Võ sư Đoàn Đình Long: “Nếu được làm lại, tôi sẽ không huấn luyện thể thao đỉnh cao”

Thứ Hai, 31/03/2014, 22:55

Chiều muộn, chúng tôi đến Trung tâm Thể thao Đống Đa tìm võ sư Đoàn Đình Long. Vừa mới mở lời hỏi thăm, các võ sinh đã nhao nhao, tranh nhau được dẫn đường lên chỗ "thầy Long".
>> HLV bóng đá nữ đầu tiên Nguyễn Văn Tịnh – Người gieo mầm bị quên lãng

Đó là căn phòng hẹp, bề ngang bé tý tẹo chỉ đủ lách người qua với những vật dụng hết sức khiêm tốn. Vị võ sư huyền thoại ngồi trước mặt chúng tôi, dung dị, bình thản nhưng gương mặt, giọng nói, ánh nhìn đều toát lên sự mạnh mẽ.

Bên ngoài là võ đường mang tên ông. Nói đúng ra là một sàn tập không lớn nhưng đủ đầy ánh sáng và đồ trang trí duy nhất chỉ là những tấm hình đen trắng, cũ kỹ. Những tấm hình ghi lại những thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời ông, một võ sư đã cống hiến toàn bộ những gì tươi đẹp nhất của cuộc sống riêng cho karatedo. Những tấm hình ghi lại những mốc son vinh quang của karatedo Việt Nam, những mốc son mang dấu cá nhân ông.

Sinh năm 1947 tại Hà Nội, ông từng là võ sinh karatedo mang huyền đai đệ tam đẳng, võ sư, huấn luyện viên (HLV) - Chủ tịch Liên đoàn Karatedo Hà Nội, HLV Đội tuyển Công an nhân dân, rồi trở thành HLV trưởng Đội Karatedo Quốc gia. Ông đã từng được Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam phong tặng bằng võ sư cao cấp. Ông là HLV trưởng đầu tiên của Đội tuyển Karatedo Quốc gia và là người phát hiện và đào tạo rất nhiều ngôi sao trên đấu trường quốc gia, khu vực và quốc tế.

Từ năm 2002 ông đã rút lui khỏi ghế HLV Đội tuyển Quốc gia để trở về với võ đường Đống Đa, nơi mà hơn 20 năm về trước, từ đây ông đã tìm thấy rất nhiều võ sinh có tố chất để rồi dồn tất cả tâm huyết của cuộc đời mình, dày công huấn luyện các em trở thành ngôi sao trên đấu trường quốc tế. Thành công rực rỡ trong công tác huấn luyện với biết bao lứa học trò thành danh, với rất nhiều huy chương tại các giải đấu quốc tế nhưng mà sao ông lại bảo rằng, nếu được làm lại, ông sẽ chẳng bao giờ huấn luyện thể thao đỉnh cao, với tất cả sự nuối tiếc trên gương mặt, trong giọng nói nhiều buồn bã…

Võ sư Đoàn Đình Long : "Tôi chỉ cần chế độ hỗ trợ việc làm cho các em VĐV sau khi giải nghệ".

Võ sư Đoàn Đình Long: Bởi vì, thể thao đỉnh cao là tiêu diệt sức khỏe.

PV: Thật thế sao, thưa ông?

Võ sư Đoàn Đình Long: Nói "tiêu diệt" thì nghe có vẻ hơi quá nhưng kỳ thực khi tham gia thể thao chuyên nghiệp, các trò của tôi đã phải hy sinh quá nhiều thứ, phải "tiêu diệt" quá nhiều thứ thuộc về đời sống cá nhân của các em.

PV: Ví dụ…

Võ sư Đoàn Đình Long: Dễ thấy nhất là chuyện ăn uống hàng ngày. Các em khi đã bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp thì việc ăn uống sẽ không còn được theo sở thích cá nhân nữa. Các em không được ăn những thứ mình thích. Nhất là đối với những em phải lên cân hoặc ép cân.

