Lita Cabellut – Từ đứa trẻ đường phố trở thành nghệ sĩ nổi tiếng

Thứ Năm, 12/01/2017, 10:00
Lita Cabellut là một trong số những nghệ sĩ tài hoa thành công nhất của Tây Ban Nha hiện nay, song ít ai biết rằng bà xuất thân là một đứa trẻ đường phố. Cabelutt thường lang thang trên khắp nẻo phố Barcelona cùng với những đứa trẻ không nhà khác, nằm ngủ vất vưởng giữa trời ngay trên hè đường. Giờ đây, những tác phẩm của Lita Cabellut thường được bán với giá hàng trăm ngàn đôla trở lên.

Lita Cabellut chào đời năm 1961 trong một ngôi làng nằm trong cộng đồng tự trị Aragon ở miền đông bắc Tây Ban Nha. Khi còn bé, Cabellut và mẹ chuyển đến thành phố Barcelona náo nhiệt. Mẹ của Cabellut hành nghề “má mì” một nhà thổ trong thành phố và bà phải sống với bà ngoại, nhưng trên thực tế bà trải phần lớn thời gian sống trên đường phố.

Cabellut nhớ lại: “Tuổi thơ của tôi cũng giống như hàng ngàn đứa trẻ đường phố khác trên khắp thế giới. Chúng tôi tự chăm sóc lẫn nhau, cùng làm bất cứ điều gì mà chúng tôi thích. Chúng tôi nhặt những đồng xu rơi vãi ở vòi nước công cộng, xin bật lửa Zippo từ đám lính thủy và ăn cắp ví tiền của du khách. Chúng tôi thường đi vào các nhà hàng và bảo rằng cha chúng tôi đang vào nhà vệ sinh, trước khi những nhân viên phục vụ xuất hiện, chúng tôi ngốn ngấu những đĩa thức ăn thừa rồi chuồn ra ngoài thật nhanh.

Lita Cabellut.

Để có chút tiền tiêu ư? Tôi chạy việc vặt cho các cô gái mại dâm. Họ đưa tiền cho tôi để mua bao thuốc lá, bánh mì kẹp thịt, bao cao su hay nữ trang cho họ và được giữ lại tiền lẻ thối lại. Đối với tôi đó là cách để sinh tồn”.

Với một cuộc sống như thế thì Lita Cabellut không được đến trường học và dĩ nhiên, bà cũng không hề có ý nghĩ rằng, vào một ngày nào đó mình sẽ trở thành một trong những nghệ sĩ thành công nhất ở Tây Ban Nha. “Mong ước của tôi là trở thành vũ nữ, để bay nhảy và mạnh mẽ hơn những đứa trẻ khác quanh tôi. Mong ước của những đứa trẻ luôn giống nhau – dù giàu hay nghèo, chúng tôi đều muốn trở thành những siêu anh hùng”.

Điều gì đã làm thay đổi cuộc sống đường phố của Lita Cabellut? Bà ngoại của Cabellut qua đời khi Lita chỉ mới 10 tuổi rồi cô bé được đưa vào cô nhi viện trước khi được “một gia đình tốt bụng ở Catalan” nhận nuôi. Lúc đó, Cabellut được 12 tuổi. Cabellut không tiết lộ gì nhiều về gia đình này mà chỉ cho biết chính họ đưa bà đến với nghệ thuật.

Gia đình ân nhân dẫn Cabellut đến nhà bảo tàng Prado ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và giới thiệu cho cô bé 13 tuổi một bức tranh của danh họa Francisco de Goya – “Cuộc hành hương của San Isidro” được vẽ giữa từ năm 1820-1823. Cabellut nhận xét: “Tôi nhìn thấy trong bức tranh này sự biểu cảm từ đôi mắt của những con người mà tôi bắt gặp trên đường phố khi tôi còn bé. Bức tranh này mô tả sự điên loạn, niềm hy vọng, những khoảnh khắc kinh khủng mà con người có thể gặp phải khi bản thân không còn an toàn nữa”.

Ấn tượng từ bức tranh mạnh đến mức cô bé Cabellut cố gắng sao chép một tác phẩm khác của Goya – một trong những bức ngọt ngào hơn của danh họa mô tả một cậu bé và cô bé thôn quê và một con chó nhỏ. Kết quả không mấy đáng quan tâm song cũng đủ hấp dẫn để gia đình nuôi Cabellut khích lệ cô bé học vẽ và thậm chí còn bỏ tiền thuê thầy giáo dạy tại nhà. Sống trong gia đình tốt bụng ấy, lần đầu tiên trong đời Cabellut được đến trường học.

