chút bí quyết đã giúp ông bất bại trên sàn đài, đó là võ thuật đạo của ông là Bắc phái Tây Sơn. Sở trường của môn phái là tránh đòn và phản công. Riêng ông, ngoài việc di chuyển linh hoạt, ông có thế mạnh về bộ tay. Bộ tay của ông có thể buộc đối thủ rơi vào thế bị động. Khi họ lộ sơ hở, hoặc có dấu hiệu xuống sức, ông mới bắt đầu tấn công và thường giành thắng lợi.
Khai môn lập phái
Năm 1964, trên cơ sở vốn liếng võ thuật tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau cộng với kinh nghiệm huấn luyện, thi đấu nhiều năm, võ sư Xuân Bình đã hệ thống hóa lại các bài bản, kỹ thuật và chính thức sáng lập môn phái Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình Võ thuật đạo tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Cùng các võ sư sáng lập Tổng hội Võ thuật Việt Nam năm 1969. |
Bắc phái Tây Sơn Võ thuật đạo chủ trương rèn luyện cho môn sinh có tâm tính hòa nhã, sống lễ nghĩa và nhân hậu, khiêm tốn học hỏi điều hay lẽ phải. Về kỹ thuật, môn sinh được luyện tập: Thân, bộ, thủ, cước và quyền pháp. Võ sư cho hay: thủ pháp là bài toán cộng, bộ pháp là bài toán trừ, cước pháp là bài toán nhân và quyền pháp là bài toán đố.
Một số bài quyền trấn môn của môn phái là Tứ trụ long môn, Miêu tẩy diện, Ngũ hổ bình Tây… và những bài roi (gậy) nổi tiếng của vùng Bình Định. Ngũ hổ bình Tây là bài thảo độc đáo của môn phái. Môn sinh luyện xong phần phân thế của bài này là có thể thượng đài. Những tuyệt chiêu mà các môn sinh thường sử dụng khi thượng đài rất hiệu quả là đòn hổ giáng (chỏ lật), bàng long cước… Năm 1973, tại sân Tinh Võ, quận 5, Sài Gòn, võ sĩ Xuân Thịnh đã hạ đo ván (knock out) võ sĩ Ngũ Chí Cường của Hồng Công bằng cú bàng long cước rất nhanh, mạnh và chính xác khi trận đấu mới bắt đầu được 15 giây.
Ngày giỗ Tổ môn phái Tây Sơn Võ thuật đạo cũng là ngày chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng âm lịch). Lý giải điều này, lão võ sư cho biết sở dĩ chọn ngày chiến thắng Đống Đa làm ngày kỷ niệm môn phái chào đời nhằm ghi nhớ công ơn to lớn của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hoàng đế Quang Trung xưa nay cũng được coi là Thánh tổ của môn phái.
Tâm niệm cuối đời
Những năm 80 trở đi người ta thường thấy võ sư Xuân Bình dẫn môn sinh đi mở võ đài ở khắp nơi: Nha Trang, Phan Rang, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Đi đến đâu, ông cũng tham gia thượng đài và mở lớp dạy võ để truyền bá tinh hoa võ cổ truyền Bình Định và tinh thần thượng võ, đạo sống nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ông cho hay gần đây thấy sức hơi xuống nên ít đi đâu, chứ trước đây ông thường xuyên về quê cũ Bình Định, ghé thăm các bạn võ như võ sư Phi Long, Phan Thọ, Phi Long Vịnh… và mời họ lên chơi, giao lưu.
Một đời theo đuổi nghiệp võ, lão võ sư có niềm an ủi là đào tạo ra nhiều võ sĩ đoạt huy chương bạc và đồng ở các giải vô địch quyền Anh, vô địch võ cổ truyền toàn quốc như Xuân Anh Sơn, Xuân Anh Vũ, Xuân Đoàn, Xuân Dũng, Xuân Thắm. Lớp lớn thì có Xuân Liễu, Xuân Phương, Xuân Lực, Xuân Vinh… Hai con trai của ông là Xuân Sơn và Xuân Hà đều là huấn luyện viên Võ cổ truyền tỉnh Đắk Lắk. Năm 1992, ông cùng học trò là võ sư Nguyễn Văn Tuyên cho ra mắt cuốn sách "Võ thuật đạo Bắc phái Tây Sơn: Tự học võ thuật" giới thiệu cụ thể, chi tiết về môn phái võ thuật độc đáo này đến bạn đọc.
Tuy vậy ông không khỏi chạnh lòng khi thấy phong trào võ cổ truyền đang đi xuống. Võ cổ truyền Việt Nam không phát triển được so với nhiều môn phái võ ngoại lai khác, theo ông là vì kém về tài chính và mạnh ai nấy làm.
Tâm nguyện của ông là luôn gìn giữ và noi theo truyền thống võ cổ truyền Bình Định, không để thất truyền. "Tuổi tôi cũng đã gần đất xa trời rồi, chỉ có hai ước nguyện: một là võ cổ truyền Việt Nam sớm trở thành quốc võ, hai là tất cả kỹ thuật, bài bản của Bắc phái Tây Sơn Võ thuật đạo do chúng tôi biên soạn được in thành sách thật nhiều để phục vụ cho những người hâm mộ võ thuật". Ông cũng mong làm sao quy tụ được các võ phái cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước để tổ chức giao lưu, hội thi võ thuật cổ truyền, chọn lọc những tinh hoa, từng bước hoàn thiện bản sắc dân tộc để tiến tới xây dựng một nền quốc võ.
Kế nhiệm chức chưởng môn đời thứ hai, võ sư Xuân Sơn (sinh năm 1960) bày tỏ tâm nguyện giữ vững truyền thống "Nhớ Tổ - kính Thầy - trọng Bạn" của môn phái, ra sức truyền bá môn võ cổ truyền Việt Nam và phát dương quang đại môn phái mà người cha, người thầy của mình đã dày công vun đắp, gìn giữ gần nửa thế kỷ qua.
Võ sư Xuân Bình là thành viên của Ban cố vấn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Bình Định và đã được trao tặng Huy chương vì Sự nghiệp Thể dục Thể thao.