Nếu ép cân thì các em sẽ phải nhịn miệng kinh khủng trong khi cường độ luyện tập phải nói là đỉnh cao, là lao động cực nhọc.

Còn nếu phải lên cân thì ngược lại. Các em phải nhồi nhét thức ăn vào người. Có em gái giờ đã thành HLV rồi nhưng thời còn là vận động viên phải ép lên cân, em ấy chịu đựng đến mức sau khi  leo lên bàn cân xong, chưa kịp nhoẻn cười vì số cân đã đạt mức chuẩn thi đấu thì đã  chạy vào nôn ồng ộc. Tôi khi ấy là HLV trưởng, nhìn trò mà rơi nước mắt.

Con người là một cỗ máy hài hòa, tạo hóa sinh ra thế để cho nó được vận hành trơn tru. Giờ bị ép xuống cân hay lên cân đều là trái quy luật thông thường của tạo hóa nên ắt là phải có hại. Rối loạn dinh dưỡng chẳng hạn. Hại thận chẳng hạn. Không ai khác, chính các em vận động viên sẽ phải gánh chịu những tác hại ấy về sức khỏe sau này. Đó còn chưa kể đến hậu quả của những chấn thương trong khi luyện tập, thi đấu.

PV: Vận động viên có bác sĩ dinh dưỡng không, thưa ông?

Võ sư Đoàn Đình Long: Đi thi đấu ở nước ngoài, nhìn vận động viên của họ được chăm sóc mà thèm. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước họ đã có bác sĩ dinh dưỡng riêng, bác sĩ điều trị riêng. Như Pháp chẳng hạn, mỗi bác sĩ chỉ chăm sóc cho từ 3 đến 10 vận động viên là cùng. Họ có vitamin tổng hợp uống thay cho dinh dưỡng. Vận động viên ép cân được xông hơi. Còn ở ta những lứa vận động viên vàng đầu tiên của karatedo Việt Nam như Trần Văn Thông (10 lần vô địch toàn quốc, Huy chương Vàng Sea Game 17), Nguyễn Anh Tuấn (Huy chương Vàng Sea Game 17), Phạm Hồng Hà, Nguyễn Hồng Thắm, Trần Thị Thiệp… thì chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho các em rất hạn chế.

Tôi nhớ, các em ăn tập trung ở Nhổn với một chế độ ăn không bác sĩ dinh dưỡng. Trong khi vận động viên tập luyện rất nặng, cần thiết phải có bác sĩ dinh dưỡng chỉ định chế độ ăn cho các em. Ăn uống tốt, ăn uống chuẩn thì các em mới phục hồi sức khỏe được chứ nếu không thì tuổi thi đấu của các em rất ngắn.

PV: Ngắn là bao lâu, thưa ông?

Võ sư Đoàn Đình Long: Vận động viên karatedo của mình cùng lắm chỉ thi đấu được đến 25 tuổi là phải  giải nghệ.

Võ sư Đoàn Đình Long trong một pha đấu tập với học trò.

PV: Ông làm HLV trưởng suốt từ năm 1992 mãi đến năm 2002 ông mới thôi. 10 năm, một khoảng thời gian đủ dài cho những kiến nghị thay đổi. Đã bao giờ, ông có kiến nghị về tất cả những bất cập nói trên, với tư cách là HLV trưởng?

Võ sư Đoàn Đình Long: Năm 1992 tôi là HLV đầu tiên đi nhặt quân từ các nơi về để huấn luyện chuẩn bị cho Sea Game 17 năm 1993 ở Singapore. Thời ấy môn này còn mới chập chững, vừa làm vừa mày mò đường đi nước bước nên phải nói thật, những lứa vận động viên thời kỳ đầu phải chịu nhiều thiệt thòi trong khi các em đều giỏi, đều mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Năm 1993, trước khi đoàn Việt Nam xuất quân đi Sea Game 17, tôi tuyên bố sẽ có huy chương Đồng thì nhiều người cười, cho rằng tôi hoang tưởng. Nhưng rồi năm ấy, lần đầu tiên karateto mang chuông đi đấm xứ người, các em mang về liền lúc 2 Huy chương Vàng (Trần Văn Thông ở hạng cân 55 và Nguyễn Anh Tuấn ở hạng cân 60) cùng với 1 Huy chương Đồng đồng đội nữa.

