Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”: Khởi sắc nhiều loại hình sân khấu

Thứ Năm, 09/07/2015, 21:10
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu (NTSK) toàn quốc về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III, từ ngày 10 đến ngày 24/7/2015 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội. Đây là cuộc hội ngộ, đua tài giữa các đoàn kịch nghệ trong cả nước khi xây dựng về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số đạo diễn, diễn viên… tham gia Liên hoan.

NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội: Cần sân chơi cho kịch hát dân tộc

Nhà hát Cải lương Hà Nội tham gia liên hoan tác phẩm "Nguồn sáng phía chân trời", tác giả Phạm Văn Quý, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi, và tôi, NSƯT Trần Quang Hùng làm đạo diễn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia Liên hoan NTSK tôn vinh “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”. Và dĩ nhiên, cũng là lần đầu tiên, Nhà hát Cải lương Hà Nội có một vở diễn đậm chất chiến đấu, nhằm tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ công an trên mọi mặt trận.

Đây là một vở cải lương nói đến một tình yêu tay ba. Đôi bạn yêu nhau từ khi còn ở trong trường đại học. Ra trường thì chàng trai là một chiến sĩ công an, phải đi biệt phái theo nhiệm vụ ở vùng xa. Khi ở thành phố, cô gái và gia đình gặp khó khăn, bố mẹ cô bị vỡ nợ, trong hoàn cảnh đó, đang bấn loạn thì có một người bạn quen biết, là một đại gia, cô gái đành nhận lời lấy đại gia để cứu vớt gia đình. Một thời gian sau anh chồng làm ăn phạm pháp phải đi tù. Vào tù gặp người quản giáo lại chính là người yêu cũ của vợ năm xưa.

Theo lẽ thông thường của một con người, đứng trước cuộc đấu tranh chống lại cái ác, có thể vì những hiềm khích cá nhân, người công an có thể dùng quyền để có những quyết định "mạnh tay", vì cướp người yêu của anh. Nhưng ngược lại hoàn toàn với tâm lý, thậm chí người công an không mang hận thù trút lên đầu người tù mà còn mềm mỏng và cảm hóa người này và cuối cùng, thay vì chờ đợi sự trả thù, anh ta đã bị cảm phục, cảm hóa trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội.

Cái khó khăn khi đưa tính hình sự vào cải lương chính là đưa được tình huống vào trong tiếng hát, lời thoại. Nếu như kịch nói có thể chỉ bằng một câu nói là đã đủ sức nặng chuyển hóa tính kịch, thì ở cải lương, lời hát có khi làm mềm hóa tính kịch đi, bởi vậy, phải rất khó khăn để đưa được tình huống vào trong từng cảnh huống để làm bật lên được tính gay cấn, tính kịch.

Kịch hát dân tộc nói chung và cải lương nói riêng là có điều kiện thể hiện các đề tài, từ lịch sử, dã sử đến các mảng dân gian nhưng về các đề tài đương đại thì chưa chắc đã thể hiện tốt. Vì thế một diễn viên kịch hát dân tộc với nhiều năm được đào tạo họ phải có bản lĩnh thoát ra khỏi những vai diễn dã sử và lịch sử, khi anh hóa thân thành một nhân vật về đương đại biết thoát ra thì sẽ mang một hơi thở mới và nhân vật mới, nếu diễn viên không thoát ra thì vẫn thấy dáng vẻ của một số nhân vật khác từ di chuyển, động tác vẫn giống kịch hát dân tộc.

Thực ra, vở "Nguồn sáng cuối chân trời" tham gia Liên hoan sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần này là của một đơn vị trực thuộc nhà hát, Đoàn Cải lương Hoa Mai. Trước đây, khi chưa sáp nhập thì bản thân tôi đã vào vai nhân vật chính của vở (Đoàn Cải lương Kim Phụng). Diễn ở những năm trước thì có nhiều hạn chế nên tôi đã viết lại trên nền cũ, với hơi thở mới, tình huống mới, đi sâu vào khai thác tâm lý nhân vật.