Lita Cabellut hồi tưởng về quá khứ: “Đó là giai đoạn khó khăn cho tôi khi đến trường học bởi vì tôi học quá muộn. Rất khó khăn khi bắt đầu tập đọc và viết khi mà tôi đã 13 tuổi. Tâm lý tôi cũng bị tác động vì những học trò khác nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi phải học những lớp học tư ở nhà”. Tuy nhiên, Lita Cabellut dần dần tiến bộ và bắt đầu lắng nghe “giọng nói của nghệ thuật”.

Lúc đó, Lita Cabellut quyết định học khoa nghệ thuật Viện Gerrit Rietveld tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Cabellut cho biết: “Lúc đó, rất khó vào được ngôi trường này bởi vì nó nổi tiếng từ thập niên 1980. Nhưng tôi có tham vọng của mình. Một lần nữa, tôi muốn trở thành một siêu anh hùng. Tôi có sự đam mê và định hướng – có thể gọi là sự cuồng nhiệt”.

Lita Cebellut chịu ảnh hưởng mạnh từ 3 nghệ sĩ bậc thầy – thứ nhất là Francisco de Goya và sau đó mới đến nhà điêu khắc Donatello thuộc trường phái Phục hưng ở Florentine (Italia) và nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach. Sau khi tốt nghiệp Viện Gerrit Rietveld, Cabellut vẫn tiếp tục ở lại Hà Lan và hiện thời bà sở hữu một studio ở The Hague. Thành công không hề đến một cách dễ dàng với Lita Cabellut.

Bà nói: “Khi còn trong giai đoạn phát triển, người nghệ sĩ cần có thời gian để tìm ra ngôn ngữ riêng cho mình và trở thành bậc thầy. Nếu bỏ qua thời gian này để chỉ lo kiếm tiền thì người nghệ sĩ sẽ không có cơ hội quay lại để phát triển nữa”. Sau khi thiết lập được mối quan hệ thân thiết với một gallery, Cabellut quyết định tập trung sáng tạo và không bán bất cứ bức tranh nào trong thời gian 2 năm.

Bức chân dung Charlie Chaplin (trái) và Don Quijote của Lita Cabellut.

Cabellut nhắc lại câu chuyện buồn: “Tôi vẽ một loạt những bức tranh gây sốc về mại dâm trẻ em và ông chủ gallery bảo: Đừng như thế Lita, Người ta không muốn những bức tranh như vậy đâu. Nên vẽ những thiên thần vì như thế sẽ bán được. Nhưng tôi nói không và thế là không còn được hợp tác với gallery nữa. Một nghệ sĩ phải đi theo định hướng của mình. Hôm nay có thể là những thiên thần, ngày mai là ác quỷ và bóng ma. Nếu không cố gắng phát triển phong cách nghệ thuật cho mình thì mình sẽ trở thành một thợ vẽ để kiếm tiền. Điều đó vô cùng nguy hiểm”.

Ngày nay, Lita Cabellut nổi tiếng với những bức tranh chân dung, trong đó bao gồm chân dung những người có tiếng tăm trên thế giới như là Coco Chanel và Charlie Chaplin; song kể cả những con người vô danh bị coi là xấu xí. Cabellut lập luận: “Tôi không nhìn thấy họ xấu xí. Tôi đã vẽ nhiều con người khác nhau. Tôi vẽ những con người mà có thể tìm thấy được vẻ đẹp thật sự đàng sau bề ngoài tầm thường của họ”.

Một số bức tranh chân dung của Cabellut cao đến 2 mét và bà phải treo người trên sợi dây thừng để vẽ nơi phần đỉnh. Lita Cabellut đã tổ chức thành công những cuộc triển lãm cá nhân tại thủ đô London nước Anh, thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Seoul của Hàn Quốc.

Để thu hút sự chú ý từ người dân Tây Ban Nha, Cabellut có kế hoạch tổ chức 2 cuộc triển lãm vào năm 2017 - một tại trụ sở tổ chức Antonio Vila Casas ở thành phố Barcelona, và thứ hai tại nhà bảo tàng nghệ thuật đương đại ở thành phố La Coruna.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.