Năm sau tại ASIAD ở Nhật, Thông lại giành tiếp một Huy chương Bạc nữa. Mà lần này Thông bị trọng tài xử ép chứ lẽ ra Thông được Vàng cơ. Sea Game 19 năm 1997 lại có thêm một Vàng nữa. Thành tích cao lắm, không chỉ mình Thông đâu mà còn nhiều em khác nữa.

Thế nhưng ngày ấy, các em đem vinh quang về nhiều thế, nỗ lực hết mình vì thể thao thế mà tôi chỉ xin cho các em, không phải riêng karatedo mà tất cả vận động viên ở trung tâm hai chiếc lò vi sóng mà không được duyệt đấy!

PV: Ngạc nhiên nhỉ, sao ông lại xin lò vi sóng cho vận động viên?

Võ sư Đoàn Đình Long: À, chuyện là thế này. Khi Đội tuyển Quốc gia tập huấn thì các em phải luyện tập theo múi giờ của nước sẽ đến thi đấu. Phải làm vậy để các em điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể, thích nghi tốt với điều kiện thi đấu. Thế nên, nhiều khi vào giờ các vận động viên khác ăn thì các em lại tập. Khi các em quay trở lại ăn thì đã quá bữa lâu rồi, cơm canh đã nguội ngắt. Tập mệt nhọc thế, để các em ăn ngon miệng, tôi mới đề nghị cho các em hai cái lò vi sóng, các em tự hâm cơm canh nóng lên mà ăn. Có ăn được thì các em mới bù lại được phần sức lực đã mất khi luyện tập chứ!

PV: Thể thao đỉnh cao đòi hỏi chế độ luyện tập rất khắc nghiệt và các em phải hy sinh nhiều thứ chứ không chỉ sức khỏe, như ông nói. Đó là một mặt còn mặt khác, thể thao cũng mang lại cho các em nhiều vinh quang. Trở thành ngôi sao, vẫn đang là mơ ước của nhiều em?

Võ sư Đoàn Đình Long: Các em tập luyện, các em hy sinh không chỉ vì thành tích đâu mà vì say mê đấy. Karatedo thời kỳ đầu, huy chương nhiều như thế nhưng tiền thưởng rất ít...

PV: Vâng, tôi có nghe cựu võ sĩ Trần Văn Thông nói, tiền thưởng cho tấm Huy chương Vàng Sea Game 17 của anh ấy  còn không đủ chiêu đãi bạn bè…

Võ sư Đoàn Đình Long: Tiền bồi dưỡng hàng tháng cho các em cũng rất khiêm tốn trong khi việc tập luyện thì vô cùng vất vả. Gọi là lao động nặng mới đúng. Ngay đến chính tôi làm thầy mà vẫn phải kiêm thêm nhiều nghề khác mới đủ đảm đương được kinh tế cho gia đình. Tôi từng phải đi quấn súp-von-tơ để thêm thu nhập cho vợ nuôi con ngay trong thời kỳ còn đang làm HLV trưởng đấy. Hồi đấy tôi vẫn duy trì dạy ở võ đường này song song với việc huấn huyện cho Đội tuyển Quốc gia dưới Nhổn. Khó khăn nhưng thầy trò tôi đam mê lắm. Ngày nào tôi cũng trực tiếp đấu luyện với các trò, mỗi trò 10 phút. Các trò cũng hết mình luôn…

PV: Cũng bởi thế mà việc học văn hóa cũng bị xếp lại sau thể thao. Suốt ngày tập luyện, các kỹ năng mềm ngoài thể thao các em bị thiếu hụt. Trong khi, cuộc sống ngoài thế thao thì lại rất cần những thứ đó. Ngay khi làm HLV trưởng ông có bao giờ nghĩ đến các em sẽ sống như thế nào sau khi rời sàn đấu?