Thực tế, như tất cả chúng ta đều biết, hiện nay, với sự hiu hắt của sân khấu kịch hát dân tộc, rất cần một sân chơi, một sự khích lệ động viên của những liên hoan như thế này. Bởi vì, đây là một cuộc liên hoan nghiêm túc giữa các đoàn nghệ thuật trong cả nước, vì thế, chúng tôi vẫn có đất diễn, đòi hỏi sự cọ xát trong nghề, và điều này thì rất cần cho tâm huyết của những người cả đời đã theo đuổi nghệ thuật dân tộc.

Một cảnh trong vở cải lương “Nguồn sáng phía chân trời”.

Đại tá, NSƯT Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát chèo Quân đội: Liên hoan đã mở ra hướng khai thác đề tài mới

Vở chèo "Người chiến sĩ năm xưa", tác giả nhà văn Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng, chuyển thể chèo Vũ Minh nhắc lại một thời hào hùng bi tráng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta trong cái khốc liệt của một vùng giáp ranh, giữa sự sống và cái chết tình người, tình yêu, tình đồng đội vẫn nảy mầm, kết trái, nhưng cũng trong cái mong manh của sự sống, và cái chết ấy, lòng tham, thói đố kị, cũng đã nảy nở, len lỏi trong trái tim, của những kẻ ham muốn, thèm khát quyền lực, nếu không ngăn chặn, thì nó sẽ trở thành một thế lực hắc ám, gây tổn thất to lớn cho xã hội của chúng ta.

Đây là lần đầu tiên Nhà hát Chèo Quân đội tham gia Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, cũng là lần đầu chúng tôi kết hợp được giữa hai màu áo công an và bộ đội trong một vở chèo mang tính chiến đấu mạnh mẽ. Chúng tôi đã huy động cả hai đoàn của nhà hát với gần 100 diễn viên tham gia.

Nhân vật chính vào vai anh Sáu Thành là một diễn viên trẻ, vừa đầu quân vào nhà hát và sắp tới mới được trở thành chiến sĩ, nhưng em diễn tốt, có năng lực và biết cách tận dụng lợi thế ngoại hình cũng như diễn tả được tâm lý nhân vật trong công tác đấu tranh, hành động chống lại cái xấu, cái ác, chở sức nặng về nội dung tư tưởng vở diễn. Như chúng ta đều biết, diễn kịch hát thì đòi hỏi vừa diễn kịch, vừa hát, thậm chí là cả múa nữa nên đòi hỏi nỗ lực bản thân lớn.. Sân khấu chèo có những đặc trưng riêng người diễn viên thể hiện được tâm lý tính cách qua làn điệu.

Vở "Người chiến sĩ năm xưa" là một vở diễn đầy tính chiến đấu, đánh dấu một cách đi mới trong hướng khai thác vở diễn mang tính chiến đấu của Nhà hát Chèo Quân đội. Trước đây các vở chèo chủ yếu mang tính trữ tình, nội dung nhân văn. Trong vở này, chúng tôi đã đạt được các tiêu chí của liên hoan như tính hiện đại, tính thời sự…

Đây cũng là một khởi đầu mới mà chúng tôi muốn sẽ có một tiền lệ để tham gia liên hoan ở những năm sau. Dù thực tế mà nói, hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kịch bản, đạo diễn. Những người có tuổi thì sức khỏe không cho phép, những người mới, trẻ thì chưa có nhiều kinh nghiệm, nên thông qua đây cũng mong muốn và kêu gọi nguồn kịch bản chèo từ các nguồn lực xã hội, mong rằng, chúng tôi sẽ dựng được những vở diễn hay, phục vụ công chúng cũng như cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân…

Một cảnh trong vở “Khoảng cách mong manh”.