Võ sư Đoàn Đình Long: Giờ thì tiền bồi dưỡng hàng tháng cho vận động viên đã được cải thiện, chế độ chăm sóc cũng tốt hơn, tiền thưởng cho Huy chương Vàng cũng lên đến 40 triệu đồng. Nhưng còn lâu dài, các em sau giải nghệ sẽ sống như thế nào vẫn là vấn đề nan giải. Trò tôi có em sau này đi làm xe ôm đấy. Chưa bao giờ có ai nghĩ đến giải pháp sẽ tạo cho các em một cơ hội việc làm hoặc hỗ trợ các em một khoản tiền kha khá để các em làm vốn sau khi giải nghệ.

 Tôi cũng vậy mà. Đời làm HLV, tôi đã 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động - một hạng Nhì, một hạng Ba. Nhưng giờ nghỉ huấn luyện về lại lò võ Đống Đa, tôi cũng làm gì có lương hưu. Tại vì hồi xưa, dù là huấn luyện viên trưởng nhưng tôi không có biên chế trong đó mà chỉ là cộng tác viên thôi. Tôi nguyên là cán bộ của Xí nghiệp Silicat 2 từ năm 1972 nhưng đến năm 1974 thì tôi mổ tim và đến năm 1979 thì phải về mất sức.

PV: Trái tim tật nguyền của ông cũng đã là đề tài cho nhiều tờ báo…

Võ sư Đoàn Đình Long: Vâng, di sản của tôi là trái tim tật nguyền mà. Cũng bởi vì bị bệnh tim nên tôi tìm đến võ thuật. Gia đình ở Hà Nội nhưng tôi đã gom tiền vào tận Huế để học. Sau rồi tôi tự luyện tập rồi thành võ sư. Thế nên, năm 1992 tôi chính là HLV đầu tiên đi gom quân cho Đội tuyển Karatedo Quốc gia.

Sau ASIAD năm 1994 tại Nhật Bản, tôi đưa quân đi và giành thắng lợi lớn, về đến Hà Nội, còn chưa hết mừng vì chiến thắng thì trái tim của tôi lại trở bệnh. Tôi mổ tim lần thứ hai. Sau mổ tôi vẫn cứ đảm đương công tác huấn luyện. Đến năm 2001, trái tim của tôi trở bệnh, tôi lên bàn mổ lần thứ 3. Anh bạn đưa tôi vào phòng mổ cứ khóc rưng rức trong khi tôi thì cực kỳ bình tĩnh. Bác sĩ tưởng anh ấy là bệnh nhân còn tôi là người nhà nên nhất quyết không cho tôi vào phòng mổ, cứ đuổi tôi quầy quậy, bảo anh về đi cho bệnh nhân vào mổ chứ!

Sau ca mổ tim lần thứ 3, có một bác lãnh đạo hỏi tôi anh có cần trợ giúp gì không. Tôi bảo, tôi không cần gì cả, tôi vẫn sống tốt, tôi chỉ cần có chế hộ hỗ trợ việc làm cho các em vận động viên sau khi giải nghệ thôi…

PV: Họa vô đơn chí. Nhờ có trái tim tật nguyền mà ông mới tìm đến võ thuật và trở thành võ sư. Và, nếu không có một võ sư Đoàn Đình Long thì làm sao có những lứa vận động viên vàng của karatedo trong suốt quãng thời gian gần chục năm ròng

Võ sư Đoàn Đình Long: Nhưng nếu được làm lại, tôi sẽ chả bao giờ huấn luyện thể thao đỉnh cao nữa.

Tiết cuối xuân. Mưa giăng mắc đầy trời. Buốt lạnh tái tê. Mái đầu bạc của võ sư Đoàn Đình Long nghiêng nghiêng bên ngọn đèn nhỏ trong phòng làm việc, chỉ cho tôi xem từng khoản lương ít ỏi của ông và những trợ giáo ở lò võ này. Tôi để ý thấy hình như mắt ông hoe hoe đỏ…

* Ảnh: Việt Dũng

Đ.H.
.
.