NSƯT Xuân Vũ, Trưởng Đoàn cải lương Thái Bình: Chúng tôi đã sẵn sàng cho liên hoan

Đây là lần thứ 2 chúng tôi tham gia liên hoan, lần trước, chính bản thân tôi đã được Huy chương Vàng trong vở cải lương "Vòng xoáy" của tác giả Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. Lần này tôi tiếp tục chuyển thể và đạo diễn tác phẩm "Khoảng cách mong manh" của nhà văn Hữu Ước. Kịch bản là một đề tài nóng bỏng mà các cấp ngành, địa phương không chỉ đặt ra trong hiện tại mà lâu dài trên mặt trận chống ma túy.

Vở kịch của nhà văn Hữu Ước đưa vào tình huống gay go, éo le. Đó là tình huống, con trai của cảnh sát điều tra yêu con gái của trùm ma túy. Tâm lý giữa một người đi bắt, một người là tội phạm trong mối hạnh phúc, tình yêu của lứa đôi khiến cho vở kịch có nhiều xung đột. Nhưng cuối cùng, vẫn phải đặt pháp luật và lý tưởng lên trên, đi đến những hành động cuối cùng là bài ca ngợi ca người chiến sĩ công an, sống chiến đấu anh hùng, nhưng chết cũng rất anh hùng.

Thực tế, vở kịch đã đặt ra tình huống khốc liệt, éo le là tố chất để chuyển thể thành cải lương. Một vở kịch đầy bi hùng, dồn nén nhưng mâu thuẫn, xung đột giữa hai người, hai đứa con đau khổ, làm sao giữ được tình cảm cho con mà vẫn giữ được pháp lý… Giây phút cuối cùng là cái chết tránh hy sinh cho đồng đội và đôi trẻ. Cũng như cái chết trắng cho nhân loại.

Vở kịch của nhà văn Hữu Ước khi đọc đã nuôi trong tôi một cảm hứng lớn để và có đủ đầy tố chất để viết ra một vở cải lương tốt, hay. Lẽ dĩ nhiên, vở kịch khi chuyển qua cải lương phải có chất trữ tình, bi hùng, nhưng không bi lụy và bi kịch. Vừa có cái sâu sắc, trăn trở tình cảm của anh công an, vừa có cái éo le của tình cảm giữa hai đứa con, hy sinh và hành động hết sức anh hùng. Người ta thường nghĩ cải lương là than vãn, bi lụy kêu ca trước cuộc đời, nhưng không phải thế, cải lương để thay đổi lương tri, loại bỏ những cái cũ, thời đại nào, thời điểm nào thì loại hình cải lương cũng đáp ứng được những thể tài và đề tài xã hội.

Tôi rất hứng thú với kịch của nhà văn Hữu Ước vì kịch của anh hợp với xu thế xã hội. Dĩ nhiên, nếu ai hiểu được tính cách, cách viết là cái chìa khóa trong kịch thì mới dựng được thành công vở của Hữu Ước.

Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ 2 chúng tôi đã làm một "Vòng xoáy" chiếm được cảm tình của khán giả cũng như các anh chị em nghệ sĩ Trung ương thì lần này, với vở "Khoảng cách mong manh", Đoàn cải lương Thái Bình cũng phải quyết tâm đoạt giải. Mặc dù, so với nhân tài vật lực thì Đoàn Cải lương Thái Bình còn thiếu thốn rất nhiều so với các anh chị ở Trung ương, song, có một câu nói đã quen thuộc - làm giàu thì khó, chứ làm nghề thì phải về Thái Bình - đủ biết chúng tôi đầy đam mê, đầy nhiệt huyết như thế nào.

Hiện tại, chúng tôi đang tập luyện để không chỉ đưa được tinh thần của vở diễn vào liên hoan, mà chúng tôi muốn có những phút giây tỏa sáng trên sân khấu. Với cá nhân tôi, lần này, tôi không tham gia với vai trò diễn viên, song, trong vai trò là một đạo diễn, tôi mong muốn rằng, Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” sẽ tạo nên một tiền lệ lâu dài, để chúng tôi có những kế hoạch dài hơi để có thể mang tới cho liên hoan những tác phẩm tốt nhất, hay nhất…

Hoàng Thiên Kim
.
.